Startup OLLI và hành trình tạo nên loa thông minh thuần Việt OLLI Maika
"Chỉ có dấn thân vào làm phần cứng mới có thể tạo được cơ sở bền vững để phát triển thiết bị công nghệ lâu dài".
Những chiếc loa thông minh trên thế giới dường như không còn quá xa lạ với chúng ta. Tiết kiệm đến 80% thời gian cho những việc hằng ngày như đặt hẹn, chơi nhạc, điều khiển các thiết bị trong nhà,... những trợ lý ảo trên những chiếc loa này đang định hình một lối sống tiện lợi trong tương lai. Thế nhưng, không phải nào chiếc loa hay trợ lý ảo nào cũng hiểu tiếng Việt hay tương tác như cách một người Việt mong đợi.
Đó cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở không nhỏ của những người yêu công nghệ và yêu tiếng Việt như anh Tạ Thanh Hải và anh Bùi Bách Việt - hai nhà đồng sáng lập Công ty Công nghệ OLLI. Sau 4 năm “thai nghén” đầu tư nghiên cứu phát triển, chiếc loa thông minh “thuần Việt” OLLI Maika đã ra đời với sứ mệnh góp phần giúp cuộc sống thường nhật trong tương lai của người Việt tiện nghi và hân hoan hơn.
Hãy cùng Vietcetera gặp gỡ đôi bạn Hải và Việt để tìm hiểu rõ hơn về hành trình mà cả hai đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt và dành riêng cho người Việt.
Năm 2016 đã có gì khiến Hải và Việt quyết định đã “tới thời” cho OLLI?
Bách Việt: Năm 2016, làn sóng AI phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới, hứa hẹn mở ra 1 kỷ nguyên mới của công nghệ. Khi đó mặc dù làm trong ngành ngân hàng nhưng tôi cứ canh cánh mãi với sở thích khám phá về thiết kế kiến trúc hệ thống công nghệ của sản phẩm. Còn Hải, trong những năm làm việc tại Thung lũng Silicon, Hải hưởng ứng mạnh mẽ tinh thần Maker. Hải cũng đã nhận ra đam mê của bản thân đối với công nghệ lập trình nhúng kết hợp đám mây và dữ liệu lớn.
Chúng tôi thường hẹn gặp nhau uống cafe ở Starbucks New World, sau đó đi bộ lòng vòng trung tâm thành phố. Trong những lần dạo bộ như vậy, chúng tôi thường đặt câu hỏi lẫn nhau và đôi khi tranh cãi (cười) về tương lai của công nghệ, của xã hội, của người dùng. Nhưng chúng tôi đã tìm thấy một niềm tin chung - Công nghệ trợ lý ảo cá nhân tương tác bằng giọng nói, hỗ trợ 24/7 mọi công việc, sẽ là 1 trong những “quả ngọt” được tạo ra trong kỷ nguyên AI hiện tại.
Giữa năm 2016, dựa trên niềm đam mê, sự chín muồi của công nghệ và tiềm năng của thị trường, chúng tôi quyết định từ bỏ công việc hiện tại để bắt đầu thành lập OLLI. Với sứ mệnh giúp cuộc sống người dùng Việt tiện nghi, dễ dàng và thú vị hơn mỗi ngày, chúng tôi mong muốn kiến tạo nên hệ sinh thái các thiết bị thông minh tích hợp trợ lý giọng nói tiếng Việt.
Chúng tôi tin rằng kỷ nguyên AI sẽ mang đến những thay đổi to lớn cho xã hội, giống như kỷ nguyên Smartphone và Internet 2 thập kỷ trước. Và OLLI đã ra đời vì lẽ đó.
Với một startup, liệu đầu tư phần cứng lẫn nền tảng trợ lý giọng nói tiếng Việt có phải là một lựa chọn mạo hiểm?
Thanh Hải - Bách Việt: Chúng tôi quyết định làm cả phần cứng và nền tảng vì 3 lý do.
Đầu tiên, dĩ nhiên là đam mê của cả hai (cười).
Thứ hai, chỉ có dấn thân vào làm phần cứng mới có thể tạo được cơ sở bền vững để phát triển lâu dài. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ chú trọng về phần mềm mà bỏ qua phần cứng, mặt bằng công nghệ quốc gia sẽ khó vươn tầm lên. Chúng ta sẽ phải lệ thuộc vào những đối tác thiết kế, sản xuất phần cứng ở nước ngoài. Hầu hết các cường quốc về công nghệ như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc đều có những khởi đầu từ một nền công nghiệp sản xuất phần cứng vững chắc.
Thứ ba, khi làm chủ được cả phần cứng, phần mềm, OLLI sẽ có được sự tự do khi nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chúng tôi sẽ có khả năng linh động để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường Việt Nam tốt hơn. Việc tích hợp giữa phần cứng và phần mềm cũng sẽ suôn sẻ hơn so với khi chúng tôi chỉ làm một phần và phải tích hợp vào phần còn lại của đối tác.
Hướng đi này có rất nhiều lợi ích rõ rệt nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và tiêu tốn nhiều nguồn lực và thời gian. Hơn nữa, công nghệ sản xuất phần cứng ở Việt Nam còn chưa được toàn vẹn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tin rằng mình đã đi đúng hướng và sẽ kiên trì tới cùng với hướng đi này.
Hơn 4 năm – đó là một chặng đường không hề ngắn với một startup. Đã bao giờ các anh cân nhắc về những chi phí cơ hội cho lựa chọn của mình? Và khó khăn lớn nhất của OLLI trong 4 năm đó là gì?
Thanh Hải: Thật sự chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới những chi phí cơ hội đã mất. Chúng tôi rất tin tưởng vào con đường đã chọn, và càng không muốn hoài niệm vô ích với 2 chữ “giá như”.
Phương châm của tôi rất đơn giản: “Cuộc sống ngắn ngủi, tuổi trẻ qua mau. Mỗi ngày thức dậy mình phải sống với đam mê sao cho sau này về già, mình bớt tiếc nuối về những gì mình đã không lựa chọn thực hiện”.
Trong hơn 4 năm nghiên cứu và phát triển, khó khăn lớn nhất của OLLI là làm sao tối ưu hóa được nguồn vốn và các nguồn lực khác để phát triển hiệu quả. Vì suốt thời gian đó, OLLI hoàn toàn không có doanh thu. Tiếp nữa là việc làm sao để giữ được lửa và niềm tin với tập thể nhân viên của OLLI.
Thời điểm tháng 4/2019, chúng tôi đã phải “đập đi xây lại” toàn bộ sản phẩm khi chỉ còn cách kế hoạch dự kiến ra mắt có 2 tháng. Quyết định đó đã dấy lên hoài nghi ở những cộng sự. Một số thành viên đảm nhiệm ở các vị trí chủ chốt đã rời bỏ OLLI. Điều này đã gây ra không ít sự xáo trộn. May mắn thay, cả tôi và Việt đã luôn tin tưởng và kiên trì với hướng đi của OLLI để tiếp tục phát triển sản phẩm.
Để làm chủ được công nghệ cả phần cứng và AI, các anh có thể chia sẻ về chặng đường bốn năm qua của OLLI?
Bách Việt: Chúng tôi đầu tư nghiên cứu 3 công nghệ lõi của AI là Nhận dạng tiếng nói, Hiểu ngôn ngữ và Tổng hợp tiếng nói. Đồng thời, OLLI đầu tư nghiên cứu thiết kế sản xuất phần cứng. Các khâu như thiết kế công nghiệp, vỏ nhựa, bo mạch, phần mềm nhúng, thu mua, kiểm duyệt chất lượng, tổ chức sản xuất đều được thực hiện nội bộ.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới nền tảng cơ sở dữ liệu và hệ thống xử lý trên đám mây, ứng dụng MAIKA, nền tảng nội dung Content Store, và hệ thống Smarthome kết hợp với nhiều nhà cung cấp trong nước và quốc tế.
Việc làm chủ công nghệ lõi và khả năng liên kết toàn phần giúp OLLI có khả năng chủ động cập nhật nội dung và cải thiện chất lượng nhanh chóng
Có thể nói là OLLI đã đánh đổi tốc độ để có được một nền tảng vững chắc cho hành trình phát triển phía trước. Sản phẩm đầu tay trong hệ sinh thái sản phẩm của OLLI là Loa thông minh thuần Việt OLLI Maika vừa ra mắt người dùng Việt vào ngày 7/5 vừa qua.
OLLI Maika có những khả năng gì để được gọi là loa thông minh “thuần Việt”?
Thanh Hải: Thuần Việt ở đây không chỉ về ngôn ngữ, nội dung, mà còn ở quy trình sản xuất. Hiểu và nói tiếng Việt, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ - tin tức - nội dung Việt ngữ, và cả sản xuất lắp ráp tại Việt Nam.
Ở mức độ căn bản nhất, để xây dựng một trí thông minh nhân tạo thuần Việt cần qua 4 bước sau:
Nghe: nghe được giọng đa vùng miền Việt Nam và chuyển thành văn bản với độ chính xác cao.
Hiểu: phân tích và xử lý tiếng Việt nhằm ra được ngữ nghĩa và trích xuất thông tin.
Tìm: truy xuất kho dữ liệu và internet để tìm được thông tin phù hợp.
Đáp: tổng hợp tiếng nói từ văn bản ra giọng nói tự nhiên.
Cùng 1 câu nói có thể được phát sinh trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Để OLLI Maika không hiểu sai ý, chúng tôi còn phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia ngôn ngữ, nhiều lần chắt lọc nội dung tương tác giữa người và máy, mang lại cảm giác tích cực cho người nghe.
Đặc điểm tiếng Việt giọng địa phương đa dạng vùng miền là thử thách khi OLLI nghiên cứu công nghệ ASR (Hiểu ngôn ngữ) với tiếng Việt. Hiện tại, Maika sở hữu hai chất giọng miền Nam và miền Bắc, được thu từ hai MC phát âm “chuẩn”.
Đặc điểm của Trợ lý ảo Maika là luôn tiếp tục “học hỏi” nên khả năng nhận biết chất giọng cũng sẽ được cải thiện theo thời gian.
Tiếp theo sau OLLI Maika, OLLI có những dự định gì và tầm nhìn tương lai như thế nào?
Thanh Hải – Bách Việt: Khi bắt đầu xây dựng OLLI, chúng tôi đã xác định hành trình này chắc chắn là một con đường lâu dài, một sự đầu tư dài hạn vào tương lai. Dù cho có những lúc đã rất khó khăn nhưng toàn bộ tập thể anh chị em OLLI đã luôn một lòng kiên trì, tận tâm để cùng OLLI hoàn thành sứ mệnh của mình. Đó là một sự may mắn mà không phải startup nào cũng có được.
Chúng tôi vững tin vào định hướng phát triển nền tảng công nghệ kết hợp cả phần cứng và AI và kỳ vọng OLLI có thể trở thành một trong những startups tiên phong và phát triển bền vững về AIoT.
Thời gian tới, OLLI sẽ tiếp tục đi sâu về mảng AI mang tính áp dụng thực tế, và liên tục đổi mới “sáng tạo có mục đích”.
Ngoài ra, OLLI cũng sẽ chủ động mở rộng, phát triển các loại hình thiết bị phần cứng khác phức tạp hơn, và có khả năng chạy các giải thuật AI trên thiết bị. Chiến lược lâu dài của OLLI là đưa sản phẩm Việt ra đấu trường công nghệ thế giới, khẳng định tiềm năng công nghệ của Việt Nam. Tương lai, những nghiên cứu này sẽ góp phần ghi dấu tên tuổi công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.