Vì sao chúng ta lại nổi da gà?
Nổi da gà (goosebumps) là hiện tượng những nốt phồng li ti nổi trên da như da của gia cầm sau khi vặt lông (goose trong tiếng Anh là con ngỗng). Những nốt phồng này là do hiện tượng co cơ khiến nang lông phồng lên, đội lớp da tạo thành những hạt li ti trên bề mặt. (Theo trang Scientific American)
Ngoài ra “nổi da gà” cũng hay đi với “dựng tóc gáy”, do khi nang lông phồng lên nó cũng kéo những sợi lông dựng đứng theo.
Thế vì sao mà chúng ta lại nổi da gà khi va phải làn gió buốt, đọc truyện tâm linh vào đêm hôm khuya khoắt hay nghe một bản nhạc sầu tím ruột?
Nổi da gà là phản ứng giúp chúng ta ấm lên
Trước đây, các nhà khoa học đã biết đến mối liên hệ giữa dây thần kinh giao cảm (sympathetic nerves) và cơ bắp đằng sau việc nổi da gà (What goosebumps are for). Đại khái, các tế bào thần kinh giao cảm phản ứng với nhiệt độ lạnh và gửi tín hiệu đến não. Sau đó, não truyền tín hiệu đến cơ bắp tạo ra phản ứng co cơ khiến da gà lẫn lông của chúng ta dựng lên.
Ở thời mà con người còn nhiều lông, phản ứng này giúp chúng ta giữ ấm cơ thể do bề dày của lớp lông tăng lên. Dù tiến hóa khiến con người đã bớt rậm rạp đi nhiều, nổi da gà vẫn giữ được vai trò này.
Một nghiên cứu của trường đại học Harvard đã phát hiện ra là ngoài dây thần kinh giao cảm và cơ bắp, phản ứng nổi da gà còn kích thích tế bào gốc trong nang lông. Vì vậy, nổi da gà không những giúp lông dựng lên để giữ ấm mà còn kích thích lông mọc trong dài hạn. Điều đó phần nào lý giải việc người sống ở vùng khí hậu lạnh thường rậm lông hơn.
Nổi da gà là phản ứng khi bản năng sinh tồn bị kích hoạt
Bạn còn nhớ cảm giác “sởn gai ốc” khi xem đến những phút cao trào của bộ phim kinh dị hoặc lỡ đi qua những địa danh tâm linh vào buổi tối?
Khi não phát hiện mối đe dọa, hạch hạnh nhân (amygdala) chịu trách nhiệm điều khiển phản ứng cảm xúc sẽ kích hoạt. Đồng thời, nó cũng gửi tính hiệu đến vùng dưới đồi (hypothalamus) để kích thích sản sinh adrenaline. Đây là loại hormone liên quan đến phản xạ chiến hay chạy (fight or flight response) - một phản xạ sinh tồn. Adrenaline tăng khiến cơ co lại, làm da gà và lông dựng lên. (Theo trang bustle.com)
Trước đây, việc xù lông giúp tổ tiên chúng ta trông to lớn và “hổ báo” hơn, từ đó dọa được kẻ thù. Ngày nay, dù hiếm khi bị đặt vào tình huống sống chết, cơ thể của chúng ta vẫn không quên bản năng này.
Nổi da gà khi trải qua cảm xúc mãnh liệt
Bạn đã từng nổi da gà khi xem một bộ phim mãn nhãn, nghe một bài diễn văn xuất thần hoặc bị ai đó đột nhiên thổi vào gáy? Những cảm xúc như hạnh phúc, cảm động, bất ngờ, ghê tởm ở mức độ dữ dội cũng khiến bạn nổi da gà.
Theo giáo sư khoa học thần kinh William Griffith, khi trải qua cảm xúc mạnh, não của bạn rơi vào trạng thái chiến hoặc chạy tương tự như khi gặp nguy hiểm.
Có khá nhiều giả thuyết về hiện tượng này, một trong số đó cho rằng việc giải phóng adrenaline có thể liên quan đến sự gia tăng của dopamine, được biết đến như hormone trao thưởng. Dopamine cũng tiết ra khi cảm xúc của bạn đạt đến cao trào.
Rất nhiều người trải qua trạng thái nổi da gà khi nghe nhạc bởi âm nhạc thường gắn liền với cảm xúc, chẳng hạn những cảm xúc phức tạp như u sầu (melancholy) hoặc hoài niệm (nostalgia).
Theo tiến sĩ thần kinh học Matthew Sachs, những người có xu hướng cởi mở với trải nghiệm (openness to experience - một trong năm tính cách chính trong thang đo tâm lý Big Five) sẽ hay có phản ứng sởn gai ốc trước âm nhạc. Nguyên nhân là do họ thường tìm kiếm những trải nghiệm mới, trải qua cảm xúc không quen thuộc và chú ý đến nội tâm hơn.
Kết
Tuy không phải ai cũng thích bị nổi da gà, nhưng nhìn chung đây là phản ứng hết sức tự nhiên của cơ thể trước những tác nhân vật lý lẫn cảm xúc. Tương tự như những phản ứng tự nhiên khác (khóc, cười, toát mồ hôi), nổi da gà cũng góp phần quan trọng vào quá trình sinh tồn của mỗi chúng ta.
Còn bạn, điều gì thường khiến bạn nổi da gà?