Vì sao bật camera khi họp online khiến nhiều người ngán ngẩm?

Việc bật camera trong các cuộc họp trực tuyến có thực sự hiệu quả như chúng ta vẫn nghĩ?
Eira
Nguồn: Ketut Subiyanto @ Pexels

Nguồn: Ketut Subiyanto @ Pexels

Sau hai năm đại dịch, cuộc sống của chúng ta đã thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Tất thảy mọi thứ đều xuất hiện phiên bản trực tuyến, kể cả các cuộc họp. Sau thời gian đầu hưởng ứng, chúng ta dần chán ngán với các cuộc họp trực tuyến, đặc biệt khi phải bật webcam.

Theo CNN, nhiều người thậm chí phàn nàn lên bộ phận nhân sự về vấn đề này nhưng không được giải quyết. Nguyên nhân gì đã khiến chúng ta không còn thích thú với việc này?

Ta trên webcam xấu hơn so với ngoài đời

Gương là nơi chúng ta thấy hình ảnh phản chiếu của mình nhiều nhất. Theo hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect), chúng ta càng tiếp xúc với thứ gì đó nhiều, sẽ càng thích nó hơn. Vì vậy, não bộ quen thuộc hơn và ưu tiên hình ảnh ta trong gương.

Tuy nhiên hình ảnh trong gương của ta bị đảo ngược so với thực tế, còn hình trên webcam thì không. Do đó ta thấy xa lạ với hình ảnh của chính mình trên webcam và cảm thấy nó xấu hơn so với mình ngoài đời. Vì ý thức được mọi người trong cuộc họp đều đang nhìn hình ảnh “xấu” này, chúng ta không còn thoải mái với việc bật camera.

Bên cạnh đó, theo giáo sư Allison Gabriel của Đại học Arizona (Mỹ), phụ nữ bị áp lực với hình ảnh webcam của mình nhiều hơn nam giới. “Họ được kỳ vọng hơn về ngoại hình khi xuất hiện trước nhiều người, nên họ luôn phải chú ý camera để điều chỉnh hình ảnh sao cho “lung linh” nhất."

Liên tục nhìn vào ống kính suốt thời gian dài

Zoom fatigue (cảm giác mệt mỏi, kiệt quệ khi phải họp trực tuyến nhiều) là một hệ quả của việc bật webcam khi họp. Theo giáo sư Jeremy Bailenson của Đại học Stanford (Mỹ), bật camera xuyên suốt các cuộc họp khiến mắt hoạt động nhiều với tầm nhìn gần trong thời gian dài. Việc liên tục nhìn cận cảnh các gương mặt khiến não luôn căng thẳng và cảnh giác, vì cho rằng đang có xung đột xảy ra.

Bên cạnh đó, việc bật camera liên tục khiến chúng ta phải chủ động bộc lộ biểu cảm và sử dụng nhiều ngôn ngữ cơ thể hơn khi giao tiếp bình thường. Nó được nhìn nhận như một cách thể hiện sự tích cực và gắn bó của mình với công ty.

Vì lý do này, nhiều nhân viên bị áp lực vô hình phải bật webcam khi họp. Chính cách làm này lại gây quá tải hệ nhận thức, dẫn đến cảm giác mệt mỏi.

Không muốn bị xâm phạm không gian cá nhân

Phòng riêng là không gian cá nhân, nơi không phải lúc nào bạn cũng muốn cho người khác nhìn thấy. Tuy nhiên yêu cầu bật camera khi họp khiến chúng ta không còn lựa chọn khác.

Chia sẻ với CNN Business, nhiều người cho biết việc bật camera họp khiến họ có cảm giác như đang “phát sóng” trực tiếp cuộc sống riêng tư. Họ cũng không thoải mái vì phải liên tục ngồi trước ống kính trong thời gian dài.

Một giải pháp tình thế của đa số phần mềm họp là sử dụng hình nền ảo (virtual background). Tuy nhiên không phải lúc nào cách này cũng phát huy tác dụng, đặc biệt với những người có con nhỏ. Đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười khi phụ huynh đang họp thì con chạy vào khung hình, gây sao nhãng cho toàn bộ cuộc họp.

Có phải lúc nào bật webcam cũng hiệu quả?

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), những ai phải bật camera liên tục ít hào hứng phát biểu và tương tác trong cuộc họp hơn là những người không bật. Điều này hoàn toàn ngược với quan niệm phổ biến là bật camera sẽ giúp tăng tương tác khi họp trực tuyến.

Tuy nhiên cũng thật khó khăn cho người chủ trì nếu phải trò chuyện với màn hình xám cả buổi họp. Để giải quyết vấn đề, giáo sư Bailenson khuyên các nhà quản lý nên phân các cuộc họp thành hai loại: cần thiết và không cần thiết bật camera. Nếu bắt buộc phải bật camera, ông gợi ý các biện pháp sau:

  • Không yêu cầu nhân viên phải bật camera xuyên suốt. Nên cho phép họ tắt vào giờ nghỉ hoặc sau khi trình bày xong.
  • Nếu là buổi họp không quá trang trọng, có thể khuyến khích nhân viên dùng những filter (bộ lọc) hài hước. Cách này giúp tạo không khí thoải mái, như vị sếp “khoai tây” trong câu chuyện này.

Về phần mình, để giảm bớt áp lực trong các cuộc họp yêu cầu bật camera, bạn có thể áp dụng các cách:

  • Thu nhỏ khung cửa sổ hội thoại.
  • Ẩn khung hình của bản thân để không phải tự nhìn mình liên tục.
  • Chọn cách hiển thị giảm thiểu các khung hình của người khác để bớt bận tâm về cách mình “được nhìn”.
  • Chia sẻ màn hình hoặc sử dụng bảng trắng (whiteboard) lúc trình bày ý tưởng. Cách này vừa thu nhỏ phần hiển thị của camera, vừa hướng sự chú ý của người nghe đến phần trình bày của bạn.

Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục