6 Quy tắc trong triết học dao cạo: Làm cách nào tránh được những cuộc tranh luận vô bổ?
Bộ quy tắc trong triết học dao cạo sẽ hữu ích khi bạn muốn tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết.
Triết học dao cạo (philosophical razor) là bộ những quy tắc đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, giúp bạn "cạo sạch" những lời giải thích không chắc chắn, thiếu căn cứ hoặc ngụy biện. Trong nhiều trường hợp, hiểu được quy tắc dao cạo sẽ giúp bạn tránh rơi vào những cuộc tranh cãi vô nghĩa hoặc hiểu lầm ngoài ý muốn.
1. Occam's razor
Phát biểu: Những lời giải thích đơn giản nhất thường là những lời giải thích xác đáng nhất vì nó tránh được các giả định không cần thiết hoặc vô lý.
Triết lý này tồn tại trong cuộc sống của chúng ta trong những câu nói như “Nghĩ đơn giản cho cuộc đời thanh thản”, “Đừng tự làm khó mình.”
Chẳng hạn, bạn thấy người yêu của mình đã “seen” tin nhắn mà mãi vẫn chưa trả lời, lúc này có hai cách để lý giải:
- Họ quên.
- Họ đang giận bạn vì một điều gì đó bạn đã làm nhưng mà bạn không biết đó là gì.
Theo Occam’s razor, lúc này cách lý giải đơn giản nhiều khả năng sẽ đúng hơn bởi vì nó tránh được những giả định thiếu căn cứ như “Mình đã làm gì sai?”, “Tại sao họ không nói gì với mình mà lại im lặng?”, “Có phải họ không tôn trọng mình?” - đặc biệt là khi bạn chẳng biết phía bên kia nghĩ gì.
2. Hanlon's razor
Phát biểu: Đừng bao giờ đánh giá một điều là độc ác nếu nó có thể bắt nguồn từ sự vô tri.
Hiểu nôm na là “Con người không độc ác, họ chỉ ngốc thôi.”
Ví dụ, bạn có một người bạn luôn đến muộn trong mọi buổi hẹn. Thay vì cho rằng người đó không tôn trọng hoặc cố tình chọc tức mình, thì theo Hanlon’s razor thật ra điều này có thể đến từ việc họ không ý thức được đi trễ là một vấn đề.
Hanlon’s razor giúp bạn tránh được thiên kiến vị kỷ (egocentric bias) - khuynh hướng dựa trên góc nhìn chủ quan của mình để cắt nghĩa hành động của người khác. Từ đó, chúng ta có thể tách bạch hành động của một người ra khỏi bản chất của họ để tha thứ cho những lỗi lầm mà người đó vô tình phạm phải.
3. Hitchens's razor
Phát biểu: Trách nhiệm minh chứng một giả thiết nằm ở chính người đưa ra giả thiết đó, nếu họ không đưa ra được bằng chứng cho luận điểm của mình thì đối phương không cần phải tranh luận.
Tóm lại là “Không có căn cứ - miễn bàn.”
Ví dụ, nếu ai đó bảo bạn rằng “Hầu hết những người học giỏi đều đi làm thuê cho người học dốt” thì họ cần phải đưa ra lập luận, dẫn chứng hoặc số liệu để chứng minh cho luận điểm của mình.
Nếu họ không làm được, bạn có thể bác bỏ luận điểm đó mà không cần phải tốn thời gian chứng minh họ sai. Trong trường hợp người nói yêu cầu bạn phải đưa ra lập luận để phản bác ý kiến của họ thì đây sẽ được coi là lỗi ngụy biện chứng minh. Theo nguyên tắc, chính người nói phải có nghĩa vụ chứng minh cho quan điểm của mình chứ không thể chuyển trách nhiệm cho người nghe.
4. Grice's razor
Phát biểu: Ý nghĩa của câu nói không chỉ nằm ở những gì được nói ra, mà còn nằm ở những gì không được nói.
Ở Việt Nam câu này tương đương với thành ngữ “Ý tại ngôn ngoại” hoặc “Nói một hiểu mười”.
Ví dụ
A: Ê, lát có đi ăn không?
B: Để làm xong cái báo cáo đã.
Trong ngữ cảnh trên, B đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của A nhưng chúng ta đều hiểu ngụ ý của B là sẽ đi sau khi làm xong bản báo cáo. Theo Grice’s razor, trong cuộc hội thoại chúng ta nên cố gắng để hiểu ẩn ý của người nói ngay cả khi họ không thể hiện bằng lời.
Bộc lộ suy nghĩ trực tiếp vốn không hề dễ dàng đối với nhiều người. Điều này có thể đến từ áp lực xã hội, không tìm được từ ngữ/ví dụ phù hợp để minh họa cho quan điểm của mình hoặc tác động của cảm xúc (tức giận, lo âu, thiếu tự tin). Lúc này lắng nghe thấu cảm và đặt những câu hỏi gợi mở để tìm hiểu dụng ý của đối phương sẽ giúp bạn tránh được những hiểu lầm không đáng có.
5. Alder’s razor
Phát biểu: Điều gì không thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm hay quan sát thì không đáng để tranh luận.
Hiểu đơn giản, định luật này nhắc nhở chúng ta không nên phí thời gian để tranh cãi về một chủ đề mà không ai có thể kiểm chứng.
Nếu ai đó có ý định lôi bạn vào những cuộc tranh cãi về thuyết âm mưu, ma quỷ hoặc thế giới bên kia, hãy nhớ đến định luật này.
6. Hume's razor
Phát biểu: Kết quả của một sự việc phải tương ứng với nguyên nhân gây ra nó. Nếu nguyên nhân không đủ sức để tạo nên kết quả thì nó chỉ nên được coi là một trong những yếu tố góp phần tạo nên kết quả đó.
Ví dụ, chúng ta đã nghe nhiều về "huyền thoại" Bill Gates bỏ học và trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, "bỏ học" và "trở thành tỷ phú" không phải là một mệnh đề nguyên nhân - kết quả. Để trở thành tỷ phú (kết quả) Bill Gates cần nhiều yếu tố khác nhau năng lực, thời cơ, nguồn lực, mối quan hệ,... (nguyên nhân). Hume's razor nhắc nhở chúng ta không nên kết luận vội vàng khi chỉ dựa vào những thông tin khuyết thiếu.