Tại sao việc giãn cách xã hội lại khó khăn đến vậy?
Mặc cho khuyến cáo hay bắt buộc giãn cách xã hội, nhiều người vẫn không tuân theo, hoặc tuân theo nhưng vẫn bức bối. Tâm lý học sẽ giúp bạn giải thích.
Để đối phó với đại dịch, các quốc gia đồng loạt thông báo tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới, phong tỏa thành phố, thực hiện biện pháp cách ly bắt buộc với người trở về từ vùng dịch, hoặc yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội tại nhà. Tuy nhiên, vẫn còn một số người không tuân theo những khuyến cáo này.
Nhiều người thắc mắc: Tại sao họ làm vậy? “Dù đã được nhắc nhở, tại sao họ vẫn cứ ra ngoài và tụ tập đông người?” “Họ không sợ bệnh dịch à?”
Một vài lý do dưới đây có lẽ sẽ giúp bạn tìm ra được đáp án cho những câu hỏi đó.
1. Đi ngược lại thiên tính của con người
Steve Cole, giáo sư y học, tâm thần học và khoa học sinh học tại Đại học California phát biểu: “Thật ra con người chỉ là những sinh vật xã hội. Chúng ta là những ví dụ điển hình cho các giống loài cần hợp tác với nhau để sinh tồn”. Cảm thấy việc sống tách rời xã hội thật khó khăn không chỉ là vấn đề của riêng bạn. Đó là bản chất của con người. Việc phải tự cách ly và xa rời xã hội giống như đang đi ngược lại thiên tính của con người.
Theo như nhà toán học lỗi lạc Pascal, “Tất cả những vấn đề của con người đến từ việc họ không thể chịu được việc ngồi yên lặng một mình trong một căn phòng”. Ta sợ phải tồn tại trong sự tĩnh lặng, muốn trốn chạy khỏi những cảm xúc của bản thân. Chúng ta sợ phải ngồi lại suy ngẫm về bản thân, sợ việc đối diện với chính mình. Chúng ta được học, được nghe nói rất nhiều về các kỹ năng để hòa đồng, hòa nhập nhưng chẳng mấy ai được học kỹ năng ở một mình.
Chúng ta bỏ qua một sự thật là nếu không chịu đối mặt với sự lặng yên và cô đơn thì sẽ không bao giờ có thể đối diện với chính mình. Không đối mặt với bản thân lại là lý do khiến ta cô đơn và lo lắng, thúc đẩy chúng ta phải kết nối với mọi thứ xung quanh.
2. Sự ngộ nhận trạng thái bình thường
Khi một tình huống xảy ra trong cuộc sống, phản ứng phân tích đầu tiên của ta sẽ là đặt nó vào trong một bối cảnh bình thường với mình, so sánh và đối chiếu thông tin mới với những điều mà ta biết sẽ thường xảy ra. Vì thế, ta có xu hướng nhận định những việc kỳ lạ hoặc những tình huống đáng báo động như chuyện bình thường.
Năm 1999, hàng loạt cơn lốc xoáy đã tàn phá cả một vùng quê của bang Oklahoma trong ba ngày liên tục. Đã có cảnh báo thiên tai 13 phút trước khi thảm họa ập đến, nhưng nhiều người vẫn không phản ứng gì. Hậu quả là cơn lốc đã phá hủy tới 8000 căn nhà và giết chết 36 người. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là ngộ nhận trạng thái bình thường (normalog bias).
Mark Svenvold, một người chuyên theo dấu lốc xoáy, đã viết về tính lây lan của sự ngộ nhận trạng thái bình thường trong cuốn sách “Big Weather”. Theo Mark, ngay cả khi đã có cảnh báo thiên tai, nhiều người vẫn cho rằng đó là vấn đề của người khác. Có những người còn cố chế nhạo ông, bắt ông phải phủ nhận thực tại để bản thân họ có thể tiếp tục bình tĩnh. Tương tự vậy, mọi người vẫn liên tục trốn cách ly, tụ tập nơi đông người vì cho rằng bệnh tật, đại dịch sẽ chẳng tìm đến mình.
3. Phá vỡ luật lệ đem lại cảm giác quyền lực và tâm trạng hưng phấn
Việc phá vỡ luật lệ thường đem lại hai phần thưởng: tâm trạng hưng phấn và cảm giác tự do. Một nghiên cứu tại Đại học Washington cho thấy mọi người tưởng họ sẽ chỉ thấy tội lỗi hoặc hối hận sau khi gian lận, nhưng bất ngờ là họ cũng cảm thấy hưng phấn, thông minh và tài giỏi hơn.
Trong một nghiên cứu khác, nhà tâm lý học Gerben Van Kleef tại Đại học Amsterdam hỏi những người tham gia: Hãy tưởng tượng có hai kế toán đã được cảnh báo về một vài mục đáng ngờ trong sổ sách. Người đầu tiên được yêu cầu phải tuân theo quy tắc, người thứ hai có thể “phá vỡ luật lệ” nếu cần thiết. Người nào sẽ nhiều tầm ảnh hưởng hơn? Hầu hết đều chọn người kế toán thứ hai. Họ cho rằng những người có quyền lực sẽ phá vỡ các quy tắc, phá vỡ các quy tắc khiến một người trở nên quyền lực hơn.
Có lẽ chính vì muốn nhận được những phần thưởng đầy hấp dẫn đó mà không ít người sẵn sàng lách luật, phá vỡ luật lệ, từ chối tuân theo các quy tắc, mặc dù đã được khuyến cáo.
4. Bị ràng buộc bởi môi trường sống, văn hóa, mối quan hệ
Trong cuốn sách Moral Tribes, nhà tâm lý học của Đại học Harvard Joshua Greene đã đính chính một quan niệm sai lầm phổ biến. Ông giải thích rằng chúng ta không được sinh ra với ý nghĩ về sự công bằng, ngay thẳng trên quy mô phổ quát rộng lớn mà trên một phạm vi nhỏ hẹp hơn. Chúng ta tiến hóa thành những nhóm người sinh sống theo bộ lạc, chúng ta hợp tác và tuân thủ luật lệ theo các nhóm nhỏ chứ không nghe theo phần còn lại của thế giới.
Rất nhiều nghiên cứu đã xác nhận, hầu hết mọi người đều tuân theo chuẩn mực trong văn hóa (hoặc công ty) của họ, cho dù điều đó gây tổn hại đến tổng thể xã hội. Nếu “bộ lạc” của bạn tải nhạc lậu, gian lận trong các bài kiểm tra, bán cổ phiếu đáng ngờ, bỏ qua lệnh cấm hút thuốc hoặc nhận hối lộ, thì bạn có khả năng thuận theo, hoặc ít nhất là che đậy cho đồng nghiệp. Và nếu người quen của ta trốn cách ly và thích tụ tập, bạn cũng sẽ có xu hướng làm theo.
5. Những lý do cá nhân, chủ quan khác
Chưa thực sự hiểu biết hết về đại dịch và sự nguy hiểm của nó cũng là một lý do. Nguyên nhân có thể là vì đọc hiểu chưa tường tận, hoặc đọc từ nguồn tin không chính thống. Không nắm bắt đúng thông tin và tình hình có thể khiến ta chủ quan, coi thường mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Người dân ở các nước phát triển có thể gặp phải một vấn đề khác, đó là quá tự tin vào nền y tế của nước nhà. Họ có nền y tế tiên tiến với hệ thống máy móc hiện đại, số giường bệnh lớn, đội ngũ bác sĩ tài giỏi, không khó hiểu vì sao họ tin tưởng vào nền y tế của nước mình. Nhưng như Albert A. Bartlett đã nói: “Điều thiếu sót lớn nhất của loài người là không hiểu được hoạt động của số mũ”. Với số ca bệnh tăng nhanh đến chóng mặt, khả năng lây nhiễm cao như virus corona thì dù nền y tế có mạnh đến đâu, việc khống chế nó vẫn là một khó khăn.
Bên cạnh những lý do trên, còn một số lý do chủ quan khác. Có thể bạn thật sự muốn tự cách ly tại nhà nhưng vấn đề cơm áo gạo tiền lại không cho phép, còn công việc thì không thể làm tại nhà. Hoặc công việc của bạn liên quan đến các ngành dịch vụ thiết yếu, hoặc sản xuất lương thực, nhu yếu phẩm.
Kết
Đại dịch chỉ có thể được đẩy lùi khi ta chung tay, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta là những sinh vật xã hội, vậy thì hãy nghĩ cho xã hội, nghĩ cho cộng đồng, bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau. Hành động thiết thực nhất để bảo vệ chính mình và mọi người lúc này là thực hiện giãn cách xã hội. Nếu biện pháp này được thực hiện nghiêm ngặt, chỉn chu thì sau những ngày tăm tối, bầu trời sẽ sáng trở lại.
Bài viết này được thực hiện bởi Minh Nguyệt.
Xem thêm:
[Bài viết] Khủng hoảng nỗi sợ mùa dịch: Cảnh giác trước ‘đại dịch thông tin’[Bài viết] Vì sao bạn nên hiểu biết về khác biệt văn hoá?