Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu: Nguyên nhân và cách chữa lành
Như mọi đứa trẻ khác, bạn được dạy tình thương cha mẹ dành cho mình là vô bờ bến. Nhưng trong sự vô tận ấy đôi khi lại có những trống trải mà bạn khó lòng gọi tên. Mặc cho cuộc sống đầy đủ, thỉnh thoảng bạn vẫn thấy tâm hồn trống rỗng, cảm xúc hời hợt và bị lạc lõng trong mối quan hệ. Có thể, bạn đang bị ảnh hưởng bởi Childhood Emotional Neglect (CEN) - Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu, một vấn đề tâm lý học không quá quen thuộc nhưng khá nhiều người trải qua.
Childhood Emotional Neglect: Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu là gì?
Childhood Emotional Neglect (CEN), hay thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu, là khi cha mẹ hay người chăm sóc không đáp ứng đủ nhu cầu cảm xúc của đứa trẻ. Một ví dụ về CEN là khi đứa trẻ kể với cha mẹ về những gì xảy ra ở trường nhưng lại bị gạt đi. Dần dần, đứa trẻ sẽ nghĩ cảm xúc của mình không quan trọng và ngừng tìm kiếm sự chia sẻ từ cha mẹ.
Điều này hoàn toàn khác với Emotional Abuse (Ngược đãi cảm xúc), vì cha mẹ không hề có ý định bỏ mặc hay làm tổn hại cảm xúc của đứa trẻ, còn ngược đãi cảm xúc là hành động có chủ đích dùng cảm xúc (chỉ trích, đổ lỗi, hạ thấp) để thao túng đối phương.
Cha mẹ bỏ rơi đứa trẻ về mặt cảm xúc có thể vẫn chu cấp đầy đủ những nhu cầu thiết yếu như ăn ở, học hành, chăm sóc sức khỏe,... Họ yêu thương con mình nhưng chỉ vô tình bỏ quên hoặc dù đã cố gắng nhưng vẫn không chạm đến cảm xúc của con cái.
Dấu hiệu một người đã, đang trải qua CEN
Đây là một vấn đề rất khó nhận ra, có thể chính đứa trẻ cũng không biết cảm xúc của mình đã bị bỏ rơi, bởi nó không phải một tổn hại dễ thấy. Đứa trẻ vẫn lớn lên bình thường, dần quên mất những lần kết nối cảm xúc hời hợt với cha mẹ. CEN có thể không tạo ra những vết thương đau đớn, nhưng để lại một khoảng trống trong tâm thức đứa trẻ. Tuy không quá kinh khủng, nhưng có thể khiến nhiều người trưởng thành gặp trở ngại trong đời sống tinh thần, cảm xúc.
Tiến sĩ Jonice Wepp, người đã dày công nghiên cứu về CEN, đã liệt kê một số dấu hiệu thường thấy ở những người bị bỏ rơi cảm xúc thời thơ ấu trong cuốn "Running on Empty: Overcome Your Childhood Emotional Neglect" như sau:
- Đánh giá bản thân khắt khe hơn với người khác.
- Gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn tả cảm xúc.
- Thường thất vọng hoặc tức giận với chính mình chẳng vì lý do gì hoặc lý do rất nhỏ.
- Cảm thấy cô đơn, ngay cả khi ở bên người khác.
- Cảm thấy lạc lõng giữa gia đình và bạn bè.
- Thấy bản thân như luôn đứng ngoài cuộc và nhìn vào.
- Cảm thấy trống rỗng hoặc vô cảm.
- Thầm cảm thấy có điều gì không ổn về bản thân và lo sợ nếu người khác nhận ra, họ sẽ rời bỏ mình.
- Khó kiểm soát cảm xúc nên khi buồn bã sẽ khó tự an ủi bản thân.
- Tính độc lập cao, đôi khi gặp khó khăn trong việc nhờ vả hay nhận sự giúp đỡ.
- Bị nhận định là lạnh lùng và khó tiếp xúc.
- Thường thấy buồn bã nhưng không rõ lý do.
- Lo lắng bản thân không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân.
- Gặp khó khăn trong việc nhận biết đúng điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
- Kỷ luật tự giác kém.
Người trải qua CEN có thể có nhiều trong những dấu hiệu trên. Nhưng đây không phải một danh sách dùng để chẩn đoán và không phải luôn đúng với tất cả mọi người.
Ảnh hưởng đến cuộc sống
Trải nghiệm thời thơ ấu ảnh hưởng lên mỗi người một khác và tác động có thể thay đổi theo thời gian.
Ở những đứa trẻ, tương đối khó để nhận biết rõ sự thiếu hụt cảm xúc. Khi đang ở lứa tuổi phát triển về mặt thể chất, tinh thần và bản ngã, lỗ hổng cảm xúc sẽ là trở ngại trên con đường hoàn thiện bản thân. Nhẹ thì chúng sẽ không thấy mặn mà lắm với những việc xung quanh, giấu giếm nhu cầu cảm xúc của bản thân, lạc lõng trong thế giới của chính mình khi bị cha mẹ bỏ quên. Nặng thì vật lộn với chứng căng thẳng, lo âu, trầm cảm,...
Người trưởng thành trải nghiệm CEN có thể thiếu khả năng nhận biết, hiểu, xử lý và bày tỏ cảm xúc. Vì những nhu cầu cảm xúc không được đáp ứng khi còn nhỏ, họ luôn mang những mặc cảm về việc mình không đủ tốt. Sự trống rỗng không được khỏa lấp có thể dẫn đến việc dù họ đã lớn nhưng chưa trưởng thành.
Bên cạnh đó, do thiếu chắc chắn khi nhận định về bản thân, họ có nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc đi tìm bản ngã của mình. Một người thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu cũng có nguy cơ trở thành bậc cha mẹ bỏ rơi cảm xúc của con cái, nếu họ không nhận biết những gì đã xảy ra với mình và tìm cách chữa lành.
CEN ảnh hưởng tới mỗi người mỗi khác, với anh chị em cùng cha mẹ nuôi dưỡng cũng thế. Có nhiều yếu tố tác động lên sự khác nhau này bao gồm: giới tính, tính cách, thứ tự sinh, độ tuổi khi biến cố gia đình xảy đến, mức độ nhạy cảm, hoặc năng lực của từng người. Ví dụ, trong vài gia đình, bé gái thoải mái bày tỏ cảm xúc nhiều hơn bé trai, hay người anh hoặc chị học giỏi sẽ được quan tâm nhiều hơn người em học trung bình,…
Cha mẹ có lỗi không?
Nhiều lý do để bậc cha mẹ bỏ rơi cảm xúc của con mình: họ cũng từng là nạn nhân, họ bận rộn với công việc, họ gặp vấn đề tâm lý riêng,… Theo Tiến sĩ Jonice Wepp, những kiểu cha mẹ sau thường bỏ rơi cảm xúc của con cái:
- Cha mẹ độc đoán: yêu cầu đứa trẻ phải tuân thủ luật lệ hay giới hạn họ đặt ra.
- Cha mẹ dễ dãi: để đứa trẻ tự do đến vô kỷ luật.
- Cha mẹ ái kỷ: chỉ quan tâm đến vấn đề của bản thân và đứa trẻ không được làm tổn hại đến thể diện của họ.
- Cha mẹ vắng bóng: không có mặt trong quá trình lớn lên của đứa trẻ.
- Cha mẹ suy sụp: khiến đứa trẻ luôn muốn trở nên hoàn hảo thái quá để họ không phải lo lắng.
- Cha mẹ nghiện ngập: trở nên tệ hại khi vào cơn nghiện.
- Cha mẹ cầu toàn: đặt kỳ vọng cao vào đứa trẻ.
- Cha mẹ rối loạn nhân cách: vốn không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Trong trường hợp cha mẹ không thực hiện tốt chức năng của người nuôi dưỡng (cung cấp về vật chất và tình cảm), đứa trẻ sẽ bị "già trước tuổi" vì phải tự chăm sóc bản thân hoặc vô thức đóng vai trò cha mẹ của các em mình. Dần dần, chúng có xu hướng ôm đồm quá mức và coi nhẹ bản thân. Cô đơn, trống rỗng, thiếu kết nối là những gì chúng thường cảm thấy.
Vậy có phải tất cả đều là lỗi của cha mẹ? Họ có nên được bỏ qua? Sẽ thế nào nếu họ nhận thức được điều họ đã làm? Dù lý do gì thì việc đổ lỗi không khiến cha mẹ hay con cái thấy tốt hơn, nhất là khi họ không cố ý bỏ rơi cảm xúc con mình.
Vỗ về đứa trẻ bên trong
Hành trình chữa lành chưa từng đơn giản, đặc biệt khi đó là những tổn thương tinh thần. Để tự vỗ về đứa trẻ bên trong mình, bạn có thể bắt đầu với những bước sau:
1. Hiểu và chấp nhận bản thân: Hãy tìm lại trong những ngăn ký ức tuổi thơ, cũng như xem xét thực tại để có được cái nhìn cụ thể về mức độ ảnh hưởng của CEN với bản thân.
2. Tôn trọng những cảm xúc, nhu cầu, mong muốn của bản thân: Bao dung hơn với chính mình, chia sẻ về nhu cầu của bản thân hoặc vạch ra ranh giới rõ ràng khi kết nối với người khác.
3. Bắt đầu bộc lộ: Khi bắt đầu thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc, tôn trọng bản thân thì những mối quan hệ, tương tác với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũng thay đổi theo.
4. Tập cách an ủi: Trải qua CEN khiến bạn không muốn dựa dẫm vào người khác, nên học cách tự vỗ về bản thân là bước quan trọng để giữ được tinh thần ổn định.
5. Tìm đến chuyên gia: CEN không phải một bệnh tâm lý, nhưng hãy tìm đến chuyên gia tâm lý nếu nhận thấy những dấu hiệu xấu về sức khỏe tâm thần, hoặc ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống.