10 Dấu hiệu bệnh trầm cảm giúp bạn nhận biết sớm

Nhắc đến trầm cảm, các dấu hiệu thể chất thường vô tình bị ngó lơ, mặc dù chúng cũng quan trọng không kém dấu hiệu tâm lý.
Eira
Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Các triệu chứng dưới đây có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau ngoài trầm cảm và chỉ mang tính chất tham khảo. Không nên tự thực hiện chẩn đoán và điều trị mà không tham vấn bác sĩ.

Nhắc đến trầm cảm, mọi người thường quan tâm đến biến đổi bất thường về mặt tâm lý như cảm xúc hay tính cách. Điều này vô tình khiến các dấu hiệu về mặt thể chất bị ngó lơ, không được chẩn đoán kịp thời.

Mặc dù là bệnh tâm lý, trầm cảm cũng có thể dẫn đến các triệu chứng bất thường của cơ thể. Dưới đây là 10 biến đối về thể chất mà rất có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, tham khảo từ các nghiên cứu và chia sẻ của tiến sĩ tâm lý học Timothy J. Legg.

1. Mệt mỏi, giảm tập trung

Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, không giống như mệt mỏi hàng ngày, mệt mỏi liên quan đến trầm cảm có thể gây ra các vấn đề về tập trung, tâm trạng cáu kỉnh hay thờ ơ với mọi việc.

Tiến sĩ Maurizio Fava, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts-Boston, chỉ ra trong nghiên cứu của mình rằng những người trầm cảm thường trải qua giấc ngủ không phục hồi. Họ cảm thấy uể oải ngay cả khi đã nghỉ ngơi trọn vẹn cả đêm.

2. Khả năng chịu đau giảm

Nếu chỉ một vết cắt nhỏ cũng có thể khiến bạn đau đớn thì trầm cảm có thể là nguyên nhân.

Một nghiên cứu năm 2015 về xử lý cơn đau cho thấy những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm có ngưỡng chịu đau và khả năng chịu đựng thấp hơn so với những người không bị trầm cảm. Các nhà nghiên cứu cho rằng trạng thái tâm trí buồn bã sẽ làm mất khả năng điều chỉnh cảm giác đau của một người. Do đó, các cơn đau sẽ gây tác động lớn hơn.

3. Đau lưng

Bạn có thể cảm thấy ổn vào buổi sáng, nhưng khi bạn đang làm việc hoặc ngồi vào bàn học, lưng của bạn bắt đầu đau?

Một nghiên cứu năm 2017 đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa trầm cảm và đau lưng. Các yếu tố tâm lý như buồn bã, kiệt sức có liên quan trực tiếp đến tỷ lệ đau thắt lưng. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người bị trầm cảm có nguy cơ bị đau lưng cao hơn 60% so với những người không bị trầm cảm.

4. Đau đầu

Hầu hết mọi người đều từng bị đau đầu, nó phổ biến đến mức thường bị chúng ta bỏ qua. Nhưng nếu bạn bị đau đầu thường xuyên, đó có thể là triệu chứng của rối loạn trầm cảm.

Theo National Headache Foundation, trầm cảm có thể gây bộc phát “đau đầu do căng thẳng”. Loại đau đầu này gây cảm giác nhói nhẹ, đặc biệt là ở vùng xung quanh lông mày. Đau đầu do trầm cảm thường âm ỉ và toàn thể, nặng hơn vào buổi sáng và tối.

Để phân biệt với cơn đau thông thường, thời gian đau đầu chính là mấu chốt. Đối với một người trầm cảm, cơn đau đầu của họ có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm hoặc thậm chí suốt đời. Họ đau đầu dai dẳng và mơ hồ mà không xác định được nguyên nhân.

5. Đau dạ dày

Khi bụng của bạn bắt đầu đau quặn, rất có thể bạn cho rằng đây chỉ là đầy hơi.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Harvard cho rằng cảm giác khó chịu ở dạ dày như đầy hơi và buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tâm thần. Theo họ, trầm cảm có thể gây ra (hoặc là kết quả của) hệ thống tiêu hóa bị viêm, với những cơn đau dễ nhầm với bệnh viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích.

6. Các vấn đề về tiêu hóa

Những người bị trầm cảm có thể thường xuyên gặp các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa trầm cảm và các vấn đề thường gặp liên quan đến tiêu hóa. Những cảm xúc như buồn bã, lo lắng và quá tải có thể làm gián đoạn đường tiêu hóa và gây nên những hệ lụy cho sức khỏe.

7. Rối loạn giấc ngủ

Mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm 95% số trường hợp bệnh nhân trầm cảm. Những người bị trầm cảm thường khó ngủ, không thể ngủ hoặc ngủ ít hơn 2 giờ mỗi ngày.

Mối quan hệ giữa trầm cảm và giấc ngủ là hai chiều. Khó ngủ làm tăng nguy cơ trầm cảm của một người và ngược lại. Một số nghiên cứu cho rằng những xáo trộn trong nhịp sinh học (làm việc ban đêm hoặc thay đổi ca luân phiên) có thể làm gián đoạn giấc ngủ, góp phần gây ra trầm cảm.

8. Thay đổi cân nặng

Giảm cân hoặc tăng cân đáng kể, với sự thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể trong một tháng có thể là dấu hiệu đáng ngờ của bệnh trầm cảm. Trầm cảm có thể khiến họ cảm thấy muốn ăn nhiều hoặc ít hơn mức thường ngày.

Một yếu tố có thể góp phần vào việc tăng cân là "ăn uống theo cảm xúc", khi một người dùng thực phẩm để tự điều chỉnh tâm trạng của mình.

Trầm cảm cũng có thể khiến một người sút cân. Chán ăn, ít năng lượng và động lực khiến họ không còn cảm hứng ăn uống. Các vấn đề về ruột và dạ dày cũng có thể gây sút cân ở người bị trầm cảm.

9. Khả năng miễn dịch kém

Căng thẳng cũng có thể làm cho hệ thống miễn dịch của một người hoạt động kém tối ưu, khiến họ có dễ bị ốm và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục. Hệ thống miễn dịch yếu khiến bệnh cảm thông thường cũng có thể trở nặng hơn, dẫn đến các biến chứng không muốn.

10. Bất ổn tâm thần vận động

Thuật ngữ “tâm thần vận động” (Psychomotor) đề cập đến các triệu chứng khiến một người cảm thấy như thể họ đang suy nghĩ hoặc di chuyển với tốc độ khác với bình thường.

Ví dụ, một số người bị trầm có thể cảm nhận suy nghĩ uể oải và cử động nặng nề. Họ có thể “đứng ngồi không yên” và luôn trong trạng thái bồn chồn, kích động. Về mặt tinh thần, họ nhạy cảm và có thể trải qua những suy nghĩ tiêu cực hoặc dễ cảm thấy bị xúc phạm.

Bạn có thể làm gì để cải thiện?

1. Trò chuyện với mọi người

Theo lời khuyên của WHO và Cơ quan Y tế Anh, khi nhận ra mình bị trầm cảm, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè. Cô lập là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Vì vậy hãy tâm sự cùng mọi người thay vì giữ kín trong lòng, ngay cả khi bạn chỉ muốn ở một mình hoặc không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Trò chuyện trực tiếp với ai đó có thể giúp giải tỏa cảm xúc của bạn.

2. Tập thể dục

Khi bạn chán nản, mọi chuyện đều trở nên nặng nề và bạn có xu hướng không muốn làm bất kỳ việc gì. Thế nhưng, tập thể dục thường xuyên có hiệu quả tương tự như một loại thuốc chống lại các triệu chứng của bệnh. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đơn giản như đi bộ một quãng ngắn, hoặc bật nhạc và nhún nhảy theo giai điệu.

3. Thay đổi chế độ ăn

Hãy giảm lượng thức ăn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn, chẳng hạn như caffeine, rượu, chất béo chuyển hóa, đường và carbs tinh chế. Thay vào đó, tăng cường các chất dinh dưỡng giúp cải thiện tâm trạng như axit béo Omega-3. Nghiên cứu cho thấy Omega-3 (có nhiều trong cá thu, cá hồi, hàu, hạt chia, đậu nành,...) có tác dụng trong việc giảm những triệu chứng lo âu.

4. Áp dụng phương pháp thiền và chánh niệm

Nếu là người bận rộn bạn có thể cân nhắc phương pháp này. Có rất nhiều tư thế thiền khác nhau, quan trọng nhất là không gian yên tĩnh, tư thế thoải mái, tập trung vào hơi thở và cảm nhận cơ thể mình. Bạn có thể bắt đầu với 3 phút mỗi ngày và tăng dần theo thời gian.

5. Tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp

Nếu những dấu hiệu trên gây cản trở đến cuộc sống của bạn, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để sớm được thực hiện các chẩn đoán và điều trị một cách chuyên nghiệp.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục