Thương thân, thương lấy sự sáng tạo của mình

Hãy biết chăm sóc sự sáng tạo, và sự sáng tạo sẽ chăm sóc lại chúng ta.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Có một hiểu lầm rất phổ biến cho rằng "Sáng tạo là kỹ năng của những nhà thiết kế, nghệ sĩ" hay nói chung là những người đang làm việc trong "lĩnh vực sáng tạo".

Thật ra, sáng tạo có ở tất cả mọi người, trong tất cả mọi công việc, vì nó là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta giải quyết các vấn đề hàng ngày hiệu quả hơn.

  • Một người nội trợ tìm được cách khiến cho món ăn quen thuộc trở nên đặc biệt hơn bằng một loại nguyên liệu trước giờ chưa cho thử - đó là sự sáng tạo.

  • Một nhân viên văn phòng tìm được thứ tự ưu tiên để thực hiện các việc ngày nào cũng làm từ đó tiết kiệm được thời gian đi lại - đó là sự sáng tạo.

  • Một trưởng cửa hàng nghĩ ra ý tưởng viết những câu hỏi thăm rồi dán chúng lên đồ ăn để giúp những người phải ăn tối ở cửa hàng tiện lợi bớt cô đơn - đó là sự sáng tạo.

Tất cả hành động chúng ta làm có thể xem là kết quả của quá trình sáng tạo được tự nhiên lập trình sẵn trong não bộ. Chính vì thế, nếu học được cách thương lấy sự sáng tạo cũng sẽ học được cách thương lấy bản thân mình.

Và, bạn có biết điều gì có thể gây tổn thương sự sáng tạo của chúng ta?

1. Nhà phê bình nội tâm cần mẫn

Tư duy tự phản biện có thể bảo vệ an toàn cho chúng ta khỏi những hành động bồng bột và "thúc" chúng ta bước tiếp. Tư duy này như một "nhà phê bình" luôn tìm cách chỉ ra khuyết điểm cần cải thiện, hoặc ngăn chặn hành động có thể gây tổn hại tới lợi ích và tiết kiệm năng lượng cho bản thân.

Và khi “nhà phê bình” này quá mẫn cán, sẽ chẳng có hành động nào trông có vẻ “đáng để thực hiện" với những lời thì thầm trong tâm trí:

  • Định viết về cuốn sách vừa đọc xong? -"Sẽ chẳng ai quan tâm mày vừa đọc gì đâu..."

  • Định review bộ phim tâm đắc? -"Thôi nào, nội dung cũng bình thường như mấy bộ phim khác người ta có thể xem."

  • Định ra Podcast nói về cuộc sống hàng ngày trong mùa dịch? -"Ai cũng thế thôi, quanh quẩn trong nhà thì có gì thú vị để kể chứ"

Luôn tìm thấy lỗi và dìm mọi ý tưởng xuống vực sâu của sự trì hoãn, trải qua một thời gian bạn sẽ tự nhủ "Mình chẳng có tí sáng tạo nào cả!", khiến cho khả năng giải quyết vấn đề từ từ bị bào mòn. Điều này sẽ khiến bạn gặp nhiều bất lợi khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Để tiết chế “nhà phê bình” này, trước tiên là cần phân biệt được giữa “Critical Thinking” và “Overthinking”. Sau đó hãy làm mới suy nghĩ hiện tại bằng những cách:

  • Thật sự nghỉ ngơi trong 30 phút với những hoạt động không cần phải suy nghĩ quá nhiều.

  • Tìm kiếm một thứ gì đó "mới" như: đọc về 1 lĩnh vực mới, nghe thể loại nhạc mới, nói chuyện với người lạ, tìm hiểu về văn hóa của một đất nước mới,...

Hãy sáng tạo vì trải nghiệm của bản thân bạn, và vượt qua nỗi sợ bị đánh giá, còn hơn là mãi không biết được kết quả.

2. Biệt đội những nỗi sợ

Con người chỉ có 2 lá gan, nhưng lại quá nhiều nỗi sợ.

  • Sợ mình không phải là người sáng tạo

  • Sợ thất bại

  • Sợ những điều chưa biết

  • Sợ bị đánh giá

  • Sợ bị từ chối

  • Sợ mình không xứng đáng

  • và còn nhiều loại nỗi sợ khác...

Và cách duy nhất để vượt qua những nỗi sợ này là "thừa nhận mình đang sợ", hay nói cách khác là bạn đặt mình vào tâm thế đối mặt với sự sợ hãi. Bước đầu tiên - gọi tên được nỗi sợ sẽ giúp bạn dễ dàng tới bước thứ hai - hiểu được nỗi sợ. Cuối cùng, tự bạn sẽ nhận ra sự tồn tại của chúng thật vô lý.

Như triết gia Plato từng nói:

“Courage is knowing what not to fear.”

Đọc thêm: 7 kinh nghiệm về sự tự tin trong sáng tạo

3. Chăm chỉ là tốt, nhưng…

Bạn biết vì sao các nhà hàng bán đồ Tây cao cấp thường chỉ phục vụ mỗi lần một món, chờ bạn thưởng thức xong rồi mới lên món tiếp theo không?

Vì nếu phải ngồi trước một bàn ăn được bày ra quá nhiều món, bạn sẽ không thể thật sự trải nghiệm sâu món đang ăn vì tầm mắt và tâm trí cứ nghĩ tới các món khác.

Sáng tạo cũng vậy, bạn không thể vừa viết review bộ phim bạn vừa xem, vừa nghĩ tới lát nữa nấu món gì. Bạn không thể vừa nghĩ về dự án ở công ty, vừa nghĩ cách phát triển những dự án cá nhân.

Khoa học đã chứng minh, thời gian để não bộ có thể sáng tạo hiệu quả nhất chỉ 4 tiếng một ngày. Điều này nghĩa là hãy dành khoảng thời gian quý báu này để tập trung hoàn toàn giải quyết những vấn đề quan trọng nhất.

Với kinh nghiệm cá nhân của mình, thật ra 4 tiếng này có thể thay đổi được theo nhịp sinh học của mỗi người. Như 3 năm trước đây, mình sáng tạo tốt nhất vào lúc 10h tối tới 2h sáng, thì bây giờ khoảng thời gian này đã thay đổi thành 7h tới 11h trưa.

Hiểu nhịp sinh học của bản thân để làm việc hiệu quả và giữ gìn sức khỏe, cũng là một cách để thương sự sáng tạo của mình.

4. Chưa có chiến thuật sáng tạo

Biết được khoảng thời gian hiệu quả của mình rồi, nhưng nếu không thể sắp xếp được một lịch trình làm việc hợp lý cũng sẽ khiến sự sáng tạo của bạn khó phát huy.

Quy trình sáng tạo nhìn chung chia làm 3 giai đoạn

  • Thu thập thông tin, dữ liệu về vấn đề, càng nhiều càng tốt

  • Kết nối, tổng hợp những thông tin này để tạo ra các giải pháp

  • So sánh, thử nghiệm giải pháp để tiếp tục cải tiến

Trong 3 giai đoạn này, hãy dành thời gian hiệu quả cho giai đoạn thứ 2, vì lúc này não bộ sẽ cần sự tập trung và năng lượng để xử lý thông tin. Để có thể tìm ra sợi dây liên kết, hay tạo ra khoảnh khắc "eureka" cần có sự "Suy nghĩ sâu” - “Deep thinking" xảy ra khi bạn toàn tâm toàn ý đắm chìm vào quá trình.

Thời gian còn lại, nếu phải bị phân tâm vì những thói quen khác, hoặc công việc phụ như trả lời email, trả lời tin nhắn, hỗ trợ đồng nghiệp,... hãy sử dụng thời gian trống giữa những việc này để tranh thủ thu thập thêm thông tin, tìm thêm mẫu tham khảo.

5. Điều gì xấu có thể xảy ra, sẽ xảy ra

Có 2 kiểu người sáng tạo:

  • Chờ tới sát deadline mới làm

  • Kiểu người còn lại

Có lẽ kiểu người đầu tiên chiếm đa số, cả mình cũng từng có nhiều năm như vậy. Từ lúc còn là sinh viên tới khi đi làm được 3-4 năm, mình vẫn cho rằng để tới sát deadline thì chất lượng sáng tạo mới tăng vọt.

Bậc thầy quản trị Brian Tracy gọi hiện tượng này là "Luật năng lực ép buộc - The Law of Forced Efficiency" được viết trong cuốn "Eat That Frog!". Khi chúng ta để một việc gì đó tới sát deadline sẽ tạo ra 3 hệ quả:

  • Không đủ thời gian để làm mọi việc: vì không còn nhiều thời gian, nên lúc này bạn chỉ có thể làm việc cần làm.

  • Dưới áp lực, tiềm năng sẽ được bộc lộ: quy luật tự nhiên này áp dụng cho mọi sinh vật sống, khả năng càng bị kéo căng bao nhiêu, năng lực càng bộc phát bấy nhiêu.

  • Năng lực cao nhất xuất hiện khi tập trung cao độ: khi đã dành toàn bộ tâm trí để tập trung vào việc gì đó, bạn sẽ giải quyết việc đó tốt nhất trong khả năng của mình.

Tuy nhiên, chọn cách làm việc như thế này chẳng khác nào đang gỡ bom vậy, bạn không biết lúc nào mình sẽ cắt nhầm sợi dây màu đỏ.

Cuộc sống bất định, những rắc rối sẽ luôn xuất hiện ở những thời điểm ta không bao giờ lường trước.

  • Sáng ra con mèo ói mửa nghiêm trọng trong khi chiều nay phải gửi bảng báo cáo cho sếp.

  • Trưa đang ngồi chỉnh sửa slide thuyết trình cho buổi họp 1h chiều thì cái máy tính tự nhiên dở chứng.

Nhất là trong mùa dịch này, những vấn đề cá nhân nghiêm trọng luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và bạn sẽ không thể nào cứ tiếp tục may mắn giải quyết được công việc ổn thỏa tới sát deadline như vậy, nếu bạn muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Hãy quản lý thời gian thật tốt, có như vậy mới giúp sự sáng tạo của bạn trở nên bền vững hơn.

Lời kết

Sự sáng tạo là một công cụ hữu ích giúp cho cuộc sống của bạn thoải mái, dễ dàng đạt được các mục tiêu đã đề ra. Vì thế, nuôi dưỡng và chăm sóc sự sáng tạo cũng là cách bạn tự chăm sóc lấy bản thân mình. Suy cho cùng, người có thể giải quyết được vấn đề của bạn tốt nhất không ai khác ngoài bạn.

Take care of your creativity, take care of yourself!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục