10 Dấu hiệu bạn chưa đủ hiểu về bản thân

Người thiếu khả năng nhận thức về mình sẽ đưa “con tàu số phận” đi vào hành trình nhiều sóng gió?
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Bản năng tò mò luôn thôi thúc chúng ta khám phá ngoài kia, bạn háo hức thử một món ăn mới hay muốn đi du lịch tới một vùng đất lạ. Thế nhưng bạn đã bao giờ tò mò về một thế giới đang tồn tại bên trong bạn ngay từ lúc mới chào đời?

  • Tại sao bạn lại cảm thấy buồn khi nghe một bài hát cụ thể?
  • Điều gì khiến bạn tức giận khi ai đó làm điều mà bạn không thích?
  • Vì sao bạn lại có thiện cảm với người A hơn người B?

Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn là một con tàu lênh đênh trên biển cả rộng lớn của số phận, còn bạn là thuyền trưởng của con tàu này. Liệu bạn có đang biết tình trạng của bánh lái, cột buồm, hệ thống tín hiệu,… hay thậm chí là cả những thủy thủ đang cùng đồng hành?

Người thuyền trưởng phải là người hiểu rõ nhất toàn bộ con tàu của mình, có thế mới phát huy được tối đa những ưu điểm của nó, biết căng buồm lên khi gió thuận, hạ buồm khi gió nghịch, để hoàn thành chuyến đi thuận lợi và bình an.

Tương tự, khả năng tự nhận thức giúp bạn thấu hiểu bản thân, tìm ra được điểm mạnh yếu và có cái nhìn rõ ràng về năng lực của mình. Ngược lại, nếu thiếu khả năng tự nhận thức sẽ làm cho con tàu số phận của bạn đi vào hành trình nhiều sóng gió.

Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ nói về cách nhận biết một “thuyền trưởng” tồi, hay nói cách khác là dấu hiệu một người đang thiếu tự nhận thức về bản thân.

Trước tiên thử cùng mình định nghĩa rõ hơn “tự nhận thức” là gì nhé.

Tự nhận thức là gì?

Sau nhiều năm tìm tòi thì đây là định nghĩa về tự nhận thức mà mình cảm thấy thuyết phục nhất: "Tự nhận thức là khả năng nhìn bản thân một cách rõ ràng, để hiểu mình là ai, người khác nhìn mình như thế nào, và làm thế nào để có thể hòa hợp với thế giới".

Có thể giải thích từng ý trong định nghĩa như thế này:

  • Nhìn bản thân: sự quan sát có chủ đích, tách ra để quan sát bản thể một cách khách quan
  • Hiểu mình là ai: thu thập thông tin ở bên ngoài, cảm xúc - suy nghĩ ở bên trong, để định hình chính mình
  • Người khác nhìn mình: các mối quan hệ giữa mình với người
  • Hòa hợp với thế giới: có 4 cấp độ thế giới tương ứng với 4 cấp độ hòa hợp của bạn là thế giới tôi phải sống, tôi chọn sống, tôi thay đổi và tôi tạo thành.

Trong 4 yếu tố này, cứ mỗi khía cạnh bạn làm chưa tốt thì tức là lại có thêm một khoảng trống trong sự thấu hiểu của bạn về bản thân. Để bạn nhận ra những khoảng trống đó dễ dàng hơn mình sẽ so sánh chúng với những bộ phận và hoạt động của con tàu. Sẽ có 10 dấu hiệu đáng chú ý sau đây mà bạn cần biết.

Dấu hiệu bạn đang thiếu nhận thức về bản thân

1. Bạn khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của mình

Giống như lúc một chiếc bánh lái bị hỏng, bạn không thể điều hướng con tàu của mình. Khi bạn không thể nhận biết được những cảm xúc của mình, bạn cũng sẽ khó điều tiết được cảm xúc, dễ bùng nổ khi gặp chuyện tức giận, tuyệt vọng,… Điều này không chỉ làm bạn mất đi các mối quan hệ xung quanh, mà còn dễ bị lạc lối hoang mang do không thật sự biết mình muốn gì.

2. Bạn từ chối tiếp nhận niềm tin trái ngược, khác biệt với mình

Trên biển, 4 hướng khắp nơi đều là nước và gió, thời tiết thì không phải lúc nào cũng sóng yên biển lặng. Thế nên để xác định đúng phương hướng cần phải liên tục điều chỉnh và đưa ra phương án phù hợp với tình huống đang diễn ra.

Bộ niềm tin, các giá trị cá nhân của bạn giống như bản đồ và la bàn vậy, chúng không thể đúng ngay từ đầu và luôn chuẩn xác mà bạn phải linh động điều chỉnh tùy vào hoàn cảnh thực tế. Vì vậy, thái độ từ chối tiếp nhận những niềm tin trái ngược, hay khác biệt sẽ làm bạn mắc kẹt với lối mòn cũ kỹ do xã hội gieo rắc vào đầu, không thể vươn tới vùng trời mới mình mong ước.

3. Bạn luôn đưa ra lý do biện minh cho thất bại của mình

Khi thành công, bạn luôn vui vẻ và tin rằng nó là do năng lực của mình, nhưng khi đối mặt với thất bại, bạn lại từ chối nhìn vào sự thật. Thậm chí bạn tìm cách đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài như đồng nghiệp, bạn bè hay tệ hơn là hoàn cảnh gia đình.

Thái độ này sẽ làm hệ thống cảnh báo phát hiện sự cố và nguy hiểm của con tàu yếu đi, bởi vì sự tự tin thái quá của bạn. Hãy nhớ đến Titanic được mệnh danh là con tàu "không thể đắm" cuối cùng đã nằm lại dưới đáy biển Bắc Đại Tây Dương bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa lửa, băng và… sự chủ quan của con người.

4. Bạn không thể nhận biết được ưu khuyết điểm của mình

Một cánh buồm khi đón gió thuận chiều hành trình, nó sẽ trở thành điểm mạnh giúp con tàu đi xa hơn, thế nhưng khi gió đổi chiều, bạn cần phải nhận ra để thu cánh buồm này lại. Nhận thức rõ về điểm mạnh điểm yếu của bản thân sẽ giúp bạn chọn lựa những môi trường tốt và đưa ra kế hoạch phát triển phù hợp.

5. Bạn gặp khó khăn trong việc đồng cảm với người khác

Để đi xa trên một con tàu lớn, bạn sẽ cần có thêm thủy thủ đoàn, tương tự bạn sẽ cần những mối quan hệ xung quanh hỗ trợ cho cuộc sống của bạn.

Theo một nghiên cứu tâm lý học 2018, những người có khả năng tự nhận thức sẽ dễ đồng cảm với người khác hơn, từ đó xây dựng được mối quan hệ bền chặt hơn. Bởi vì họ có thể sử dụng cảm xúc và kinh nghiệm của mình để hiểu người khác. Và ngược lại thiếu nhận thức sẽ làm bạn khó đặt mình vào vị trí của đối phương.

Tuy nhiên, ở đây có một cái bẫy là chúng ta dù có nhiều trải nghiệm tương đồng, nhưng không thể hoàn toàn dùng cảm xúc cá nhân để so sánh với người khác. Chẳng hạn bạn không thể nói với một người đang buồn vì vừa mất một hợp đồng với khách hàng bằng câu nói “không sao, tháng trước tao cũng vậy”.

Điểm mấu chốt để “né bẫy” là khi có sự tự nhận thức, bạn hiểu hành trình cảm xúc của mình có nhiều phức tạp và người khác có thể cũng vậy. Thế nên, bạn sẽ không vội vàng đưa ra phán đoán, mà thay vào đó sẽ lắng nghe để thấu hiểu người kia hơn.

6. Bạn khó thiết lập những mục tiêu thực tế

Việc không thể đặt ra những mục tiêu thực tế cũng giống như việc không biết cách chia nhỏ lịch trình cho một đại hải trình. Một chuyến đi dài cần được chia nhỏ thành từng giai đoạn với những mục tiêu cụ thể để đảm bảo rằng con tàu có thể đến đích an toàn và đúng thời hạn.

Giả sử bạn đặt mục tiêu giảm 2kg trong một tháng mà không tính đến việc cần phải có một kế hoạch ăn uống và tập luyện hợp lý mỗi ngày, thì nhiều khả năng sau 2 tuần bạn vẫn chưa có tiến triển gì cho mục tiêu kia.

7. Bạn không ý thức được mình đang gây ra khó chịu cho người khác

Bạn không đọc được đèn tín hiệu về cảm xúc của người khác, và ngay cả chiếc đèn tín hiệu của bạn cũng không hoạt động đúng cách. Nếu vậy hãy tập chú ý quan sát xung quanh hơn và quan sát cả phản ứng của chính mình.

Ví dụ, nếu quan sát thấy những người gọi điện thoại rõ to ở nơi công cộng làm cho bạn khó chịu thì bạn sẽ hiểu được những người xung quanh có thể cũng đang cảm thấy bị làm phiền bởi âm thanh quá ồn giống như bạn. Do đó, lần tới nếu cần gọi điện thoại ở nơi công cộng, bạn sẽ biết chú ý nhỏ giọng hoặc tìm nơi phù hợp hơn để nói chuyện.

8. Bạn không dành thời gian để chiêm nghiệm, nhìn lại bản thân

Không dành thời gian để chiêm nghiệm, nhìn lại bản thân cũng giống như không viết nhật ký hải trình. Nhật ký hải trình giúp ghi lại các trải nghiệm và học hỏi từ những chuyến đi trước, giúp thuyền trưởng cải thiện và phát triển kỹ năng điều khiển con tàu.

Khi thiếu nhận thức, bạn không nhìn lại những dự án đã hoàn thành để rút kinh nghiệm, dẫn đến việc lặp lại những sai lầm cũ trong các dự án mới. Hoặc ở phạm vi nhỏ hơn, bạn không dành thời gian để nhìn lại một ngày hay một tuần của mình để xem có điều gì mình đã làm tốt, chưa tốt để phát huy và cải thiện.

9. Bạn né tránh nhìn lại những ký ức “không dễ chịu”

Một hoạt động khác cũng liên quan đến nhật ký hải trình là bạn né tránh nhìn lại những ký ức “không dễ chịu” hay nói cách khác bạn đang né tránh không muốn xem lại nhật ký, đồng nghĩa với việc bỏ qua những bài học quý giá từ quá khứ.

Nghiêm trọng hơn, hành động lảng tránh này còn khiến cho bạn khó truy lần được gốc rễ của những niềm tin cốt lõi bên trong mình. Từ đó dẫn tới khó thay đổi những niềm tin sai lệch và mắc kẹt trong vòng lặp hành động cũ, khó thoát ra để phát triển bản thân.

10. Bạn không tìm kiếm phản hồi từ người khác

Không tìm kiếm phản hồi từ người khác giống như một vị thuyền trưởng luôn tự cho mình là đúng. Nhưng đâu phải ngẫu nhiên mà trên tàu cần có các thành viên khác ngoài thuyền trưởng. Khi tập trung tầm nhìn về phía trước, thuyền trưởng khó có thể thấy điều gì đang xảy ra ở các phương hướng khác.

Hoặc có thể so sánh với việc soi gương. Chúng ta có thể tự soi gương để nhìn thấy bản thân, nhưng vẫn tồn tại những góc khuất mà dù xoay hướng nào cũng khó mà thấy được.

Ai cũng tồn tại một số điểm mù nhất định - những điều mà dù có cố gắng đến mấy họ cũng không tự phát hiện ra. Vì vậy việc lắng nghe phản hồi từ người khác, rồi từ đó có đánh giá và kiểm nghiệm lại của chính mình sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân.

Suy nghĩ cuối

Như câu nói của triết gia Aristotle: “Sự thông thái chỉ bắt đầu khi chúng ta hiểu bản thân”. Tự nhận thức là một khả năng nền tảng để phát triển bản thân, vì phải tự đánh giá được mình thì mới biết nên tiếp tục phát triển như thế nào.

Mong rằng thông qua bài viết này bạn đã nhìn ra được những điều con mơ hồ về bản thân, để có thể sớm điều chỉnh “con tàu” của mình vận hành mượt mà hơn trên hành trình tiến tới đích đến mà bạn đang theo đuổi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục