Work spouse – Khi đồng nghiệp trở thành một phần quan trọng trong công việc
Đối với nhiều người, việc đi làm không chỉ với mục đích hưởng lương. Chúng ta dần trở nên gắn bó với công việc hơn về mặt thời gian lẫn cảm xúc. Vì lẽ đó, chúng ta cũng chia sẻ một mối liên kết khăng khít với đồng nghiệp hơn. Khái niệm này được gọi là ‘work spouse’.
Work spouse là gì?
Work spouse theo nghĩa đen có nghĩa là ‘vợ hoặc chồng ở nơi làm việc’. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là từ để chỉ những chuyện tình thị phi chốn công sở.
Work spouse được định nghĩa là một tình bạn thuần khiết (platonic friendship) giữa hai người đồng nghiệp (có thể cùng hoặc khác giới). Đây là mối quan hệ thân thiết hơn mức cộng sự, khi cả hai chia sẻ và hỗ trợ nhau không chỉ về mặt công việc, mà còn cả đời sống tinh thần trên cơ sở minh bạch, chân thành và tôn trọng.
Bạn có đang có "bạn đời nơi công sở"?
Trong nghiên cứu của Simplyhired (website tuyển dụng của Mỹ), gần một nửa số phụ nữ và 44% nam giới cho biết họ có work spouse ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp.
Ở Việt Nam, mặc dù từ work spouse không phổ biến, nhưng thật ra đây không phải là một khái niệm xa lạ. Đặc biệt là ở những văn phòng trẻ, việc này hay diễn ra bởi chúng ta gặp nhiều người "đồng trang lứa" và chia sẻ với họ phần lớn thời gian trong ngày.
Theo Business Insider, dưới đây là một số dấu hiệu bạn có một work spouse:
Cả hai như “hình với bóng” trong và ngoài văn phòng
Tại nơi làm việc, cả hai cùng ăn trưa, thường xuyên ghé qua bàn làm việc của nhau, dành chỗ ngồi cho người kia trong các cuộc họp, đi uống cà phê,... Mối quan hệ của bạn còn mở rộng ra khỏi 8 tiếng làm việc với những bữa ăn uống, vui chơi ngoài văn phòng.
Có hàng tá câu chuyện mà chỉ cả hai biết, cả hai hiểu
Đôi khi, những người đồng nghiệp khác nhìn hai bạn giống như đang nói ngôn ngữ xa lạ. Bởi cả hai có những trò đùa, câu chuyện và suy nghĩ về sếp hoặc đồng nghiệp mà không thể nói với ai khác.
Bạn không cần giả vờ khi bên cạnh họ
Khi tiếp xúc với đồng nghiệp khác, đôi khi bạn phải mang “bộ mặt thứ hai” để giữ hòa khí và sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều đó sẽ không cần thiết với “bạn đời công sở” của bạn. Bạn có thể là chính mình xung quanh họ.
Cả hai sẵn sàng giúp đỡ nhau
Bạn biết rằng mình có thể dựa vào người này khi cảm thấy quá tải trong công việc. Và bạn sẽ sẵn lòng trả ơn bất cứ khi nào họ cần hỗ trợ, về mặt tinh thần lẫn chuyên môn.
Cả hai biết những bí mật của nhau
Nếu có một works spouse, bạn có thể chia sẻ với họ những điều mình không nói với bất kỳ ai khác trong văn phòng. Và họ cũng sẽ làm điều tương tự.
Work spouse mang lại lợi ích gì?
Về mặt công việc
Người bạn đời trong công việc là người mà bạn biết mình có thể tin tưởng. Họ sẽ thẳng thắn với điểm mạnh và điểm yếu của bạn, cho bạn biết liệu bạn có nên nhận lời mời thăng tiến, hay đề xuất một sáng kiến.
Những gợi ý về mặt chuyên môn của họ vô cùng “đáng giá”, bởi hơn ai hết họ nắm rõ tính chất cũng như khối lượng công việc của bạn.
Về mặt tinh thần
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mối quan hệ đồng nghiệp chân thành giúp cải thiện tinh thần tại nơi làm việc.
Có một work spouse sẽ giúp bạn kiểm soát căng thẳng bởi họ sẽ giúp bạn trong tình trạng cấp bách hay cần ai đó để lắng nghe. Bên cạnh đó, work spouse còn là đồng minh giúp bạn chống lại nạn bắt nạt công sở.
Đối với công ty
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy giao tiếp và hợp tác giữa các nhân viên giúp công ty giảm thiểu tình trạng nghỉ việc và nâng cao năng suất.
Có một work spouse sẽ khiến bạn tận hưởng và nỗ lực hơn trong công việc, từ đó cảm thấy gắn bó với tổ chức. Bên cạnh đó, việc cả hai “ăn ý” với nhau cũng khiến công việc trở nên trôi chảy hơn.
Làm sao để duy trì mối quan hệ work spouse lành mạnh?
Tuy nhiên, giống như bất kỳ mối quan hệ nào, quá phụ thuộc vào một người đồng nghiệp cũng đi kèm với rủi ro. Điều này có thể là sự thiên vị, một bên không tôn trọng ranh giới của bên còn lại, hoặc những lời bàn tán xung quanh. Để tránh những điều này, bạn nên:
Giao tiếp rõ ràng về các giới hạn
Đảm bảo hai bạn đã có những trao đổi và đàm phán về những mục tiêu và giới hạn trong mối quan hệ này.
Đặc biệt, cả hai nên thành thật về những gì có thể và không thể hỗ trợ nhau. Ví dụ, nếu họ nhờ bạn giúp trong khi bạn đang bận rộn, bạn cũng nên biết cách từ chối dù việc này khiến bạn cảm thấy tội lỗi.
Đừng quá phụ thuộc
Hãy coi mối quan hệ này là một phần của mạng lưới những người có thể hỗ trợ về mặt tinh thần cho bạn. Họ không nên là người duy nhất mà bạn có thể dựa vào.
Không phải lúc nào người này cũng đủ cảm xúc để giúp đỡ người kia. Đặc biệt là trong một công việc căng thẳng đòi hỏi nhiều sự tập trung.
Đôi khi tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn và mối quan hệ ngoài công việc cũng là cách để bạn lấy lại cân bằng.
Mở rộng mối quan hệ
Bạn nên dành thời gian để làm quen với các đồng nghiệp khác, khiến môi trường làm việc trở nên đoàn kết hơn. Khi các vấn đề tại nơi làm việc nảy sinh, việc có nhiều mối quan hệ sẽ giúp bạn giải quyết công việc tốt hơn là trút mọi thứ lên một người.
Biết rằng họ sẽ không ở đó mãi
Khi các dự định và con đường sự nghiệp thay đổi, các mối quan hệ của bạn sẽ thay đổi theo. Mặc dù cả hai có thể có nhiều điểm chung, nhưng sẽ có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn riêng biệt.
Dù thế nào đi nữa, hãy đảm bảo rằng bạn duy trì khả năng tự sống sót và phát triển một cách độc lập. Đồng thời trân trọng sự giúp đỡ và hiện diện của người đồng nghiệp này.