7 Màu tình yêu qua lăng kính tam giác Sternberg
Tình cảm thường là một mớ bòng bong. Ta nói “yêu” một người vào nhiều thời điểm, nhưng có phải thời điểm nào ta cũng yêu người đó như nhau? Có phải cứ khi trái tim hết thổn thức là lòng ta hết yêu?
Để giải đáp mớ bòng bong ấy, nhà tâm lý học Robert Sternberg đã áp tóm gọn những khía cạnh của tình yêu vào một mô hình tam giác. Theo đó, 3 đỉnh của tam giác tượng trưng cho 3 yếu tố cấu thành nên tình yêu:
- Thân mật (intimacy): Cảm giác gần gũi, gắn kết về quan điểm và cảm xúc.
- Đam mê (passion): “Ngọn lửa” lãng mạn, sự lôi cuốn về thể xác và tình dục.
- Cam kết (commitment): Quyết định gắn bó, đồng hành bên nhau lâu dài.
Một mối quan hệ lãng mạn có thể xuất hiện (hoặc biến mất) một, hai, hoặc cả ba yếu tố này theo thời gian. Sự kết hợp hoặc thay phiên lẫn nhau của chúng đã hình thành 7 kiểu tình yêu như sau:
Tình thân (liking)
Yếu tố đặc trưng: Thân mật
Được “dệt nên” bởi sự thân mật, tình thân cho hai người hơi ấm và sợi dây kết nối về tinh thần. Dù vậy, một tình bạn trong sáng chưa đủ làm bạn rạo rực mong muốn đồng hành với người đó suốt đời. Ở giai đoạn này, bạn đơn thuần muốn gặp gỡ người đó để được chia sẻ, an ủi và lấp đi nỗi cô đơn.
Một cách kiểm tra xem mối quan hệ của bạn có đang ở mức tình thân hay không, là hãy tạm xa cách người đó một thời gian. Bạn có thể thấy thiếu vắng, nhưng sẽ không nhớ về người ấy thâu suốt đêm ngày. Còn một khi nỗi nhớ ấy da diết và đầy khao khát, thì có lẽ bạn đang yêu theo một cách khác.
Tình yêu say đắm (infatuation)
Yếu tố đặc trưng: Đam mê
“Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” là câu miêu tả khá chuẩn xác kiểu tình yêu này. Nó thường xảy ra trong giai đoạn mối quan hệ chớm nở.
Bạn yêu người đó bằng cả cơ thể từ thể chất lẫn tinh thần. Tim bạn đập nhanh, hormone hạnh phúc tiết ra và ham muốn “làm chuyện ấy” rạo rực khiến bạn không thể rời mắt khỏi họ, thậm chí mong muốn tiếp xúc cơ thể.
Sternberg cho rằng nó giống như trạng thái cuồng yêu (limerence). Theo nhà tâm lý học Dorothy Tennov, nó là một kiểu yêu bùng cháy theo cảm xúc và luồng suy nghĩ xâm nhập (intrusive thoughts). Vì thế nó đến nhanh và đi cũng nhanh, không có chỗ cho những cuộc trò chuyện sâu sắc để nuôi dưỡng sự gắn bó.
Tình yêu trống rỗng (empty love)
Yếu tố đặc trưng: Cam kết
Tình yêu trống rỗng thường là những gì còn sót lại khi ngọn lửa đam mê vụt tắt. Cặp đôi vẫn bên nhau, làm tròn trách nhiệm mà không cần “chất keo” của sự hấp dẫn và thân mật. Kiểu tình yêu này thường được duy trì bởi những ràng buộc như pháp luật, con cái, tài sản hay lòng thương cảm.
Tình yêu trống rỗng cũng có thể nằm ở giai đoạn mở đầu của mối quan hệ. Một ví dụ điển hình là các cuộc hôn nhân sắp đặt - hai bên đến với nhau vì tác động ngoại cảnh, sau đó mới nỗ lực để yêu nhau. Nếu may mắn, họ có thể có những giây phút thổn thức và ngọt ngào.
Tình yêu lãng mạn (romantic love)
Yếu tố đặc trưng: Thân mật và đam mê
Tình yêu lãng mạn là một không gian có nến và hoa, những phản ứng “đom đóm” của cơ thể và những cuộc trò chuyện mê say. Nói cách khác, nó là sự kết hợp giữa tình thân và tình yêu say đắm. Điển hình là trong giai đoạn hẹn hò, khi các cặp đôi “thăm thú” nhau mà chưa cần những kế hoạch tương lai rõ ràng.
Cũng có thể thấy kiểu tình yêu này ở những mối tình “thanh xuân vườn trường”. Tuy chưa đủ điều kiện để hứa hẹn nhưng họ vẫn có thể yêu nhau bằng những cái nắm tay, những món quà hay những câu chuyện tâm tình thâu đêm suốt sáng.
Tình nghĩa (companionate love)
Yếu tố đặc trưng: Thân mật và cam kết
Đây chính là kiểu tình cảm “trên tình bạn, dưới tình yêu”. Bạn có thể thấy nó ở những cặp vợ chồng không còn mặn nồng như thuở mới yêu, song vẫn có mối quan hệ bền chặt theo năm tháng nhờ những mục tiêu chung mà cả hai cùng hướng tới. Họ là những người bạn đời có sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau, là chỗ dựa vững chắc cho nhau.
Kiểu tình cảm này được xây dựng sau một thời gian “chia ngọt sẻ bùi” và được duy trì bởi thói quen. Nó cũng có thể là kết quả khi những người bạn là “thanh mai trúc mã” chuyển thành tình yêu đôi lứa.
Tình yêu dại khờ (fatuous love)
Yếu tố đặc trưng: Đam mê và cam kết
Tình yêu khờ dại “chỉ mặt gọi tên” những cuộc tình yêu nhanh cưới vội. Sự cam kết của họ được thôi thúc bởi cảm giác thăng hoa trong giai đoạn cưa cẩm. Những cuộc hôn nhân như vậy có xu hướng chóng tàn khi cảm xúc nguội lạnh và sự thấu hiểu lẫn nhau chưa đủ lớn mạnh.
Theo nghiên cứu của Đại học London, não bộ khi yêu đắm đuối sẽ không còn tỉnh táo để đánh giá hành vi của người khác. Vì thế, khi bước vào hôn nhân, nhiều người bị vỡ mộng trước một cuộc sống không còn màu hồng cùng một người không còn đáng yêu như thuở ban đầu.
Tình yêu viên mãn (consummate love)
Yếu tố: Thân mật, đam mê và cam kết
Tình yêu viên mãn là sự kết hợp cân bằng giữa cả ba mảnh ghép. Sau nhiều năm bên nhau, đôi bên vẫn giữ được ham muốn vật lý, vẫn giao tiếp hiệu quả để vượt qua bất đồng và những thăng trầm trong cuộc sống.
Ở mối quan hệ này, bạn như tìm được nửa kia “đích thực” của cuộc đời. Bạn không thể yêu ai khác ngoài họ. Bạn không tưởng tượng được một cuộc sống thiếu họ. Giữa cả hai như chẳng điều gì có thể chia cắt.
Tuy nghe có vẻ “cổ tích” nhưng Sternberg cho rằng, kiểu tình yêu này hoàn toàn khả thi. Bởi nếu có đủ lòng kiên nhẫn và thấu cảm, cặp đôi khi đã ở cấp độ cam kết vẫn có thể tìm ra các cách “làm mới” tình yêu. Thậm chí với cả những mối quan hệ ở giai đoạn thoái trào, một thay đổi lớn trong cuộc sống có thể khiến họ quay lại giai đoạn hấp dẫn hay xây dựng tình cảm.
Học được gì từ tam giác tình yêu Sternberg?
Mặc dù đã “bổ nhỏ” tình yêu, giáo sư Sternberg vẫn cho rằng mỗi cuộc tình sẽ có thêm nhiều màu sắc khác mà tam giác chưa phân tích hết. Dẫu vậy, mô hình tam giác có thể là kim chỉ nam giúp bạn hiểu mình cần gì trong tình yêu, để tập trung vun đắp cho nó.
Không có kiểu tình yêu nào là hoàn toàn xấu hay tốt, nhưng chúng có điểm chung là bạn không thể ngồi một chỗ chờ tình yêu tự “đâu vào đấy”. Chẳng hạn, nếu cảm nhận được đam mê đang “tắt” dần, bạn phải chủ động tìm cách thắp lại thì ngọn lửa ấy mới sáng. Và nếu có biến cố gì xảy ra, bạn có thể coi đó là cơ hội để cả hai thắt chặt lại tình thân.