Thí nghiệm trên động vật: Cấm hay không?
Tuần trước, công ty công nghệ thần kinh Neuralink (thành lập bởi Elon Musk) đăng tải đoạn video quay lại cảnh một chú khỉ ngồi chơi game bằng con chíp được cấy trong não. Con chip này hoạt động trên cơ chế giải mã tín hiệu điện từ não bằng hơn 2.000 điện cực được cấy vào vỏ não vận động - nơi phối hợp chuyển động bàn tay, cánh tay.
Elon Musk tin rằng sáng kiến này sẽ hỗ trợ người bị liệt sử dụng điện thoại thông minh qua não nhanh hơn người sử dụng bằng ngón tay.
Mặc dù sản phẩm của Neuralink đều nhắm tới các lợi ích của con người như tăng cường thính giác, chữa trầm cảm, chữa bệnh thần kinh… Nhưng khi bài viết được đăng lên mạng xã hội, thí nghiệm đã vấp phải sự phản đối gay gắt. Chủ đề thí nghiệm ở động vật lại một lần nữa dấy lên trong cộng đồng.
Nếu thí nghiệm trên động vật là sai trái, vậy thế nào mới là đúng? Và liệu có giải pháp nào thay thế không?
Thí nghiệm ở động vật bắt đầu từ khi nào?
Những ghi chép đầu tiên về giải phẫu động vật đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Các nhà khoa học như Aristotle, Herophilus, hay Erasistratus thực hiện nhiều thí nghiệm để khám phá chức năng của các cơ quan nội tạng trong cơ thể người.
Ban đầu giải phẫu được thực hiện trên cơ thể tù nhân La Mã cổ đại, nhưng hành vi này sau đó bị buộc tội là vô nhân tính, dẫn đến giải pháp thay thế là thí nghiệm trên động vật.
Cuối thế kỷ 19, đầu 20, công nghệ và y khoa nở rộ, đồng nghĩa với sự nhân lên về số lượng động vật dùng trong nghiên cứu. Một số thống kê chỉ ra, nhờ nghiên cứu trên động vật, nhiều thành tựu y khoa của thế kỷ 20 như penicillium, vắc xin bệnh bại liệt, vắc xin bệnh đầu mùa đã tạo nên những thay đổi lớn.
Động vật có cảm nhận nỗi đau như con người?
Khi quan sát hành vi của loài chó sau phẫu thuật cắt bỏ các chi, Dorothy Brown, giảng viên tại Bệnh viện Thú y của Đại học Pennsylvania nhận thấy, những chú chó này bớt năng động hơn, chúng cũng mất dần cảm giác thèm ăn, và thường xuyên quan sát vị trí vết mổ. Đây đều là biểu hiện đặc trưng của bệnh nhân hậu phẫu thuật cắt bỏ tay chân.
Về cơ bản, hầu hết mọi động vật đều có khả năng cảm nhận nỗi đau thể chất. Chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng việc liếm vết thương, rên rỉ, hoặc tìm nơi trú ẩn.
Trong khi cảm nhận nỗi đau ở con người còn kết hợp nhiều cảm xúc khác như hoảng sợ, tuyệt vọng, lo âu - được biểu hiện ra bằng ngôn ngữ, thì chúng ta lại khó đọc được cảm xúc bên trong của sinh vật khác.
Mặc dù động vật không thể nói rằng chúng đau đớn ra sao, con người từ thế kỷ 19 đã rất quan tâm đến quyền lợi của động vật, họ dần ban hành nhiều điều luật hơn.
Quyền của động vật dựa trên quan điểm động vật cũng có cảm giác, tri giác và cảm nhận nỗi đau tương tự loài người, đồng thời bác bỏ thứ gọi là chủ nghĩa đẳng cấp loài (speciesism) - niềm tin về sự cao siêu của con người so với các sinh vật khác.
Jeremy Bentham, nhà khoa học xã hội sáng lập ra chủ nghĩa vị lợi, đưa ra quan điểm: Khi quyết định quyền của một loài sinh vật sống, câu hỏi không nên là “Chúng có thể suy luận không?” hay “Chúng biết nói không?”, mà đáng ra phải là “Chúng có thể chịu đau đớn như con người không?”. Có lẽ khi trả lời được câu hỏi này, xã hội loài người đã biết phải làm gì tiếp theo. (Theo peta.org về Quyền động vật)
Nhóm đồng ý cấm thí nghiệm ở động vật nói sao?
Rất nhiều người phản đổi việc thí nghiệm trên động vật. Họ đưa ra các số liệu công khai về tình trạng động vật bị ép ăn, sống trong điều kiện dơ bẩn, hoặc trải qua thí nghiệm đau đớn mà không có thuốc giảm đau.
Bên cạnh vấn đề đạo đức, tính chính xác của các sản phẩm thí nghiệm là một vấn đề khác đáng cân nhắc. Sản phẩm phù hợp với cơ thể động vật không có nghĩa là sẽ thành công với cơ thể con người.
Cựu giám đốc Richard Klausner của Viện nghiên cứu Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ nhận định, họ đã chữa bệnh ung thư ở chuột hàng thập kỷ, tuy nhiên các biện pháp này không hiệu quả với con người. Câu chuyện về vắc xin HIV/AIDS thử nghiệm trên cơ thể loài linh trưởng cũng có kết cục tương tự.
Theo nhóm đồng ý phản đối thí nghiệm, tiếp tục thực hiện thử nghiệm sẽ kéo theo những tổn thất lớn về ngân sách, mà ngân sách này một phần đến từ tiền thuế của dân và các khoản từ thiện “trá hình”.
Vì sao có người ủng hộ thí nghiệm trên động vật?
Nhóm người ủng hộ nghiên cứu cho rằng: thí nghiệm trên động vật là vì lợi ích của con người. Sự hy sinh của một nhóm động vật là cần thiết cho xã hội loài người, trước khi khoa học phát minh ra một phương pháp khác hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bản chất của thí nghiệm trên động vật không phải để minh chứng cho sự hiệu quả tuyệt đối của phương thuốc mới, mà để giảm rủi ro đến mức tối đa, loại trừ các phương thuốc không hiệu quả hoặc nguy hiểm.
Trong bức thư gửi đến Chuyên trang Y khoa Anh quốc, nhà nghiên cứu dược lý William D H Carey chứng minh tầm quan trọng của thí nghiệm trên động vật bằng việc nêu ra một tình huống:
Có 4 loại thuốc tiềm năng được được thí nghiệm trên chuột cống, chuột nhà và chó. Kết quả trả về như sau:
- Viên A có hại cho 3 loài;
- Viên B và C có hại cho 2 loài;
- Viên D không gây ra tác dụng nghiêm trọng.
Ta tin rằng viên D sẽ được đem đi thử nghiệm trên cơ thể người. Sự thật là viên này cũng tiềm ẩn khả năng gây hại, nhưng là phương án khả thi nhất trong tình huống cấp bách.
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động nghiên cứu trên động vật, nguyên tắc 3Rs được đưa vào bộ luật nước Anh và dần được áp dụng trên thế giới. Theo đó, 3Rs bao gồm:
- Reduction (giảm thiểu): chia sẻ nguồn tài nguyên để các nhà nghiên cứu có được nhiều thông tin hơn mà không cần tiến hành thí nghiệm trên số lượng lớn.
- Refinement (tinh chỉnh): cải thiện điều kiện sống của động vật, cho phép chúng thực hiện hành vi bản năng như làm tổ.
- Replacement (thay thế): thay thế bằng tình nguyện viên, tế bào người/động vật, động vật có xương sống chưa hoàn chỉnh hoặc động vật không xương sống.
Có phương án thay thế nào hiệu quả?
Khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học quan tâm đến 3 vấn đề chính là vấn đề đạo đức, sự hiệu quả và khả năng tương thích với cơ thể người. Dưới đây là 4 phương án khả thi đang được áp dụng rộng rãi:
1. Thí nghiệm trong ống nghiệm (in vitro)
Viện Kỹ thuật Sinh học Wyss đã chế tạo thành công “nội tạng trên vi mạch” (organs-on-chip) - một thiết bị cấu thành từ vật liệu nhân tạo, có khả năng mô phỏng cấu trúc của tế bào sống. Những con chip này đã được ứng dụng trong việc thử nghiệm thuốc và xét nghiệm chất độc.
2. Mô hình máy tính (in silico)
Thông tin từ cơ sở dữ liệu hóa học trực tuyến có thể tạo ra những thuật toán với khả năng dự đoán mang tính chính xác cao. Từ đó loại bỏ các chất có độc tính, giảm thiểu khả năng gây hại cho người.
3. Thử nghiệm trực tiếp trên cơ thể người
Các tình nguyện viên chỉ tiếp nhận thuốc ở mức độ nhỏ, đủ nhỏ để không gây ra tác động sinh lý nguy hiểm, nhưng đủ lớn để đo lường được mức độ tác động cấp tế bào. Phương pháp này được gọi là microdosing.
4. Dùng cơ thể nhân tạo
Ngày nay, các thiết bị mô phỏng cơ thể nhân tạo như TraumaMan được trang bị nhiều “tính năng” độc đáo - thở, chảy máu, co giật, nói chuyện, thậm chí là chức năng “tử vong”. Các trường học tại Mỹ, Canada và Ấn Độ đã gần như thay thế hoàn toàn việc mổ xẻ động vật bằng mẫu robot như thế này.
Sự hy sinh của động vật có xứng đáng?
Do kết cấu di truyền có nhiều tương đồng với con người và vòng đời ngắn (dễ quan sát tính hiệu quả của thuốc), động vật thường được chọn để đem lên bàn giải phẫu.
Mỗi năm hơn 100 triệu động vật được sử dụng trong các phòng thí nghiệm ở Mỹ cho mục đích giảng dạy y khoa, thí nghiệm, thử hóa chất, thử thuốc, thử thức ăn và mỹ phẩm. Sau thí nghiệm, chúng thường nhận được cái chết nhân đạo, một số thì kết thúc vòng đời ngay trên bàn mổ, đôi khi được thả về tự nhiên.
Riêng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, thí nghiệm vô nhân đạo trên thỏ và chuột diễn ra thường xuyên đến nỗi, năm 2013, lệnh cấm thử nghiệm mỹ phẩm lên động vật đã được ban hành ở Liên minh châu Âu, mở đường cho việc nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế.
Tuy khoa học đang chuyển mình một cách đột phá, song ta vẫn chưa thể đạt được trình độ mô phỏng chính xác một cơ thể sống phức tạp như con người. Vì vậy trong một số vấn đề mang tính toàn cầu và cấp bách như dịch bệnh COVID-19, thí nghiệm trên động vật vẫn được cho phép.
Không chỉ con người hưởng lợi từ những nghiên cứu này, mà rất nhiều phương thuốc cũng được sử dụng thường xuyên trong phòng khám thú y, giúp động vật sống lâu và khỏe mạnh hơn.
Chúng ta có thể chấm dứt nỗi đau của động vật hay không?
Đứng trước những hành vi ngược đãi, tra tấn động vật trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, mỗi người đều có thể góp một tiếng nói chung để chấm dứt hiện tượng này. Bên cạnh đó, cũng có người chọn tẩy chay mỹ phẩm được thí nghiệm trên động vật, tìm đến các thương hiệu chống lại các thử nghiệm vô nhân đạo.
Nếu như bạn chưa biết thì 3 ngày trước, Tổ chức Nhân đạo Quốc tế đã sản xuất bộ phim Save Ralph để hỗ trợ chiến dịch toàn cầu: cấm thử nghiệm mỹ phẩm lên động vật. Đây là quy định đã áp dụng ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phim có sự góp giọng (và góp công lan tỏa thông điệp) của người nổi tiếng như hoa hậu H’hen Niê hay Diễm My 9x.
Quyền của động vật không chỉ là thứ gì đó mang “màu sắc” triết học, nó còn là phong trào thách thức quan điểm truyền thống của xã hội. Động vật sinh ra không phải chịu đau đớn vì con người và chúng cũng cần được sống cuộc đời chúng xứng đáng.