Thịnh Suy và lớp ẩn dụ dưới những vui buồn thế gian
Chỉ sau Một đêm say, Thịnh Suy (Đỗ Quốc Thịnh) bỗng trở thành cái tên nổi tiếng. Đó có lẽ là lối "mở bài" cũ kỹ mà chính người viết cũng nhận ra, bởi Thịnh Suy đã là nghệ sĩ trẻ được nhiều người yêu thích, bằng những điều bé nhỏ (tiny things EP), bằng âm nhạc mộc mạc, bằng những tình cảm rất mực chân thành.
Sau một năm phát hành album Door To Nowhere, Thịnh Suy sắp sửa ra mắt tập âm nhạc cũng là một tệp cảm xúc mới. Khác với sự loay hoay, lưỡng lự, mông lung ở album đầu tay, Thịnh Suy đã tìm thấy được nơi chốn mà cậu muốn đến trong lần trở lại này.
Tự nhận có lúc thịnh khi suy, nhưng Thịnh Suy dần đi sâu vào cái tôi để nghĩ nhiều hơn. Ý tưởng về album Thịnh Suy Nghĩ cũng nảy ra từ đó, sau khi gom góp 2 - 3 năm sáng tác để bỏ vào đĩa nhạc lần này. Vietcetera vừa có cuộc trò chuyện Thịnh Suy trước khi cậu ấy ra mắt album thứ 2 và thực hiện tour diễn xuyên Việt ‘Một đêm em không say’ cùng nữ ca sĩ, nhạc sĩ Vũ Thanh Vân.
Xin được trở lại album Door To Nowhere một chút. Thịnh còn nhớ cảm xúc lúc hoàn thành album đầu tay này?
Thực ra mình không nhớ lắm lúc hoàn thành album. Mình cứ hoàn thành từng chút, từng chút nhỏ khi thực hiện đĩa nhạc đầu tay này. Mình chỉ nhớ khoảnh khắc cuối cùng khi đặt xuống dấu chấm cuối cùng, đưa ra quyết định sản phẩm đã hoàn thiện, cũng vừa lúc album đã làm xong master. Khi đó mình thấy thoải mái lắm vì đã làm xong một tác phẩm mà trước đó, trong lúc làm, mình không biết nó có đạt hay không?
Trước đó, mình cảm thấy khá mông lung và lo lắng vì chưa làm album bao giờ. Và bản thân mình cũng nghi ngờ rằng nó có thể trở thành một đĩa nhạc hoàn chỉnh hay không? Vì thế, mình hài lòng vì đã hoàn thiện được một sản phẩm. Album được hoàn thành là vì mình quyết định nó phải được hoàn thành mà không có một tác động nào từ bên ngoài. Xong là xong.
Thịnh học được gì sau quá trình thực hiện album đầu tay?
Cái lớn nhất là bớt nghi ngờ những sản phẩm mình làm cũng như bỏ nhiều công sức hơn vào quá trình sản xuất sản phẩm đó. Có một bài học nhỏ mà mình rút ra được là mình sẽ không biết được điều gì sẽ tới cho đến khi hoàn thành. Đó cũng là điểm chung giữa album đầu tay và album thứ hai lần này. Hoá ra phải sau khi mình làm xong thì bản thân mới biết bức tranh tổng thể, thông điệp của album mang lại là gì.
Mình nghĩ nên bớt lo lắng lại và tập trung vào làm việc, từ những thứ nhỏ nhất; và làm từng phần một, qua từng ngày. Bên cạnh đó, mình cũng nhanh hơn trong việc đưa ra các quyết định. Ví dụ như việc chọn màu sắc cho từng tác phẩm hay lựa chọn nghệ sĩ để kết hợp… Trước đây mình thường lăn tăn về những chuyện này nhưng nay đã quyết đoán.
Cứ chạy thôi. Cứ trôi theo dòng mách bảo từ bên trong mình.
Sau Door To Nowhere Thịnh đã có nơi chốn để đến, “cánh cửa” đã chính thức mở ra?
Điều này cũng đúng. Đĩa nhạc thứ hai này đã có một chủ thể ở trong đó. Nó không đi về không đâu như đĩa nhạc đầu tiên nữa mà đã có một nơi để tập trung vào - đó là cái tôi. Mình đi bóc tách xem trước đây mình là người thế nào, đã trải nghiệm ra sao, có phần tối, phần sáng nào… Và mình cố gắng thật nhất để lột ra những phần ở bên trong mà trước đây mình chưa từng tìm đến.
Đĩa nhạc có tên là Thịnh Suy Nghĩ và có tận 3 thái cực trong album này. Đó là Thịnh, Suy và Nghĩ. Thịnh Suy thì dễ hiểu rồi vì nó là hai thái cực mang tính nhị nguyên. Có những bài hát tích cực, vui vẻ và những bài hát buồn, sầu não. Album sẽ có điểm giao ở những bài trung tính hơn, không hẳn buồn cũng chẳng hẳn vui, là những cảm xúc mình gặp trong quá trình sống.
Đó là những lúc mình cảm thấy buồn nhưng cũng không hẳn là thảm. Quan trọng hơn, mình cũng thấy ổn với suy nghĩ đó. Những cảm xúc trung tính như vậy mình ghi lại dưới dạng “Nghĩ”. Vì thế mà mình càng muốn đi sâu vào cái tôi, trải nghiệm từ khi mình sinh ra cho đến bây giờ.
Ý tưởng Thịnh Suy Nghĩ ra đời ngay từ đầu hay trong quá trình thực hiện album?
Ý tưởng Thịnh Suy Nghĩ ra đời sau này, khoảng mới hai tháng trước đây thôi. Mình đã viết và gom lại thành album này trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây. Phần phối khí và sản xuất album thì bắt đầu từ năm nay.
Về mặt sản xuất và màu sắc âm nhạc thì sao? Thịnh Suy Nghĩ có gì khác so với album đầu tay của bạn?
Về màu sắc âm nhạc, mình nghĩ album này không quá khác với đĩa nhạc đầu tay hay các sản phẩm mình đã thực hiện trước đây. Nó vẫn mang màu sắc acoustic; và có lẽ album này còn quen thuộc hơn cả đĩa nhạc trước đó nữa. Album sẽ có 10 bài và cả 10 bài đều có tiếng guitar. Cách phối khí và thể hiện bài hát cũng khá quen thuộc.
Mình nghĩ điều khác biệt lớn nhất là ở trong nhận thức; cách mình dùng từ ngữ, đặt để những ý tứ vào trong tác phẩm. Từ kinh nghiệm trước đó, mình đã thực hiện theo một cách khác biệt hơn.
Tập trung vào câu chuyện về mặt nhận thức, Thịnh đã sẵn sàng để bộc lộ hết cho thế giới những nội tâm bên trong mình?
Mình đã thực sự bộc lộ ra nội tâm cho cả thế giới biết nhưng không nghĩ rằng mọi người thưởng thức album và biết hết câu chuyện đằng sau. Những câu chuyện cụ thể, những điều gây cảm hứng cho mình thực ra chỉ một mình mình biết mà thôi. Những con người xuất hiện trong đó, những sự việc đã xảy ra và được kể lại đều từ trong “đầu” mình.
Lúc mình thể hiện điều đó ra nhạc thì không hẳn mình sẽ viết hết chi tiết câu chuyện. Đó là những đúc kết hoặc được kể lại dưới một lớp ẩn dụ khác.
Mình vẫn thể hiện tất cả những gì mình nghĩ nhưng lại không quá cụ thể để vạch trần con người mình ra cho người ta thấy sâu đến mức đó. Từ trước đến nay mình vẫn làm như vậy và mình nghĩ điều này hợp với mình hơn.
Thịnh có phải “đóng vai” khi sáng tác?
Mình nghĩ là có. Mình có đóng vai và có “shadow work” khi sáng tác.
Mình thường viết nhạc ở một ngôi khác và viết để cho chính bản thân mình nghe. Mình tự viết cho mình nghe và tự nhủ “Tao sẽ viết cho mày nghe. Tao đang trong một không gian âm nhạc đủ thoải mái và tao biết có sự trí tuệ ở đó. Tao không bị vướng bận những chuyện cá nhân.” Vì thế mình nghĩ nó là một cái tôi nhưng ở một góc nhìn, một góc tiếp cận khác.
Cũng có nhiều điểm ở trong album có thể sẽ hơi khó hiểu vì có những câu từ thực sự thuộc về cá nhân. Có một bài hát trong album có tên là Trống. Mình viết nó khi đi sâu vào sự trống rỗng bên trong cái tôi và tìm hiểu thực sự “mình cụ thể là cái gì?” Mình mải miết tìm hoài nhưng không tìm ra được mình thực sự là một cái gì cụ thể.
Đoạn điệp khúc mình đã viết thế này, “Về một góc căn phòng màu cam.” Câu này sẽ rất tối nghĩa nếu chỉ hát lên và nếu những ai không biết mình từng ở trong một căn phòng màu cam, và mình đã viết bài hát này trong căn phòng đó với cảm xúc như vậy. Dường như chỉ bản thân mình mới thực hiểu câu hát đó. Mình không có cách nào để thay đổi mặc dù những từ được dùng không dễ để được hiểu. Nhưng cuối cùng mình quyết định vẫn giữ câu hát này cho riêng bản thân và cho một sự trừu tượng nào đó có thể xảy ra trong đầu người nghe.
“Căn phòng” xuất hiện rất nhiều trong âm nhạc của Thịnh. Có khi nào bạn ám ảnh hay mắc kẹt trong một căn phòng thực hoặc vô hình nào đó?
Mình nghĩ là có. Mình nghĩ nó không cụ thể là căn phòng nào nhưng là tái trình hiện cho câu chuyện mỗi “cái tôi” sẽ có một “căn phòng.” Sự tái trình hiện này nói chuyện mình sống trong nhận thức của cái tôi và luôn có bốn bức tường. Mình nghĩ “cái tôi” và “căn phòng” khá tương đồng.
Mình đang đi ra khỏi căn phòng đó để xem cái thực sự diễn ra, những điều nằm ngoài cái lo sợ, những điều suy nghĩ trong đầu mình. Và mình nghĩ, “căn phòng” mà mình cứ hay nhắc đến là đại diện cho điều đó.
Thịnh chọn đi ra "căn phòng" vì nó bầy chật nhiều câu chuyện và tự sự "kiểu nghệ sĩ" hay là gì khác?
Dễ đồng cảm hơn thì mình nghĩ nên gọi nó là “overthinking.” Không chỉ liên quan đến nghệ thuật hay sáng tác âm nhạc/ kể chuyện, mình nghĩ bên trong mình có gì đó tò mò rất lớn về cái gọi là bí mật của cuộc sống. Mình cứ đi tìm nó mãi thôi và cho đến khi nào vẫn chưa có câu trả lời thì mọi thứ xung quanh sẽ tiếp tục dẫn mình đi.
Mình nghĩ những câu hỏi như vậy rất phù hợp với người nghệ sĩ hoặc những người làm sáng tạo nói chung. Nhưng đôi khi nó cũng hơi khó chịu và làm cho mình không đủ bình tĩnh, tỉnh táo trong các hành xử trong cuộc sống hàng ngày; hay có một tâm lý tốt để ứng xử với mọi người.
Cách mà mình chung sống với điều này chính là tìm cách để hiểu được nó. Tìm hiểu cách tại sao mình lại có mong muốn đó; hay tìm cách để không phải hỏi tại sao trên đời này nữa; hay đi tìm câu trả lời cho những bí mật luôn tìm kiếm. Mình nghĩ câu hỏi đó rất dài và mấy năm rồi mình cũng chưa thấy câu trả lời rõ ràng. Mình cũng nghĩ không nên bám chấp vào một quan điểm cố định nào hết trơn.
Quan điểm là quan điểm còn sự thật thì không liên quan. Sự thật không liên quan đến chuyện bạn nghĩ điều đó là đúng hay là sai. Sự thật chỉ xảy ra mà thôi. Nếu đã nhận thức được như vậy thì mình nghĩ mọi thứ sẽ trôi qua và mình nên dành thời gian tìm hiểu những điều mình thích. Như thế mọi thứ xung quanh, mình nghĩ, sẽ tốt hơn.
Căn phòng mà Thịnh hay nhắc đến cũng là không gian lý tưởng để sáng tạo?
Một vài tháng gần đây gần như mình không viết gì nhưng để nói về một khung giờ hay nơi chốn nhất định để sáng tác thì nó luôn là phòng của mình. Đó cũng là nơi mình làm việc và chơi game. Giờ giấc sáng tác thường là ban khuya, và buổi sáng (khi trời còn chưa nóng). Những lúc đó cũng thường là khoảng thời gian yên tĩnh.
Còn về phương thức sáng tạo (method) thì gần như mình không có; và mình cũng không điều khiển được cái đó. Mình cũng không chủ động kiểm soát năng lực đó một cách hoàn toàn. Mình có thể cố ngồi xuống và viết ra được một bài hát nhưng mình không nghĩ đó là hay.
Và Thịnh cần một sự kỷ luật nhất định trong sáng tạo hay không?
Ở một khía cạnh nào đó, mình vẫn đưa bản thân vào một sự kiểm soát để thực hành sáng tạo nhưng không quá chặt chẽ hoặc bị phụ thuộc quá nhiều giống như xây dựng một thói quen, kỷ luật. Mình cũng đã từng ngồi xuống tập viết nhưng kết quả cho ra dù ổn nhưng lại khá rối rắm.
Nhưng tạo ra kỷ luật là tốt. Giống như mình tập thể dục mỗi ngày và nhận ra các cơ làm việc dễ hơn một chút vào ngày hôm sau.
Quay trở lại với Thịnh Suy Nghĩ, khâu biên tập album diễn ra như thế nào?
Khâu biên tập album này, theo mình là khá êm.
Mình biên tập trong một tối, khi người yêu đã đi ngủ còn mình thì lại không ngủ được. Lúc đó mình đã có danh sách bài hát và thường thì mình chỉ viết nhiều hơn đâu đó một vài bài cho một đĩa nhạc cụ thể. Lúc bắt đầu biên tập, mình cũng đã sản xuất xong được một nửa và quyết định album sẽ có 10 bài đó.
Mình để cho album được sắp xếp như chính cuộc sống bình thường nhất có thể và không lý tưởng (hoá) gì cả. Đó là một cuộc sống có cái này và có cái kia; không phải là một cuộc sống tệ, hay bi kịch.
Cái đêm đó, mình biên tập theo kiểu, hình dung một nhân vật đã đi qua cuộc đời này như thế nào và những gì xảy ra sau đó. Hai bài đầu của album rất vui rồi mình thả xuống bằng các bài hát buồn. Bởi khi vui quá người ta sẽ mất năng lượng và hẫng lại giống như cảm giác của một buổi tiệc đã tàn, mọi người đã đi về nhà, không còn ai xung quanh.
Nhưng cuộc đời cũng đến đoạn khi tình yêu chớm nở, và một tình yêu lý tưởng. Lúc đó những ca từ như “tôi sẽ yêu em hoài” và “em sẽ yêu tôi mãi” sẽ hiện ra. Và tiếp đó lại một quãng thả rơi tiếp.
Album này được sắp xếp theo cách như vậy. Và bài kết thúc của album lại bắt vào bài đầu tiên, trở thành một vòng lặp (loop) để tạo ra một vòng tròn đủ kín, đủ thuyết phục và trải dài như là ngày với đêm, ngày với đêm…
Cuộc sống là những cuộc gặp gỡ người khác và tương tác; còn album này Thịnh đã gặp gỡ với nghệ sĩ nào?
Album này mình làm chung và kết hợp với 3 nghệ sĩ khác. Người đầu tiên là Lazii, co-producer (đồng sản xuất) trong nhiều sản phẩm của mình. Lazii tuy không hát nhưng đã bỏ nhiều màu sắc âm nhạc cá nhân vào từng sản phẩm. Thứ hai là anh Hiếu Liêm (cũng không hát) nhưng “bỏ” vào bài hát rất nhiều nhạc cụ đàn dây như guitar thùng, guitar điện, đàn banjo, đàn nhị, đàn tứ…
Nghệ sĩ thứ 3 mình làm chung là… người yêu mình. Đó là một bài hát mình đã viết trước đó và gửi cho cô ấy nghe. Người yêu mình sau đó cũng đã viết lại, hát và gửi cho mình nghe. Mình đã rất bất ngờ và quyết định làm chung với bạn ấy trong đĩa nhạc này.
Thịnh ít khi kết hợp cùng nghệ sĩ khác, lý do là gì?
Thực ra mình có thử viết nhạc chung nhưng chưa làm được việc này một cách thoải mái lắm. Vì vậy mình khá là ngại trong việc hỏi người này, người kia để kết hợp trong một bài nhạc.
Không phải là mình không muốn mà mình chưa làm được. Mình nghĩ trong tương lai nếu mình tự tin hơn với bản thân, thoải mái hơn trong việc hỏi anh em bạn bè làm chung sản phẩm thì mình cũng rất muốn điều này xảy ra.
Thịnh và Vũ Thanh vân cũng sắp đi Tour xuyên việt và ở nước ngoài, mọi thứ đang như thế nào?
Mình đang tập luyện và mọi thứ đang rất tốt. Bọn mình vẫn tập luyện đều với ban nhạc mỗi tuần từ trước đến nay. Riêng tour lần này, bọn mình cũng đã tập cùng với nhau được vài tháng nay rồi. Mình đang rất mong chờ để được biểu diễn (cuộc trò chuyện này diễn ra trước khi Thịnh và Vũ Thanh Vân chính thức đi tour), để được gặp khán giả ở những tỉnh khác.
Về tinh thần, mình nghĩ cũng tốt luôn. Đa phần mình sẽ lo lắng hay tinh thần không ổn khi không chắc về bài vở… Nhưng vì tập luyện nhiều nên mình khá tự tin trong tour diễn lần này.
Thịnh cũng vừa xuất hiện trong show 10 năm của Ngọt, bạn có tầm nhìn cho 10 năm tới?
Không. Thực sự là mình không có. Thật luôn.
Mình chỉ nghĩ chắc là 1, 2 năm gì đó. Mình chưa nghĩ tới 10 năm. Hy vọng đến lúc đó, 10 năm sau, mình vẫn còn chơi nhạc với anh em. Mình là người sẽ cố gắng từng năm. Ví dụ như năm nay mình cố gắng làm xong album rồi đi biểu diễn hết album đó. Năm sau đầu mình lại trắng bóc, lại làm album mới và xem mình đã thay đổi như thế nào sau một năm.
Sau này có thể mình sẽ thay đổi và có tầm nhìn dài hạn hơn. Nhưng bây giờ mình chưa có tầm nhìn dài khoảng 10 năm thật. Mình có nhìn ra xa nhưng ít lắm. Những cái nhìn đó dường như để cho mình không bị lạc hướng. Mình nhìn để biết nơi chốn mà mình sẽ tới nhưng không phải khao khát đến nơi đó bằng mọi giá. Mình nhìn ra xa để biết có đang đi đúng hướng hay không?
Lúc nào mình cũng nghĩ bây giờ sẽ ăn gì đây? Ngày mai mình sẽ tập lúc mấy giờ? Như vậy thôi.