Vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái co-working khu vực Đông Nam Á: Chia sẻ từ Ray Tan, Head of Growth của WeWork SEA
Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện cùng Ray Tan, hiện đang là Head of Growth của WeWork Đông Nam Á, để hiểu thêm về tuyên bố giá trị của WeWork trong việc giúp đỡ các công ty đi đến thành công trong thời điểm đầy bất định như hiện nay.
This post is also available in: English
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều startup phụ thuộc vào co-working space (không gian làm việc chung), đặc biệt là khi các tòa nhà hạng A tại các quận trung tâm không thể đáp ứng hết nhu cầu về văn phòng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo từ công ty địa ốc Savills Việt Nam, tháng 9/2019, các công ty chia sẻ không gian làm việc chung thuê 52% số văn phòng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các tòa nhà đang trong quá trình thi công.
Cũng theo một báo cáo khác bởi công ty tư vấn Coworking Resources, năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng 41 trên tổng số 50 thị trường co-working space nổi bật nhất thế giới, trung bình cứ 47,5 ngày lại có 1 co-working space mới được mở.
Thậm chí là khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nhu cầu về văn phòng chia sẻ vẫn không ngừng tăng mạnh. Hậu đại dịch, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu thể hiện sức bật đáng nể của mình, trong quá trình đó, họ lựa chọn WeWork như một giải pháp không gian làm việc linh động. Có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam từ tháng 03/2019, hiện WeWork có 3 chi nhánh được đặt tại E. Town Central, Quận 4; Sonatus Building, Quận 1 và Lim Tower 3, Phường Đa Kao, Quận 1.
Trực tiếp phụ trách công việc phát triển kinh doanh của WeWork tại khu vực là anh Ray Tan, hiện đang là Head of Growth của WeWork Đông Nam Á. Trước khi gia nhập WeWork, Ray từng nắm giữ vị trí Head of Partnerships & Business Development tại Spacemob, chịu trách nhiệm cho các chiến lược thương mại, phát triển kinh doanh và bất động sản. Sự nghiệp của Ray bao gồm những cái tên lớn như HomeAway Asia, BlackBerry và Yahoo!.
Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng Ray để hiểu thêm về tuyên bố giá trị của WeWork trong việc giúp đỡ các công ty đi đến thành công trong thời điểm đầy bất định như hiện nay.
Một vài khác biệt trong việc quản lý WeWork tại Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực tại thời điểm này là gì?
Là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự thể hiện của Việt Nam xuất sắc hơn cả kỳ vọng của thế giới. Chúng tôi đã được chứng kiến những giải pháp chủ động và kịp thời từ phía Chính phủ Việt Nam nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch — điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các chiến lược của chúng tôi tại Việt Nam.
Theo đó, mọi quyết định về vận hành của chúng tôi đều tuân theo chỉ đạo từ phía Chính phủ. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với các cơ quan ban ngành để xin phép được hoạt động trở lại cũng như thực hiện các biện pháp an toàn cho cả nhân viên và member (thành viên) của WeWork.
Nhờ vào mạng lưới quan hệ rộng lớn trong khu vực cũng như trên toàn cầu mà chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm, vận dụng những phương pháp hiệu quả nhất đến từ đội ngũ Trung Quốc để áp dụng và đối phó với tình huống tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cũng phân bổ một đội ngũ phòng chống dịch để thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch, từ việc tăng cường dọn dẹp vệ sinh tại các khu vực chung và kiểm tra thân nhiệt của mọi nhân viên, thành viên và khách của họ. Chúng tôi cũng hợp tác sát sao với ban quản lý của các toà nhà để thực hiện đầy đủ các yêu cầu từ Chính phủ nhằm đảm bảo duy trì hoạt động.
Tuy mỗi quốc gia có cách phòng chống dịch khác nhau, đội ngũ của chúng tôi vẫn cố gắng để chiến lược vận hành tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được nhất quán nhất có thể.
Tình hình hiện tại ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái co-working space?
COVID-19 đã phần nào thay đổi nhu cầu sử dụng văn phòng của nhiều công ty, từ đó nhiều nhu cầu sử dụng văn phòng mới bắt đầu xuất hiện. Đại dịch cũng cho thấy tính linh động và sự hỗ trợ để có thể phản ứng/chuyển đổi nhanh chóng đến môi trường làm việc mới là quan trọng thế nào đối với các doanh nghiệp.
Từ góc nhìn của một người trong ngành, chúng tôi đã và đang nhìn thấy một tín hiệu tích cực cho thấy co-working space sẽ là giải pháp dài lâu cho các doanh nghiệp: để họ có thể phân tán đội ngũ của mình thành nhiều nhóm nhỏ, cắt giảm chi phí vận hành cũng như linh động về không gian khi tăng/giảm nhân viên. Đây là thực tế mới đã được chứng minh khi các thành viên của WeWork bắt đầu quay trở lại văn phòng tại các địa điểm của chúng tôi.
Chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào tương lai tươi sáng của WeWork với 3 lý do chính sau đây:
- Vận hành hiệu quả: Các công ty trong mọi lĩnh vực sẽ đối mặt với sự dè dặt tăng trưởng (conservative growth) trên quá trình hồi phục. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc phản hồi nhanh chóng trước các tình huống rủi ro khó lường, đòi hỏi sự nhanh nhạy đi kèm với chiến lược. Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy mình đóng vai trò là nguồn lực chính cho sự hồi phục — WeWork đang ở vị thế có thể giúp đỡ các công ty hoặc các cá nhân trong quá trình tìm ra chiến lược mới, giúp đội ngũ của họ có thể làm quen với thực tế mới. Các dịch vụ của chúng tôi giúp các doanh nghiệp cắt giảm các chi phí cố định như tiền thuê và chi phí vận hành đến 50%.
- Linh động: Từ trước đến nay ưu tiên hàng đầu của chúng tôi luôn là mang đến giải pháp linh động về không gian và thời gian. Với tình hình kinh tế nhiều biến động như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải đánh giá lại nhu cầu bất động sản dài hạn của họ, vì thế những giải pháp linh động sẽ ngày càng thu hút sự chú ý hơn.
- Duy trì vận hành và phân tán đội ngũ: Tình hình hiện tại cho thấy chúng ta cần xem lại các hành vi/cách giải quyết vấn đề hiện tại và điều chỉnh kỳ vọng sao cho phù hợp trong thời gian tới. Một số người đang cân nhắc xem nên tiếp tục làm việc tại một trụ sở duy nhất, hay nên chia nhỏ đội ngũ nhân viên ra làm việc tại các địa điểm khác nhau nhằm thực hiện cách ly xã hội nhưng vẫn duy trì sự liên kết và văn hoá công ty. Chúng tôi nhìn thấy doanh nghiệp tại các thị trường khác đang triển khai mô hình này và nhờ cậy vào trải nghiệm cộng đồng tại WeWork để tương tác cùng nhân viên.
Đối với Việt Nam hiện đang trên đà phục hồi, chúng tôi nhìn thấy sự khuyến khích và hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp và lãnh đạo các ngành nhằm khôi phục lại quy trình vận hành như trước dịch. Trong khi việc giãn cách tiếp tục là việc nên làm, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng ý thức được tầm quan trọng của sự hợp tác và liên kết.
Hồ sơ khách hàng tại WeWork đang thay đổi như thế nào?
Chúng tôi đã và đang làm việc cùng nhiều doanh nghiệp lớn tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng thời giúp đỡ họ thực hiện kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam. Từ các doanh nghiệp nước ngoài cho đến các tập đoàn lớn trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính, công nghệ, dịch vụ nền tảng mạng xã hội, hậu cần...
Rõ ràng ngày càng có nhiều doanh nghiệp có hứng thú với mô hình co-working space do tính linh động và nguồn năng lượng mà nơi này mang lại, chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi các công ty hồi phục trở lại. Ở phạm vi toàn cầu, tổng số thành viên của WeWork hiện nay là đến 693.000, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, với khối doanh nghiệp chiếm đến 45% trên tổng số thành viên, tăng 2% so với quý trước.
Tại Đông Nam Á, chúng tôi nhìn thấy mức độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong hồ sơ khách hàng của WeWork là 9% từ 2019. Tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển tại địa phương của chúng tôi, với mức tăng trưởng 13% từ tháng 1.
WeWork đang làm gì để hỗ trợ các đối tác của mình cũng như các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động bình thường?
Khi trở lại hoạt động, thứ mà doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là một môi trường làm việc an toàn để họ có thể toàn tâm toàn ý tập trung hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp.
Kể từ tháng Tư, các bộ phận vận hành, an ninh, cộng đồng và thiết kế của chúng tôi đã cùng nhau thiết kế lại cách tổ chức không gian để đảm bảo giãn cách an toàn, và tương tác với từng thành viên để hiểu hơn về các kế hoạch và chiến lược của họ trong thời gian tới để hỗ trợ sao cho phù hợp.
Với 10 năm kinh nghiệm, chúng tôi hiểu rõ ảnh hưởng của cách tổ chức không gian đối với hiệu suất công việc và toàn bộ trải nghiệm làm việc. Giờ đây, chúng tôi tăng cường thêm không gian và dịch vụ để đảm bảo biện pháp vệ sinh, an toàn và khoảng cách. Chúng tôi điều chỉnh không gian với chỗ ngồi xen kẽ để các đội ngũ có thể duy trì hoạt động mà vẫn duy trì khoảng cách vật lý vừa đủ với đồng nghiệp.
Chúng tôi khử trùng các khu vực chung thường xuyên hơn và để sẵn các chất diệt khuẩn tại nơi làm việc. Chúng tôi đã đặt các biển báo để nhắc các thành viên và khách rằng sự thịnh vượng của cộng đồng phụ thuộc vào việc mỗi người tự nguyện hoàn thành nghĩa vụ của mình. Vốn được biết đến với việc thích nghi nhanh với bất kỳ tình huống phát sinh nào, nên WeWork rất tự tin trong việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho các thành viên của mình.
Để hỗ trợ điều này, trong giai đoạn giãn cách xã hội, đội ngũ và các thành viên trong gia đình WeWork đã tìm cách để tương tác với nhau sao cho sáng tạo, ví dụ như tour tham quan địa điểm trực tuyến và các hội thảo. Các hoạt động này được các thành viên trong cộng đồng WeWork tiếp nhận nồng nhiệt và một lần nữa khiến chúng tôi thêm tự hào về sứ mệnh xây dựng và hỗ trợ cộng đồng của mình. Chúng tôi cảm thấy được khích lệ và vui mừng khi thấy các thành viên trong cộng đồng ra sức hỗ trợ lẫn nhau.
Một vài thay đổi lâu dài mà anh hy vọng được thấy trong văn hóa doanh nghiệp và sự linh động là gì?
Sự linh động đã trở thành một “đơn vị tiền tệ” đáng giá, khi mà các doanh nghiệp trên thế giới đang xem lại nhu cầu văn phòng và tìm kiếm sự an toàn — một xu hướng chủ chốt trên phạm vi toàn cầu. Tuyên ngôn giá trị của chúng tôi được xây dựng dựa trên sự linh động và khả năng gia tăng/thu hẹp quy mô một cách nhanh chóng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, đó là lý do vì sao các doanh nghiệp và cá nhân đứng đầu tổ chức tiếp tục tìm đến WeWork.
Tình huống hiện tại có khả năng tác động đến các doanh nghiệp có lối tư duy truyền thống trước đây, để họ dần dần tiếp nhận sự thay đổi và tìm kiếm hướng đi mới. Chúng tôi tin rằng đây là cơ hội cho doanh nghiệp để họ hoạch định lại chiến lược và xem xét liệu cần thu hồi nguồn tài nguyên nào.
Ví dụ, tại Singapore, Nippon Life tận dụng không gian của chúng tôi như một phần trong kế hoạch duy trì doanh nghiệp, song hành cùng văn phòng trụ sở chính của họ. Với chiến lược phân nhỏ đội ngũ, 40% nhân viên của họ làm tại địa điểm của WeWork — một môi trường làm việc thoải mái để họ có thể tiếp tục vận hành suôn sẻ.
Tại Việt Nam, 80% các doanh nghiệp đang lên kế hoạch sử dụng văn phòng chia sẻ trong vòng từ 1-3 năm tới, và có khoảng 70% các tổ chức chuyển đội ngũ phát triển kinh doanh và nghiên cứu cải tiến của mình đến co-working space trong 3 năm tới. Khi mà các doanh nghiệp đang tiếp tục tái định nghĩa ý nghĩa của công việc trong tương lai, để cạnh tranh, chúng ta cần rèn luyện khả năng nhạy bén và linh hoạt.
Các startups có thể làm gì để hồi phục nhanh chóng?
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam tiếp tục mang đến động lực và cơ hội để phát triển, bằng chứng là có đến 80% dân số Việt Nam lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế (theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos vào tháng 4). Tuy nhiên, COVID-19 cũng tạo ra những bất ổn nhất định cho startup, vì thế, hơn bao giờ hết, họ cần nhận được sự hỗ trợ lớn lao hơn.
Chúng tôi rất khâm phục các nỗ lực của Thủ tướng trong việc đầu tư vào cải tiến và công nghệ, đây là một bước tiến dài với tầm nhìn dài hạn dành cho tương lai của Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các startup Việt tận dụng các biện pháp cũng như các gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp của nhà nước để hồi phục nhanh hơn.
Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các đơn vị hỗ trợ tăng tốc, vườn ươm và trung tâm cải tiến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các nhà khởi nghiệp vươn lên từ đại dịch. Trường hợp này cũng mang đến những cơ hội cải tiến mới, và nhiều startup đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình để phù hợp với nhu cầu mới.
Vai trò của WeWork và các co-working space nói chung sẽ thay đổi như thế nào trong trường hợp mọi người chuyển sang làm việc từ xa với quy mô lớn?
Với hơn 10 năm trong ngành, chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của nền kinh tế. Kinh nghiệm này cho phép chúng tôi vận dụng những bài học đã có để xử lý tình huống hiện tại. Mục tiêu của chúng tôi luôn là giúp đỡ các doanh nghiệp gặt hái thành công theo mục tiêu của họ, và đây là nơi mà concept không-gian-là-dịch-vụ của WeWork khiến bản thân chúng tôi trở nên khác biệt.
Một trong những điều chúng tôi lưu ý tại WeWork là thiết kế không gian thế nào để mọi người làm việc cả ngày vẫn cảm thấy thoải mái. Chúng tôi hiện thực hoá điều này bằng cách xây dựng kiến trúc và thiết kế nội thất đẹp mắt, tiện lợi và thân thiện, có không gian mở, mảng xanh, các khu vực tương tác và giải lao, cũng như cách thức phân bổ không gian độc đáo.
Các doanh nghiệp đang phân chia đội ngũ thành nhiều nhóm nhỏ hoạt động tại các địa điểm của WeWork và đặt trụ sở tại một tòa nhà khác. Hình thức làm việc này cho thấy các tổ chức đang được hỗ trợ như thế nào với sự linh động và tinh thần tương hỗ của chúng tôi, để họ có thể thay đổi quy trình và chính sách, tập trung vào sức bền thay vì hiệu suất.
This post is also available in: English