Trong túi mù có gì mà khiến ai cũng muốn xé?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Nếu lướt TikTok những ngày gần đây, bạn có thể bắt gặp nhiều người livestream ngồi bóc hàng chục chiếc túi nhỏ có vỏ ngoài y hệt, nhưng trong mỗi túi lại là một món đồ khác nhau.
Chúng được gọi là “túi mù” vì chỉ khi chi tiền cho người livestream bóc chúng ra, bạn mới biết bên trong có gì. Nó cũng có tên là “túi nhân phẩm” hay “túi may mắn”, vì bóc được đồ mình muốn hay không còn tùy vào… độ may mắn của bạn.
Giống như Labubu, túi mù là một biến thể của hộp mù (blind box). Cả hai đều bắt nguồn từ fukubukuro (có nghĩa là “túi may mắn” trong tiếng Nhật) - món đồ được bày bán phổ biến ở Nhật vào dịp năm mới từ những năm 80. Tuy nhiên phải đến giữa năm 2023, các hộp mù mới trở nên viral nhờ công ty đồ chơi POP Mart của Trung Quốc và các sàn thương mại điện tử.
Cách chơi bóc túi mù khá đơn giản: Bạn chỉ cần chọn và trả tiền túi mù theo các gói mà người livestream đưa ra (thường là 6, 9, 12 túi hoặc nhiều hơn), rồi… nín thở ngồi chờ họ gọi tên mình và bóc túi. Thỉnh thoảng người livestream sẽ có “ưu đãi” như cho phép khách chỉ túi mù muốn bóc, tặng thêm 1 túi nếu mở trúng nguyện vọng khách chọn, hoặc mở được 2 món đồ giống nhau liên tiếp.
2. Vì sao trào lưu này gây sốt?
Trò chơi bóc túi này tuy đơn giản, nhưng sức hút nó mang lại thì không thể xem thường. Có những phiên livestream xé túi mù kéo dài tới 3 tiếng, thu hút hàng trăm khách đặt suất xé túi và đạt hàng triệu đồng doanh thu.
Theo dữ liệu từ YouNet Media, lượng thảo luận về túi mù liên tục gia tăng trên Facebook và TikTok từ tháng 2 đến nay, đặc biệt bùng nổ với hơn 150.000 lượt vào tháng 9. Còn theo báo cáo của nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric, riêng trong quý III năm nay, tổng doanh thu của 539 tiệm túi mù trên 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt 4.6 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, hàng loạt nghệ sĩ như Ninh Dương Lan Ngọc, Hương Giang hay Lê Dương Bảo Lâm cũng tham gia trào lưu xé túi mù trên TikTok, thu về hàng trăm ngàn lượt xem. Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, tâm lý tò mò không biết mình sẽ được món gì là nguyên nhân chính khiến túi mù “gây nghiện”, nhất là khi người chơi có thêm yếu tố quyền lực trong trường hợp này (trả tiền để người livestream bóc túi cho mình).
Tiến sĩ Tô Nhi A cũng cho rằng, túi mù thu hút người xem còn nhờ vào sự sáng tạo trong cách tương tác của người livestream, chẳng hạn ưu đãi thêm túi khi bóc trúng món đồ nguyện vọng của khách. Yếu tố cuối cùng chính là FOMO - tâm lý sợ bị bỏ lỡ khi cả xã hội đang “rần rần” vì món đồ chơi này, khiến ai nghe đến cũng muốn thử một lần.
Hiện tại trên mạng còn xuất hiện thêm nhiều “dị bản” hài hước của túi mù. Chẳng hạn thầy giáo trong video này đã cho học sinh xé túi mù để chọn tên bạn học lên kiểm tra bài cũ - một cách làm vừa “bắt trend”, vừa khiến học trò “run bần bật, sợ nơm nớp” mong đừng bóc trúng tên mình.
3. Mặt trái của việc xé túi mù?
Vì mỗi lần chơi phải bóc khá nhiều túi, đã có không ít cư dân mạng bày tỏ lo ngại về số lượng rác thải nhựa trò chơi này sẽ thải ra môi trường. Số khác thì hoài nghi tính an toàn của đồ chơi trong túi mù, khi một số tiệm bán online không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Mặt khác, giá túi mù hiện vẫn tăng vùn vụt. Nếu quá sa đà vào trò chơi này, bạn có thể… cháy túi bất cứ lúc nào. Cuối cùng, giống như Labubu hay capybara nhồi bông, cái gì đã là trào lưu thì sớm muộn cũng sẽ có ngày hạ nhiệt. Nếu chỉ chơi theo trào lưu mà không thực sự là sở thích của bản thân, sẽ có lúc chúng ta bị sốc khi nhận ra mình đã “chốt đơn” những món hàng không cần thiết.