Chấn thương thời thơ ấu và hệ quả lên cuộc sống trưởng thành | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 03, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Chấn thương thời thơ ấu và hệ quả lên cuộc sống trưởng thành

Những chấn thương khi còn nhỏ không thực sự biến mất, mà sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách khác nhau.
Chấn thương thời thơ ấu và hệ quả lên cuộc sống trưởng thành

Chấn thương thời thơ ấu có thể để lại những vết sẹo khó lành. | Nguồn: NZ Herald

Đa số chúng ta đều có những trải nghiệm không vui thời thơ ấu, từ bị điểm kém đến bị bắt nạt và bỏ rơi. Trong nhiều trường hợp, chúng để lại những vết sẹo khó lành, kể cả khi ta trở thành người lớn.

Theo nghiên cứu của Michael De Bellis & Abigail Zisk, chấn thương có thể thay đổi cách não bộ của trẻ phát triển. Chẳng hạn mạch não của một đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc ngược đãi sẽ thích nghi theo một hướng khác so với đứa trẻ lớn lên trong môi trường an toàn.

Cùng Vietcetera tìm hiểu về những chấn thương này và cách chúng tác động lên cuộc sống qua bài viết dưới đây.

Chấn thương thời thơ ấu là gì?

Chấn thương thời thơ ấu (adverse childhood experiences - ACEs) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra ở tuổi vị thành niên (0-17 tuổi). Nếu không được chữa lành, những chấn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chấn thương thời thơ ấu được chia làm 3 nhóm chính:

Ngược đãi

  • Ngược đãi thể chất: Đánh đập, hành hạ trẻ. Nhiều khi việc này được thực hiện với mục đích kỷ luật.
  • Ngược đãi cảm xúc: Bạo hành bằng lời nói để thao túng tinh thần trẻ. Những hình thức phổ biến gồm mắng chửi, xúc phạm, trêu chọc, so sánh trẻ với người khác khiến trẻ xấu hổ, tự ti và cảm thấy bản thân không có giá trị.
  • Lạm dụng tình dục: Các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục đối với trẻ.

Bỏ rơi

  • Bỏ rơi về thể chất: Không thực hiện đầy đủ việc nuôi nấng, chăm sóc và giám sát trẻ, dẫn đến môi trường sống thiếu vệ sinh, suy dinh dưỡng và nhiều bệnh lý khác.
  • Bỏ rơi về cảm xúc: Kiểm soát cảm xúc của trẻ thay vì ghi nhận và giúp chúng quản lý nó. Đứa trẻ chỉ được cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, không được có những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, đau đớn hoặc nhớ nhung.
title25mar2022screenshot20220325165845jpg 25mar2022screenshot20220325165845jpg
Khi bị kiểm soát cảm xúc, đứa trẻ không được có những cảm xúc tiêu cực. | Nguồn: Pexels

Rối loạn chức năng gia đình

  • Người thân mắc bệnh tâm thần, lạm dụng chất kích thích hoặc đi tù.
  • Mẹ bị bạo hành bởi cha ruột hoặc cha dượng.
  • Cha mẹ ly thân hoặc ly hôn.

Chấn thương thời thơ ấu tác động thế nào ở tuổi trưởng thành?

Né tránh sự thân mật trong các mối quan hệ

Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu có thể khiến bạn sợ sự thân mật trong quan hệ với người khác khi trưởng thành. Điều này dẫn đến thiếu các kỹ năng xã giao quan trọng, cảm giác không xứng đáng với người khác và hành vi tự thao túng bản thân.

Ví dụ nếu từng bị bắt nạt khi còn nhỏ, nạn nhân dễ gặp vấn đề về lòng tin khi trưởng thành. Vì luôn sợ bị người khác đánh giá và trêu chọc, họ tự cô lập bản thân, không hòa nhập với cộng đồng nơi họ làm việc và sinh hoạt. Việc này khiến họ không thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh cần thiết cho cuộc sống.

Bị lôi kéo vào những mối quan hệ không lành mạnh

Chấn thương thời thơ ấu khiến nạn nhân dễ bị thu hút bởi người có tính cách phù hợp với trải nghiệm của họ - những người cũng bỏ mặc cảm xúc hoặc ngược đãi người khác. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân hoàn toàn ý thức được đây là mối quan hệ độc hại. Nhưng do ảnh hưởng vô thức từ quá khứ, họ vẫn chọn theo đuổi nó.

Chẳng hạn khi một người thiếu thốn tình cảm bị bạo hành, họ dễ lầm tưởng đó là biểu hiện quan tâm và yêu thương từ người khác. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn độc hại về những chấn thương cảm xúc, khi nạn nhân không đủ can đảm để nhận ra sự ngược đãi này.

Mất đi ký ức tuổi thơ

Nếu kỷ niệm buồn đủ nhiều để xóa nhòa những ký ức tích cực, bạn có thể nhớ rất ít về tuổi thơ của mình. Điều này xảy ra là do blocking - một cơ chế phòng vệ của con người trước quá khứ đau thương.

Trong cơ chế này, ta từ chối ghi nhận sự tồn tại của những trải nghiệm buồn để né tránh cảm xúc tiêu cực. Nghiên cứu của Angi Jacobs-Kayam và Rachel Lee-Wiesel cũng cho thấy, người bị xâm hại khi còn nhỏ thường mất phương hướng thời gian, không gian và ký ức về thời kỳ này.

Kết quả là ký ức tuổi thơ trở nên nhỏ giọt. Ví dụ, ta nhớ rõ mình bị đánh đập nhưng không nhớ hoàn cảnh vì sao lại bị đánh. Điều này có thể khiến ta gặp khó khăn trong việc lý giải và thấu hiểu bản thân khi trưởng thành.

Các vấn đề về nghiện ngập và sức khỏe tinh thần

Chấn thương thời thơ ấu có liên quan chặt chẽ đến trầm cảm, lo âu và các rối loạn sức khỏe tinh thần khác. Nếu không được trị liệu phù hợp, chúng sẽ khiến nạn nhân gặp khó khăn trong giải quyết mâu thuẫn và quản lý cảm xúc. Đây là nguyên nhân dẫn tới các mối quan hệ không ổn định và trở ngại trong công việc.

Để giải tỏa cảm xúc cùng những xung đột bên trong, họ thường tìm đến đồ uống có cồn hoặc chất kích thích. Điều này lại dẫn đến những vấn đề về nghiện rượu, ma túy hoặc các hội chứng rối loạn ăn uống.

Những vấn đề mãn tính về sức khỏe thể chất

Chấn thương thời thơ ấu làm tăng lượng hormone cortisol và norepinephrine trong cơ thể. Về lâu dài, chúng có thể gây ra căng thẳng mãn tính và nguy cơ mắc các bệnh dạ dày, thừa cân, tiểu đường, tim mạch và một số loại ung thư.

Cách vượt qua chấn thương thời thơ ấu

Nếu không may trải qua một tuổi thơ đau buồn, bạn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để nhận ra những tác động của chấn thương và tìm sự trợ giúp.

Chấn thương thời thơ ấu vagrave hệ quả
Bạn không thể thay đổi chấn thương thời thơ ấu, nhưng bạn luôn có thể tìm sự trợ giúp. | Nguồn: Pexels

Theo bác sĩ tâm lý trẻ vị thành niên Mark Banschick chia sẻ trên Psychology Today, bên cạnh trị liệu chuyên nghiệp, các biện pháp sau có thể giúp bạn giảm thiểu tác động của chấn thương thời thơ ấu:

  • Thiền định: Bài tập thiền yêu thương sẽ giúp bạn xua tan suy nghĩ tiêu cực và gợi những cảm xúc tích cực để vượt qua những chấn thương tâm lý.
  • Độc thoại với đứa trẻ bên trong: Viết một lá thư cho chính mình khi còn nhỏ. Bạn ghi nhận những trải nghiệm đau buồn mà đứa trẻ đã trải qua, và sẵn sàng lắng nghe nó. Quá trình này giúp bạn hiểu bản thân mình hơn và cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng ngôn từ.
  • Chia sẻ với những người tin tưởng: Nên có ít nhất một người bạn cảm thấy an toàn để chia sẻ những vấn đề tâm lý của mình. Có thể là người thân, bạn bè hoặc bác sĩ tâm lý.
  • Xây dựng những thói quen tốt. Khi sức khỏe thể chất được cải thiện, tâm trạng bạn cũng sẽ tốt hơn.

Kết

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, “Trong chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Chúng ta đeo lên lớp mặt nạ của người lớn và chôn sâu đứa trẻ đang ngày đêm bị thương tổn trong lòng. Tuy nhiên, những tổn thương đó không bao giờ đi đâu cả, ta càng trốn tránh thì nỗi đau khổ không biến mất mà nó còn kéo dài âm ỉ hơn mà thôi.”

Nếu không may bị chấn thương thời thơ ấu, điều quan trọng là bạn ghi nhận nó và sớm chữa lành, tránh để nó tiếp tục tác động lâu dài đến cuộc sống.