29 Thg 11, 2023ThươngDuyên #Số

Tình là chi? Giải mã tình yêu qua 4 học thuyết nổi tiếng

4 học thuyết về tình yêu được tổng hợp từ các bài viết trên trang Vietcetera
Trân Lê
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Tình yêu vốn là mớ cảm xúc kỳ lạ và phức tạp. Để lý giải nó, biết bao học thuyết đã ra đời từ cổ chí kim. Dưới đây chỉ là 4 trong số rất nhiều đúc kết về tình yêu. Hiểu được tình yêu chẳng dễ dàng nhưng hy vọng bài viết này có thể giúp bạn thấy được muôn hình vạn trạng của chữ "yêu".

Bài viết được rút gọn và tổng hợp từ nhiều nội dung khác trên trang Vietcetera. Để có một cái nhìn bao quát hơn về từng kiểu tình yêu, bạn có thể tham thảo bài viết gốc đã được đính kèm link bên dưới.

Tình yêu đam mê và tình yêu thương

Theo nhà tâm lý học Elaine Hatfield tình yêu được chia ra làm 2 loại: tình yêu đam mê (passionate love) và tình yêu thương (compassionate love).

Tình yêu đam mê được định nghĩa là “khao khát mãnh liệt được ở bên nửa kia”. Mọi người thường trải nghiệm kiểu tình yêu này trong giai đoạn mối quan hệ chớm nở. Khi ấy, các cặp đôi trải qua cảm xúc mạnh mẽ dành cho đối phương. Đặc điểm của tình yêu đam mê sẽ là: không ngừng nghĩ về đối phương, có nhu cầu lớn trong việc duy trì sự gần gũi (cả về thể chất lẫn tinh thần), lý tưởng hóa mối quan hệ.

Khác với tình yêu đam mê, tình yêu thương sẽ ít có cảm giác mãnh liệt và khẩn trương hơn nhưng không có nghĩa là cả hai không hướng về nhau. Trong một mối quan hệ lâu dài, tình yêu đam mê sẽ dần chuyển hóa thành tình yêu thương. Đặc trưng tiêu biểu của kiểu tình yêu này là sự tin tưởng, thân mật và cam kết lâu dài.

Để biết thêm về kiểu tình yêu này:

Tình yêu có 2 loại, bạn đang yêu theo kiểu nào?

5 Giai đoạn của tình yêu

Theo nhà tâm lý xã hội lâm sàng George Levinger, có 5 giai đoạn mà hầu hết các mối quan hệ lãng mạn đều trải qua. 5 giai đoạn này theo thứ tự sẽ là: Attraction - Buildup - Continuation - Deterioration - Ending.

Attraction (hấp dẫn) là khi cả hai người đều thu hút lẫn nhau. Sự thu hút này có thể đến từ ngoại hình (tức giao diện của bạn “hợp gu” của người kia và ngược lại). Hoặc, bạn cảm thấy đối phương thu hút do cả hai có sự tương đồng trong tính cách và trải nghiệm sống.

Buildup (xây dựng) là khi cả hai trở nên tin tưởng và thân thiết với nhau hơn. Vượt lên trên sự thu hút về ngoại hình và tính cách, ở giai đoạn buildup cả hai sẽ chia sẻ những thông tin có phần sâu sắc về bản thân như các mối quan hệ cá nhân (gia đình, bạn bè), sở thích (và ghét), giá trị cá nhân và mục tiêu sống.

Continuation (tiếp diễn) là lúc cặp đôi bắt đầu một cam kết lâu dài trong mối quan hệ. Cam kết này có thể là làm đám cưới, chuyển vào sống chung hoặc sinh con. Ở giai đoạn tiếp diễn, tình cảm của hai người có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

Deterioration (thoái trào) là giai đoạn tình yêu của cả hai suy giảm khi cả hai va chạm với những vấn đề chỉ nảy sinh khi cam kết với nhau, chẳng hạn như tài chính, phân chia việc nhà, mối quan hệ với gia đình bên kia.

Có những người đến giai đoạn này nhưng không thể rời bỏ nhau vì cam kết. Cũng có những cặp đôi thành công vượt qua giai đoạn này, đưa mối quan hệ trở về giai đoạn xây dựng và tiếp diễn.

Ending (chấm dứt) là khi cả hai không vượt qua được vấn đề xảy ra ở giai thoái trào. Bên cạnh những mâu thuẫn, xung đột, cặp đôi cũng có thể chấm dứt do không duy trì được ngọn lửa thân mật.

Cần lưu ý mọi mối quan hệ đều sẽ đi đến điểm kết. Ở những mối quan hệ thành công, giai đoạn chấm dứt là khi một trong cả hai qua đời.

Để biết thêm về 5 giai đoạn của tình yêu:

Bạn đang ở giai đoạn nào của tình yêu?

Tam giác tình yêu Sternberg

Yêu là một cảm xúc phức tạp. Ta dành cả đời để yêu nhưng không phải lúc nào tình yêu đó cũng giống nhau. Để lý giải sự phức tạp này, nhà tâm lý học Robert Sternberg đã tóm gọn những khía cạnh của tình yêu vào một mô hình tam giác. Theo đó, 3 đỉnh của tam giác tượng trưng cho 3 yếu tố cấu thành nên tình yêu:

  • Thân mật (intimacy): Cảm giác gần gũi, gắn kết về quan điểm và cảm xúc.
  • Đam mê (passion): “Ngọn lửa” lãng mạn, sự lôi cuốn về thể xác và tình dục.
  • Cam kết (commitment): Quyết định gắn bó, đồng hành bên nhau lâu dài.

Ba yếu tố trên có thể đứng riêng lẻ hoặc kết hợp, tạo nên 7 kiểu tình yêu sau:

Tình thân (liking) đặc trưng bởi sự thân mật - là khi bạn thích người đó nhưng chưa đến mức khi xa làm bạn nhớ nhung.

Tình yêu say đắm (infatuation) đặc trưng bởi đam mê - là khi tim bạn đập nhanh, bạn cảm thấy rạo rực, khao khát tiếp xúc cơ thể cùng người ấy.

Tình yêu trống rỗng (empty love) đặc trưng bởi cam kết - là những gì còn sót lại khi ngọn lửa đam mê vụt tắt. Cả hai bên nhau, làm tròn trách nhiệm mà không cần “chất keo” của sự hấp dẫn và thân mật.

Tình yêu lãng mạn (romantic love) đặc trưng bởi thân mật và đam mê - là tình yêu “nến và hoa” của những cái nắm tay, nụ hôn, những cuộc trò chuyện mê say, những món quà lãng mạn.

Tình nghĩa (companionate love) đặc trưng bởi thân mật và cam kết - là kiểu tình cảm được xây dựng sau một thời gian “chia ngọt sẻ bùi”, dù không còn mặn nồng nhưng vẫn bền chặt theo năm tháng.

Tình yêu dại khờ (fatuous love) đặc trưng bởi đam mê và cam kết - là những cuộc tình yêu nhanh cưới vội, sự cam kết bị thôi thúc bởi cảm giác thăng hoa trong giai đoạn cưa cẩm.

Tình yêu viên mãn (consummate love) đặc trưng bởi thân mật, đam mê và cam kết, là sự kết hợp cân bằng giữa 3 mảnh ghép. Sau nhiều năm bên nhau, cả hai vẫn duy trì được ham muốn thể xác, kết nối cảm xúc, mong muốn được đồng hành cùng nhau.

Để biết thêm về tam giác tình yêu Sternberg:

7 Màu tình yêu qua lăng kính tam giác Sternberg

7 Loại tình yêu theo định nghĩa của người Hy Lạp cổ đại

Chúng ta có những kết nối khác nhau trong cuộc sống (gia đình, bạn bè, người yêu) và vì thế cũng trải qua nhiều kiểu yêu thương khác nhau. Theo quan điểm của người Hy Lạp cổ đại, tình yêu mà chúng ta thường trải qua trong cuộc sống được phân chia làm 7 loại như sau:

Eros (tình yêu đam mê): Đây là loại tình yêu gần nghĩa nhất với quan niệm tình yêu lãng mạn thời hiện đại đặc trưng bởi cảm xúc mãnh liệt, mong muốn gắn bó và thường có sự hấp dẫn tình dục.

Philia (tình bạn): nền tảng của tình yêu này là sự chia sẻ thiện chí với nhau. Nhà triết học Aristole cho rằng bạn có thiện chí làm bạn với ai đó khi mối quan hệ với họ mang lại giá trị lợi ích và tinh thần cho bạn.

Storge (tình cảm gia đình): là tình cảm được xây dựng từ sự thân thuộc, che chở nhau của con người. Không chỉ gia đình, những người không cùng huyết thống vẫn có thể có tình cảm này với nhau.

Agape (lòng bác ái): là tình yêu cho vạn vật, cụ thể là những khái niệm vĩ mô hơn như tình yêu đồng bào, đất nước, thiên nhiên hay thần linh.

Ludus (tình cảm bông đùa): tình cảm không có bất cứ ràng buộc gì và chỉ đơn thuần “vui là chính”. Các mối quan hệ ONS, FWB là ví dụ điển hình của tình yêu Ludus.

Pragma (tình cảm lý trí): Pragma là một loại tình cảm thực tế, thậm chí là thực dụng vì lợi ích chung nào đó. Các cuộc hôn nhân sắp đặt là ví dụ điển hình của Pragma.

Philautia (tình yêu bản thân): Bên cạnh yêu thương chính mình, Philautia cũng là lòng tự trắc ẩn cũng như lòng tự tôn của bạn.

Để biết thêm về 7 kiểu tình yêu:

7 Loại tình yêu mà chúng ta thường trải qua trong đời


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục