Vận động viên cờ vua kiếm tiền như thế nào?
Kết thúc Sea Games 31, Đoàn Thể thao Việt Nam cán đích nhất toàn đoàn với 205 huy chương vàng. Trong số đó, nếu không tính các bộ môn Olympic như bóng đá, võ thuật,... thì cờ vua là một trong hai môn thi "nhiều vàng" nhất (7/10 hạng mục).
Dù không nhận được sự đầu tư trọng điểm như các bộ môn Olympics, cờ vua Việt Nam đã có những bước phát triển dài. Không dừng ở vị thế số một Đông Nam Á, các kỳ thủ Việt đang vươn ra thế giới tại nhiều giải đấu để tranh tài với những kỳ thủ đẳng cấp quốc tế.
Những thành công gần đây nhất của Đại kiện tướng Lê Quang Liêm cho thấy các kỳ thủ Việt có những hướng đi rất rõ ràng để thi đấu và sống nhờ sự nghiệp. Vậy vận động viên cờ vua kiếm tiền như thế nào?
1. Lương cứng
Các kỳ thủ thuộc biên chế của các đội tuyển cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia sẽ có những khoản thu nhập cứng, chi trả bởi liên đoàn thể thao quốc gia hoặc các ban thể thao cấp cơ sở. Khoản tiền này không chỉ khác nhau ở mỗi nước, mà ở từng khu vực trong một nước cũng có những sự chênh lệch nhất định.
Bên cạnh lương cứng, kỳ thủ còn được hỗ trợ một số khoản như tiền thi đấu, tiền phụ cấp ăn ở. Nếu vận động viên đạt thành tích cao, phần thu nhập sẽ đi kèm tiền thưởng thành tích và tiền danh hiệu.
Kỳ thủ nhận tiền theo biên chế phân loại vận động viên của một quốc gia. Ở nước ta, nếu chỉ tính riêng lương và các khoản hỗ trợ, một vận động viên cờ vua sẽ có mức thu nhập từ 10 tới 12 triệu mỗi tháng.
2. Tiền thắng giải
Đối với những vận động viên cờ vua ở cấp cao nhất, đây chính là nguồn thu nhập lớn nhất. Mỗi giải đấu có những mức tiền thưởng khác nhau, và với một số kỳ thủ thì đó là động lực lớn để luyện tập và thi đấu mỗi ngày.
Thông thường, một giải đấu sẽ trao giải thưởng cho ba vận động viên có thành tích tốt nhất. Tùy vào từng sự kiện, số tiền thưởng có thể giao động, từ những giải đấu nhỏ với tổng giải thưởng chưa tới $1000 tới những giải đấu có trị giá hàng chục ngàn đô.
Bên cạnh đó, một số giải đấu gần đây có cách tổ chức mới và cách tính mức thưởng theo từng ván đấu trong giải. Một ví dụ điển hình là chuỗi giải đấu Meltwater Champion Chess Tour, với tổng giải thưởng lên tới 1,6 triệu đô.
Tùy vào kết quả, mỗi ván đấu trong chuỗi giải đấu dài hơi này mang lại cho kỳ thủ từ $250 tới $750, chưa tính giải thưởng đặc biệt trong các ván đấu loại, tổng giải thưởng sau cùng, và các hạng mục trao thưởng phụ khác.
Giải đấu có tổng tiền thưởng lớn nhất cho một kỳ thủ là sự kiện tranh ngôi vô địch thế giới World Chess Championship. Giải đấu này chỉ có hai kỳ thủ, gồm đương kim vô địch và người thách thức. Quỹ tiền thưởng của giải đấu tới năm 2021 đã đạt mức 2 triệu euro.
Tuy nhiên, đây không phải là cách kiếm tiền hiệu quả và lâu dài cho các kỳ thủ cờ vua, bởi phải đạt tới những đẳng cấp nhất định thì vận động viên mới có thể tham dự các giải đấu với quỹ tiền thưởng lớn - đó là trong trường hợp vận động viên thắng được giải, và chưa trừ vào các khoản chi phí thi đấu khác.
3. Tiền tài trợ
Nhằm nâng cao trình độ và gia tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng, các kỳ thủ chuyên nghiệp phải tham gia các giải đấu ở nhiều nơi trên thế giới. Các khoản tài trợ chính là nguồn thu nhập giúp họ trang trải chi phí di chuyển tới và ăn ở tại một đất nước khác.
Hình thức tài trợ cơ bản nhất là học bổng và các hỗ trợ từ các liên đoàn thể thao nói chung và liên đoàn cờ vua nói riêng. Tuy nhiên, nguồn tài trợ dồi dào nhất đến từ các doanh nghiệp và các nhãn hàng thể thao. Đây là lí do các kỳ thủ mặc những chiếc áo in hàng loạt logo cho các đơn vị mà họ đang nhận tài trợ.
Đương kim vô địch thế giới Magnus Carlsen là một trong những kỳ thủ có nguồn thu nhập khủng từ các hợp đồng quảng cáo và tài trợ. Theo ước tính, Magnus thu về từ 500 tới 600 ngàn đô mỗi năm từ nguồn này.
Tiền tài trợ có thể trở thành khoản thu chính của kỳ thủ, thậm chí tạo điều kiện phát triển cho nền cờ vua của một quốc gia. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là nhà vô địch thế giới người Ấn Độ Viswanathan Anand. Danh hiệu vô địch mà ông giành được vào năm 2000 đã khởi đầu cho sự bùng nổ của các khoản đầu tư vào cờ vua ở nước này.
Gần như ngay lập tức, Anand nhận được vô số lời đề nghị hợp tác, trong đó có cả các công ty dầu khí và công nghệ thông tin. Thành công của Anand đã mở rộng các khoản tài trợ, hỗ trợ, và thưởng cho kỳ thủ trẻ hay kỳ thủ tài năng tại Ấn Độ.
4. Tiền "gõ đầu trẻ"
Cờ vua không phải là môn thể thao có tuổi thọ thi đấu dài và không nhiều kỳ thủ duy trì thi đấu chuyên nghiệp khi bước vào "đầu bốn." Khi thời gian thi đấu giảm đi, các kỳ thủ “lão làng” thường tập trung vào công tác huấn luyện các đội tuyển hoặc giảng dạy tại các đơn vị đào tạo hay các câu lạc bộ.
Đào tạo đội tuyển là công tác giảng dạy truyền thống nhất cho các kỳ thủ cấp cao nhất của một quốc gia. Giống như các thầy cô giáo nhận phụ cấp đào tạo đội tuyển học sinh giỏi, các “giảng viên cờ” cũng nhận được tiền công. Các kỳ thủ ở cấp độ thấp hơn có thể giảng dạy tại các trung tâm huấn luyện thể thao hoặc các trường đại học.
Trước sự càn quét của hình thức học online, các vận động viên đã và đang thiết kế và triển khai những khóa học cờ vua trực tuyến. Các khóa học diễn ra dưới dạng trực tiếp, hoặc là chuỗi bài giảng được giảng viên thu hình sẵn. Một trong những khóa học nổi tiếng nhất là bài giảng MasterClass của Garry Kasparov, người giữ chức vô địch từ năm 1985 tới năm 2000.
Khóa học của Garry Kasparov có giá $180. Đây la mức giá cao và xứng đáng với danh tiếng của huyền thoại người Nga. Những khóa học của các kỳ thủ chuyên nghiệp hàng đầu hiện nay có giá giao động từ $100-$120 cho mỗi buổi học.
5. Thu nhập từ hoạt động phát trực tuyến (streaming)
Sự càn quét của đại dịch đã mang lại nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp cờ vua nhưng cũng mở ra những hướng đi mới cho các kỳ thủ “kiếm cơm.” Một trong số đó là trở thành streamer.
Khi hàng loạt các giải đấu bị hoãn lại, ngành công nghiệp cờ vua và các kỳ thủ tìm thấy lối thoát qua hình thức tổ chức trực tuyến. Bên cạnh đó, phong trào cờ vua bùng nổ trên toàn thế giới bởi lượng lớn các kỳ thủ chuyên nghiệp bắt đầu phát trực tiếp các trận đấu luyện tập của mình.
Tất nhiên không phải tới Covid-19 các kỳ thủ mới bắt đầu stream. Tuy nhiên, quãng thời gian đại dịch đã biến vô vàn kỳ thủ trở thành streamer, bao gồm cả những tay chơi nổi tiếng như Magnus Carlsen, Alireza Firouzja, hay Hikaru Nakamura.
Hikaru Nakamura là trường hợp đặc biệt nhất khi anh này gần như nghỉ thi đấu hoàn toàn và chỉ tập trung vào “sự nghiệp streamer” trong hơn 800 ngày trước khi quay lại đấu chuyên nghiệp. Anh cũng ký hợp đồng với TSM FTX - một công ty eSport và tham gia vào hệ sinh thái streamer của công ty này.
Theo ước tính, kể từ thời điểm bắt đầu phát trực tuyến vào năm 2019 tới tháng 10/2021, Hikaru đã thu về hơn 700 ngàn đô. Đó là chưa tính các khoản đóng góp trực tiếp của người xem và lợi nhuận từ việc quảng cáo, tài trợ độc quyền cho một streamer.
Việc các kỳ thủ nay kiêm nghề tay trái là streamer không chỉ mở ra một khoản thu nhập mới, mà còn có khả năng làm tăng các khoản thu nhập đã có sẵn từ các giải đấu, công việc giảng dạy, hay tiền tài trợ từ các đơn vị.
Kết
Những vận động viên ở đẳng cấp cao nhất dẫn đầu danh sách thu nhập với nhiều nguồn thu khác nhau. Tuy nhiên, đây không phải thực trạng chung của toàn bộ ngành công nghiệp cờ vua.
Trên thực tế, chỉ một số rất ít vận động viên có thể đạt được mức thu nhập đó. Hầu hết các kỳ thủ có thu nhập trung bình, không khác chúng ta là bao. Trong một số trường hợp, các kỳ thủ còn phải làm những ngành nghề khác để trang trải cuộc sống.
Vì thế, nếu bạn đam mê bộ môn này và có ý định theo đuổi con đường chuyên nghiệp, đừng bị lóa mắt bởi thành công của những Magnus hay Hikaru. Hãy tỉnh táo cân nhắc và xem xét các sự lựa chọn thật kỹ lưỡng trước khi chọn theo nghiệp "cầm quân."