“Sau này con lớn, con muốn bảo vệ những chú tê giác.”
Lời bày tỏ mong muốn thúc đẩy nhận thức và kêu gọi chấm dứt nạn săn trộm và tiêu thụ tê giác.
Trước ánh mắt đầy tự hào của cha mẹ, một cậu bé bước lên sân khấu và nói về ước mơ tương lai của mình. Những điều em bày tỏ đã khiến cả khán phòng ngỡ ngàng im lặng, rồi nồng nhiệt vỗ tay cổ vũ.
“Sau này con lớn, con muốn bảo vệ những chú tê giác.”
Đây là phân cảnh trong một đoạn phim ngắn, hiện đang được phát sóng trên các màn hình hành khách trong mọi chuyến bay của Vietnam Airlines, tại phòng chờ hạng thương gia của một số sân bay, cũng như trên nền tảng YouTube. Với thông điệp ngắn gọn, cảnh quay đơn giản, không quá cầu kỳ về thẩm mỹ - đoạn phim đã thể hiện chân thành và rõ ràng một thông điệp: hãy ngừng săn trộm tê giác.
“Mai sau con lớn” là sản phẩm của sự hợp tác giữa nhiều nhân tài Việt Nam và quốc tế. Vào tháng Giêng vừa qua, tổ chức Humane Society International (HSI) đã công chiếu video này nhằm thúc đẩy nhận thức và kêu gọi chấm dứt nạn săn trộm và tiêu thụ tê giác.
Đây là sáng kiến mới nhất trong một loạt các sáng kiến của HSI để tiếp cận hàng triệu người tại Việt Nam - một trong những quốc gia được ghi nhận là tiêu thụ sừng tê lớn nhất thế giới, và tại châu Phi - địa điểm chủ yếu xảy ra nạn săn trộm tê giác.
Trong đoạn video, trước màn hình chiếu cảnh một chú tê giác đang tự do di chuyển, cậu bé nói dõng dạc: “Con luôn tự hào về những thành tựu của nước mình. Nhưng mà, Việt Nam vẫn là một trong các nước sử dụng sừng tê hàng đầu, đó là thứ hạng mà con không muốn.”
Đạo diễn đoạn phim - chị Kathy Uyên, chia sẻ: “Khi mới nghe ý tưởng kịch bản, tôi đã vô cùng ấn tượng và xúc động với hình ảnh cậu bé dũng cảm đứng lên để bảo vệ những chú tê giác, khoảnh khắc có thể khơi gợi được sự thay đổi cảm xúc. Chính nhờ khoảnh khắc cao trào này, tôi đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc ngưng sử dụng sừng tê giác trong cuộc sống.”
Để sản xuất đoạn phim quảng cáo thu hút này, Kathy đã hợp tác với Phibious Việt Nam - công ty từng đoạt giải Agency tiêu biểu nhất Đông Nam Á tại Campaign Asia.
Tâm điểm buôn bán sừng tê bất hợp pháp
Vào tháng 4/2010, một con tê giác Java cái đã bị bắn chết trong một khu rừng rậm ở vùng tây nam Việt Nam. Tuy không tìm thấy sừng, nhưng các nhà chức trách đã phục hồi bộ xương và phát hiện ra một viên đạn găm vào chân trước bên trái của nó. Đây là con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam, và cũng là loài tê giác thứ hai tuyệt chủng.
Tại châu Á, tê giác Java từng là loài phổ biến nhất. Theo một bài báo từ trang Mongabay, loài tê giác này có mặt trên phạm vi trải dài từ Java, Sumatra, lục địa Đông Nam Á, sang tới cả Ấn Độ và Trung Quốc. Sau khi phải hứng chịu thiệt hại từ nạn săn bắt, phá rừng, và cả chiến tranh, đến đầu thế kỷ 21, tê giác Java chủ yếu chỉ còn tồn tại ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Việt Nam) và Vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia).
Vào năm 1993, số lượng tê giác Java ở Cát Tiên ước tính có khoảng 8 đến 12 con. Nạn săn bắt ngày càng trầm trọng đã khiến con số giảm xuống chỉ còn 5, và đến năm 2010 thì loài tê giác này đã tuyệt chủng. Nhưng ngay cả khi cái chết của con tê giác Java cuối cùng đã “gióng hồi chuông cảnh tỉnh”, thì nạn săn bắt trái phép cũng như mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã vẫn không có dấu hiệu giảm đi.
Vào tháng 7/2019, hơn 125kg sừng tê nhập lậu - được cho là một trong những vụ buôn bán động vật hoang dã lớn nhất Đông Nam Á - đã bị thu giữ tại Việt Nam. Số lượng sừng tê này được nhập lậu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trên một chuyến bay của hãng hàng không Etihad, sau đó bị phát hiện tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Có ít nhất 55 thùng chứa các khối thạch cao dày đã bị thu giữ, bên trong lớp thạch cao thính là những chiếc sừng tê. Vụ thu giữ này là một phần trong các nỗ lực của chính phủ để đàn áp ngành buôn bán động vật hoang dã. Được biết, số sừng tê bị tịch thu khi đó có trị giá khoảng 7,5 triệu USD.
Buôn bán sừng tê giác là hành vi bất hợp pháp - điều này đã được công nhận từ năm 1977. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao đáng kinh ngạc trong vài năm qua từ Việt Nam và Trung Quốc đã dẫn đến việc “bùng nổ” thị trường chợ đen. Hàng năm, ước tính có khoảng 1.300 con tê giác đã bị giết hại trên khắp châu Phi để lấy sừng (từ con số chỉ 100 con vào năm 2008), phần lớn được buôn lậu vào Việt Nam thông qua các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Vào năm 2012, Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Nam Phi nhằm kiểm soát việc buôn bán trái phép động vật hoang dã. Đến năm 2014, nước ta cũng đã cùng nhiều quốc gia khác ký Tuyên bố London chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Nhờ ký kết này, Việt Nam đã sửa đổi luật nhằm quy định việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã là tội ác bị trừng phạt.
Dù việc thu giữ và trừng phạt đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây, nhưng vẫn cần nhiều biện pháp “mạnh tay” hơn để bảo vệ động vật hoang dã.
Truyền thuyết đô thị: Sừng tê giác chữa được bệnh tật, là biểu tượng của quyền lực?
Nhiều người Việt Nam coi sừng tê giác như một loại thần dược - một loại thuốc có thể chữa khỏi các chứng bệnh khác nhau, dù chỉ là cảm giác nôn nao hay cả căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn nguy kịch. Sừng tê có thể nghiền thành bột, trộn với nước hoặc các thành phần khác cho người bệnh uống.
“Truyền thuyết đô thị” này được lưu truyền do ảnh hưởng của y học cổ truyền Trung Quốc. Các nhà khoa học và y học đã hết lần này đến lần khác giải thích rằng sừng tê giác không đem lại lợi ích cho sức khỏe con người. Sừng tê chủ yếu được cấu tạo từ keratin - một loại protein tương tự như trong tóc của con người, và không hề có giá trị y học (mà dù có chữa được bệnh thì cũng chỉ giúp hạ sốt cho… loài gặm nhấm).
Do đó, những phát hiện này cho thấy việc giết hại tê giác là hành vi vừa bất hợp pháp, vừa vô ích. Một nghiên cứu sâu hơn - được thực hiện bởi các tổ chức phúc lợi động vật hoang dã như HSI, đã chỉ ra rằng nhiều người trong giới tinh hoa châu Á còn coi sừng tê giác như một biểu tượng của địa vị. Sở hữu sừng tê thể hiện sự giàu có và quyền quý, nên họ tặng nhau để nhận sự ưu ái, từ đó củng cố các mối quan hệ kinh doanh.
Sở hữu sừng tê giác cũng tương tự như khi bạn lái một chiếc Lamborghini ngoài đường - khiến bất cứ ai nhìn thấy đều chú ý và ghen tị. Nói đơn giản hơn, điều này không khác nào một hành động phô trương sự sung túc quá trớn.
“Không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để ủng hộ những hành động đúng đắn”
Tính đến thời điểm hiện tại, đoạn video “Mai sau con lớn” (tên tiếng Anh: “When I grow up”) đã có hơn 4.000 lượt xem trên YouTube. HSI mong muốn chiến dịch có thể tiếp cận thêm nhiều người hơn nữa, để có thể phổ biến rộng rãi hơn tinh thần của tổ chức: không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để ủng hộ những điều có ý nghĩa - trong trường hợp này là phúc lợi động vật.
HSI đã bắt đầu hợp tác với chính phủ Việt Nam vào năm 2013, để khởi động chiến dịch hạn chế nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác. Chiến dịch này ước tính đã tiếp cận được khoảng 37 triệu người - xấp xỉ 1/3 dân số cả nước. Tổ chức cũng đóng vai trò lớn trong việc tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi, 70kg sừng tê giác và các mẫu vật động vật hoang dã khác vào năm 2016.
Video “Mai sau con lớn” hiện chỉ là một phần trong số nhiều dự án đang được phát triển và triển khai tại Việt Nam. Tại các trường học, hàng triệu học sinh cũng đang được giảng dạy những kiến thức về tình trạng hiện nay của động vật hoang dã.
HSI chia sẻ thêm qua một bài blog, “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo áp lực đến các quốc gia có lượng tiêu thụ sừng tê giác lớn. Chỉ cần ngừng sử dụng sừng tê giác như một loại “thuốc” không được kiểm định, đồng thời ra lệnh cấm nhập khẩu các chiến phẩm săn bắn, thì các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam đã góp phần lớn bảo vệ động vật hoang dã, để chúng có thể tồn tại và phát triển.”
Thông qua đoạn phim “Mai sau con lớn”, HSI hy vọng thông điệp mà em học sinh bày tỏ sẽ được cả người Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế đón nhận và chia sẻ, “để người Việt của chúng ta hoàn toàn tự hào.”
Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.