04 Thg 07, 2022Cuộc SốngThương

8 Kiểu thân mật giúp bạn và người ấy xích lại gần hơn

Sự thân mật không chỉ dừng lại ở nắm tay, ôm hôn hay tâm sự những điều thầm kín.
Ngọc Hà
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nhắc đến “thân mật”, chúng ta vẫn thường liên tưởng đến tiếp xúc cơ thể hoặc những chia sẻ cá nhân. Chính vì vậy, sự thân mật thường được gắn liền với tình dục hoặc các mối quan hệ lãng mạn.

Nhưng thực tế, sự thân mật được hình thành qua quá trình kết nối, chăm sóc và hình thành cảm giác dễ chịu với đối phương. Do đó nó là yếu tố quan trọng, giúp củng cố sự gắn bó trong nhiều mối quan hệ khác nữa. Và ngoài những tiếp xúc cơ thể hay chia sẻ thầm kín, sự thân mật còn nằm ở trải nghiệm, trí tuệ và thậm chí cả cách hai bạn cùng giải quyết xung đột.

Theo chuyên gia trị liệu Rikki Cloos, có đến 8 kiểu thân mật giúp bạn tăng cường sự kết nối và gắn bó với người khác:

Thân mật cơ thể (physical intimacy)

Nắm tay, vuốt tóc hay ôm hôn đều là các tiếp xúc cơ thể thường gặp trong một mối quan hệ lãng mạn. Tùy thuộc vào văn hóa xã giao và tính cách, những tiếp xúc này cũng có thể diễn ra giữa những người bạn thân thiết.

Thân mật cơ thể là chất xúc tác hữu hiệu để giải phóng các hormone hạnh phúc như oxytocin, dopamine và serotonin. Chúng có tác dụng giải tỏa căng thẳng, giảm đau, điều hòa giấc ngủ, cải thiện ăn uống và tâm trạng.

Việc thiếu vắng những tiếp xúc này trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu của giáo sư thần kinh học Francis McGlore cũng cho thấy, những người sống độc thân ở Anh trong giãn cách xã hội có hàm lượng cortisol (hormone căng thẳng) cao hơn hẳn so với người ở cùng gia đình hoặc bạn đời.

Thân mật cảm xúc (emotional intimacy)

Kiểu thân mật này được thể hiện qua việc tâm sự mở lòng, chia sẻ cảm xúc hay những điều thầm kín nhất với người mình tin tưởng và cảm thấy an toàn.

Đây cũng là yếu tố quan trọng trong các mối quan hệ. Khi mở lòng, người trong cuộc cảm thấy tích cực hơn vì cả hai có thể chia sẻ và thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của đối phương. Kiểu thân mật này giúp hình thành sự an toàn và tin tưởng trong mối quan hệ, khiến chúng ta có thể “sống là chính mình”.

Tuy vậy, thân mật cảm xúc sẽ là một thử thách lớn nếu không biết cách bộc lộ và điều chỉnh cảm xúc. Điều này đặc biệt đúng với người bị chấn thương tâm lý, hoặc đã quen với việc đè nén cảm xúc từ nhỏ. Trong trường hợp này, thân mật trí tuệ, sáng tạo hay trải nghiệm sẽ tạo tiền đề giúp bạn hoặc đối phương dần cởi bỏ lớp vỏ bên ngoài mà mở lòng với nhau nhiều hơn.

Thân mật trí tuệ (intellectual intimacy)

Thân mật trí tuệ là quá trình chia sẻ những ý tưởng, kỹ năng, sở thích với nhau và trò chuyện một cách có ý nghĩa. Sự dễ chịu trong quá trình này sẽ khiến ta không cần quá bận tâm về phản ứng của người khác trước những gì mình nói.

Khi có sự thân mật trí tuệ, cả hai bên sẽ cảm thấy tự do hơn khi trình bày suy nghĩ của bản thân. Đây là chất xúc tác giúp thúc đẩy các cuộc trò chuyện và kết nối với nhau dễ dàng hơn.

Một cách đơn giản để củng cố thân mật trí tuệ là dành thời gian trò chuyện “sâu” về những chủ đề mà cả hai đều có thể chia sẻ quan điểm. Khi trò chuyện, hãy luôn giữ thái độ hoà nhã và tôn trọng đối phương. Tất nhiên nếu mới quen nhau chưa lâu, bạn nên tránh những chủ đề nhạy cảm như tôn giáo hay chính trị.

Thân mật trải nghiệm (experiential intimacy)

Theo giáo sư xã hội học Rebecca Adams, sự gần gũi, lặp lại và tương tác ngoài dự kiến là ba điều kiện cần để duy trì sự thân mật trong một mối quan hệ. Thân mật trải nghiệm sẽ thuộc nhóm tương tác ngoài dự kiến, vì nó hình thành qua những trải nghiệm đáng nhớ như cùng nhau đi chơi hay du lịch.

Bên cạnh đó, cơ chế hồi tưởng lạc quan (rosy retrospection) của não khiến chúng ta có xu hướng thấy những kỷ niệm quá khứ luôn tươi đẹp. Những hồi tưởng này sẽ kích hoạt phản ứng cảm giác tự nguyện, đem lại năng lượng tương tự như khi khoảnh khắc đó diễn ra.

Chính vì vậy, thỉnh thoảng bạn nên dành thời gian “giữ lửa” bên đối phương. Một chuyến đi chơi ngắn, hoặc một trò chơi boardgame đơn giản đều là những cách hữu hiệu để làm điều này.

Thân mật tình dục (sexual intimacy)

Kiểu thân mật này là sự kết hợp giữa quan hệ tình dục và kết nối cảm xúc. Nó thể hiện qua việc khám phá cảm giác, nhu cầu và năng lượng của cơ thể trong quan hệ tình dục.

Cần hiểu rằng sự thân mật và quan hệ tình dục không nhất thiết đi đôi với nhau. Trong nhiều trường hợp, quan hệ tình dục có thể diễn ra mà không có sự kết nối cảm xúc - yếu tố giúp giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và ổn định tâm trí giữa hai người. Vì vậy, những mối quan hệ lâu dài và tích cực được duy trì bởi sự cân bằng giữa quan hệ tình dục và kết nối cảm xúc.

Đọc thêm về những trải nghiệm cảm xúc trong tình dục tại series Cởi Mở.

Thân mật tinh thần (spiritual intimacy)

Thân mật tinh thần được hình thành khi bạn và đối phương cùng mong muốn theo đuổi một lý tưởng sống lớn lao. Các lý tưởng sống này thường xuất phát từ những giá trị cá nhân mà cả hai theo đuổi. Vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen và suy nghĩ hàng ngày, nên hai người có chung một lý tưởng dễ dàng gắn bó với nhau hơn.

Để củng cố sự thân mật tinh thần, cả hai bên nên xác định và chọn lọc những giá trị tốt, có thể theo đuổi lâu dài. Những giá trị tốt thường dựa trên dẫn chứng cụ thể, có tính chất xây dựng và có thể kiểm soát được. Ngược lại, những giá trị dựa nhiều vào cảm xúc, có tính chất phá hoại và khó kiểm soát sẽ sớm gây mâu thuẫn giữa hai bạn.

Bên cạnh đó, việc xác định được những giá trị mình muốn theo đuổi cũng giúp bạn xây dựng hình ảnh rõ ràng về bản thân, từ đó “ghi điểm” trong mắt đối phương.

Thân mật xung đột (conflict intimacy)

“Thân mật” và “xung đột” dường như là hai khái niệm trái ngược. Nhưng thực tế, sự xung đột trong một mối quan hệ là khó tránh khỏi.

Xung đột diễn ra khi một bên áp đặt thế giới quan của mình lên bên còn lại, mà quên rằng mỗi người có cuộc sống và trải nghiệm khác nhau. Điều này thể hiện qua những lời nói hoặc hành động vô tình khiến đối phương tổn thương.

Ngoài ra, việc kìm nén cảm xúc và suy nghĩ khiến xung đột trở nên tồi tệ hơn, vì những điều không được bộc lộ ra sẽ tích tụ trong vô thức. Khi chạm đến giới hạn chịu đựng, chúng sẽ bộc phát thành những cuộc cãi nhau nảy lửa mà ta khó có thể kiểm soát.

Nhưng một khi giải quyết được xung đột, cả hai bên sẽ hiểu nhau nhiều hơn, học cách tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Việc mỗi bên có thể làm là lắng nghe đối phương với lòng thấu cảm và sự bình tĩnh để cùng đưa ra hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Thân mật sáng tạo (creative intimacy)

Kiểu thân mật này được hình thành khi hai bên cùng tham gia một hoạt động sáng tạo, như vẽ tranh hay làm đồ handmade. Sáng tạo là phương thức bộc lộ bản thân được nhiều nhà trị liệu áp dụng, bởi nó mang lại cơ hội thể hiện những cảm xúc hay suy nghĩ khó bộc lộ thành lời.

Vì vậy, sự thân mật sáng tạo giúp hai bạn hiểu về những khía cạnh khác nhau của đối phương, cũng như phong cách, thẩm mỹ, tài năng và niềm đam mê của nhau. Điều này giúp các bạn hiểu nhau hơn trong đời sống tình cảm, và hợp tác với nhau dễ dàng hơn trong tương lai. Chẳng hạn khi cùng nhau trang trí nhà cửa, một cặp đôi có sự thân mật sáng tạo sẽ phối hợp tốt và ít xảy ra mâu thuẫn.

Có nhiều hoạt động giúp xây dựng sự thân mật sáng tạo như cùng nhau vẽ tranh, làm thủ công, nấu ăn và trang trí nhà cửa. Nên cố gắng duy trì những hoạt động này ít nhất 1 lần mỗi tuần, như vậy vừa giúp bạn xả stress, vừa hiểu đối phương nhiều hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục