Trị liệu tâm lý không phải là những lời khuyên sách vở | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 06, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Trị liệu tâm lý không phải là những lời khuyên sách vở

Hiểu đúng về những gì người cần hỗ trợ sẽ nhận được khi tìm đến trị liệu tâm lý.
Trị liệu tâm lý không phải là những lời khuyên sách vở

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

“Chị không đi khám tâm lý đâu, người ta chỉ toàn nói những điều mình đã biết. Rồi lại khuyên nên làm gì đó, thời gian sẽ sửa chữa mọi thứ.”

Là người đang theo học chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng, tôi quan tâm tới sức khỏe tinh thần của bản thân và những người xung quanh. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy mọi người bày tỏ những nghi ngại như vậy.

Dù kiến thức về sức khỏe tinh thần đã được phổ biến rộng rãi hơn, nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ họ sẽ nhận được điều gì khi đi trị liệu. Thế nên dù cần điều trị, những cá nhân ấy vẫn quyết định không đi khám.

Như vậy, có thể nói dịch vụ tham vấn và trị liệu tâm lý ở Việt Nam vẫn còn mới lạ với phần đông dân số. Vì vậy, trước khi tìm hiểu kỹ hơn sự khác nhau giữa trị liệu tâm lý và lời khuyên sách vở đơn thuần, ta hãy cùng tìm hiểu xem trị liệu tâm lý là gì.

Trị liệu tâm lý là làm việc với những đau khổ bên trong

Thực tế, trị liệu tâm lý là một quá trình phức tạp. Mục đích của nó là giúp từng cá nhân hiểu vấn đề mình đang gặp phải, nhằm tự đối diện được với chúng một cách triệt để hơn. Vì vậy, trị liệu tâm lý không đưa ra lời khuyên theo kiểu “sau đây là 5 cách khiến bạn hết buồn.”

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trị liệu tâm lý (psychotherapy). Hiểu đơn giản thì đây là quá trình mà chuyên gia tâm lý sẽ làm việc với người cần hỗ trợ (gọi là thân chủ) và điều trị những đau khổ trong tinh thần và các rối loạn tâm lý.

Trị liệu tâm lý còn gọi là trị liệu bằng lời nói (talk therapy), bởi cách các chuyên gia làm việc với thân chủ của họ là giao tiếp ngôn từ. Cách gọi này giúp ta phân biệt với các hình thức trị liệu khác như trị liệu nghệ thuật (art therapy) hay trị liệu âm nhạc (music therapy), nơi mà việc trò chuyện không chiếm ưu thế.

17jun2022counsellingintext01jpg
Gỡ rối và chữa trị bằng lời nói.

Tuy vậy, trị liệu bằng lời nói cũng có thể kết hợp với những kỹ thuật hay liệu pháp khác. Trong bài viết này, ta sẽ tập trung tìm hiểu quá trình trị liệu bằng lời nói diễn ra như thế nào, bởi đây là hình thức trị liệu phổ biến hơn cả tại Việt Nam.

Mỗi người có trải nghiệm riêng biệt khi đi trị liệu

Cá nhân là sự tổng hòa, thống nhất từ vô số suy nghĩ, cảm xúc và hành động đặc thù trong từng thời điểm hay bối cảnh. Vì thế, có thể nói, không có hai phiên trị liệu nào hoàn toàn giống nhau, bởi mỗi thân chủ đến trị liệu tâm lý đều mang những đặc tính riêng biệt.

Điều này đòi hỏi nhà trị liệu cần xây dựng những phiên làm việc và kỹ thuật phù hợp nhất cho từng người. Dù vậy, các chuyên gia tâm lý vẫn có khung sườn và định hướng chung nhất mà họ đã được đào tạo để làm việc với thân chủ.

Đường hướng chung này thường phụ thuộc vào liệu pháp trị liệu mà mỗi chuyên gia tâm lý theo đuổi. Đây cũng là sự khác biệt trong điều trị với những bác sĩ tâm thần và đồng thời, tạo thành những phong cách và triết lý riêng cho từng nhà tâm lý.

Vậy cụ thể, có những liệu pháp trị liệu chính nào mà ngày nay các chuyên gia thường sử dụng?

Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic therapy)

17jun2022counsellingintext02jpg
Đau khổ ở hiện tại bắt nguồn từ tổn thương trong quá khứ

Liệu pháp phân tâm hay còn gọi là phương pháp phân tích tâm lý, cho rằng những đau khổ trong hiện tại bắt nguồn từ tổn thương tâm lý trong quá khứ, hay suy nghĩ, cảm xúc mà cá nhân không thể chấp nhận được. Vì vậy, trong vô thức, tâm lý cố gắng đè nén và không cho phép những điều đó biểu hiện ra ngoài.

Dù vậy, những điều bị chế ngự luôn tìm cách bộc lộ cho ta biết, dù bằng cách này hay cách khác. Một số biểu hiện có thể là cảm giác đau khổ, lo lắng hay các hành vi tiêu cực, mà chính cá nhân cũng không biết lý do tại sao.

Các chuyên gia sẽ giúp thân chủ "quay về quá khứ," gợi nhắc lại những tổn thương trước đây và những điều còn ẩn giấu trong vô thức bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Thân chủ sẽ nhận biết và ý thức được những cơ chế tâm lý ẩn sâu của bản thân qua phân tích của nhà tâm lý.

Trong quá trình này, khi được gợi nhắc về những điều bị che khuất, thân chủ có thể từng bước tự đối diện và đối chất với vấn đề của chính mình. Từ đó, những đau khổ và khó khăn ở hiện tại sẽ dần giảm bớt và biến mất.

Việc đưa ra lời khuyên trong liệu pháp này thường không có nhiều giá trị trong việc giúp thân chủ hiểu vấn đề của bản thân, cũng như giải quyết hoặc giảm nhẹ đau khổ. Điều quan trọng nhất trong liệu pháp này là hiểu con người của thân chủ và những ẩn ức bị che giấu bên trong.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT - Cognitive behavioral therapy)

Liệu pháp nhận thức hành vi cho rằng đau khổ ở hiện tại sinh ra từ những niềm tin, suy nghĩ phi lý, sai lệch cũng như hành vi bất thường. Vì vậy, qua từng phiên trị liệu, nhà tâm lý sẽ cùng thân chủ đi tìm hiểu “motif” suy nghĩ, cảm xúc và hành vi trong từng trải nghiệm thân chủ gặp phải.

Khi cả hai phát hiện được những gì đã và đang diễn ra không lành mạnh khiến thân chủ gặp khó khăn trong cuộc sống, nhà tâm lý sẽ hướng dẫn thân chủ thực hiện các kỹ thuật nhằm điều chỉnh bản thân theo cách khiến họ thoải mái và tích cực hơn.

Do đó, lời khuyên rằng thân chủ nên làm gì trong liệu pháp này sẽ không có tác dụng, thậm chí là máy móc nếu thân chủ chưa nhận diện được sự bất hợp lý và vô ích của những cách thức cũ.

Liệu pháp nhân văn (Humanistic psychotherapy)

17jun2022counsellingintext03jpg
Đánh thức bản chất tốt đẹp trong mỗi người

Liệu pháp nhân văn quan niệm mỗi cá nhân đều có bản chất tốt đẹp. Vì vậy, sẵn bên trong họ đều mang những tiềm năng để phát triển bản thân, hướng tới cuộc sống tích cực và ý nghĩa. Tuy nhiên, một số người phải chịu đựng đau khổ và quên đi sức mạnh tự thân vì không được phát triển trong môi trường chấp nhận, ấm áp, giàu tình yêu thương.

Vì vậy, các nhà tâm lý nhân văn cho rằng cách thức hỗ trợ tốt nhất cho thân chủ là xây dựng môi trường an toàn, thấu hiểu và thân tình bằng chính mối quan hệ trị liệu. Qua đó, thân chủ sẽ tự giải phóng bản thân khỏi những bế tắc trong hiện tại.

Như vậy, thân chủ mới là chuyên gia hiểu biết sâu sắc nhất về con người họ. Nhà tâm lý chỉ đóng vai trò hướng dẫn và khuyến khích thân chủ trong hành trình khám phá chính mình.

Vì thế, có thể nói đây là một trong những liệu pháp phủ nhận sức mạnh của lời khuyên nhất, bởi khuyên nhủ đi ngược lại với triết lý và niềm tin cốt lõi của liệu pháp này.

Hậu quả của những lời khuyên không hợp lý

Dưới góc nhìn chuyên môn, dù đi theo liệu pháp trị liệu nào thì một nhà tâm lý được đào tạo và có kinh nghiệm đều rất hạn chế sử dụng lời khuyên.

Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến quan điểm trị liệu, thì trong nhiều trường hợp, đưa ra lời khuyên khi chưa hiểu rõ câu chuyện của thân chủ thậm chí còn gây ra nhiều tai hại hơn. Nó cho thấy rằng thân chủ không được thấu hiểu bởi người mà họ đã đặt lòng tin.

Đôi khi, nhà tâm lý là thành trì cuối cùng mà một người nhờ cậy tới để trao gửi những bí mật hay vết thương mà một mình họ khó có thể gánh vác. Vậy nên việc hiểu đúng về trị liệu tâm lý sẽ giúp những ai đang tìm sự trợ giúp có thêm một chỗ dựa tinh thần vững chắc trong những giây phút khó khăn.