Vì sao bạn đã lên ngân sách mà vẫn “vung tay quá trán”?
Việc lập ngân sách giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả, từ đó tiết kiệm cho các mục tiêu lớn như mua nhà, mua xe hay du lịch. Tuy nhiên việc bám sát ngân sách thực tế không hề dễ. Đặc biệt giữa thời điểm mọi thứ đều bất định, mua sắm trở thành cách đơn giản nhất để tìm lại cảm giác kiểm soát.
Theo nhà nghiên cứu hành vi Mariel Beasley, ta cần hiểu rõ tâm lý của bản thân để chống lại những cám dỗ chi tiêu trong vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi tạo nên series Tiêu đâu, dùng đấy.
Cùng Vietcetera tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn “vung tay quá trán” dù có ngân sách, và học cách kiểm soát tiêu dùng thay vì để tiêu dùng kiểm soát bạn.
Những thói quen vô hình khiến bạn tiêu xài nhiều hơn
Dựa vào ý chí để hạn chế tiêu xài
Thói quen này khiến bạn dễ rơi vào “vòng xoáy bù đắp”. Ví dụ nếu tuần 1 bạn chỉ uống 1 cốc trà sữa theo đúng ngân sách, tuần 2 bạn dễ có tâm lý muốn “bù đắp” bằng cách uống hẳn 3 cốc. Sang tuần 3 khi nhận ra mình đang tiêu quá tay, bạn lại kiềm chế một lần nữa. Cứ như vậy, bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn mệt mỏi với việc cân đối chi tiêu mà vẫn không hiệu quả.
Ngân sách chính là một hình thức tự kỷ luật bản thân trong tiêu xài. Ý chí sẽ có lúc hao mòn theo thời gian, vì vậy chỉ dựa vào nó thì chưa đủ.
Tập trung vào sự thỏa mãn tức thời
Khi bị cảm xúc thôi thúc, ta dễ bỏ qua lợi ích lâu dài để đạt được một lợi ích tức thời nhưng ít đáng giá hơn. Millennials và gen Z lại là thế hệ đề cao trải nghiệm, vì vậy mà chúng ta thích tiêu tiền cho ăn uống bên ngoài, mua sắm, giải trí và du lịch - những hàng hóa và dịch vụ tức thời.
Việc chi tiền cho những trải nghiệm này không hề sai, và chi phí cho một lần như vậy có thể không quá lớn. Nhưng khi cộng dồn lại nhiều lần, nó có thể vượt ngân sách của bạn và ảnh hưởng đến các mục tiêu tương lai. Vì vậy, bạn cần chú ý không để cảm xúc dẫn lối khiến bản thân quá tập trung vào sự thỏa mãn tức thời.
Tiêu xài theo xu hướng đám đông
Ta luôn muốn mua những gì người khác mua, nhưng ta không hề biết thu nhập thực sự và số tiền tiết kiệm của họ. Những yếu tố này tác động lớn đến thói quen tiêu dùng của họ, mà ta chưa chắc đã “bắt chước” được một cách an toàn.
Hiểu về những cám dỗ tiêu dùng
Dù đã lên ngân sách, nhưng bạn không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những mẩu quảng cáo, hàng miễn phí hay mã giảm giá. Đặc biệt khi rơi vào tình huống căng thẳng, mua sắm trở thành cách dễ dàng để bạn cảm thấy hạnh phúc.
Theo nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ), não bộ có hai khu vực kiểm soát cảm xúc và lý trí. Ngân sách được lập ra bằng logic và lý trí, nhưng các cám dỗ chi tiêu lại đánh vào phần cảm xúc. Vì vậy, bạn cần hiểu về cám dỗ chi tiêu để cảm xúc của mình không bị chúng đánh bại. Hãy giữ cho mình “một cái đầu lạnh” trong mùa sale cuối năm bạn nhé.
Ngoài ngân sách, bạn có thể làm gì để tiết kiệm?
Không phải lúc nào bạn cũng theo dõi được bảng ngân sách của mình. Sẽ có lúc bạn quá mệt mỏi để ghi chép các khoản chi trong ngày, hoặc quên mất số tiền mình đã chi. Một số app quản lý tài chính có thể khắc phục vấn đề này, nhưng lại không ghi nhận các chi tiêu tiền mặt.
Ngân sách là một con số khó nhớ vì nó gồm nhiều khoản chi phí khác nhau. Nhưng những quy tắc dựa trên hành động thì dễ nhớ và dễ thực hiện hơn. Để “thải độc” tiêu dùng một cách hiệu quả, bạn có thể thử những cách sau:
- Xóa thông tin giao dịch trên các trang thương mại điện tử. Nếu giao dịch cần nhiều hơn một cú nhấp chuột, tâm lý muốn mua hàng của bạn sẽ giảm xuống.
- Chỉ mang tiền mặt khi đi ăn ngoài. Tiền mặt giúp bạn cảm nhận trực tiếp sự hao hụt khi trả tiền, từ đó nhạy cảm hơn với số tiền mình đang có.
- Mỗi khi mua một món đồ không cấp thiết, bạn tự động chuyển khoản vào tài khoản tiết kiệm của mình. Số tiền này phải tương đương ít nhất 30% giá tiền của món đồ bạn mua. Cách này vừa giúp bạn hình dung giá trị của những khoản mình tiêu, vừa giảm bớt cảm giác hối hận nếu trót tiêu quá hạn mức đề ra.