Hàn Quốc muốn bắt Do Kwon - cha đẻ đồng LUNA | Vietcetera
Billboard banner

Hàn Quốc muốn bắt Do Kwon - cha đẻ đồng LUNA

Do Kwon từng trả lời phỏng vấn rằng mình không phải là kẻ lừa đảo. Giới luật pháp Hàn Quốc thì có ý kiến khác.
Hàn Quốc muốn bắt Do Kwon - cha đẻ đồng LUNA

Nguồn: Terra

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trưa ngày 14/09 theo giờ Việt Nam, Nhóm Điều tra Tội phạm Tài chính tại Văn phòng Công tố viên quận Nam Seoul chính thức đưa ra lệnh bắt giữ đối với Do Kwon - CEO và nhà đồng sáng lập Terraform Labs. Ngoài Do Kwon, lệnh bắt giữ còn áp dụng cho năm người khác với cáo buộc vi phạm đạo luật thị trường vốn đầu tư (capital market act) trong luật kinh tế của Hàn Quốc.

Trước đó, Terraform Labs cũng bị điều tra với cáo buộc lừa đảo và trốn thuế. Lệnh bắt có thời hạn 1 năm và sẽ được tiến hành bởi Interpol do hiện tại Do Kwon không ở Hàn Quốc. Anh được cho là đang ở Singapore, nơi đặt trụ sở Terraform Labs.

Lý do trực tiếp dẫn tới lệnh bắt này là thảm họa tiền số LUNA diễn ra cách đây bốn tháng. Chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ đồng hồ, giá trị của hai đồng coin trong hệ sinh thái Terra là LUNA và stablecoin UST đã lao dốc không phanh, gây ra thiệt hại 60 tỷ đô cho thị trường tiền mã hóa trên toàn thế giới.

14sep2022dokwonannouncedterrashardforktimeaheadofdepegjpg
Nhiều người coi Do Kwon là kẻ lừa đảo. | Nguồn: Coinlive

Nhiều nhà đầu tư đã mất toàn bộ tài sản đầu tư cũng như tài sản tiết kiệm. Giới đầu tư trực tiếp gọi tên Do Kwon với tư cách là người cầm đầu một dự án Ponzi - mô hình lừa đảo đa cấp chiếm đoạt tiền. Trước sự đổ vỡ của LUNA và UST, Do Kwon đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc lừa đảo, nhưng thừa nhận bản thân là người chịu trách nhiệm pháp lý cho sự việc này.

2. Có những ý kiến gì về lệnh bắt giữ này?

Sau khi thông tin về lệnh bắt xuất hiện trên các trang báo lớn, nhiều người tỏ ra rất hả hê và vui mừng, cho rằng đây là sự khởi đầu của công lý với kẻ mà họ cho là lừa đảo. Cụ thể, nhóm người này chỉ ra những động thái tháo chạy của Do Kwon, đặc biệt là hành động rút tiền ngay trước khi đồng LUNA sập dù cho Kwon đã nhiều lần khẳng định mình không làm vậy.

Ở chiều ngược lại, có một số người không coi Do Kwon là một kẻ lừa đảo, mà đơn thuần chỉ là một lãnh đạo trẻ thiếu kinh nghiệm và thiếu may mắn. Đối với họ, CEO của Terraform Labs đã đưa ra những quyết định sai lầm về mặt chiến lược và kinh doanh. Vì thế nên anh đáng trách về chuyên môn, chứ không phải là một nghi phạm hình sự.

3. Thị trường tiền kỹ thuật số phản ứng thế nào trước thông tin này?

Sau khi cặp đôi LUNA-UST sụp đổ, Do Kwon đã đưa ra các kế hoạch phục hồi LUNA. Anh cùng đội ngũ phát triển tạo ra một đồng LUNA mới, trong khi đổi tên đồng LUNA cũ thành LUNC.

Mới chỉ cuối tuần trước, giá trị của LUNA đã tăng đột biến 209% trong vòng 24 giờ. Khi mà các nhà đầu tư chưa kịp đánh giá chính xác xem đây là một cú lội ngược dòng hay chỉ là một động thái đầu cơ, thì tới nay cả LUNA lẫn LUNC đều đã quay đầu giảm mạnh. Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi lệnh bắt giữ được đưa ra, giá trị của LUNA đã giảm đi 48,4% xuống mức giá 2,23 đô.

4. Pháp luật làm gì trước những hình thức kinh doanh phi truyền thống?

Sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số nói chung và những vụ việc như LUNA-UST nói riêng cho thấy thách thức mà các hình thức kinh doanh phi truyền thống đang đặt ra cho hệ thống pháp luật. Các mô hình kinh doanh mới có thể mở ra những trào lưu mới, nhưng cũng tạo ra môi trường phát triển cho những loại tội phạm phi truyền thống.

Nguyên nhân là bởi luật pháp có một độ trễ nhất định so với thực tế. Các nhà lập pháp cần có một khoảng thời gian để lùi lại, quan sát, đánh giá, và xây dựng hệ thống luật và chính sách quản lý cho những hiện tượng mới trong đời sống. Tùy thuộc vào tính vấn đề và tính phức tạp của hiện tượng mà khoảng thời gian ấy có thể là vài năm hoặc vài chục năm.

Từ một góc độ nhất định, ta có thể coi Do Kwon thuộc nhóm tội phạm phi truyền thống, bởi cho tới nay có rất ít các quy định, chế tài, và chính sách liên quan tới tiền kỹ thuật số, cũng như việc quản lý thị trường tiền kỹ thuật số và bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi chờ đợi sự phát triển của thị trường và sự theo kịp của hệ thống chính sách, điều duy nhất mà pháp luật có thể làm là thích nghi và xử lý vụ việc một cách linh hoạt với những công cụ sẵn có.

5. Quốc gia nào "cởi mở" nhất với tiền mã hóa?

Cách đây đúng một năm, đất nước El Salvador tại Nam Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ. Nhiều người đã coi đây là một khoảnh khắc lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu của việc hợp pháp hóa tiền điện tử.

14sep2022118839832bitcoinstorereutersjpg
Thử nghiệm thất bại của El Salvador. | Nguồn: BBC News via Reuters

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, ta có thể nói rằng kế hoạch của El Salvador đã thất bại. Do thiếu hệ thống chính sách quản lý, thiếu hệ thống nhân lực giám sát, và các vấn đề khác như tham nhũng và bất đồng trong giới lãnh đạo, nền kinh tế của nước này đã chịu ảnh hưởng nặng nề, kéo theo những hậu quả trong xã hội và đời sống của người dân. Ngoài El Salvador, các quốc gia trên thế giới đang rất dè chừng, nếu không muốn nói là nghi hoặc, với tiền kỹ thuật số.

Trước khi sự kiện LUNA-UST diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một mệnh lệnh hành pháp về tiền mã hóa. Văn bản này tập trung vào việc bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường, bảo vệ sự ổn định của ngành tài chính Mỹ và thế giới, và thúc đẩy vị thế đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực tài chính công nghệ. Sự kiện này đã không đủ sức ngăn cản cú ngã của LUNA-UST diễn ra hai tháng sau.