Quên best-seller đi, đây mới là 5 cách chọn sách hay
Trong biển sách đang ngày một nhiều, làm thế nào để tìm thấy quyển sách đúng cho bạn?
Thị trường sách ở Việt Nam chưa bao giờ nở rộ như thời điểm hiện tại. Chỉ trong năm 2019, đã có hơn 33.000 đầu sách được xuất bản ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là với tư cách một bạn đọc, bạn có 33.000 lựa chọn.
Vậy làm thế nào để chọn ra những “hạt vàng” cho chính mình trong “biển sách” đó? Sau nhiều năm được tiếp xúc với môi trường xuất bản, tôi nhận ra chọn sách cũng cần có bí kíp. Năm điều dưới đây là những gì tôi tổng hợp được, với hy vọng sẽ giúp bạn “đãi cát tìm vàng.”
1. Best-seller chưa chắc đã hay
Đúng như tên gọi của nó, best-seller là sách bán chạy nhất. Vì là bán chạy nhất, danh hiệu này có ý nghĩa với người bán sách hơn người đọc sách. Và việc được vinh danh là sách bán chạy nhất hoàn toàn không đảm bảo đó là cuốn sách có giá trị nhất.
Chính The New York Times (NYT), cái tên uy tín đằng sau những tựa sách best-seller cũng phân định rõ: “sách best-seller do NYT ghi danh” và “sách được NYT đánh giá là sách hay nhất” là hai thứ khác nhau.
Tuy nhiên, đây vẫn là một yếu tố quyết định trong việc chọn sách của nhiều người: sách nhiều người mua chắc hẳn là sách có giá trị.
Vậy làm thế nào để một đầu sách được mác best-seller?
Thực tế theo truyền thống, danh sách best-seller chỉ được chọn lọc bởi một số cơ quan truyền thông uy tín như The New York Times hay Wall Street Journal. Họ dựa trên doanh thu của một số nhà bán lẻ sách độc lập. Danh sách này thường không được công bố.
Các danh sách best-seller trong các hạng mục được chia dựa trên hai yếu tố: nội dung và hình thức thể hiện. Riêng The New York Times đã có 11 danh sách tuần và 5 danh sách tháng.
Sau này, nhằm đẩy doanh số, các nhà bán lẻ như Amazon, hay tại Việt Nam là Tiki, cũng bắt đầu cho ra vô số danh sách best-seller của riêng mình. Giữa rừng sách mà tất cả đều thuộc hàng bán-chạy-nhất, liệu chúng có thật sự là những cuốn hay nhất không?
Chưa kể, mấy ai trong chúng ta phân biệt được giữa sách best-seller hay sách của tác giả best-seller (người đã từng có tác phẩm best-seller nhưng không phải cuốn này)? Best-seller ở Mỹ hay best-seller toàn cầu? Best-seller tuần hay best-seller tháng?
Tương tự với việc nở rộ các cuộc thi sắc đẹp, best-seller — danh xưng hoa hậu trong làng sách cũng vì thế mà kém danh giá và ít tin cậy hơn.
2. Sách giảm giá không phải sách ế
Ngược lại với câu chuyện “loạn best-seller”, nhiều cuốn sách tốt lại bị tiếng oan khi thường xuyên có mặt trong mục “sách giảm giá”.
Nhưng việc giảm giá sách thật ra là một chiến lược của các thương hiệu phát hành, gọi là thử nước (test the water).
Ban đầu, một tựa sách mới thường được in với số lượng không cao—từ 1000 đến 3000 bản. Nếu sách được đón nhận tốt trong tuần đầu ra mắt, thương hiệu phát hành sẽ đẩy mạnh marketing bằng cách ưu tiên giới thiệu, giảm giá, hoặc tặng theo hình thức giveaway. Sau vài tuần, nếu doanh thu vẫn giữ nhịp, thương hiệu sẽ lên kế hoạch cho đợt tái bản tiếp theo.
Cũng có những tựa sách dù không tạo tiếng vang ngay nhưng vẫn có sức bán ổn định. Điều này là thuần tuý nhờ vào chất lượng nội dung. Các thương hiệu cũng dựa vào yếu tố này để đẩy mạnh truyền thông, tái bản và thực hiện các chương trình khuyến mãi.
Và tất nhiên, đầu sách cũng sẽ được giảm giá vào giai đoạn cuối nhằm đẩy sách tồn kho. Cho đến lần tái bản kế tiếp, các đợt khuyến mãi lại cứ thế xoay vòng.
Giảm giá sách thật ra là một hình thức để giới thiệu các đầu sách hay, nhằm giữ chân độc giả quay lại với thương hiệu và cả tác giả. Và tất nhiên, một cuốn sách hay ắt sẽ kéo về lượng độc giả cho riêng nó.
Vậy, lần tới ghé hiệu sách hay vào các trang thương mại điện tử, đừng bỏ qua những kệ giảm giá. Không phải cứ sách giảm giá là do chúng không hay.
3. Đọc… ngoài cuốn sách
Người ta vẫn thường bảo “Đừng đánh giá một cuốn sách qua trang bìa.” Nhưng một cuốn sách sẽ gây ấn tượng với bạn bằng… bìa sau của nó.
Bìa sau, hay mặt sau của bìa sách, là trang tóm tắt nội dung sách và lời nhận xét. Nội dung bìa sau thường được giới hạn trong khoảng 200 đến 250 từ. Đây được coi là 250 từ vàng ngọc, bởi đây là 250 từ quảng cáo đầu tiên mà cuốn sách có.
Thông thường, tác giả sẽ là người viết tóm tắt và chọn ra lời nhận xét cho sách của mình. Nhưng có những trường hợp, đội PR của thương hiệu sách sẽ đảm nhiệm phần này. Họ muốn tối ưu hóa 250 chữ ở bìa sau sao cho hấp dẫn, thu hút và đạt hiệu quả marketing cao nhất.
Cũng vì điều này mà đôi lúc, lời nhận xét trên bìa sau khó có thể khách quan và đôi khi mang nặng tính marketing.
Nhưng một tác giả cẩn thận và có trách nhiệm sẽ khó lòng chấp nhận một đoạn tóm tắt hời hợt hay nhận xét sáo rỗng. Họ sẽ bỏ công viết và tóm tắt được những ý hấp dẫn nhất của cuốn sách, đồng thời chọn lời nhận xét chân thật đến từ những cá nhân uy tín.
Tất nhiên, nếu người viết nhận xét có tên tuổi lớn, lời bình của họ sẽ có giá trị hơn. Nhưng dù uy tín hay không, không ít người viết nhận xét thực sự đã rất xúc động sau khi đọc sách. Những cảm xúc mạnh mẽ ấy cũng khó mà giấu nổi sau con chữ.
Vì thế, tôi tin rằng bạn có thể đọc được khá nhiều điều đằng sau cuốn sách.
4. Để ý đến thương hiệu phát hành
Khác với các nhà xuất bản sẽ hướng tới việc đa dạng hóa thể loại sách, các thương hiệu sách sẽ có định hướng về dòng sách mũi tàu tạo nên thương hiệu của họ. Bạn cũng có thể chọn theo dõi kênh truyền thông của thương hiệu sách mà bạn thấy hợp với mình.
5. Nghe người khác nói về sách
Để hiểu hơn về một cuốn sách, cách tốt nhất là theo dõi trang blog hoặc mạng xã hội của tác giả. Những chia sẻ của họ về đầu sách của mình cũng như của người khác sẽ là cơ sở để bạn đánh giá liệu mình có hợp với cách diễn đạt và góc nhìn của họ không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các góc nhìn và đánh giá từ các KOL, các diễn đàn hay Facebook group chuyên review sách. Đọc càng nhiều đánh giá, góc nhìn của bạn về cuốn sách sẽ càng đa chiều.
Cuối cùng, bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ sách hay các sự kiện cà phê sách. Nhiều người cho rằng phải đọc sách rồi thì mới nên tham gia bàn luận về nó. Tôi lại nghĩ dù chưa đọc, đến một buổi thảo luận vẫn sẽ cho tôi biết cuốn sách có hợp với mình không và liệu tôi có thể yêu cuốn sách ấy vượt lên nhận định của người khác hay không.
Dù đây có thể là một việc khá mất thời gian, nhưng đây sẽ là một thực hành mang giá trị lâu dài. Tích cực tham gia bàn luận, chiêm nghiệm và chìm đắm trong thế giới của sách sẽ giúp bạn định hình một gu đọc rõ ràng. Từ đó, việc “đãi cát tìm vàng” sẽ ngày một dễ hơn.