Vì sao càng mệt, ta càng tiêu nhiều tiền?

Một số nhãn hàng còn tung khuyến mãi lúc 9-10 giờ tối, vì biết chúng ta có xu hướng chốt đơn vào khung giờ mệt mỏi đó.
Hiền Lê
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Không chỉ lướt mạng xã hội, nhiều người còn có thói quen lướt các app mua sắm sau một ngày dài mệt mỏi. Nhưng đây lại chính là thời điểm não bộ "yếu lòng" nhất trước 7749 các loại mã khuyến mãi ngược xuôi. Điều này khiến ta dễ chốt nhiều đơn hơn dự kiến, và rồi hối hận vào sáng ngày hôm sau.

Đây là ví dụ điển hình của kích thích tiêu tiền (spending trigger) - một tình huống, cảm xúc hoặc địa điểm làm bạn muốn tiêu tiền nhiều hơn. Vậy sự mệt mỏi tác động gì lên não bộ khiến chúng ta dễ dãi với hầu bao của mình?

Não bộ mệt mỏi sau quá nhiều quyết định

Gánh nặng quyết định (decision fatigue) là sự suy giảm khả năng ra các quyết định đúng đắn và lành mạnh. Hiện tượng này thường xảy ra vào cuối giờ làm việc hoặc buổi tối muộn, khi não phải đưa ra quá nhiều quyết định trước đó.

Theo nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ), một người lớn phải đưa ra trung bình 35,000 quyết định lớn nhỏ mỗi ngày. Bạn phải quyết định ăn gì khi tới bữa, mặc gì để đi làm hay đưa ý tưởng gì cho sếp. Mỗi quyết định đều tiêu tốn của bạn không ít năng lượng, thậm chí cả sức mạnh ý chí nếu bạn đang ăn kiêng mà đồng nghiệp rủ order trà sữa.

Vì vậy không khó hiểu nếu bạn ra những quyết định cảm tính vào cuối ngày, khi phần lớn năng lượng đã dồn vào các quyết định trước đó. Và một bộ não “sập nguồn” sẽ khiến bạn dễ dàng sập bẫy các khuyến mãi mà không cân nhắc kỹ.

Tiêu tiền là cách dễ nhất để vui lên

Não chúng ta luôn thiên vị những phần thưởng nhỏ và tức thì, đặc biệt khi không còn nhiều năng lượng. Và mua sắm chính là cách dễ nhất để kích thích não bộ sản sinh dopamine và endorphin, giúp bạn cải thiện tâm trạng nhanh chóng.

Việc tiêu tiền cho bản thân đã được chứng minh có tác dụng trị liệu tinh thần. Bởi nó vừa cho bạn cảm giác kiểm soát với môi trường xung quanh, vừa mang lại cảm giác thành công khi tiêu tiền mình kiếm vào những gì mình thích.

Theo một khảo sát của công ty tư vấn tài chính LearnVest, nhiều người mua sắm online buổi tối dù không thực sự có nhu cầu. Họ chỉ coi nó như một cách “giải độc” tinh thần sau một ngày làm việc mệt mỏi.

“Ma trận” các mức giá khiến ta khó quyết định sáng suốt

Hiệu ứng chim mồi (decoy effect) xảy ra khi người tiêu dùng thay đổi ưu tiên giữa hai lựa chọn nếu một lựa chọn thứ ba (chim mồi) được đưa vào. So với sản phẩm đắt hơn, mồi nhử này thua kém về mọi mặt. Nhưng so với sản phẩm rẻ hơn, nó chỉ thua kém một phần và trội hơn về phần còn lại. Sự bất cân xứng này khiến bạn vô thức nghĩ rằng, mua sản phẩm đắt hơn sẽ có lợi hơn.

Về bản chất, đây là một dạng hiệu ứng đóng khung (framing effect). Theo đó, não bộ ra quyết định dựa trên cách thông tin được trình bày với hàm ý tích cực hay tiêu cực (ví dụ theo hướng “được” hay “mất”).

Theo định luật Hick-Hyman, quá nhiều lựa chọn sẽ khiến bạn bối rối, và điều này càng trở nên tồi tệ khi bạn mệt mỏi. Đây là lúc hiệu ứng chim mồi phát huy tối đa tác động - nó kéo bạn vào lựa chọn đắt nhất thay vì tốn thời gian nghiên cứu từng cái một.

Những thời điểm chúng ta dễ bị kích thích tiêu tiền

Ngoài những lúc mệt mỏi, có những thời điểm bạn cần theo dõi sát sao thói quen chi tiêu của mình. Bởi trong những lúc này, não bộ dễ bị kích thích tiêu tiền hơn. Một số ví dụ có thể kể đến:

Khi đang gặp chuyện buồn hoặc căng thẳng

Khi gặp phải biến cố lớn trong đời, não bạn phải dành một phần lớn năng lượng để phân tích và xử lý nó. Hệ quả là não không còn nhiều năng lượng để suy nghĩ thấu đáo trước các kích thích chi tiêu, khiến bạn tiêu tiền nhiều hơn.

Bên cạnh đó, như đã giải thích ở trên, tiêu tiền là cách nhanh nhất để sản sinh dopamine xoa dịu cảm xúc tiêu cực. Theo Verywell Mind, đồ ăn, quần áo và các chuyến du lịch là những mặt hàng/dịch vụ chúng ta có xu hướng tiêu tiền nhiều nhất khi bị căng thẳng.

Khi đang cố gắng gây ấn tượng với người khác

Trong buổi hẹn đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ muốn để lại ấn tượng tốt với đối phương. Vì vậy, bạn không ngại sắm bộ vest mới và chọn một nhà hàng xịn sò. Không ít người còn mua gói tập gym dài hạn để cải thiện vóc dáng, nhằm mong “cưa đổ” được crush. Khi gặp đối tác quan trọng, nhiều người cũng thường chọn nhà hàng đắt, thậm chí mời cả gia đình đối tác cùng dùng bữa.

Việc chi số tiền lớn để gây ấn tượng với người khác là bình thường, nhiều khi cần thiết để đạt các mục tiêu lớn trong đời. Tuy nhiên bạn cũng nên cân nhắc kỹ trước đó để tránh rơi vào bẫy chi phí chìm (chi phí đã sử dụng và không thể thu hồi).

Trong các dịp đặc biệt

Trong một khảo sát của LearnVest, có tới 74% người trả lời thừa nhận rơi vào nợ nần sau một kỳ nghỉ. Nguyên nhân do trong những dịp đặc biệt, chúng ta thường vô thức tiêu nhiều tiền hơn mà không tính đến ảnh hưởng lâu dài.

Chẳng hạn trước chuyến nghỉ mát, bạn sắm vài bộ đồ đẹp để “sống ảo” cho chuẩn. Trong hành trình, bạn lại muốn chi tiền cho những trải nghiệm mà bạn biết sẽ khó có lần 2. Lượng dopamine và endorphin được tiết ra trong thời gian này khiến bạn tạm quên đi nỗi lo về tài chính, cho đến khi bạn trở về và nhận ra mình đã “vung tay quá trán”.

Làm gì để đối phó với kích thích tiêu tiền?

Hạn chế ra quyết định mua sắm khi mệt mỏi

Để làm được điều này, bạn nên nghiên cứu kiểu đồng hồ sinh học của mình. Việc này giúp bạn nhận ra những khung thời gian não bộ dễ “yếu lòng” mà tránh lướt các app mua sắm. Hãy trở lại khi bạn tỉnh táo hơn và đã nghiên cứu kỹ về sản phẩm định mua.

Cần lưu ý nếu kích thích tiêu tiền xuất hiện nhiều và thường xuyên (chẳng hạn trong mùa sale), bạn vẫn có khả năng tiêu quá tay trong khung giờ tỉnh táo. Lúc này, bạn có thể áp dụng mẹo vượt qua mùa sale trong 72 giờ.

Nghiên cứu kỹ trước khi tiêu tiền cho những dịp đặc biệt

Đây là việc cần làm để bạn không vung tay quá trán khiến trải nghiệm thiếu trọn vẹn. Chẳng hạn trước khi mua một chiếc đầm đi dạ tiệc, bạn nên nghiên cứu xem nó có đa dụng không, có mặc được nhiều dịp hay không. Nếu câu trả lời là không, bạn có thể xem xét thuê đồ hoặc mượn từ người khác.

Trước kỳ nghỉ, bạn nên nghiên cứu kỹ những địa điểm vui chơi, ăn uống… và chi phí cho từng loại. Nếu có thể, bạn tham khảo kinh nghiệm những người từng đi hoặc trên các diễn đàn du lịch để cân nhắc xem nó có phải một trải nghiệm đáng tiền hay không. Việc này vừa giúp bạn lên chi phí cụ thể cho từng hạng mục, vừa tránh tốn tiền một cách không đáng có.

Luôn có một khoản tiền tiết kiệm/chi phí phát sinh

Căng thẳng hoặc biến cố là điều không thể lường trước được. Trong những thời điểm này, bạn cũng khó kiểm soát được cảm xúc của mình.

Vì vậy, bạn không nên cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền để xoa dịu cảm xúc. Tuy nhiên bạn cần chắc chắn mình có một khoản tiết kiệm hoặc chi phí phát sinh để bù trừ cho những chi tiêu này. Nếu có thể, bạn nên kết hợp đi trị liệu tâm lý để tìm ra giải pháp hiệu quả giúp ứng phó với vấn đề của bạn trong thời gian lâu dài.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục