Nỗi hổ thẹn, chúng đến từ đâu?

Theo Mark Manson, hổ thẹn không phải là một cảm xúc tồi tệ như nhiều người vẫn tưởng.

Mark Manson
Nỗi hổ thẹn, chúng đến từ đâu?

Nguồn: Nijwam Swargiary/Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Best Way to Resolve Your Shame”, đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Hãy thử nghĩ về vài điều trong đời mình mà bạn sẽ chết khiếp nếu bị ai đó biết được. Đó có thể là một niềm tin, một tính cách, một ham muốn tội lỗi, hoặc một thất bại khủng khiếp trong quá khứ tới độ bạn muốn vờ như chưa xảy ra. Dù đó là gì, chỉ nghĩ đến việc nó bị phơi bày thôi đã đủ tra tấn bạn. Nó khiến bạn chỉ muốn cuộn mình lại, trùm chăn lên đầu và lẩn trốn khỏi thế giới.

Các nhà tâm lý học gọi cảm giác này là “hổ thẹn”, và chúng ta đều có nó ở một mức độ nào đó. Sâu trong mỗi người luôn có vài phần “khó nuốt” mà chúng ta cố che đậy khỏi thế giới và xem như nó không tồn tại.

Nỗi hổ thẹn có thể tàn phá chúng ta. Nó liên quan đến tất cả những thứ khủng khiếp như trầm cảm, giận dữ và thù hằn mất kiểm soát, sức khỏe thể chất kém, và biến thành một kẻ ái kỷ.

Vì thế mà hổ thẹn trở thành một dạng “ông kẹ” trong thế giới self-help mà bạn cần phơi bày, loại bỏ và giải phóng khỏi mình.

Những tác hại của hổ thẹn đã được John Bradshaw phổ biến trong tác phẩm self-help kinh điển xuất bản năm 1988 của mình mang tên "Healing the Shame that Binds You". Kể từ đó, việc tạo nên vỏ bọc nhằm xóa bỏ nỗi hổ thẹn trở thành chủ đề của nhiều nhà nghiên cứu và tác giả self-help. Đáng chú ý nhất là Brené Brown, người đã chỉ ra rằng chúng ta “không có khả năng thay đổi” là do sự hổ thẹn. Ngoài ra còn có Deepak Chopra, một người có những lý thuyết ngụy khoa học kỳ lạ về hổ thẹn.

Vì lẽ đó, chúng ta được bảo rằng chìa khóa dẫn đến miền đất hứa của tình yêu và hạnh phúc là xóa bỏ mọi hổ thẹn và tội lỗi khỏi cuộc sống. Một số nhà tư tưởng thậm chí còn đi xa đến mức cho rằng hổ thẹn không "có thật" mà được kiến tạo bởi xã hội, tôn giáo hoặc các bậc phụ huynh tàn ác. 

Sự hổ thẹn được khắc họa như thể nó vô cùng tồi tệ và chúng ta nên dứt bỏ nó một cách triệt để. 

Dù rõ ràng hầu hết chúng ta đều vật vã với nỗi hổ thẹn và tội lỗi, chúng ta lại đưa chuyến tàu hổ thẹn này đi hơi xa. Tôi nghĩ ta nên có vài bến đỗ để đánh giá lại nguồn cơn của nỗi hổ thẹn. Biết đâu lại rút ra được kết luận đa chiều hơn về lý do vì sao rất nhiều người lại cảm thấy tồi tệ, và ta có thể làm gì với nó. 

Cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi

Trước tiên, hãy bắt đầu với sự thật hiển nhiên: hổ thẹn và tội lỗi là những điều con người ai cũng có. Chúng hiện diện ở mọi nền văn hóa. Từ các xã hội hiện đại, quy mô đến những người săn bắn hái lượm thiểu số.

Vì vậy dù có rất nhiều người trên thế giới này lợi dụng sự hổ thẹn và tội lỗi của bạn, nó lại chẳng phải là phát minh của một kẻ phản diện thời nay. Hổ thẹn và tội lỗi là một phần bẩm sinh của trải nghiệm làm người.

Hổ thẹn là cảm giác thất vọng — hoặc thậm chí vô dụng — mà bạn trải qua khi không đáp ứng được những kỳ vọng xác định nên “cốt lõi con người” mình. 

Khi ta hổ thẹn, cảm giác ấy sẽ như thể ánh đèn sân khấu đang rọi vào tất cả những phần xấu xí, tăm tối bên trong ta. Sự hổ thẹn giống như chiếc kính lúp soi vào những vùng xa xôi ghê tởm trong danh tính của ta. Do đó bản năng của chúng ta là che giấu những điều làm ta thấy hổ thẹn.

Và chính việc che giấu bản thân, chứ không phải sự hổ thẹn, mới là thứ khiến tâm lý ta rối bời. 

Nếu hổ thẹn về cảm xúc của mình, chúng bị thôi thúc phải giấu nó đi. Nếu hổ thẹn về cơ thể của mình, chúng ta bị thôi thúc phải che nó lại.

Cảm giác tội lỗi là một người anh em họ gần của hổ thẹn, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: nếu hổ thẹn khiến bạn cảm thấy tồi tệ về con người mình, thì tội lỗi là cảm thấy khủng khiếp về những gì bạn đã làm.

Điều quan trọng là phân biệt được lằn ranh mong manh giữa cảm giác tội lỗi và hổ thẹn, vì cái nào cũng có thể phát sinh khi bạn làm điều gì sai. Nhưng nếu cảm giác tội là kết quả của thái độ “Tôi có thể sửa chữa điều này; con người tôi không phải như vậy”, thì hổ thẹn lại là “Đây là tôi; không có cách nào quay đầu được đâu.”

Như một hệ quả, cảm giác tội lỗi, nếu không được khắc phục, sau cùng sẽ biến thành sự hổ thẹn.

Những sai lầm một lần như không phụ giúp bạn chuyển nhà hay không gọi điện chúc mừng sinh nhật mẹ khiến chúng ta thấy tội lỗi. Nhưng những gì chúng ta làm để đối phó với mặc cảm tội lỗi ấy lại mang những tác động sâu rộng đến danh tính và lòng tự trọng của ta.  

Nếu ta xin lỗi và hứa lần sau sẽ làm tốt hơn, cảm giác tội lỗi sẽ giảm bớt và ta vẫn tiếp tục cuộc sống của mình. Nhưng nếu ta chôn vùi sai lầm và vờ như nó không xảy ra, hoặc đổ lỗi cho bạn bè vì đã chuyển chỗ ở quá thường xuyên, cho mẹ mình vì đã sinh vào một ngày đặc biệt bất tiện trong năm, thì cảm giác tội lỗi sẽ trở thành nỗi hổ thẹn. Nó trở thành một thứ gì đó kinh hoàng và thô thiển tới mức phải bị che giấu không để ai vạch trần.

Và chính sự giấu giếm này cuối cùng sẽ làm tổn thương chúng ta. Bởi trong đời thực, điều này thể hiện sự lệch lạc về trách nhiệm. Nó giống như gây hấn thụ động, thao túng và thiếu tin tưởng. Nó ăn mòn và đầu độc các mối quan hệ cũng như phá hủy hoài bão của chúng ta. Và như bất kỳ người nghiện nào cũng sẽ nói với bạn, mức độ hổ thẹn quá lớn có thể giết chết ta từ bên trong.

Đây là lý do tại sao lại có một cuộc chiến chống lại nỗi hổ thẹn trong văn học self-help. Và đúng vậy — như tôi đã nói, hổ thẹn có thể khiến chúng ta đau khổ. Khi đã nhận ra một số khía cạnh của bản thân xấu xa và ác tính, ta tiếp tục tạo ra đủ loại hành vi sai lầm và thiên hướng tệ hại để che đậy cho mình ,nhằm bịt lại sự thật khủng khiếp mà ta không muốn ai nghe thấy. 

Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện về sự hổ thẹn. Giống như mọi cảm xúc, hổ thẹn có thể là con dao hai lưỡi. Cũng như hạnh phúc vẫn có mặt tối, hay trong mất mát và buồn đau vẫn tồn tại ý nghĩa to lớn, cảm giác tội lỗi và hổ thẹn vẫn có lợi ích nhất định nhưng chưa được đề cập nhiều.

Vì vậy, trước khi chúng ta kịp đeo cương lên con ngựa tâm lý của mình và tham gia cuộc kháng chiến chống lại sự hổ thẹn, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn tại sao ngay từ đầu cảm xúc này lại phát triển.

Hổ thẹn và tội lỗi: Keo dán của văn minh?

Một thực tế đáng buồn là những căng thẳng cố hữu giữa cá nhân và xã hội sẽ không bao giờ mất đi, miễn là con người còn tồn tại. Tôi muốn nghỉ vào buổi chiều để đi chơi. Tôi muốn buôn bán thuốc phiện mỗi khi có nhu cầu. Tôi muốn khỏa thân trượt tuyết và đăng video lên YouTube. Nhưng nếu tất cả mọi người đều hành động bốc đồng như vậy thì thế giới sẽ là một mớ hỗn độn loạn lạc.

Kết quả là xã hội loài người đòi hỏi sự thỏa hiệp. Khi còn trẻ, bạn và tôi học cách từ bỏ một số ham muốn cá nhân, bởi vì khi làm vậy, nó tạo ra một xã hội đầy đủ chức năng để tất cả chúng ta đều được hưởng lợi. 

Về cơ bản, đây là những gì các chuẩn mực văn hóa và xã hội thúc đẩy chúng ta thực hiện. Đừng nói thế này. Đừng mặc cái đó. Nói "cảm ơn" sau khi được bạn bè bảo lãnh ra tù. Đây là những thực hành đơn giản giúp bôi trơn bánh xe của xã hội. Mặc dù chúng có thể đòi hỏi một chút hy sinh từ cá nhân nhưng nhìn chung, chúng cải thiện những khía cạnh còn lại của cuộc sống.

Nhưng làm thế nào để thuyết phục ai đó từ bỏ thôi thúc và ham muốn cá nhân vì những điều tốt đẹp hơn? Làm thế nào để bạn tạo động lực khiến họ kiêng dè những hành vi có hại cho số đông, ngay cả khi điều đó có thể có lợi cho họ? Từ đâu mà có những chuẩn mực này và làm thế nào để mọi người hiểu được những kỳ vọng mà họ cần tuân theo?

Đúng rồi đó. Bạn làm họ hổ thẹn.

Sự phát triển của cảm xúc tự ý thức

"Cảm xúc cơ bản" và tất cả các cảm xúc khác được các nhà tâm lý học phân biệt như sau. Cảm xúc cơ bản là những cảm xúc nền móng nhất hỗ trợ trực tiếp cho sự sinh tồn của ta. Nỗi sợ là một ví dụ điển hình: sợ hãi những thứ nhất định như rắn và rìa vách đá mang lại lợi thế sinh tồn rất lớn so với việc không sợ hãi chúng. 

Cảm xúc cơ bản là bẩm sinh. Mọi người đều có chúng từ khi sinh ra. 

Nhưng khi chúng ta lớn lên, một vài điều bắt đầu đổi thay và bảng màu cảm xúc của chúng ta được mở rộng. Chúng ta nhận ra rằng trên đời còn tồn tại các cá nhân khác, cũng như nhận thức, suy nghĩ và đánh giá của họ có ảnh hưởng đến mình. Trên thực tế là ảnh hưởng rất nhiều, và chúng ta luôn ước rằng giá như họ đừng như thế.

Các nhà tâm lý học đặt tên cho loại nhận thức này là “cảm xúc tự ý thức”. Nó bao gồm hổ thẹn, tội lỗi, xấu hổ và tự hào. Ta ý thức được các cảm xúc này dựa trên cách mà ta tin mình được người khác nhìn nhận và cách mà ta tự nhìn nhận mình. Cảm xúc tự ý thức phát triển vì một lý do tiềm ẩn nhưng quan trọng: chúng giúp con người hợp tác và sống cùng nhau theo nhóm.

Bánh xe cảm xúc (feeling wheel) là một công cụ trị liệu được phát triển bởi Tiến sĩ Gloria Wilcox. Phần trung tâm gồm 6 cảm xúc cơ bản, càng tiến ra xa phần trung tâm thì càng phân thành những cảm xúc cụ thể và mang tính xã hội hơn. Lưu ý, những cảm xúc tự ý thức như hổ thẹn, tội lỗi và xấu hổ đều là phần mở rộng của nỗi buồn, trong khi niềm tự hào là phần mở rộng của hạnh phúc.

Giả sử chúng ta là trẻ con. Tôi dùng một chiếc xe tải đồ chơi đánh vào đầu và cướp nó khỏi tay bạn. Nếu tôi chưa phát triển cảm xúc tự ý thức — chẳng hạn như nếu tôi mới hai tuổi — tôi sẽ không cảm thấy tồi tệ về điều này. Tại sao? Không phải vì những đứa trẻ hai tuổi là “con nít quỷ”, mà chỉ đơn giản là vì tôi chưa phát triển khả năng cảm nhận suy nghĩ và cảm xúc của người khác.

Nhưng giả sử tôi lớn hơn và đã có những cảm xúc tự ý thức. Tôi sẽ cảm thấy tội lỗi và có lẽ là một chút xấu hổ hoặc hổ thẹn kèm theo. Tôi sẽ trả lại chiếc xe tải đồ chơi cho bạn rồi nói lời xin lỗi. Có khi tôi còn tặng luôn cho bạn chiếc xe đồ chơi của mình. Chúng ta trở thành bạn bè và cùng chơi với nhau. Lúc này, niềm tự hào ngập tràn trong tôi. Thế là tôi trở thành cậu bé ngoan.

Những cảm xúc tự ý thức này sẽ nhẹ nhàng hướng mọi người đến những hành vi vì xã hội hơn. Chúng cần thiết vì đây là keo dán giúp ta liên kết thành các nhóm chức năng và cộng đồng. Câu "bạn không biết hổ thẹn à?" được coi là một lời buộc tội cũng có lý do của nó. Nếu bạn loanh quanh lang chạ với vợ/chồng của người khác, hoặc đại tiện ở giữa lối đi siêu thị, rõ ràng bạn không có cảm giác hổ thẹn lành mạnh và sự thiếu hổ thẹn đó sẽ làm đảo lộn tính ổn định của mọi thứ.

Ở đây chúng ta có thể thấy: nếu cảm giác tội lỗi và hổ thẹn ngập tràn có thể gây tê liệt và hủy hoại một người, thì việc vắng bóng chúng cũng tồi tệ tương tự, nếu không muốn nói là tệ hơn. 

Bạn (hy vọng) mình không ngủ lang với bạn đời của bạn bè và phóng uế ở các lối đi siêu thị vì bạn sợ bị xã hội trừng phạt. Và đó là một nỗi sợ lành mạnh - bị đe dọa bởi cảm giác hổ thẹn khiến bạn, bộ phận sinh dục lẫn ruột già của bạn luôn được kiểm soát.

Trong khi cảm giác hổ thẹn ngăn bạn làm những điều ngu ngốc hoặc tệ hại, thì cảm giác tội lỗi cũng thúc đẩy bạn sửa sai. Khi cảm thấy tội lỗi về điều gì đó, chúng ta thường tìm cách khắc phục. Chúng ta xin lỗi và trong một số trường hợp, chúng ta bù đắp. 

Điều này khiến ta cảm thấy tệ thật đấy. Nhưng nó lại lành mạnh. Thể hiện sự hối lỗi và đề xuất được sửa sai cho thấy rằng: 

1. Chúng ta ý thức được những quy tắc và biết rằng mình đã phá vỡ chúng.

2. Chúng ta quan tâm đến người khác đủ để cố gắng sửa chữa lỗi lầm.

Tóm lại, sự hổ thẹn và tội lỗi là giải pháp cho vấn đề cố hữu khi bạn sống giữa một cộng đồng: chúng giúp điều chỉnh hành vi của toàn bộ nhóm ở cấp độ cá nhân.

Nhờ vậy mà các thành phố, quốc gia, nền kinh tế và các bữa tiệc sinh nhật mới khả thi được. 

Còn tiếp...


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục