Trọng Nguyễn: Vẫn là quảng cáo, nhưng vô tư
Nếu hỏi tôi ngành quảng cáo tại Việt Nam nên theo dõi ai, tôi sẽ không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: Trọng Nguyễn, Giám đốc Sáng tạo tại Dinosaur. Có thể vì anh là người thầy đầu tiên của tôi trong ngành, nhưng cũng có thể, vì anh luôn làm việc với tư duy cởi mở, và cái tâm.
Cởi mở để chào đón và lắng nghe vấn đề của mọi khách hàng, dù họ có là team marketing đến từ tập đoàn đa quốc gia, hay chủ doanh nghiệp ở tỉnh nhỏ. Và tâm huyết để theo đuổi đến cùng những ý tưởng táo bạo, như chiến dịch “Không Tạo Thống Khổ, Ấy Là Cứu Độ” gây tiếng vang.
Sau 15 năm trong nghề, giờ đây anh nghiệm ra rằng: Ý tưởng chỉ thăng hoa, khi cả hai phía khách hàng (client) và đội ngũ sáng tạo (creative), có ít nhất một điểm giao quan trọng, sự vô tư.
1. Vô tư đi đến cùng với ý tưởng
Vào dịp Tết năm 2019, không ít người đã sửng sốt trước hình ảnh 3 bức tượng voi, tê giác và tê tê “quỳ gối” trước sân chùa Vĩnh Nghiêm, như một cách “tự lên tiếng” về thực trạng của chúng trong tự nhiên: bị săn bắt và sát hại tàn nhẫn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người.
Hiệu quả thấy rõ, nhiều khán giả ngay lập tức nhận thức được sự trầm trọng của vấn đề, và ở mức độ nào đó, CHANGE và WildAid đã thành công trong việc truyền tải thông điệp “Không Tạo Thống Khổ, Ấy Là Cứu Độ” của mình.
Chiến dịch ấn tượng này, chính là một ví dụ điển hình cho tinh thần vô tư theo đuổi đến cùng một ý tưởng hay, dù đầy thách thức, của anh và đồng đội tại Dinosaur.
Kể về lần thực hiện dự án, anh Trọng cho biết, không phải ngẫu nhiên mà nhóm sáng tạo và các đối tác chiến đấu đến cùng để có thể đặt các mô hình này ở chùa. Nghiên cứu về nhóm đối tượng tiêu thụ thú hoang dã, anh hiểu rằng, họ là những người rất xem trọng đời sống tâm linh, do đó chùa chiền, gần như là địa điểm hợp lý nhất để “chạm” đến họ.
Thế nên dù đối diện với nhiều sức ép, từ nội tại (làm truyền thông nên tránh vướng vào tôn giáo), đến ngoại tại (sự cho phép của chùa), anh và đồng đội vẫn cố gắng hết sức để hướng đến mục tiêu lớn nhất, đó là được trưng bày các mô hình này ở một chùa lớn, trong dịp mà nhiều người đến để cầu khấn, phóng sinh. Vì chỉ như vậy, ý tưởng mới đi được hết con đường mà mọi người đã vạch ra.
Ngẫm lại, nếu mọi người đã “biết sợ” mà chùn bước trước cách triển khai táo bạo này, giới sáng tạo đã mất đi một chiến dịch bản địa rất tinh vi, lại có sức lan tỏa.
2. Vô tư xem đối tác là bạn
Khi được hỏi thế nào là một chiếc brief (đề bài) hay, anh đã cho tôi một câu trả lời ngoài mong đợi: “Anh nhận ra quan trọng không phải là nhận một chiếc brief như thế nào, mà là người brief có thật sự quan tâm đến cái sản phẩm, dịch vụ mà họ đang làm không.”
Vì theo anh, không có một chiếc brief hoàn hảo, chỉ có khách hàng yêu sản phẩm như chính con họ và toàn tâm vì nó.
Anh kể, có lần từng làm việc với 1 hãng sữa đậu nành, tuy không có trụ sở ở thành phố lớn, không có chiến lược tiếp thị bài bản, nhưng họ có sự tự tin và thật lòng với sản phẩm mà họ tạo nên. Điều đó thể hiện rõ trong chất lượng sản phẩm, nên một cách tự nhiên, các bạn trong team sáng tạo được truyền lửa, cực kỳ năng nổ để sát cánh cùng nhãn hàng đến cùng.
Sự vô tư này cũng thường tìm thấy ở các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận mà anh từng hợp tác. Các bạn ở đó xả thân cống hiến vì lợi ích xã hội, xem agency như một phần không thể thiếu trên hành trình tìm giải pháp cho vấn đề truyền thông. Sự cộng hưởng ấy, có lẽ là lý do đằng sau nhiều chiến dịch cộng đồng tạo được tiếng vang của Dinosaur.
Chiến dịch “Gia Vô Vị” là một sáng tạo từ Dinosaur nhằm kêu gọi cộng đồng nói không với nhựa dùng một lần.
3. Vô tư tiến hóa cùng quảng cáo
“Gần đây anh ít xem quảng cáo lắm”, anh Trọng nói với tôi. Với anh, làm quảng cáo không có nghĩa là lúc nào mình cũng chăm chăm tìm chất liệu trong quảng cáo. Hãy nhìn rộng hơn, đi xem phim, nghe podcast, học kịch ứng tác, hài độc thoại… để làm giàu vốn sáng tạo của mình.
Vì đôi khi, một sản phẩm sáng tạo hay, đã tự làm nhiệm vụ truyền thông cho chính nó. Như cách Netflix lôi kéo sự chú ý của khán giả bằng những bộ phim Hàn với motif hoàn toàn mới, những đề tài phim tài liệu, show giải trí đáp ứng được thị hiếu lẫn phản ánh được thực trạng xã hội.
Cũng theo anh, nghề viết nay đã mở rộng phạm vi, với rất nhiều thể loại khác nhau để các bạn thực hành sáng tạo như báo chí, hay thậm chí là podcast. Trong số đó, podcast sẽ là một cách triển khai nội dung rất tiềm năng, và sẽ còn rất phát triển ở Việt Nam.
Tóm lại, quảng cáo đã khác xưa, mở rộng và… vô tư hơn. Nhưng có một điều vẫn giữ nguyên, là sự máu lửa của Trọng Nguyễn sau nhiều năm trong nghề: “Mỗi lần nhận brief, là mỗi lần tụi anh có dịp lắng nghe những câu chuyện của đối tác. Đam mê của họ về sản phẩm, là chất đốt tuyệt vời cho sáng tạo, và khiến mình tin, là quảng cáo từ trước đến nay vẫn luôn có giá trị.”