Đã bao giờ bạn thắc mắc, tại sao “kinh dị” lại trở thành thể loại phim được yêu thích? Nó khá dễ hiểu nếu bạn ngưỡng mộ tình yêu cổ tích trong những bộ phim lãng mạn, hay muốn lạc vào thế giới phù thủy thông qua các phim viễn tưởng.
Nhưng chẳng ai lại muốn một ngày đẹp trời mình tỉnh dậy và bị rượt bởi một quân đoàn xác sống, hoặc tệ hơn… bị cưa làm đôi.
Sự máu me, chết chóc và đen tối của thể loại phim này vì sao lại hấp dẫn đến thế?
Cảm giác phấn khích mà nỗi sợ hãi mang lại
Mặc dù những bộ phim kinh dị không có thật, nhưng chúng vẫn có khả năng kích hoạt phản ứng “chiến hoặc chạy” (fight or flight response) ở người. Theo nhà tâm lý học Krista Jordan, não chúng ta không phải lúc nào cũng phân biệt được giả và thật. Cũng như việc bạn nhìn thấy ai đó ăn món “chanh chấm muối ớt” và bất giác nuốt nước bọt, con người là sinh vật rất thích liên tưởng.
Tương tự với việc xem phim kinh dị, não sẽ rơi vào trạng thái sinh tồn và các phản ứng sinh lý (physiological response) được kích hoạt. Lúc này, adrenaline, endorphins và dopamine tăng cao, kích thích cả thể chất lẫn cảm xúc, khiến bạn cảm thấy vô cùng phấn khích. Và khi bộ phim qua đi và bạn biết rằng mình an toàn, phản ứng trung hòa khi các hormones trên giảm xuống cũng tạo nên một cảm giác dễ chịu.
Phim kinh dị khiến con người gần gũi với nhau hơn
Theo tiến sĩ Arthur Aron, cảm giác sợ hãi có thể thâm nhập vào mong muốn được kết nối với tập thể của chúng ta. Nỗi sợ tiềm ẩn như bóng tối, hồn ma hay những tên sát nhân hàng loạt là những thứ dễ tạo nên sự đồng cảm. Khi để lộ mặt yếu đuối, người khác cũng cảm thấy thân thiết với bạn hơn.
Ngoài ra, cùng xem phim kinh dị cũng là một “chiến thuật” hẹn hò hiệu quả bởi nó làm gia tăng mức độ hấp dẫn giữa hai người với nhau. Đây được gọi là “hiệu ứng cầu treo” (suspension bridge effect) - một hiện tượng tâm lý mô tả sự nhầm lẫn của con người trong việc cho rằng điều gì đang khiến họ cảm thấy bị kích thích.
Lúc này, nỗi sợ sẽ bị nhầm lẫn với cảm giác hưng phấn, bởi chúng đều có cùng một phản ứng sinh lý như tim đập mạnh, huyết áp tăng hoặc khó thở.
Cảm giác tốt hơn về bản thân khi so sánh với những nhân vật xấu số
Theo thuyết so sánh xã hội (social comparison), con người có xu hướng so sánh dưới (downward social comparison) - tức so sánh bản thân với những người kém may mắn hơn để cảm thấy tốt hơn về mình, đặc biệt khi trải qua một sự kiện đe dọa về mặt tâm lý.
Khi xem phim kinh dị, chúng ta thường cảm thấy ức chế khi các nhân vật trong phim mắc những sai lầm ngớ ngẩn khiến họ “bay màu” như vấp té khi đang chạy trốn, bước vào ngôi nhà hoang trong đêm hôm khuya khoắt hay tệ hơn, đang núp dưới gầm giường thì… điện thoại reo.
Khi ấy, chúng ta hẳn đã không ít lần nghĩ rằng “nếu là mình thì chẳng đời nào mình mắc sai lầm ngớ ngẩn như vậy” - giả định này đem lại một sự dễ chịu về mặt tâm lý.
Khám phá mặt tối của chính mình
Khác với thể loại tình cảm hay hài hước, phim kinh dị thường xâm phạm những chuẩn mực đạo đức của xã hội với những phân cảnh tra tấn, giết chóc và trả thù bất chấp pháp luật. Và vì thế nó cho phép con người gián tiếp trải qua cảm giác mà họ không có ở đời thật.
Nhà tâm lý Jordan cho rằng cũng giống như khi xem boxing, chúng ta không đặt mình ở vị thế của người bị đánh, mà là ở vị thế của kẻ tấn công, dù không phải ai cũng thừa nhận điều này.
Ở bộ phim kinh dị như Girl from Nowhere (Cô gái đến từ hư vô), đó chính là cảm giác thỏa mãn khi nhìn những kiểu nhân vật mà chúng ta ghét ở ngoài đời thật bị trừng trị.
Ngoài ra, những nhân vật đen tối có nội tâm phức tạp cũng được coi là hấp dẫn hơn bởi vì họ phản ánh bản chất của con người, vốn cũng là những sinh vật phức tạp.
Kết
Không phải ngẫu nhiên mà những loạt phim kinh dị như The Conjuring hay Annabelle lại đắt khách đến vậy, dù ít được đánh giá cao về mặt nội dung. Các nhà làm phim đã khai thác cảm giác phấn khích, nỗi sợ thầm kín cũng như những mặt tối bên trong con người để kéo chúng ta ra rạp (hoặc lên Netflix).