Để điều chỉnh giá trị cá nhân, cần tìm kiếm những giá trị lành mạnh | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Để điều chỉnh giá trị cá nhân, cần tìm kiếm những giá trị lành mạnh

Theo Mark Manson, giá trị cá nhân có thể thay đổi theo thời gian. Trong quá trình này, việc xác định một giá trị lành mạnh hay không rất quan trọng.
Để điều chỉnh giá trị cá nhân, cần tìm kiếm những giá trị lành mạnh

Nguồn: Axel Holen @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Giá trị cá nhân: Bạn thực sự là ai trên đường đời?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “Personal Values: How to Know Who You Really Are”, được đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chúng ta chính là những gì bản thân thấy giá trị

Có lẽ ai cũng từng nghe một câu chuyện về một người trung lưu, có học thức và công việc tử tế bỗng cảm thấy cần “giác ngộ”. Và rồi anh quyết định dành 10 ngày (hoặc 10 tháng) cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, đi đến một nơi hẻo lánh nào đó trên địa cầu để “tìm thấy chính mình”. Đây có thể chính là bạn vào một thời điểm nào đó. Tôi biết, chính tôi cũng từng làm như vậy trong quá khứ.

Khi có ai nói rằng họ muốn “tìm thấy chính mình”, thực tế là họ đang tìm kiếm những giá trị mới. Bản sắc của ta - cái ta vẫn hiểu và nhận thức là “chính mình” - là sự tổng hợp của mọi giá trị ta coi trọng. Vì vậy khi bạn “đi trốn” một mình đến nơi nào đó, điều bạn thực sự đang làm là tìm một nơi phù hợp để nhìn nhận lại những giá trị của bản thân.

Đây là toàn bộ quá trình nó diễn ra:

-Bạn đang phải trải qua một lượng lớn áp lực hoặc căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

-Vì những căng thẳng đó, bạn cảm giác như đang mất kiểm soát phương hướng cuộc sống của chính mình. Bạn không biết mình đang làm gì, và tại sao mình lại làm nó. Bạn cảm thấy những hoài bão và quyết định của mình không còn quan trọng nữa. Có thể bạn muốn uống mojito và chơi đàn banjo, nhưng yêu cầu quá lớn từ trường học, công việc hay người yêu khiến bạn thấy mình không còn thực hiện được những mong muốn trên.

-Đây chính là “bản ngã” mà bạn thấy mình “đánh mất”. Bạn không thể lái được con thuyền cuộc đời của chính mình. Thay vào đó, bạn bị đẩy qua đưa lại trên mặt biển bởi những ngọn gió mang tên “trách nhiệm”.

-Bằng cách kéo bản thân ra khỏi mớ áp lực trên, bạn khôi phục được cảm giác có thể kiểm soát bản thân. Một lần nữa, bạn chịu trách nhiệm về sự tồn tại của chính mình mà không bị 7749 thứ áp lực bên ngoài can thiệp.

-Bên cạnh đó, bạn có thể nhìn lại những áp lực này từ bên ngoài và tự hỏi bản thân có thực sự muốn sống cuộc sống đang có hay không. Đây có phải là bạn không? Có phải thứ mà bạn trân trọng không? Bạn tự vấn các quyết định và ưu tiên của mình.

-Rồi bạn quyết định có vài thứ bạn muốn thay đổi. Có những thứ bạn đang quan tâm quá nhiều và bạn muốn dừng lại. Có những thứ khác bạn cảm thấy mình nên quan tâm hơn và dặn lòng sẽ ưu tiên chúng. Giờ bạn đang xây dựng “bản ngã mới”.

-Sau cùng, bạn thề sẽ quay lại “thế giới thực” và sống theo những ưu tiên mới, trở thành “bản ngã mới” - nhất là khi da bạn giờ đã rám nắng.

Dù diễn ra trên một du thuyền, trong rừng rậm hay một hội thảo self-help nào đó, thì quá trình này cơ bản chỉ là cuộc trốn chạy để điều chỉnh giá trị của một người.

title24feb2022pexelsminan1234035jpg 24feb2022pexelsminan1234035jpg
“Đi trốn” thực ra là phương pháp tìm kiếm thời gian để nhìn nhận và điều chỉnh những giá trị của bản thân. | Nguồn: Pexels

Bạn rời đi để nhìn ra điều gì thực sự là quan trọng trong cuộc sống, sau đó quay lại để sống với nó. Bằng việc thay đổi những ưu tiên của mình, bạn thay đổi các giá trị bản thân và trở thành “một con người mới”.

Giá trị là thành phần cơ bản cấu thành tâm lý và bản sắc của chúng ta. Chúng ta được định nghĩa bởi những gì ta cho là quan trọng trong cuộc sống, những gì ta ưu tiên.

Nếu tiền quan trọng hơn tất cả, nó sẽ xác định ta là ai. Nếu việc nằm dài hút thuốc là điều quan trọng nhất trong đời, nó cũng sẽ xác định ta là ai. Và nếu ta cảm thấy tồi tệ về bản thân, nếu ta tin mình không xứng đáng được yêu hay thành công, nó cũng sẽ xác định ta là ai - thông qua hành động, lời nói và quyết định của chúng ta.

Bất kỳ sự thay đổi bản thân nào cũng dẫn đến thay đổi cấu tạo giá trị của chúng ta. Khi biến cố xảy ra, nó tàn phá chúng ta. Bởi ta không chỉ cảm thấy buồn, mà còn mất đi thứ ta trân trọng.

Nếu sự mất mát này đủ lớn, nó sẽ khiến ta tự vấn về giá trị của cuộc sống. Ta trân trọng bạn trai/bạn gái cũ, và giờ thì họ không còn bên ta nữa. Điều đó nghiền nát trái tim ta, khiến ta tự vấn mình là ai, giá trị của mình là gì và mình biết gì về thế giới. Nó quăng ta vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh hoặc khủng hoảng bản sắc, bởi ta không còn biết phải tin vào cái gì, phải làm gì và cảm thấy thế nào nữa.

Sự thay đổi về cấu thành danh tính này cũng xảy ra với những việc tích cực. Khi đạt được thành công, ta không chỉ cảm nhận niềm vui chiến thắng mà còn thay đổi cách ta định giá bản thân. Ta thấy bản thân đáng giá hơn và xứng đáng (thành công) hơn. Cứ như vậy, cuộc sống có thêm ý nghĩa và rung cảm mãnh liệt. Đây chính là sức mạnh lớn lao của giá trị.

Vì sao một số giá trị lại ưu việt hơn số còn lại

Trước khi đi sâu vào xác định và thay đổi các giá trị cá nhân (nếu cần), chúng ta nên tìm hiểu xem giá trị nào có lợi và giá trị nào có hại. Tôi định nghĩa các giá trị tốt và xấu như sau:

Đặc điểm của những giá trị tốt:

  • Dựa trên dẫn chứng cụ thể
  • Có tính chất xây dựng
  • Có thể kiểm soát được

Đặc điểm của những giá trị xấu:

  • Dựa trên cảm xúc
  • Có tính chất phá hoại
  • Không thể kiểm soát được

Giá trị dựa trên dẫn chứng và giá trị dựa trên cảm xúc

Phụ thuộc và tin tưởng quá nhiều vào cảm xúc rất có hại. Thật không may là rất nhiều người trong chúng ta mắc lỗi này mà không nhận ra.

Nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, hầu hết chúng ta thường ra quyết định và hành động dựa trên cảm xúc thay vì kiến thức hoặc thông tin. Mà cảm xúc của chúng ta thường xoay quanh bản thân, sẵn sàng từ bỏ lợi ích lâu dài cho những lợi ích trước mắt, và thường sai lệch hoặc mang tính ảo tưởng.

Những người sống dựa vào cảm xúc sẽ cảm thấy như đang chạy mãi trên máy chạy bộ, lúc nào cũng cần nhiều hơn nữa. Cách duy nhất để bước khỏi chiếc máy là tìm ra điều gì quan trọng hơn cảm xúc của bạn. Đó có thể là một tác nhân, một mục tiêu hay một người nào đó mà bạn sẵn sàng chịu đau để bảo vệ.

title24feb2022treadmilljpg 24feb2022treadmilljpg
Nếu chỉ sống dựa vào cảm xúc, bạn sẽ thấy như mắc kẹt trên một chiếc máy chạy bộ không ngừng. | Nguồn: Pexels

“Tác nhân” đó chính là cái chúng ta hay gọi là “mục đích sống” của mình. Việc tìm ra nó là một nỗ lực quan trọng để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng ta không nên tìm kiếm mục đích sống thuần túy qua những gì mang lại cảm xúc tích cực. Nó phải được xem xét một cách lý trí. Ta phải tìm được bằng chứng củng cố cho nó. Nếu không, ta sẽ dành cả đời để theo đuổi một ảo ảnh.

Giá trị mang tính xây dựng và giá trị mang tính phá hoại

Cái này nghe thì đơn giản, nhưng nếu nghĩ kỹ về nó thì cũng khá hại não đấy.

Chúng ta coi trọng điều gì có lợi, và không coi trọng thứ gì có hại cho bản thân mình và người khác. Điều này là lẽ đương nhiên.

Thế nhưng việc xác định được cái gì có lợi và cái gì gây hại cho ta có thể trở nên phức tạp. Việc tập gym hết mình về lý sẽ gây hại cho cơ thể, nhưng nó cũng giúp ta khỏe hơn. Uống thuốc lắc có thể cải thiện cảm xúc của bạn trong một số trường hợp. Nhưng nếu cuối tuần nào bạn cũng uống, thì bạn đang tự hủy hoại tinh thần mình nhiều hơn là giúp ích cho nó. Tình một đêm có thể là cách giúp bạn nâng cao sự tự tin, nhưng cũng có thể là phương tiện để né tránh sự thân mật hoặc trưởng thành về cảm xúc.

Ranh giới giữa lợi ích và tác hại rất mờ nhạt, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Vì vậy mà những gì bạn coi trọng không quan trọng bằng lý do bạn coi trọng nó.

Nếu bạn coi trọng võ thuật vì bạn thích tấn công người khác, thì đó là một giá trị tồi. Nhưng nếu bạn coi trọng nó vì bạn trong quân đội và muốn học cách bảo vệ bản thân và người khác - thì đó lại là giá trị tốt. Cùng một vấn đề, nhưng mang lại hai kiểu giá trị khác nhau. Sau tất cả, chủ đích của bạn là quan trọng nhất để quyết định nó là giá trị gì.

Giá trị có thể kiểm soát và giá trị không thể kiểm soát

Khi bạn coi trọng thứ gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, thì về cơ bản bạn đã “bán” linh hồn mình cho nó.

Ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này là tiền. Đúng là bạn có thể kiểm soát một phần với số tiền bạn kiếm được, nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn. Sẽ có lúc nền kinh tế suy thoái, các công ty phá sản và những ngành nghề bị công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Nếu bạn làm mọi thứ chỉ vì tiền, rồi bi kịch ập đến và toàn bộ tiền của bạn bị đốt vào viện phí - thì những gì bạn mất không chỉ là một người thân. Bạn cũng sẽ mất đi toàn bộ mục đích sống của mình.

Tiền bạc là một giá trị tồi vì bạn không thể kiểm soát nó. Sự sáng tạo, siêng năng hay tinh thần làm việc tích cực là những giá trị tốt vì bạn CÓ THỂ kiểm soát chúng. Và khi bạn đạt được những giá trị này, tiền sẽ tự động về với bạn.

Chúng ta cần những giá trị ta có thể kiểm soát, bằng không thì giá trị sẽ kiểm soát chúng ta. Và như vậy không ổn chút nào.

title24feb2022pexelsryannielmasucol3389450jpg 24feb2022pexelsryannielmasucol3389450jpg
Nếu lựa chọn không cẩn thận, ta sẽ bị kiểm soát bởi chính giá trị mình đang theo đuổi. | Nguồn: Pexels

Một số giá trị tốt có thể kể đến: Trung thực, mở lòng, biết đấu tranh cho bản thân và người khác, tự trọng, hiếu kỳ, bác ái, khiêm tốn và sáng tạo.

Một số giá trị không lành mạnh bao gồm: Thống trị người khác bằng thao túng hoặc bạo lực, quan hệ tình dục bừa bãi, luôn lạc quan quá đà, luôn là trung tâm của sự chú ý, làm giàu vì lợi ích của sự giàu có và chà đạp lên người khác để đạt được lợi ích của mình.

Vậy làm thế nào để xác định giá trị cá nhân và tìm được chính mình? Cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.