Trải nghiệm bằng phẳng: Khi hạnh phúc không chỉ là sự phấn chấn nhất thời

Trong những năm tháng cuối đời, Abraham Maslow đã tìm ra bí quyết giúp kéo dài thời gian, không gian của khoảnh khắc hiện tại - điều giúp chúng ta hạnh phúc hơn về lâu dài.
Dr. Edward Hoffman
Nguồn: Hector Martinez @ Unsplash

Nguồn: Hector Martinez @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “What Maslow Never Got to Teach About Happiness” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài viết gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).


Là một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất nước Mỹ vào thế kỷ XX, Abraham Maslow cũng đi tiên phong trong việc nghiên cứu về các trải nghiệm đỉnh cao (peak experiences). Đây là những khoảnh khắc đột ngột, khi bạn thấy hạnh phúc tột độ, biết ơn vô bờ và cảm nhận rõ nhất giá trị của bản thân. Theo giả thuyết được Maslow đưa ra, những trải nghiệm này có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Trong cuốn Religions, Values and Peak Experiences, Maslow miêu tả các trải nghiệm này như sau: “Chỉ cần thoáng thấy thiên đường là bạn đã ở trong một trải nghiệm đỉnh cao. Đôi khi chỉ cần trải nghiệm nó một lần là bạn đánh bại được ý nghĩ tự sát, hoặc các biểu hiện hủy hoại bản thân như nghiện thuốc lá, nghiện rượu hay nghiện bạo lực”.

Maslow cũng phát hiện ra rằng, những người khỏe mạnh về cảm xúc (đã ở tầng 5 của tháp nhu cầu Maslow) thường có nhiều trải nghiệm đỉnh cao (peak experience) hơn trong cuộc sống thường ngày. Bởi họ cởi mở hơn với những trải nghiệm mới, tò mò hơn và ít lo âu hơn trong các mối quan hệ.

Phát hiện này cũng giúp ông phát triển một thuật ngữ mới là trải nghiệm bằng phẳng (plateau experience). Ông lần đầu đưa ra khái niệm này sau một cơn đau tim năm 1967 khiến ông suýt mất mạng, bởi y học thời đó chưa đủ phát triển để can thiệp nhanh và kịp thời như ngày nay.

Và bởi “trải nghiệm bằng phẳng” được Maslow phát hiện khi đã ở những năm cuối đời, ông chưa kịp phát triển và khiến nó phổ biến như với trải nghiệm đỉnh cao. Có lẽ vì vậy mà không nhiều người biết đến nó (lưu ý không nhầm lẫn khái niệm này với thuật ngữ “plateauing” trong công việc, là hiện tượng xảy ra khi các kỹ năng của bạn trở nên trì trệ, ít tiến bộ). Nhưng trong bối cảnh con người ngày một quan tâm đến chánh niệm, “trải nghiệm bằng phẳng” đang dần được chú ý nhiều hơn.

Vậy chính xác thì “trải nghiệm bằng phẳng” là gì? Khác với những khoảnh khắc “high” của trải nghiệm đỉnh cao, trải nghiệm bằng phẳng là một tập hợp của những niềm vui nhẹ nhàng diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Maslow lấy những ví dụ điển hình là người mẹ ngắm nhìn đứa con bé bỏng mới sinh, hay cặp đôi yêu nhau có thể dành hàng giờ nhìn vào mắt nhau mà không biết chán. Hoặc đơn giản hơn, việc đứng ngắm những con sóng lăn tăn trong khi tâm trí mình lắng xuống nhẹ nhàng cũng là một trải nghiệm như vậy.

“Chúng ta hoàn toàn có thể ngắm nhìn một điều kỳ diệu nào đó trong cả tiếng đồng hồ, và tận hưởng mọi phút giây trong đó”, Maslow đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Liên ngành về Kiểm soát nội tâm lần thứ hai, diễn ra chỉ vài tuần trước khi ông qua đời vào tháng 6/1970.

Trải nghiệm vượt qua mọi giới hạn thời gian và không gian

Là người viết tiểu sử cho Maslow, tôi cho rằng ông cũng bị cuốn hút bởi hiệu ứng thời gian đối với tâm lý con người. Cụ thể, đó là cách những giai đoạn hạnh phúc kéo dài trong cuộc đời có thể tác động tích cực và lâu dài đến chúng ta thế nào.

Trong chính bối cảnh này, ông nhận ra tầm quan trọng của trải nghiệm bằng phẳng. Chúng khơi dậy cảm giác phấn chấn về sự vô hạn của thời gian, nơi mà quá khứ, hiện tại và tương lai dường như hòa làm một. Chúng khiến ta cảm thấy được giải thoát khỏi những giới hạn tầm thường và quen thuộc của thời gian. Khoảnh khắc hiện tại không biến mất hay lùi xa mà kéo dài, khiến niềm hạnh phúc của bạn cũng được kéo dài thêm.

Maslow từng lấy ví dụ về trải nghiệm này khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp Đại học Brandeis, nơi ông giảng dạy như sau:

“Tôi thấy hình ảnh một đoàn diễu hành với những người nổi tiếng trong giới học thuật. Nó gồm tất cả những người tôi ngưỡng mộ nhất, mà Socrates là người dẫn đầu. Đoàn người ấy kéo dài mãi tới phía sau tôi, trong đó có cả đồng nghiệp của tôi, và cả những người chưa được sinh ra. Khi bạn ở trong trải nghiệm bằng phẳng, nó vượt qua mọi khái niệm thời gian và không gian”.

Với trạng thái tinh thần mà Maslow gọi là “cao nguyên” (high plateau), ông định nghĩa nó là một tập hợp nơi các trải nghiệm bằng phẳng đan xen lại, và duy trì ở trạng thái thiền. Không có một trải nghiệm đơn nhất nào khiến ta đạt tới trạng thái này, dù nó có mãnh liệt đến đâu. Trái lại, bạn phải đi qua một hành trình dài những niềm vui nhẹ nhàng để lên tới “cao nguyên”.

Vậy trên “cao nguyên” có gì?

Dù Maslow phủ nhận rằng ta có thể tự tạo ra trải nghiệm đỉnh cao theo ý muốn, ông cho rằng việc rèn luyện ý thức để đạt tới trạng thái cao nguyên là hoàn toàn có thể. Nói cách khác, theo Maslow, ta không thể tự “phi” một lần lên đỉnh núi, nhưng có thể từ từ trèo lên tới cao nguyên.

Ông từng viết trong cuốn Religions, Values and Peak Experiences rằng, “điều quan trọng là bạn nhận ra rằng, trải nghiệm bằng phẳng là thứ ta hoàn toàn có thể tự rèn luyện và đạt tới. Khác với trải nghiệm đỉnh cao có thể đến bất chợt, trải nghiệm bằng phẳng cần thời gian để đưa ý chí đạt tới trạng thái cao nguyên”.

Nếu Maslow sống lâu hơn, tôi chắc chắn ông đã đào sâu nghiên cứu thêm về trạng thái cao nguyên, cũng như những phương pháp giúp chúng ta đạt được nó. Nhưng một biện pháp chắc chắn có hiệu quả, là thiền và chánh niệm để mở rộng và kéo dài cảm giác về sự vô tận. Bên cạnh đó, bạn có thể thử kỹ thuật “chứng kiến thế giới” của Maslow - nhìn và cảm nhận vẻ đẹp, sự hài hòa và bình yên đang tồn tại quanh ta, ở ngay giây phút này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục