Tóm Lại Là: Xe đạp công cộng - nên hay không?
1. Chuyện gì sắp diễn ra?
Văn phòng UBND TP.HCM vừa thống nhất với đề xuất của Sở GTVT, cho phép thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại quận 1 và đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3) từ tháng 08/2021. Dịch vụ này có tên Mobike do Công ty CP Tập đoàn Trí Nam trực tiếp triển khai. Trước đó, thành phố từng triển khai mô hình xe đạp công cộng tại khu Đại học Quốc gia TP.HCM.
2. Triển khai xe đạp công cộng như thế nào?
Mobike triển khai thí điểm trong vòng 12 tháng với 388 xe đạp bố trí tại 43 điểm khác nhau. Muốn sử dụng dịch vụ, người dùng sẽ phải cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh để quét mã QR, mở và khóa xe.
Trong 3 tháng đầu ra mắt, Mobike sẽ miễn phí 15 phút đầu tiên. Giá phí dịch vụ được đề xuất tham khảo gồm 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Nhà đầu tư sẽ mở rộng các khung thời gian sử dụng: 15 phút, 30 phút, 60 phút và đa dạng các loại vé theo ngày/tháng/quý/năm.
3. Khó khăn nào đang chờ đợi?
Hệ thống xe đạp công cộng được kỳ vọng là một trong những giải pháp giúp TP.HCM giải quyết hai "vấn nạn": Ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bài toán này không dễ để thực hiện.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng sự thua kém về tốc độ, tiện ích và văn minh cùng quy hoạch giao thông đơn sơ thì xe đạp chưa thể cạnh tranh với xe máy. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, thời tiết nóng nực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xe đạp khó áp dụng tại Việt Nam.
4. Chất lượng không khí báo động thế nào?
Mỗi ngày, khoảng 10 triệu phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) thải ra hàng tấn khí thải CO, NO2, CO2 tại TPHCM. Trang IQAir cảnh báo chúng ta với chất lượng không khí thường ở mức vàng và đỏ, từ bình thường đến không lành mạnh, nguy hiểm.
Vì vậy, nếu mô hình xe đạp công cộng triển khai hiệu quả, lượng khí thải xe giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, điều này mới chỉ là tính toàn và dự đoán trước khi mô hình này được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả.
5. Làm gì để tránh vết xe đổ của Trung Quốc?
Tại nhiều quốc gia, tỷ lệ chuyến đi thường xuyên bằng xe đạp có thể chiếm tới xấp xỉ 15% (CHLB Đức), 20% (Đan Mạch) và thậm chí trên 30% (Hà Lan). Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, điều này gần như là chưa thể.
Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore cũng đã triển khai hệ thống giao thông công cộng. Một số nước như Nhật Bản, Đài Loan và Singapore đều có những dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một trường hợp ngược lại. Để giải quyết nạn tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường trầm trọng… nước này đã triển khai quy mô lớn dịch vụ chia sẻ xe đạp. Hàng chục startup nổ ra, 16-18 triệu chiếc xe đạp được đưa vào sử dụng tại các thành phố lớn từ năm 2014 - 2017.
Trung Quốc từng chứng kiến cuộc "khủng hoảng thừa" xe đạp. Hàng chục công ty cung cấp dịch vụ này đóng cửa; hàng triệu xe đạp bị vứt bỏ như rác... Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho sự thất bại này như cung vượt cầu, cơ sở hạ tầng đáp ứng không kịp, tốc độ phát triển quá nhanh, những tính toán chủ quan, quy định pháp luật...
6. Nỗi lo dữ liệu cá nhân đến từ app đặt xe?
Việc để lộ hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân không đúng luật đến từ những ứng dụng đi chung đã và đang diễn ra. Vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cả doanh nghiệp lẫn người dùng.
Trong câu chuyện mô hình đặt xe tại Trung Quốc, các chủ đầu tư cho rằng, sản phẩm thực sự không phải dịch vụ chia sẻ xe đạp mà là dữ liệu người dùng. Thông tin khách hàng sẽ được lưu trữ phục vụ cho nhiều mục đích khác, trong đó có quảng cáo.
Năm 2020, Grab từng để lộ dữ liệu cá nhân của hơn 21.000 người dùng khiến không ít người hoang mang. Ủy ban dữ liệu cá nhân của Singapore đã phạt Grab 7.300 USD liên quan đến vụ việc này.
7. Vì sao vẫn hy vọng TP.HCM “xanh” hơn?
Tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm khói bụi chính là hai bài phát triển đô thị mà TP.HCM đang hướng tới. Trong nỗ lực đó, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân được xem là hiệu quả, có thể triển khai.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho xe buýt, TP.HCM cũng đang đề xuất cho xe buýt điện tiếp tục hoạt động. Thành phố có dự kiến thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn từ năm 2021-2025.
Triển khai mô hình xe đạp công cộng chỉ là một trong những biện pháp của “giao thông xanh". Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi còn phải chờ vào lần thử nghiệm từ tháng 08/2021 tới đây.