2 Thập kỷ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?

Bố mẹ không hiểu bạn, nhưng đó không phải là lỗi của họ hay của bạn. 2 thập kỉ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?
Cao Miêu
2 Thập kỷ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?

2 Thập kỷ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?

Hầu hết mối quan hệ trong cuộc đời chúng ta đều có một ‘hạn sử dụng’, đó là khi nó kết thúc hoặc chuyển sang giai đoạn khác hẳn so với bản chất ban đầu. Hạn sử dụng của người yêu cũ là khi hạnh phúc bên người yêu mới. Hạn sử dụng của sếp là khi bạn hạnh phúc bên công việc mới.

Dù bạn xích mích với sếp hay cãi nhau với người yêu, đến một ngày nào đó những xung đột này sẽ không còn ảnh hưởng tới bạn nữa. Cuộc sống của bạn tiếp tục, bỏ lại họ đằng sau.

Mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ không như vậy. ‘Hạn sử dụng’ của cha mẹ là ngày chúng ta, những đứa con, vĩnh viễn rời cõi trần. Chúng ta mang theo mình, suốt cuộc đời, ảnh hưởng từ mẹ cha. Đó cũng là lý do những xung đột với cha mẹ thường khắc sâu và, nếu không được giải quyết thỏa đáng, khiến ta cảm thấy vô cùng bất lực.

Cả đời tôi chưa thương ai và bất đồng với ai nhiều bằng với bố mình. Hồi còn đi học, bạn tôi vì cãi nhau với phụ huynh mà uất ức tự tử. Bước vào tuổi 20, tôi bắt đầu chứng kiến một vài người bạn mất đi cha mẹ trước khi họ kịp gói gọn những cãi vã dở dang.

Nếu gia đình không là chốn bình yên, đây là 4 điều sẽ giúp bạn tìm được bình yên đó, bên trong mình.

1. Bố mẹ không hiểu bạn, nhưng đó không phải lỗi của họ hay của bạn

Thế hệ bố mẹ và con cái thường cách nhau từ hai tới bốn thập kỷ. Tại Việt Nam, trong 40 năm qua có quá nhiều thay đổi chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra. Quan điểm sống của các thế hệ được nhào nặn bởi bối cảnh xã hội quá khác nhau.

Bố tôi lớn lên ở Hà Tĩnh, Nghệ An trong chiến tranh. Đối với thế hệ ông, sống sót qua ngày là một thành công. Tốt nghiệp đại học là kỳ tích. Làm việc gì cũng được miễn ‘ổn định’. Lập gia đình là điều đương nhiên vì không ai muốn lẻ loi trong điều kiện sống khắc nghiệt như vậy.

Tôi lớn lên tại thủ đô khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Đối với thế hệ tôi, sống qua ngày là điều hiển nhiên. Tốt nghiệp đại học là chuyện thường. Kiếm tiền từ đam mê của mình là một thành công. Tìm được người phù hợp để lập gia đình là kỳ tích, nếu chưa tìm được người đó thì tôi vẫn có thể vui vẻ độc thân.

Như nhiều gia đình Việt Nam, tôi và bố phản ứng gay gắt về những trái ngược trong quan điểm sống của nhau. Khi bị chỉ trích (có phần oan ức, có phần đúng), cảm xúc tức giận xen lẫn tội lỗi khiến suy nghĩ tôi tê liệt. Tôi chỉ biết phòng thủ để bảo vệ cái tôi của mình.

Tôi quên mất sự khác biệt đó hoàn toàn hợp lý; đòi hỏi thế hệ ông cha phải đồng ý với cách mình sống mới là thiếu lôgic. Tuy rất khó khăn, dần dần tôi tập lùi lại phía sau cuộc cãi vã và suy nghĩ rộng hơn về những khác biệt. Tôi học cách hiểu trước khi trách móc.

Bố tôi dễ mất bình tĩnh, hay lớn giọng và muốn áp đặt quan điểm lên người khác ngay lập tức. Cả tuổi thơ tôi khiếp sợ khuynh hướng bạo lực của ông. Khi lùi lại suy nghĩ, tôi nhận ra áp lực từ tư tưởng nam quyền và cả đời lam lũ tại những công trường xây dựng đã khiến ông trở nên như vậy. Ông không hoàn toàn có lỗi. Nhận ra điều này khiến tôi bình tâm hơn khi giao tiếp với ông.

Những trận cãi vã của tôi và bố không phải cuộc chiến giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Đây là cuộc chiến giữa một xã hội và những thay đổi chóng mặt ngoài tầm kiểm soát của chính những người trong đó. Làm thế nào để gia đình hòa thuận khi tư tưởng, lối sống ngày càng chia rẽ? Làm thế nào để đón chào cái mới mà không phán xét, kết tội cái cũ?

2. Chọn chuyện mà ‘cãi’

Cuối cấp Hai, có lần tôi cãi nhau với bố rồi đi học với cặp mắt sưng húp. Sau khi lắng nghe câu chuyện, cô giáo khuyên tôi “nên chủ động tâm sự với bố nhiều hơn để bố hiểu con.”

Tôi chưa thấy lời khuyên nào phản tác dụng một cách ‘nhiệm màu’ như vậy. Càng “tâm sự” với bố chúng tôi càng cãi nhau nhiều hơn. Tôi chủ động bắt chuyện bao nhiêu lần là chúng tôi có từng đó cơ hội để tranh cãi.

(Về sau tôi mới biết bí quyết của cô đến từ những cuốn sách nuôi dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, nên khi áp dụng vào bối cảnh Việt Nam mới trật lất.)

Nhiều năm sau, trên giảng đường, một Giáo sư Xã hội học nói với chúng tôi, “Tolerance is better practiced at a distance.” (Sự khoan dung dễ duy trì hơn khi ta giữ khoảng cách lành mạnh với những người quá khác mình.) Tôi quyết định tôi cần hạn chế nói chuyện với bố. Tôi chia những xung đột của con cái và bố mẹ thành hai loại: “đáng tranh luận” và “không đáng tranh luận”.

”Đáng tranh luận” gồm những chủ đề ảnh hưởng trực tiếp, lập tức, hay nghiêm trọng tới cuộc sống của bạn. Bố của bạn tôi có thói ăn nhậu rồi tự lái xe về. Khi bị con nhắc nhở, ông khăng khăng mình còn đủ tỉnh táo — ai trước khi gây tai nạn không nghĩ vậy? Đây chắc chắn là một chủ đề bạn tôi nên tiếp tục trò chuyện với bố tới khi ông thay đổi, vì nếu không cái giá là quá đắt.

”Không đáng tranh luận” gồm những vấn đề không ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc không-cách-nào bạn có thể tác động lên bố mẹ. Mẹ không thích bạn gái bạn — “Dạ con nghe, mẹ thấy em có gì không phải để con lưu ý.” Ba bạn chê bai, so sánh bạn với con bác Tám — “Ồ, anh ấy giỏi thật, ba thay con chuyển lời khen anh cho bác Tám vui.”

3. Không cần phải cãi vã, bạn đã là người thắng cuộc

Khi hỏi bố tại sao ông cho rằng ăn thịt chó là một nét văn hóa, tôi thật ra đang tìm cách phản biện, chứ không muốn hiểu quá trình khiến bố tôi hình thành quan điểm như vậy. Cuộc cãi vã hay bắt đầu bằng một câu hỏi của tôi, kết thúc bằng lời quát tháo của ông, và sự bất lực của cả hai.

Quá khó để một đứa trẻ 18 tuổi tạm hạ những lý tưởng sống của mình xuống và thực sự thấu cảm cho cha mẹ nó. Có lẽ một phần cũng vì tôi không dám nhìn vào những gì trong quá khứ đã khiến bố mẹ khổ sở — chiến tranh, đói nghèo, một xã hội khan hiếm tới mức con chó trong nhà chết đi mà không mổ thịt là một điều phí phạm.

Nếu được trở lại quá khứ, tôi sẽ chỉ ngồi nghe câu chuyện đằng sau món thịt chó của bố, chấp nhận mình không thể thay đổi ông, và tránh hẳn cuộc cãi vã này. Tôi cũng không trách tôi năm 18 tuổi. Tôi không thể đòi hỏi phiên bản non nớt của mình phải cao thượng.

Có một ranh giới mong manh giữa thấu cảm và đồng ý. Bạn có thể thấu cảm với con người mà không cần đồng ý với hành động của họ. Bạn hiểu cho bố mẹ lớn lên trong một xã hội bảo thủ nên kỳ thị những người xăm mình, nhưng bạn không cần đồng ý với họ. Bạn càng không cần phân bua với họ xăm mình là đúng hay sai.

Càng lớn tôi càng nhận ra chiến thắng cha mẹ không huy hoàng như mình nghĩ. Có một sự thật giúp tôi khoan dung nhưng cũng khiến tôi đau lòng: chừng nào ta còn sống lâu hơn cha mẹ, ta là người thắng trong những cuộc tranh luận. Chúng ta, những đứa con, mới là móc nối tư tưởng tới thế hệ sau chứ không phải cha mẹ. Chúng ta luôn có thể bứt phá khỏi những gì ta phản đối.

Nếu tôi phản đối ăn thịt chó, tôi chỉ cần tác động vào thế hệ mình và sau mình. Bạn bè tôi không ai ăn thịt chó, con tôi sau này chắc chắn không. Tôi không cần thắng cuộc cãi vã với bố để thấy thịt chó đã và đang biến mất khỏi thực đơn ‘văn hóa’ của người Việt.

4. Bạn càng độc lập, càng ít phải tranh cãi với cha mẹ

Thế hệ cha mẹ muốn con cái ‘ổn định’ vì vốn họ đã nếm trải nhiều biến động. Thế hệ chúng ta lại muốn tự do lựa chọn cuộc sống của mình, dù cuộc sống đó không luôn ‘ổn định’.

Người trẻ cần hiểu họ càng thể hiện được khả năng độc lập của mình thì cha mẹ càng tin tưởng buông tay. Sự độc lập này rất đa diện, từ trong suy nghĩ, cách ứng xử, ý thức chăm sóc bản thân, tới tài chính. Cha mẹ cần thấy bạn tận tâm chăm sóc và bảo vệ bản thân mình như họ đã từng. Họ cần thấy khi bạn vấp ngã, bạn tự đứng dậy được.

Một khi bạn độc lập, rất nhiều cuộc tranh luận với cha mẹ sẽ tự động biến mất. Cha mẹ sẽ tự nhận ra họ không thể cấm bạn xăm mình, bỏ việc, hay sống thử trước hôn nhân. Họ cũng không còn tự tin khẳng định điều gì là tốt nhất cho bạn. Họ sẽ lùi lại phía sau, khuyên bảo, hỗ trợ, và đôi khi tạo (rất nhiều) áp lực để bạn sống tốt hơn.

Xem thêm:

[Bài viết] Làm thế nào để yêu thương cơ thể mình?

[Bài viết] Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục