Tiền thưởng Tết ảnh hưởng gì đến thói quen tiêu tiền?
Một mùa mua sắm bận rộn dịp cuối năm lại bắt đầu. Đây cũng là thời điểm dân văn phòng mong chờ nhận được lương tháng 13, hay còn gọi là thưởng Tết. Dù không được chính thức quy định trong Luật Lao động, khoản thưởng này là chiến lược quan trọng nhiều doanh nghiệp áp dụng để khích lệ tinh thần nhân viên.
Phiên bản tương tự ở các nước phương Tây là holiday bonus, hay tiền thưởng nhân dịp Giáng Sinh và năm mới. Vậy “tháng lương thứ 13” ảnh hưởng thế nào đến thói quen tiêu tiền của chúng ta trong những tháng cuối năm?
Nghĩ tiền thưởng lễ tết là “tiền trên trời rơi xuống”
Theo một khảo sát do công ty đầu tư Fort Pitt (Mỹ) thực hiện, gần 40% số người tham gia dự định sử dụng holiday bonus cho việc trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư. Hơn 60% còn lại tiêu số tiền này vào những kỳ nghỉ hoặc mua sắm những món đồ sang trọng.
“Nhiều người nhìn nhận tiền thưởng giống như tiền nhặt được, nên họ nhanh chóng ‘đốt’ vào những thứ bình thường ít dám mua”, chuyên gia kế hoạch tài chính Travis Sollinger chia sẻ. Điều này xảy ra do kế toán nhận thức (mental accounting), khi con người ra quyết định tài chính dựa trên các phán đoán cảm tính. Các quyết định này thường không có lợi, song ta không nhận ra.
Hệ quả là bạn gán các giá trị khác nhau cho cùng một khoản tiền dựa trên nguồn gốc của nó và cảm xúc tạm thời của bạn. Chẳng hạn cùng là 12 triệu, nhưng nếu đó là lương tháng, bạn sẽ cân nhắc kỹ càng trước từng khoản chi. Còn nếu đó là tiền thưởng Tết, bạn dễ chi thoải mái hơn vào các sản phẩm/dịch vụ cao cấp.
Theo nhà kinh tế học Richard Thaler, con người dễ ra các quyết định bốc đồng và liều lĩnh với những khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”. Suy cho cùng thì thưởng Tết không phải là khoản tiền như vậy, bởi bạn phải cống hiến cả năm mới có được nó. Tuy nhiên, bạn vẫn nên có kế hoạch chi tiêu hợp lý để không “vung tay quá trán” khiến tài chính đầu năm mới ảm đạm.
Tiền thưởng đến vào thời điểm ta muốn “nhìn lại”
Nhiều người muốn bắt đầu mục tiêu vào ngày đầu năm mới, chứ không phải một ngày bất kỳ nào khác trong năm. Điều này xảy ra vì năm mới là một dạng mốc thời gian (temporal landmark) - những ngày đặc biệt khiến bạn muốn hành động để “đánh dấu” chúng. Đó có thể là ngày đầu hoặc cuối năm/tháng/tuần, ngày bắt đầu học kỳ hoặc một công việc mới.
Chúng ta đánh dấu ngày đầu năm mới bằng cách lập mục tiêu. Tương tự khi một năm kết thúc, nhiều người có xu hướng thích làm tổng kết cuối năm. Nói cách khác, đây là lúc bạn thường “nhìn lại” và cảm thấy thỏa mãn với các thành tựu đã đạt được. Một số người cũng chia sẻ chúng lên mạng xã hội để nhận được những phản hồi tích cực.
Những hành động trên đều đóng vai trò như “cơ chế thưởng” (reward system), khiến cơ thể sản sinh hormone phần thưởng dopamine. Hormone này khiến bạn thấy hạnh phúc, tuy nhiên nó cũng có “tác dụng phụ” đến khả năng tư duy lý trí trong tiền bạc. Vì vậy khi tiền thưởng Tết tới đúng thời điểm dopamine dâng cao, bạn dễ có những quyết định chi tiêu bốc đồng.
Điều này không có gì sai, bởi bạn xứng đáng tận hưởng những gì tốt nhất sau một năm lao động vất vả. Dù vậy, nếu có những khoản chi khác quan trọng hơn (như trả nợ tín dụng hoặc sắm Tết), bạn vẫn nên ưu tiên cho chúng trước khi “buông lỏng” cho chính mình.
Áp lực “bằng bạn bằng bè” khi năm hết Tết đến
Chỉ còn chưa đầy 30 ngày là kết thúc năm 2022, và chưa đầy 2 tháng là tới Tết Quý Mão. Những mốc ngày quan trọng tới dồn dập như vậy khiến chi tiêu tăng lên trong những tháng cuối năm. Bởi ngoài việc sắm sửa đồ đạc, mua quà biếu người thân ngày Tết, không ít người gặp áp lực phải “tân trang” ngoại hình, đặc biệt là phụ nữ.
Theo khảo sát về xu hướng tiêu dùng dịp Tết của Q&Me năm 2021, 74.5% phụ nữ nhận định trang phục, đầu tóc và mỹ phẩm là những khoản bắt buộc phải chi. Trong số này, hơn 22% phụ nữ tiêu từ 3-5 triệu đồng cho sức khỏe và sắc đẹp, và 11.5% sẵn sàng chi 10-15 triệu để làm đẹp trước Tết.
Điều này xảy ra một phần do áp lực đồng trang lứa - bạn khó có thể đứng yên khi xung quanh ai nấy đều tất bật “tân trang” trước thềm năm mới. Áp lực phải chuyển mình trong khung thời gian ngắn như vậy cũng dễ khiến bạn “vung tay quá trán” do không đủ thời gian nghiên cứu và lựa chọn cho mình sản phẩm/dịch vụ phù hợp. Chẳng hạn một số người mua gói tập hoặc thuê PT để giảm cân cấp tốc, nhưng cuối cùng lại không sắp xếp được thời gian đi tập do khối lượng công việc cuối năm.
Cũng có khi bạn không thực sự muốn mua sắm đồ mới, vì những món đồ trong tủ đã đủ dùng cho dịp Tết. Nhưng do Tết là mốc thời gian đặc biệt, bạn vô hình chung vẫn muốn “đánh dấu” nó bằng việc mua đồ mới.
Nên sử dụng tiền thưởng Tết thế nào?
Vì mức thưởng Tết của từng cá nhân khác nhau, nên rất khó tìm ra câu trả lời chung phù hợp cho mọi người. Tuy nhiên, có một bài tập nhỏ ai cũng có thể áp dụng để phân bổ số tiền này hợp lý:
Bước 1: Tự phân tích tình hình tài chính hiện tại của bản thân. Để kiểm tra kỹ lưỡng và toàn diện, bạn có thể tham khảo các câu hỏi sau đây:
- Bạn đang có bao nhiêu trong tài khoản tiết kiệm?
- Bạn có những kế hoạch gì quan trọng cần ưu tiên tài chính?
- Bạn có khoản nợ nào đang tồn đọng hay không?
- Trong nhà/xe của bạn có chỗ nào cần sửa chữa hoặc mua mới không?
Bước 2: Sau khi phân tích xong, bạn dựa vào tình hình mà chia tiền thưởng thành nhiều phần để đáp ứng. Một gợi ý cho bạn là áp dụng quy tắc 50-30-20:
- 50% - Các khoản chi tất yếu: Trả nợ, tiền nhà, sửa chữa đồ đạc, các loại phí sinh hoạt hàng ngày.
- 30% - Các khoản chi thứ yếu: Sắm Tết, biếu bố mẹ, tân trang bản thân & tự thưởng (đi du lịch, ăn uống hoặc mua sắm).
- 20% - Tiết kiệm hoặc đầu tư, để dành cho các kế hoạch quan trọng (học lên cao hoặc mua nhà, mua xe).
Bước 3: Thực hiện và điều chỉnh từng hạng mục nếu cần. Chẳng hạn 2 hạng mục cuối có thể du di tùy tình hình, nhưng bạn vẫn nên để ít nhất 10% số tiền thưởng vào tài khoản tiết kiệm.
Một mẹo nhỏ dành cho bạn: Nếu không xài đến 50% tiền thưởng cho các khoản chi tất yếu, bạn có thể phân bổ phần còn lại vào 2 hạng mục cuối tùy ý muốn. Nhưng nếu tiêu trên 50% tiền thưởng cho các khoản này, bạn nên xem xét cắt hoặc giảm một số khoản chi ở hạng mục 2 (như tân trang hoặc tự thưởng bản thân).
Nguyên nhân vì mức thưởng Tết thường bằng một tháng lương của bạn. Việc phải tiêu trên 50% lương mỗi tháng cho các nhu cầu thiết yếu chứng tỏ tài chính bạn đang không mấy dư dả. Do đó, bạn không nên chi tiêu mất kiểm soát ở hạng mục thứ yếu.
Nếu có thể, bạn nên thực hiện bước 1 và 2 trước khi nhận tiền thưởng. Việc này sẽ giúp bạn tránh được cám dỗ chi tiêu do dopamine gây ra, từ đó ngại lên ngân sách và quản lý hiệu quả.