"Nữ công - gia chánh, tôi chọn cả hai"

Với chị Linh, kiếm nhiều tiền là cách chị bảo vệ những thứ mình yêu quý.
Sovy Han
Nguồn: Vũ Thuỳ Linh.

Nguồn: Vũ Thuỳ Linh.

Lớn lên trong một gia đình kinh doanh, Vũ Thuỳ Linh đã sớm tiếp xúc với những bài học, câu chuyện về tài chính qua những lần được phụ giúp việc gia đình.

Cơ duyên này lớn dần và trở thành đam mê, động lực để chị định hướng sự nghiệp, từ một chuyên viên ngành ngân hàng cho đến một thạc sĩ, một cây viết của lĩnh vực tài chính. Hiện tại, Linh là Head of Client Solutions và host của podcast mới nhất trên Vietcetera mang tên 'First, Lady'.

Trò chuyện cho nội dung The Money Date mở đầu tháng 11, Vietcetera được Linh chia sẻ nhiều hơn về cách chị quản lý tài chính.

Với chị Linh, đó là tổng hòa của 3 yếu tố: may mắn, sự hỗ trợ từ gia đình, và trung thành với mục đích kiếm tiền lành mạnh.

1. Chị đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?

100 triệu đầu tiên của mình đến từ việc tiết kiệm tiền lương thời sinh viên. Chúng là thành quả của nhiều năm, và không đến từ một nguồn.

Lúc còn học đại học tại Việt Nam, miễn là công việc lương thiện kiếm ra tiền thì mình đều muốn thử. Từ dạy thêm, chấm bài, coi thi, bán hàng cho đến nhân viên tiếp thị (PG). Tuy nhiên, do mức lương sinh viên hạn chế, nên nguồn này cũng chỉ đủ tiêu xài chứ chưa tiết kiệm được.

Về sau, mình có cơ hội đi du học. Ở xứ người, mình vẫn duy trì việc vừa học vừa làm bằng nhiều nghề. Hiểu lợi thế tiếng Việt của bản thân, mình chọn làm những công việc đặc thù như phiên dịch, tổ chức sự kiện, hội chợ du lịch với mức lương khá tốt. Thậm chí, có những tháng mình kiếm được 100 triệu/tháng.

Trừ đi chi phí sinh hoạt, tiền nhà, chi phí du lịch, khi về nước mình đã có một khoảng tiết kiệm đủ để tự do lựa chọn con đường tiếp theo.

2. Khoản đầu tư nào chị thấy đáng tiền nhất?

Mình quan niệm đầu tư cho bản thân, đặc biệt là giáo dục luôn được ưu tiên lên hàng đầu.

Vì thế, khoản đầu tư gần đây mình thấy đáng tiền nhất là một khóa học về khai vấn, trị giá khoảng 50 triệu đồng cho 10 buổi học nguyên ngày.

Khai vấn cũng là hình thức khá mới ở Việt Nam, giúp người được khai vấn kết nối với bản thân và tự tìm ra câu trả lời cho các khúc mắc của mình. Thông qua khóa học và những bài tập thực hành về thông minh cảm xúc, mình được học cách gọi tên, nhận diện và từ đó ôm ấp chấp nhận cảm xúc của chính bản thân.

Giờ đây, mỗi khi đứng trước một quyết định đắn đo cần suy nghĩ, mình đều kết nối lại với bản thân xem mình thật sự cần gì.

Cuộc sống khi được nói ra, chia sẻ và sống thật với cảm xúc là một trạng thái hài lòng, hạnh phúc mà mình không thể mua được bằng tiền.

3. Mức lương đầu tiên mà bạn nhận là bao nhiêu?

Đó là hồi học lớp 2, khi mình được trả 5 nghìn đồng khi giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Mình nhớ là để làm hết khối lượng công việc đó cũng phải mất khoảng 2 tiếng, mỗi lần làm xong đều thấy mệt.

Nhưng khi nhận được 5 nghìn, đủ để mua 1 quyển truyện Conan hay Vua Trò Chơi thời đó, mình thấy cực kỳ hạnh phúc và mong ngày nào cũng được làm việc.

Nhờ công việc đầu tiên, mình hiểu được giá trị của đồng tiền cũng như lời bố mẹ dạy: "Muốn có tiền thì phải lao động, không phải cứ cần là có, muốn là được hay chờ vào vận may".

4. Một lời khuyên về tiền phải nói cho con cháu?

Chắc chắn là chuyện tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt.

Cách đây khoảng 10 năm, khi mới ra trường mình chi tiêu rất tính toán và tiết kiệm. Một phần vì khi đó thu nhập còn chưa cao. Phần khác vì mình đặt mục tiêu rõ ràng, phải kiếm được một số tiền trước khi làm các việc sau đó.

Ví dụ, mình sẵn sàng từ chối nếu bạn bè rủ đi ăn một quán ngon nhưng đắt đỏ do đã "lố" ngân sách tháng, thay vào đó mình rủ bạn đi ăn ở một quán bình dân hơn.

5. Trong một thế giới hoàn hảo, chị sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Mình sẽ nghỉ hưu khi nào đạt được tự do về tài chính. Cụ thể, là số tiền đủ để 1 năm đi du lịch dài ngày hai lần. Mùa hè thì thuê một căn airbnb trong rừng tại Thụy Sĩ, hàng ngày đi trekking và chạy bộ giống nhà văn Murakami. Mùa đông đi tránh rét, lặn biển ở Great Barrier (Úc).

Mình còn 8 năm để đạt được mong muốn đó nên sẽ còn phải cố gắng nhiều!

Ngoài ra, mình vẫn hay nói nửa thật nửa đùa với chồng rằng tới năm 40 tuổi, mình có thể làm một người khai vấn toàn thời gian để có thể giúp được nhiều người kết nối được với bản thân họ.

6. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của bạn là gì?

Mình mong được làm cô bán thịt lợn, ước mơ đơn giản là ngày nào cũng được ăn thịt và cắn thịt ngập răng!

7. Nếu bây giờ đi học lại, bạn sẽ học gì?

Mình đã học ngành tài chính ngân hàng cả ở bậc đại học và cao học, nếu chọn lại chắc mình vẫn sẽ không thay đổi quyết định. Đơn giản vì đó là ngành học an toàn khi chưa biết mình thực sự thích gì.

Những kiến thức, tư duy tài chính mình nhận được đã giúp ích rất nhiều trong con đường vươn tới tự do tài chính hiện tại của mình và gia đình.

Mình hiện có dự định học tiếp một khóa chính quy (hệ đại học) về tâm lý học, để hỗ trợ cho mong muốn thành người khai vấn toàn thời gian trong 10 năm tới.

8. Cách chị tiêu tiền ở thời điểm hiện tại khác thế nào với năm 20 tuổi?

Hiện tại mình tiêu tiền đã thoáng hơn nhiều so với năm 20 tuổi, do đã có tích lũy và thu nhập cũng tăng hơn nhiều.

Ngoài ra, điều mình thấy khác biệt nhất, tuổi 20 thu nhập của mình chỉ lo cho bản thân, nhưng giờ đây khi có con, có gia đình, mình hiểu được cảm giác cho đi vô điều kiện, dành những gì tốt nhất cho con, gia đình và bố mẹ.

Ví dụ, trước đây mình sẽ tiết kiệm để đi tận hưởng, du lịch cùng bạn bè và mua sắm cho mình. Còn bây giờ mình sẽ tặng bố mẹ gia đình hai bên những trải nghiệm và các chuyến du lịch cùng nhau.

9. Chị thích hình thức đầu tư nào nhất?

Chứng khoán là hình thức đầu tư mình theo từ những năm còn ngồi trên ghế đại học và chắc chắn là hình thức mà mình thấy thích nhất.

Chứng khoán cho mình rất nhiều thứ. Không chỉ là một tài khoản đầu tư, tiết kiệm mà còn là những bài học về kiểm soát cảm xúc, kỷ luật với bản thân trong các quyết định mua bán.

Hiện tại dù không còn làm trong ngành tài chính nữa, nhưng việc giữ một phần danh mục đầu tư vào chứng khoán khiến mình vẫn thấy thích thú tìm hiểu, đọc về các tin tức kinh tế, tình hình phát triển của nhóm ngành hay công ty như một thói quen.

Các nhà đầu tư trong thời gian này chắc cũng đang không được lạc quan, nhưng mình tin chứng khoán vẫn sẽ là một kênh đầu tư tốt về dài hạn.

10. Trở về tuổi 20 với vốn kiến thức hiện có hay chọn già thêm 20 tuổi nhưng sở hữu sở hữu 100 tỷ?

Mình luôn thấy con người có những tài nguyên không thể đánh đổi là thời gian và sức khỏe.

Một khi mình có kiến thức, có sức khỏe thì cơ hội kiếm tiền vẫn sẽ luôn ở đó. Với kiến thức mình có được và sức liều của tuổi trẻ, mình tin là có thể kiếm được nhiều hơn 100 tỷ trong 30 năm.

Thế nên chắc chắn mình sẽ luôn chọn vế đầu tiên, dù số tiền vế sau có là 100 hay 1000 tỷ đi nữa!

Podcast 'First, Lady' là nơi gặp gỡ các các nữ lãnh đạo, nữ doanh nhân và những người phụ nữ có sức ảnh hưởng, để cùng tìm hiểu về những “lần đầu tiên” của họ ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Trong sự nghiệp, trong hành trình làm mẹ và trong cách cân bằng nhiều vai trò cùng một lúc.

Bạn có thể xem tập podcast đầu tiên tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục