Show Netflix mới của Obama: Thiên nhiên ở đâu trong ưu tiên của con người?

Thiên nhiên và con người, càng hàn gắn, càng cách xa.
Sơn Hoàng
Cựu Tổng thống Mỹ Obama trong vai trò dẫn chương trình. | Nguồn: Netflix

Cựu Tổng thống Mỹ Obama trong vai trò dẫn chương trình. | Nguồn: Netflix

Our Great National Parks lên sóng ngày 13/04 và là chương trình Netflix đầu tiên của ông Obama với cương vị người dẫn chương trình (narrator). Series phim tài liệu (docuseries) quay tại nhiều vườn quốc gia trên thế giới, đặt ra vấn đề bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

Xuất thân chính trị của ông Obama có vai trò quan trọng đối với thông điệp và sự thành công của phim. Đây là một sự kết hợp rất có ý đồ giữa chính trị và giải trí.

Mục đích của sự kết hợp này là để tăng tính thuyết phục cho thông điệp bảo vệ môi trường của phim. Tuy vậy, thiên nhiên hiện ra nhuốm màu lãng mạn và biệt lập với thế giới con người. Điều này có những lợi và hại gì?

Tại sao lại là Barack Obama?

Việc lựa chọn người dẫn là các chính trị gia là chiến lược chung của nhiều docuseries như Our Great National Parks. Trong khi chính trị cung cấp cho giải trí tính chính danh trong việc bàn đến vấn đề vĩ mô, thì giải trí đem lại cho chính trị một hướng tiếp cận bình dân với khán giả.

Barack Obama nổi tiếng với là người quan tâm tới môi trường, một chủ đề quan trọng trong nghị trình chính trị của đảng Dân chủ tại Mỹ. Lý lịch chính trị của Obama khiến ông có thẩm quyền lớn, và khiến những phát biểu về môi trường trong phim thực sự có sức nặng và có tính thuyết phục.

Sự xuất hiện của ông Obama tạo ra cảm giác về “độ uy tín” của chương trình. Khán giả dù biết rằng những thông tin chương trình giới thiệu đều đã giản lược hóa rất nhiều mối quan hệ giữa con người và sinh giới, nhưng không thắc mắc gì về sự giản lược ấy vì sự “tín” mà người dẫn mang lại.

Mặt khác, Barack Obama cũng xuất hiện với tư cách một người “bình thường” và nhỏ bé trước thiên nhiên. Chi tiết này muốn ám chỉ rằng tất cả mọi người đều bình đẳng với Trái đất. Đồng thời, nó xóa bỏ lớp ngăn cách giữa thẩm quyền của một chính trị gia với vị thế đón nhận của tầng lớp khán giả bình dân.

Sự cào bằng để một cựu Tổng thống có thể “bình đẳng” với những người bình thường là chiến lược mà các docuseries sử dụng để truyền tải thông tin một cách trơn tru. Nó cũng là cách các chính trị gia đưa các phát ngôn chính trị tới dân chúng dưới một vỏ bọc tưởng như thuần tuý giải trí, thường thức.

Nghịch lý: các docuseries có đang kéo con người xa khỏi thiên nhiên?

Khoái cảm mà Our Great National Parks mang lại đến từ việc lãng mạn hóa thiên nhiên, khai thác thiên nhiên như một thứ phông nền. Đây vừa là cách để các docuseries cân bằng tính giáo dục với tính giải trí, vừa là điểm nhìn của các chính trị gia về môi trường.

Lời dẫn của Obama dẫn ta vào thế giới vô tận của nhiều loài sinh vật khác nhau, từ đó khuyên nhủ con người tới gần thiên nhiên hơn. Song, vị cựu tổng thống cũng vô tình ẩn ý rằng thế giới của con người và thế giới của sinh giới không thể hoà hợp với nhau.

Khác với những tin tức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thường trực trên nhật báo, Our Great National Parks tràn ngập những nắng, mưa, gió, biển. Thế giới tự nhiên trong docuseries này vừa đa dạng, vừa tráng lệ, vừa khắc nghiệt, và đặc biệt là gần như tách biệt hẳn với thế giới loài người.

Phim thể hiện rõ khung cảnh các vườn quốc gia, và dường như còn lo sợ người xem không thấy được vị trí biệt lập của thiên nhiên trong chính định nghĩa về “national parks”, phim tiếp tục nhấn mạnh rằng đây là những khu vực “hoang sơ”, “tự nhiên” với mục đích “bảo tồn”, “nghiên cứu”.

Sự tách biệt này thể hiện trong chính lời dẫn của Obama khi ông phân biệt giữa miền hoang (wild spaces) với những không gian sinh hoạt hàng ngày của con người (everyday spaces). Điều này có thể giúp người xem có thái độ trân trọng thiên nhiên, nhưng vô hình trung cũng xa lạ hóa thiên nhiên.

Hướng tiếp cận mà các docuseries mang lại dễ dẫn người xem vào thái độ kính nhi viễn chi: vừa kính trọng thiên nhiên, vừa lo sợ và giữ khoảng cách với thế giới tự nhiên. Thái độ ấy đặc biệt rõ ràng trong Our Great National Parks bởi việc lựa chọn chủ đề về các vườn quốc gia trên thế giới.

Ông Obama còn gọi các vườn quốc gia là “những thành trì cuối cùng của động vật hoang dã và những miền hoang vu”. Cách diễn đạt này, kết hợp với thái độ kính nhi viễn chi, tạo ra cảm giác rằng thiên nhiên vừa gần, vừa xa, là một thế lực khó kiểm soát.

Đây là nghịch lý của phim và dòng docuseries môi trường: kêu gọi sự hòa hợp nhưng thể hiện thiên nhiên xa cách, biệt lập, lạ lùng, và chỉ để ngắm nhìn hoặc khai thác. Góc nhìn này giống cách các nhà thực dân nhìn thế giới thuộc địa tại Viễn Đông hay tại châu Phi nghìn trùng như một vẻ đẹp xa lạ và một kho tài nguyên để bòn rút.

Phát triển bền vững: Khi khai thác và bảo tồn khó dung hợp

Bảo vệ di sản thiên nhiên và sự đa dạng sinh thái là một thông điệp thường thấy trong các hội nghị quốc tế về phát triển bền vững (sustainable development).

Thế nhưng chúng ta bảo vệ môi trường không phải vì lo lắng cho môi trường, mà là cho sự an nguy của chính chúng ta. Vì thế, các chính sách phát triển bền vững tưởng như là vị môi trường nhưng thực chất lại rất vị nhân sinh.

Về cơ bản, khái niệm phát triển bền vững không khuyên nhủ chúng ta hãy tuyệt đối bảo vệ môi trường. Nó là nỗ lực dung hoà giữa nhu cầu khai thác và nỗi sợ huỷ diệt thiên nhiên tuyệt đối. Tài nguyên thiên nhiên là động năng quan trọng nhất của sự phát triển.

Quan niệm phổ biến về sự phát triển cho thấy ở khởi đầu của lịch sử, con người là một phần của giới tự nhiên. Nhưng bằng sự phát triển về trí thông minh và công cụ, họ đã bứt phá ra khỏi tự nhiên và làm chủ tự nhiên. Quan hệ giữa chúng ta với thiên nhiên lúc này biến thành quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, với lằn ranh không thể bị xoá bỏ.

Lằn ranh ấy xuất hiện liên tục trong Our Great National Parks cùng quan niệm về sự khai thác và sự phát triển. Ví dụ, khi nói về tầm quan trọng của rừng mưa, ông Obama giải thích rằng đây không chỉ là môi trường sống của quá nửa sinh vật sống trên cạn, mà còn cung cấp nguyên liệu chế thành nhiều loại thuốc cho con người.

Dường như, khu rừng già chỉ đáng được bảo vệ khi nó vẫn còn lợi ích cho chúng ta.

Điều này cho thấy rằng các thông điệp bảo vệ môi trường của những chương trình phát triển bền vững thực chất chỉ là một phiên bản khác thân thiện và dễ nghe hơn của tư tưởng khai thác thiên nhiên. Hành động khai thác này được lãng mạn hóa bởi cách khắc họa một thiên nhiên biệt lập và lạ lùng trong Our Great National Parks và nhiều docuseries khác.

Vừa bảo tồn, vừa khai thác. Vừa kêu gọi cộng sinh, vừa khắc sâu ranh giới. Đó là vấn đề cốt lõi trong cách hiểu về thiên nhiên từ góc nhìn phát triển bền vững.

Muốn cứu thiên nhiên, không nên lãng mạn hoá nó

Chúng ta cần những chương trình phi hư cấu về thiên nhiên, không chỉ để hiểu thêm về môi trường và những hiểm họa đang xảy ra, mà còn để hiểu thêm về chính chúng ta.

Thế nhưng, nếu các đơn vị sản xuất và các nhà hoạch định chính sách không thay đổi góc nhìn lãng mạn về thiên nhiên, thì bản chất của những chính sách phát triển bền vững sẽ không được khán giả hiểu đúng.

Có lẽ điều mà ta cần làm lúc này là thực sự nghĩ về thiên nhiên như một người thân, một người bạn, chứ không phải như một thế lực vừa xa lạ, vừa trường tồn cho sự bòn rút của con người.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục