5 Thuật ngữ giúp bạn hiểu về cuộc khủng hoảng tiền mã hóa
Khoảng thời gian vừa qua là những ngày tháng khó khăn đối với những nhà đầu tư tiền mã hóa. Nguyên nhân của việc này không chỉ tới từ đà giảm riêng của Bitcoin hay đà giảm chung của thị trường, mà còn bởi những thông tin tiêu cực xung quanh sự đổ vỡ của đồng LUNA và UST.
Với những người không tham gia hay theo dõi thị trường, làm thế nào để hiểu về cú “sập sàn” mới nhất của tiền mã hóa? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu 5 thuật ngữ tiếng Anh sau đây để có cái nhìn toàn diện về tình trạng hiện tại và tương lai của thị trường này trong thời gian tới.
1. Crypto crash
Crypto crash ám chỉ hiện tượng lao dốc không phanh của các đồng tiền mã hóa trong một khoảng thời gian rất ngắn trong một ngày, hay thậm chí trong vài giờ. Bản thân thuật ngữ “crash” trong thị trường tài chính truyền thống mô tả sự giảm sút giá trị từ 10% trở lên trong một ngày của một loại tiền.
Thuật ngữ này có nhiều điểm tương đồng với thuật ngữ “crypto winter,” dùng để miêu tả một giai đoạn khó khăn nói chung của thị trường. Tuy nhiên, nếu crypto winter bao hàm nhiều hiện tượng tiêu cực khiến thị trường trồi sụt, thì crypto crash đặt trọng tâm vào sự sụp đổ giá trị của các đồng tiền.
2. Crypto correction
Crypto correction thể hiện sự giảm giá trị dần đều từ 10% trở lên của một đồng tiền mã hóa trong khoảng thời gian vài ngày. Hiện tượng này xảy ra với một đơn vị tiền mã hóa khi phần lớn người mua đã đầu tư vào đơn vị này, và không có những nhà đầu tư mới tiếp tục rót vốn để giữ đà tăng.
Nhiều người thường sử dụng hai thuật ngữ crypto crash và crypto correction như một. Tuy cùng thể hiện đà giảm trên 10%, nhưng hai khái niệm này có nội hàm khác nhau.
Nếu crypto crash thể hiện sự giảm bất thường và báo hiệu khả năng đổ vỡ của một đơn vị tiền, thì crypto correction giống một “quãng nghỉ” để giá trị của đơn vị tiền tự điều chỉnh.
Crypto correction cũng thể hiện rằng những “nhà đầu tư bò tót” (bull investor) đã “kiệt sức” nên không thể tiếp tục đẩy giá đồng tiền mã hóa, và cần thời gian để hồi phục cũng như tái tập trung nguồn lực.
3. Crypto whale
Sau những “bull” và “bear,” vườn thú crypto còn có những chú cá voi dưới tên gọi crypto whale. Thuật ngữ này ám chỉ những cá nhân, những nhóm, hay tổ chức nắm giữ một số lượng rất lớn tiền mã hóa.
Thuật ngữ này tương đồng với thuật ngữ crypto shark, vốn được nhiều người biết tới hơn tại Việt Nam. Những chú cá voi hay cá mập có khả năng tác động lớn tới thị trường tiền mã hóa thông qua hành động của mình.
Đây cũng là lý do các nhà đầu tư thường theo dõi các động thái của cá voi để có những quyết định phù hợp nhất.
Sự tập trung một khối lượng lớn tài sản vào tay một cá nhân hoặc một nhóm người thường bị chỉ trích bởi khả năng “giật dây” thị trường. Họ có thể làm nhiễu loạn thị trường và đẩy giá trị của một hoặc nhiều đơn vị tiền mã hóa theo hướng tăng hoặc giảm bất ngờ.
4. FUD (Fear, Uncertainty, Doubt)
FUD là cụm viết tắt trong tiếng Anh của ba trạng thái là lo sợ (fear), không chắc chắn (uncertainty), và nghi hoặc (doubt). Cụm từ này vừa diễn tả tâm lý của các nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường lao đao, vừa là một chiến thuật (strategy) của các cá voi để tác động vào thị trường và nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng để giữ cho thị trường và từng đơn vị tiền có thể phát triển tới những ngưỡng giá trị lớn hơn. Khi các nhà đầu tư trải qua FUD, họ sẽ dao động tâm lý và mất niềm tin vào khoản đầu tư của mình, dẫn tới những tình huống bán tháo của một lượng lớn người giao dịch.
FUD có thể bắt nguồn từ những thông tin tiêu cực, những tin đồn hay tin giả về thị trường. Hiện tượng này có thể cộng hưởng với sự tác động của các cá voi khiến cho giá của một đơn vị tiền giảm do động thái bán tháo.
5. Terra-LUNA crash
Terra-LUNA crash là sự kiện diễn ra gần đây và có ảnh hưởng trực tiếp tới những biến động tiêu cực mới nhất trên thị trường tiền mã hóa. LUNA là tên của một coin trên thị trường do công ty Terra phát hành. Ngoài LUNA, Terra còn là đơn vị chủ quản của đồng UST - một trong những stablecoin chủ chốt trên thị trường.
Sự sụp đổ của đồng Luna và UST diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 5, khi giá trị đồng LUNA giảm đột ngột từ 120 USD xuống còn 0.02 USD, tức mất đi 99% giá trị của mình. Đồng UST cũng vì thế mà sụt giá từ 1 USD xuống chỉ còn khoảng 0.01 USD.
Trong vòng chưa đầy một tuần, từ vị trí là stablecoin lớn thứ ba trên thị trường, UST trở thành thứ vô giá trị.
Đây được coi là cú ngã ngựa lớn nhất mà thị trường chứng kiến từ thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19. Sự lao dốc của UST và LUNA đã tác động rất tiêu cực đến thị trường và các đồng khác. Hệ quả là chỉ một thời gian ngắn sau, các đơn vị giao dịch tiền mã hóa như Celcius và Gemini đồng loạt ngừng mọi giao dịch và cắt giảm hàng loạt nhân sự.
Đằng sau cú lao dốc không phanh ấy là nỗi đau của rất nhiều người. Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng họ đã mất tất cả mọi thứ. Sự thất vọng và ý định tự tử bao trùm nhóm nhà đầu tư này - những người đánh rơi toàn bộ tiền tiết kiệm và tiền đầu tư trong vòng chưa đầy 48 giờ.
Bài học sau cú ngã ngựa
Trong quá khứ, thị trường tiền mã hóa đã trải qua nhiều cơn khủng hoảng và chứng kiến sự đổ vỡ của nhiều đơn vị tiền. Qua mỗi cơn khủng hoảng là sự thanh lọc thị trường, bởi chỉ có những cá voi với nguồn vốn lớn mới đủ sức đứng lên sau khi đã gục ngã.
Sự kiện Terra-LUNA một lần nữa nhắc nhở các nhà đầu tư phải thật cẩn trọng khi “chọn mặt gửi vàng” vào tiền mã hóa. Bên cạnh đó, sự sụp đổ đồng UST cho thấy sự bấp bênh của thị trường tiền mã hóa - một thị trường mà tài sản đảm bảo là niềm tin.