WeChoice Awards 2020: Nhật ký mẹ con nữ Giáo sư trong "căn phòng bí mật" phân lập virus Corona

Mình xin nghỉ ca làm thêm chạy vội về nhà đã thấy mẹ nằm im, rã rời trên giường. Bên cạnh là đống giấy ăn ngổn ngang...
WeChoice Awards
Nguồn: WeChoice Awards.

Nguồn: WeChoice Awards.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) là tổng chỉ huy của đơn vị nghiên cứu vừa nuôi cấy rồi phân lập thành công chủng virus Corona mới vào sáng 07/02/2020 - một bước tiến vô cùng hệ trọng của y tế Việt Nam trong công cuộc chống dịch bệnh. Việc chính thức “bắt” được virus sẽ giúp chúng ta có thể xét nghiệm nhanh được những người nhiễm và nghi nhiễm nCoV.

Năm 2020 của GS. TS Lê Thị Quỳnh Mai dường như là một năm chói lóa trong sự nghiệp. Việt Nam và thế giới nhắc đến tên bà với tần suất thường xuyên trên mặt báo mỗi lần con virus SARS-COV-2 có đột biến mới.

Nhưng với Mật - cô con gái duy nhất của bà thì tiếng sấm vang rền kéo cơn mưa rào đến trong đêm giao thừa và năm 2020 của mẹ thực sự không dễ trải qua. “Năm nay tiền nhiều như mưa thì thích, còn nếu là nước mắt thì sợ lắm...” - mẹ nói như vậy vào thời khắc chuyển giao năm mới rồi vội vàng đến cơ quan. Ai ngờ đâu, đây lại là năm đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mẹ khóc nấc như một đứa trẻ...”

1. Những câu hỏi lạ lùng của khách

Tết Canh Tý 2020, ngày nghỉ của nhà mình đâu rồi...

MẬT: Mưa sầm sập đến cùng những tiếng sấm lạ thường, “đây là giao thừa chứ có phải đêm hè đâu, 2020 có thể sẽ là một năm lấy đi rất nhiều nước mắt của bà con...” Mẹ nói như vậy vào thời khắc chuyển giao năm mới rồi vội vàng đến cơ quan. Những cuộc điện thoại từ Viện gọi mẹ ngày một nhiều. Mọi người thường muốn mẹ đến ngay để nhìn xem cái này có phải không, cái kia có phải không?

Khách đến nhà chơi Tết, sau vài câu chúc sẽ hỏi mẹ luôn: Dịch có thật không? Dịch có nguy hiểm không? Đi ra ngoài được không? Làm việc này việc kia được không?...

Sau những câu hỏi lạ lùng ấy là thời gian mẹ ở nhà ít hơn. Đi làm có thể muộn nhưng mẹ về cũng rất muộn. Thời gian mẹ vào phòng P3 (phòng an toàn sinh học cấp 3) thường xuyên hơn, các cuộc họp thường xuyên hơn. Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm thường xuyên hơn và mẹ không bao giờ được phép không nghe máy.

2. "Săn" được virus Corona nhờ thói quen chọn mẫu đẹp nhất

Những ngày Covid đầu tiên,...

GS. LÊ THỊ QUỲNH MAI: Đêm 28 Tết, có thông tin về trường hợp nghi nhiễm đầu tiên.

Nhân lực phòng thí nghiệm có 11 người, tất cả đều được triệu tập. Những người còn lại của khoa Virus nhận nhiệm vụ đến nơi cách ly để gặp bệnh nhân và lấy mẫu bệnh phẩm. Mẫu về ngay lập tức được xử lý và làm xét nghiệm.

Hoàng Vũ Mai Phương, Nguyễn Lê Khánh Hằng sẽ phải lo rất nhiều việc. Tất cả mọi người nữa, rất cần tính đến phương án làm xuyên Tết. Rồi lại “hành khúc ngày và đêm” với nhau thôi...

Ngày mùng 6 Tết (30-1-2020), 3 trường hợp nghi nhiễm đầu tiên cho kết quả dương tính. Cảm giác lo lắng thật sự xuất hiện. Khối lượng mẫu tăng lên đột biến, khối lượng công việc tăng gấp 4 - 5 lần, áp lực vô cùng căng thẳng.

"Hạnh phúc vỡ òa! Sung sướng quá! Như vừa ghi được bàn thắng vàng..." Mọi người lấy đâu lắm cách miêu tả hay thế. Mình chỉ thấy sau 72 giờ cùng nhau thức trắng "truy tìm" virus, thật may mắn vì đã không giấu nghề với bất kỳ ai. Tất cả mọi thành viên trong nhóm đều được đào tạo bài bản từ những thao tác, chi tiết nhỏ nhặt nhất. Và tất cả mọi người đã cùng nhau thi triển hơn cả “10 thành công lực” vốn có. Ai cũng nỗ lực để mẫu mình nuôi cấy ra được kết quả.

Sung sướng nhất là thời điểm công sức lao động của mọi người được bày ra. Nhìn “MỘT MẸT” kết quả vuông tròn, vàng thau lẫn lộn ai cũng hạnh phúc. Mẫu được chọn sẽ chỉ là duy nhất, thể hiện rõ nét nhất thành quả của bao ngày chăm sóc. Lúc đó tôi quyết định chọn mẫu khiến chính bản thân mình cảm thấy thú vị nhất. “Đẹp mắt ta ra mắt người”, mẫu mà chúng tôi chọn lựa chính là nguyên bản con virus cả loài người đang sợ hãi.

3. Mẹ vui nhưng không gì bù lại được những điều đã mất

Tháng 7, tiễn ông về nơi xa mẹ lại vào luôn nơi nguy hiểm...

MẬT: Trong nhà, mẹ là người giống ông ngoại nhất.

3 tháng ông nằm viện, cả nhà đã đoán trước được phần nào. Người lo lắng, người sợ hãi, riêng mẹ cứ thế đi thu xếp mọi việc rất kỹ. Ngày ông mất, mẹ không khóc. Sáng hôm đó, ông có đầy đủ con cháu ở bên cạnh và khi tiếng máy moniter trên đầu giường ngắt dần, ông nhắm mắt. Mẹ mới thở hắt ra: May quá rồi! Ông đi không day dứt điều gì...

Mẹ về nhà bình tĩnh lo hậu sự, phân chia công việc cho mọi người. Làm mấy việc được giao xong mình nhìn quanh, tìm mãi chẳng thấy mẹ đâu. Gọi điện, nhắn tin vẫn không được. Hơi lo! Vội vàng chạy về nhà riêng. Mẹ đang ngồi trên giường. Khuôn mặt ấy mất hồn thật sự.

Ngày phát tang, bạn bè đến ôm mẹ mới bắt đầu khóc ra. Đấy là lần đầu tiên mình nhìn thấy mẹ khóc như một đứa trẻ.

15 ngày sau khi ông mất, mẹ nhận lệnh vào Đà Nẵng.

Đương nhiên rồi! Trong lúc cần kíp như thế, mẹ là người có khả năng giải quyết được vấn đề, cả nhà rất ủng hộ. Nhưng suốt thời gian qua, mẹ đã mệt nhừ người lại thêm tính khá kén đồ ăn. Lâu rồi mẹ chỉ ăn những thứ mềm, có vị chua. Nhắc nhở cẩn thận thì mẹ bảo vào trong đấy khắc có cái ăn hết. Mình chỉ kịp chạy đi mua 10 gói mì tôm chua cay nhét vào vali mẹ. Biết ngay! Về đến nhà chỉ còn 2 gói.

4. Biển rộng lớn và rộng lượng quá

25 - 28/7, 31/7 - 9/8, những ngày Đà Nẵng lặng lại...

GS.TS LÊ THỊ QUỲNH MAI:

Những ngày sống trong toà nhà không bao giờ tắt điện và im tiếng máy, lúc nào cũng sáng trưng, ồn ào, ngập tràn mẫu bệnh phẩm... mới thấy thương Đà Nẵng. Thành phố trẻ như tuổi 18 - 20 của đời người đầy năng động, sôi nổi tự nhiên... lặng lại.

Tôi hiểu rằng người dân Việt Nam sẽ hoang mang như thế nào nếu xã hội bị lockdown một lần nữa. Có lẽ vì nỗi lo ấy nên cả nước đã tập trung toàn lực chi viện, chia lửa cùng Đà Nẵng dập dịch.

Ai cũng biết với dịch bệnh này, xét nghiệm diện rộng chính là chìa khóa khống chế dịch.

Nhưng vấn đề của Đà Nẵng lại nằm ở chỗ chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm không thể nhìn thấy mà trong tay không có chút vũ khí gì... Trang thiết bị trong phòng thí nghiệm không đầy đủ và quá thiếu con người vững nghiệp vụ làm việc. Nhìn vào những ngày tháng đó thấy Đà Nẵng vất vả quá! Họ khổ quá!

Lần công tác này hành lý cá nhân xếp ít thôi, phần lớn diện tích phải dành để ôm sinh phẩm theo vào. Vào rồi vẫn phải gọi ngược ra, đề nghị Hà Nội tính cách chuyển tiếp. Đầu tiên là máy bay, sau này máy bay chỉ được hạ cánh ở Huế, hàng lại phải chuyển từ Huế ra Đà Nẵng. Nói chung cứ kìn kìn đem vào như nước cuốn.

Anh Đức Anh vừa làm Viện trưởng - tổng chỉ huy bao công việc ngổn ngang ở Viện vừa vận hết “nội công” biến hình thành “bang chủ Cái Bang” chuyên xin hỗ trợ. Anh đi xin và xin rất rõ ràng: công ty này cho bao nhiêu - cái gì? Quốc tế hỗ trợ bao nhiêu? Đại học Nagasaki hỗ trợ những sinh phẩm đặc biệt nào...? Phải năng nhặt chặt bị hết sức như vậy để có hàng chuyển vào miền Trung.

Trong những bối cảnh đó, sự hỗ trợ của doanh nghiệp tạo tác động rất lớn. Việt Á chẳng hạn, họ hỗ trợ cho CDC Đà Nẵng phải nói hết mình. Điều nhân viên ra, chuyển máy móc ra, mang sinh phẩm ra... Trong vòng một tuần thôi, coi như Việt Á đã chuyển hết hệ thống máy mà họ sở hữu về Đà Nẵng.

“Máy nhiều hơn người rồi!” tôi phải thốt như thế để thấy rằng, đào tạo nhân lực làm việc hiệu quả với từng đấy hệ thống máy là vô cùng cấp bách. Người thiếu đến mức sau rất nhiều cuộc họp, tập huấn thấy mình vẫn còn sức lực, tay cầm pipet chưa run tôi lại lao vào làm cùng mọi người từ dán nhãn, tách huyết thanh trở đi. Tức là làm từ A đến Z.

Ngày 25/7, Đà Nẵng xét nghiệm PCR được 500 mẫu là hết công suất. Ngay sau đó, các bạn CDC Đà Nẵng đã nâng quy mô làm việc của cả hệ thống theo cấp số nhân qua từng ngày. Ngày đầu tiên làm được 1.000 mẫu, anh chị em đầu bù tóc rối, hoa hết cả mắt. Thế và sau đó, sinh viên được gọi vào, cán bộ các nơi được điều về, dần dần 3.000 mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm trong ngày. Rồi lên 5.000 mẫu/ngày. Thậm chí đỉnh điểm là 10.000 mẫu/ngày. Tất cả đều đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Quy mô nhân rộng ấy phải gọi là kinh khủng.

Kinh khủng hơn nữa là những mất mát sâu trong lòng tôi, ngày đêm cứ nhân rộng lên không dừng. Những chiều khi tin về bệnh nhân tử vong liên tiếp đến, đối diện với suất ăn ca muộn, chẳng phải riêng tôi, đồng nghiệp quanh mình ai cũng vội vã nuốt như một nỗ lực kìm lại cảm xúc nơi đáy mắt. Đã có lúc ngay trong giây phút vật lộn căng thẳng với mẫu bệnh phẩm và các dàn máy rền rĩ ấy, tôi chỉ ước được đến bên biển. Một mình khóc một trận đã đời.

Sau này có cơ hội, biển thì đến rồi, nhưng đứng trước biển lại không thể khóc nổi. Vì xa phía chân trời kia, lần đầu tiên tôi mới hiểu, đấy không phải chỉ là ranh giới giữa biển và trời, sự mênh mông của không gian và thời gian... Chân trời ấy còn là ranh giới giữa sự sum họp và chia lìa, sự mênh mông của nỗi đau và lòng dũng cảm của con người... Biển rộng lớn và rộng lượng quá! Những mất mát, khổ đau của mình nhỏ bé quá! Ngụp mặt xuống biển - nín thở - ngẩng đầu - hít sâu - và sống tiếp vậy...

Với tôi, năm 2020 chính xác là năm của những điều không thể và có thể. Không thể tin được một khối lượng công việc lớn như vậy mình vẫn có thể hoàn thành. Không thể có nhiều hơn những sự cố, những nỗi đau mà vẫn có thể vượt qua. Không thể chia sẻ cảm xúc, tiếp xúc với người bên cạnh mà vẫn có thể hiểu được sự lo lắng, bất an hay niềm vui, hạnh phúc... từ những địa điểm giãn cách rất rất xa.

Ngày 9/8, tôi được điều từ Đà Nẵng di chuyển ra để đi Hải Dương gấp - đang có những tín hiệu báo động rộng hơn từ phía cộng đồng...

5. Bài báo về mẹ xuất hiện - nhìn ảnh trước tiên

2021, mình đã nói chuyện với mẹ...

MẬT: Chưa bao giờ mình khoe khoang mẹ là bác sĩ, giáo sư hay là gì đấy cả. Lê Thị Quỳnh Mai đối với mình luôn chỉ là - mẹ của Mật. Có thể những việc mẹ làm được ở ngoài xã hội rất tốt, nhưng xét trên góc độ vì công việc quá mà bỏ rơi bản thân thì không ổn chút nào.

Ai cũng biết thời gian cho công việc là quan trọng. Vậy lúc có thời gian rảnh mẹ dùng vào việc gì? Dành thời gian cho ông bà, cho nhà nội nhà ngoại, cho bố, cho anh Mài (con trai của GS.TS Quỳnh Mai - PV), cho mình... Mẹ quên mất trong 24h mỗi ngày, mẹ cũng cần thời gian cho chính bản thân.

Đơn giản nhất có thể chỉ là việc khi mệt, mẹ sẽ phải biết cách dứt việc ra về nhà luôn chứ không cố ngồi lại cơ quan nữa. Ngay trước Tết dương lịch, mẹ bị cúm nhưng không chịu nghỉ vẫn đi làm bình thường. 3h chiều mình nhận được tin nhắn:

- “Mệt quá rồi, mẹ về đây.”

- “Thế thì phải về luôn. Mẹ còn ngồi thêm chút nữa là thể nào cũng có việc đến cuốn đi mất.”

Mình xin nghỉ ca làm thêm chạy vội về nhà đã thấy mẹ nằm im, rã rời trên giường. Bên cạnh là đống giấy ăn ngổn ngang...

Bao nhiêu lâu rồi mẹ bỏ bẵng bản thân? Toàn nhắc con dưỡng da nhưng mẹ chẳng bao giờ chịu chăm sóc mình. Sinh nhật vừa rồi tặng mẹ lọ kem nền. Cất công giám sát thì mẹ dùng được 2 tuần rồi sau không chịu dùng nữa. Mỗi lần mẹ lên TV hay có phỏng vấn mình đều dúi vào tay mẹ thỏi son dưỡng hay má hồng nhưng nhìn trên tivi thì biết ngay, lại không dùng rồi. Khi bài báo về mẹ xuất hiện, mình sẽ nhìn ảnh trước tiên. Ví dụ trong bài phỏng vấn gần đây nhất, nhìn một cái mình biết ngay áo đấy không phải của mẹ.

Mình và mẹ đã từng trò chuyện về chuyện mình đi du học. Mẹ có buồn không? Mẹ bảo: Buồn chứ! Nhưng trước sau gì Mật cũng phải sống cuộc đời của riêng mình. Sau này dù không ở Việt Nam nhưng có những việc, những vị trí mẹ giữ riêng cho con. Khi Mật trở về sẽ luôn có một góc riêng trong tim mẹ - là người để chọn quần áo, nhắc mẹ tập thể thao, cùng mẹ nhấp ngụm bia mỗi bữa ăn, quản từ chuyện lớn đến chuyện bé tí ti cho mẹ... Những việc đó chỉ riêng Mật chứ không một ai khác được làm.

6. Biến thể là biến những điều không thể thành có thể

2021, virus là phải đột biến...

GS.TS LÊ THỊ QUỲNH MAI:

Gần 1 năm sau ngày phân lập virus SARS-COV-2, sự trưởng thành của các đồng nghiệp trẻ trong cơ quan đã truyền động lực, thậm chí tạo áp lực cho chính bản thân tôi vững vàng.

Đối tượng nghiên cứu lần này quá mới. Loài người biết đến con virus này mới 1 năm nay. Suốt 12 tháng trời ấy, cả thế giới còn đang rất bận bịu để chống, để đánh trả nó chứ chưa lúc nào ngồi lại được với nhau - tổng kết một cách phổ quát tất cả những gì con người hiểu về nó.

Thành thật mà nói nó bình thường thôi. SARS-COV-2 xét về độc lực không quá ư nguy hiểm hoặc quá ư ghê gớm, nhưng nó giỏi lắm. Nhiều loài virus khi cơ thể người nhiễm một lần hoặc tiêm vaccine sẽ có được khả năng bảo vệ cả đời. Với SARS-COV-2 chưa có bằng chứng nào khẳng định điều đó. Từ những tín hiệu mà virus đang đưa ra, xử lý như thế nào với tái nhiễm phải được tính đến một cách phù hợp trong chiến lược bảo sức khỏe loài người trong tương lai. Đến tận hôm nay khi đã có những quốc gia trên thế giới lên kế hoạch hết 2021 tiêm chủng cho đại bộ phận dân số vaccine phòng Covid-19, tôi vẫn giữ quan điểm khẩu trang là vaccine. Đeo khẩu trang chẳng đẹp chút nào nhưng với bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, nó đang cho thấy tác dụng.

Vấn đề chúng tôi lo lắng là những cá thể người nhiễm virus rồi thì hệ miễn dịch có khả năng tạo ra kháng thể bảo vệ hay không? Kháng thể đó nếu có hiệu quả bảo vệ cơ thể người đến mức nào? Miễn dịch sẽ duy trì được bao nhiêu lâu trong cơ thể con người?

Những câu hỏi giới khoa học trên thế giới ưu tiên giải mã cũng đang được thế hệ trẻ của Viện hăng hái tiếp cận. Thời điểm này so với các nước trên thế giới, hoạt động trong phòng thí nghiệm của chúng tôi chẳng thua kém một ai, nếu không muốn nói đã quy chuẩn hơn rất nhiều quốc gia. Những Nguyễn Công Khanh, Hoàng Thị Thu Hà, Phạm Quang Thái, Đặng Thu Huyền,... dù phải làm rất nhiều việc nhưng năm qua đã bắt đầu có nhiều công bố quốc tế, bài báo quốc tế đứng vị trí cao, tầm ảnh hưởng rất lớn. Ngày xưa các thầy các cô của chúng tôi vĩ đại nhờ những sản phẩm mang sứ mệnh giải quyết vấn đề cho Việt Nam. Đến bây giờ, các bạn trẻ của chúng tôi đã rất tự tin và chủ động tìm cách giải quyết những vấn đề của thế giới.

Đấy mới là điều tôi vui mừng vì đã luôn tin tưởng và ủng hộ tuổi trẻ tuyệt đối.

Nhiều người nói về sự trưởng thành như hình ảnh tre già măng mọc, nhưng tôi thích nghĩ về chuyện của những bụi chuối. Cây con cũng bật lên từ gốc già giống măng, nhưng cây chuối già không giống như tre vẫn đứng đấy cùng cây non tạo thành rừng. Cây chuối già sẽ tự chết để nhường chất dinh dưỡng cho thế hệ sau có quả ngọt hơn.

Bố mẹ tôi đã từng nhắc nhau, không cần thiết sống quá lâu cho một kiếp người. Họ đã yêu thương, hờn giận, vị tha, chăm sóc để cùng nhau tạo ra 13 con người trên cuộc đời. Người cứ đẻ, đất không biết đẻ thì làm gì còn chỗ cho nhau? Dù rất sợ bị mồ côi, nhưng tôi buộc phải công nhận mẹ mình đúng. Cuộc sống của bà vẫn tiếp nối theo con, cháu, chắt... Vậy là đủ.

Các thầy của chúng tôi cũng chọn cách làm như vậy. Chính sự tin tưởng và truyền dạy của các thầy đã góp phần tạo ra chúng tôi ngày hôm nay. Ở khía cạnh nào đó giúp kéo dài sự nghiệp, tư tưởng, lý tưởng các thầy theo đuổi. GS. Hoàng Thủy Nguyên sinh thời từng chia sẻ: sự nghiệp của thầy sẽ còn rất dài vì thầy nhìn vào sức trẻ phía học trò. Tôi cũng vậy, những gì được gọi là thành tựu của tôi sẽ vẫn còn rất nhiều kỳ diệu ở phía trước. Vì thế hệ trẻ bây giờ dám nghĩ, dám làm một cách năng động, thông minh và hấp dẫn hơn chúng tôi rất nhiều.

Một bạn trẻ đã hỏi về kế hoạch làm việc như thế nào trong dịp Tết Nguyên đán?

Rồi chính bạn ấy lại đưa ra câu trả lời thuyết phục tất cả: Chúng tôi đang làm việc với tâm thế không nghĩ đến ngày mai. Với cuộc chiến này, ngày nào còn được cẩn thận thì phải luôn cẩn trọng. Và ngày nào còn vui được thì cứ vui đi. Ngày mai có chuyện gì xảy ra chúng tôi vẫn sẵn sàng. Nếu có việc gì cần kíp chắc chắn mọi người vẫn sẵn sàng làm đêm làm ngày, xuyên lễ xuyên tết thôi. Không nhất thiết phải lên dây cót động viên gì hết. Bởi vì bất kỳ người bác sĩ dự phòng nào cũng đều xác định làm nghề này là chúng tôi chấp nhận làm những hàng rào miễn dịch bảo vệ đầu tiên khi dịch đến.

Bài viết được sản xuất và đăng tải lần đầu tại WeChoice.vn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục