03 Thg 11, 2023OnboardyThăng Tiến

3 Hiểu lầm khi nhảy việc khiến thu nhập của bạn bị giảm

Nhảy việc nhưng lương không "nhảy", Gen Z nghỉ việc quá sớm khi cách thời điểm thăng chức chỉ vài tháng và những hiểu lầm khiến bạn thay đổi công việc không thành công như mong đợi.
Gió Lạ
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Trong một khảo sát của The Conference Board, có đến 62% người lao động cho biết họ đang lo ngại nguồn thu nhập đầu vào sẽ không thể bắt kịp tốc độ lạm phát. Gánh theo áp lực “cơm áo gạo tiền”, người lao động càng nôn nao khi nghĩ về lương thưởng hiện tại, và có xu hướng tìm kiếm môi trường sẵn sàng chi trả cho họ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhảy thì dễ nhưng hạ cánh xuống vùng đất tươi tốt hay khô cằn thì có lẽ bạn nên hiểu bức tranh thị trường lao động.

Có những quan niệm từ lâu như nhảy việc lương sẽ cao, nhảy việc sớm thì có cơ hội thăng chức sớm… có thể đã không còn đúng nữa thông qua những số liệu. Vậy nên, trước khi đưa ra quyết định, bạn nên tham khảo những điều dưới đây để có cái nhìn khách quan hơn cho lựa chọn của mình.

Nhảy việc hay được lên chức: mức tăng lương bên nào cao hơn?

Được bạn bè rỉ tai “Càng nhảy việc, cơ hội tăng lương càng cao”, Mộng Điệp (25 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh) rời khỏi vị trí chuyên viên sáng tạo nội dung tại công ty hiện tại để tìm kiếm cơ hội mới. 3 tuần sau khi nghỉ việc, cô nhận ra mình đã quyết định quá vội vàng.

“Có rất ít vị trí đang mở tuyển, vị trí có mức lương tốt hơn công ty cũ lại càng hiếm. Khi nhảy việc, mình đã kỳ vọng lương sẽ cao hơn 10-20%. Song mình buộc chấp nhận giảm 10% mức lương trước đó. Một phần vì đây là đề nghị tốt nhất mình nhận được. Một phần vì mình không thể tiếp tục thất nghiệp nữa”, Điệp ngậm ngùi chia sẻ.

Vì chưa tìm hiểu thị trường trước khi quyết định, không ít người lao động rơi vào bẫy tâm lý “cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi”, mặc định thị trường luôn có sẵn các công ty chịu chi lương hậu hĩnh. Trên thực tế, Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi Talentnet – Mercer 2023 tổng hợp dữ liệu từ hơn 500.000 người lao động và hơn 600 doanh nghiệp trên khắp Việt Nam đã hé lộ, ngân sách doanh nghiệp đầu tư cho tăng lương để thu hút nhân tài hiện không đáng kể.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình doanh nghiệp chỉ tăng 14% lương khi tuyển mới ở nhóm quản lý (Management Level), không tăng đối với nhóm chuyên viên (Professional Level), thậm chí giảm 9% tỷ lệ tăng lương ở nhóm nhân viên (Para-professional Level). Đối với nhóm nhân viên, tỷ lệ tăng lương giảm thể hiện thị trường đang dồi dào ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm và doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn để tìm được những “tân binh” họ cần.

Trong khi đó, điều thú vị là trong trường hợp được thăng chức, lương của nhân viên tăng trung bình 18%, lương của chuyên viên và quản lý đều tăng đến 24%.

Đối chiếu giữa mức chênh lệch lương khi tuyển mới và mức chênh lệch lương khi thăng chức cho nhân viên, có thể thấy xu hướng sử dụng ngân sách của doanh nghiệp hiện tại: giảm lương tuyển mới, chỉ áp dụng tăng đối với vị trí quản lý, tối quan trọng; tăng lương khi nhân viên thăng tiến như cách giữ chân những nhân tài đã thực chứng được năng lực và thích nghi tốt với văn hóa, định hướng của tổ chức. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, so sánh lương khi nhảy việc với khi thăng chức, chưa chắc lương thăng chức đã thấp hơn.

Nghịch lý: Gen Z nghỉ việc ngay trước khi thăng chức vài tháng

Nhảy việc thường xuyên từ trước đến nay vốn không được các nhà tuyển dụng ủng hộ. Nhưng lựa chọn này dần trở thành một phần không thể thiếu của người lao động hiện đại khi bên cạnh lương thưởng, vị trí, họ cũng ưu tiên trải nghiệm làm việc và tìm kiếm đam mê. Theo cuộc thăm dò của Cục Thống kê Lao động Mỹ, người lao động ngày nay thường thay đổi nghề nghiệp khoảng 12 lần trong suốt sự nghiệp của họ.

Vì vậy, nếu trước đây, một hồ sơ chi chít vị trí và kinh nghiệm làm việc là một “red flag” to đùng trong mắt nhà tuyển dụng thì hiện tại, đó có thể là bản minh chứng hùng hồn cho năng lực thích nghi của ứng viên. Tuy nhiên, nếu động lực thúc đẩy bạn nhảy việc là cơ hội thăng chức, hãy cân nhắc kỹ.

Đặc biệt nếu bạn là Gen Z. Vì theo khảo sát từ Talentnet, thời gian thăng chức trung bình của nhân viên các gen khác là 3 năm, nhưng với Gen Z chỉ khoảng 2 năm. Nghịch lý là, nhân viên Gen Z lại thường nghỉ việc sau… 1,7 năm.

Theo khảo sát “Chỉ số Niềm tin của Lực lượng lao động” do LinkedIn triển khai và khảo sát “Sức khỏe toàn diện Cigna 360”, lý do nghỉ việc của Gen Z thường xoay quanh: lương; công việc không tương thích với giá trị cá nhân; kiệt sức và căng thẳng trong công việc… Nhưng cũng có lý do khách quan là gen Z học nhanh hơn và cần một môi trường mới để phát triển trong khi công ty cũ không đáp ứng được. Vậy nên từ 3-4 tháng trước đó lại rục rịch nghỉ việc. Nhưng nghỉ việc trước ngưỡng cửa thăng tiến chỉ 3 đến 4 tháng có phải là quyết định hợp lý?

Theo Tiến sĩ Talya N. Bauer từ Hiệp Hội Quản trị Nhân sự Hoa Kỳ (SHRM), 3 tháng là thời gian tối thiểu để người lao động hòa nhập với môi trường mới. Điều này có nghĩa, nếu nhảy việc, nhân sự Gen Z có thể uổng phí 1,7 năm kinh nghiệm tại công ty cũ, đồng thời mất thêm 3 đến 4 tháng chỉ để kiểm chứng khả năng hòa nhập tại môi trường mới. So với kiên nhẫn trau dồi năng lực thêm 3 đến 4 tháng nữa để chắc chắn đạt được mục tiêu thăng chức, quyết định nhảy việc rủi ro hơn rất nhiều.

Từ Gen Y lùi về, các thế hệ đều có thâm niên trung bình tại một tổ chức lớn hơn thời gian trung bình để thăng tiến. Kết hợp thị trường lao động khan hiếm cơ hội, người lao động thuộc các thế hệ ngoài Gen Z sẽ ít có xu hướng nhảy việc trong tương lai gần.

Biết tiếng Anh không còn là lợi thế?

Không thể phủ nhận ngoại ngữ từ trước đến nay vẫn luôn là một điểm cộng đầy sức nặng cho hồ sơ ứng viên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2023, theo khảo sát này, số lượng nhân sự của nhóm ngành dịch thuật đã gia giảm đến 18%. Lý do là trình độ ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) của người lao động ngày một gia tăng, kết hợp sự cải tiến của các công nghệ phiên dịch toàn cầu, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên ở các vị trí này.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, triển vọng việc làm của phiên dịch viên các ngôn ngữ khác như Trung, Pháp, Tây Ban Nha có mức tăng trưởng 20% từ năm 2021 đến năm 2031. Tại Việt Nam, các trang tuyển dụng như TopCV mỗi ngày nhận được hàng trăm nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tại Việt Nam.

Trong điều kiện tuyển dụng, các doanh nghiệp ưu tiên ứng viên người Việt có trình độ, kinh nghiệm và sử dụng thành thạo tiếng nước họ. Những số liệu thể hiện cơ hội việc làm vẫn rộng mở đối với ứng viên có khả năng sử dụng các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh.

Nhưng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, người lao động cần mở rộng bộ kỹ năng, không phục thuộc duy nhất vào chuyên môn ngoại ngữ. Ứng viên càng sở hữu đa dạng kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mà AI không thể thay thế, sẽ càng duy trì chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhân sự đầy cạnh tranh.

Một số phương pháp giúp bạn đưa ra quyết định công việc chính xác hơn?

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự, Talentnet Corporation cho biết người lao động cần cập nhật chia sẻ 3 phương pháp giúp người lao động quyết định chính xác hơn khi cân nhắc nhảy việc.

1. Nhận thức đúng về mặt bằng lương của vị trí hiện tại

Bạn có thể tìm hiểu mặt bằng lương của vị trí hiện tại thông qua: trò chuyện trong vòng tròn đồng nghiệp, bạn bè chung ngành; tham khảo các báo cáo lương, thưởng, phúc lợi uy tín; đối chiếu với mức lương trong bản mô tả công việc được đăng tải trên các trang tuyển dụng. Từ đó, xác định mức lương hiện tại là cao hay thấp hơn so với mặt bằng chung.

2. Trao đổi với cấp trên về sự kì vọng

Cách đơn giản nhất để biết liệu bạn có cơ hội tăng lương hoặc thăng tiến không, là hỏi quản lý. Bằng cách này, bạn cũng có thể biết rõ những kỳ vọng của cấp trên, hoặc những kỹ năng cần hoàn thiện trước bước chuyển mình quan trọng.

3. Tìm hiểu nhu cầu thị trường để biết cách "deal"

Hãy thường xuyên theo dõi các trang thông tin tuyển dụng. Nhóm ngành nào đang thiếu hụt nhân sự? Kỹ năng nào đang được các nhà tuyển dụng trọng vọng, ưu tiên? Việc trang bị trước những tiêu chí mà thị trường đang rất “khát” sẽ tạo lợi thế không nhỏ cho bạn trên bàn đàm phán quyền lợi với nhà tuyển dụng tương lai.

“Suy cho cùng, đã liên quan đến lương thưởng thì quyết định nào cũng hệ trọng. Vì vậy đừng chỉ dựa vào trực giác. Càng nhiều thông tin để củng cố cho quyết định của mình, càng nhiều khả năng bạn đang làm đúng”, Bà Quỳnh Phương kết luận.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục