AI - Từ huyền thoại ra đời thực
Có lịch sử chưa đầy trăm năm nhưng AI (trí tuệ nhân tạo) vẫn khiến chúng ta tò mò, bối rối, thích thú, khó chịu, hy vọng và cả thất vọng. AI có thể được giải thích bằng nhiều ý niệm khác nhau như: công nghệ, robot, máy tính, thuật toán, dữ liệu. AI cũng có thể là phản diện, diệt vong, thao túng tâm lý, cướp mất việc làm…
AI được cho là ra đời lần đầu tiên vào năm 1950, với hệ thống tự động Theseus được tạo ra bởi Claude Shannon. Sự nổi tiếng của Open AI (ChatGPT) những ngày đầu năm 2023 cho thấy một sức hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết về chủ đề này. Đó là chưa kể đến một cuộc tranh luận gắt gao trước đó về Midjourney - AI tạo ra tranh vào nửa cuối năm 2022.
Trong hơn 70 năm qua, chúng ta thấy sự lớn mạnh của công nghệ, từ học máy đến hệ thống máy tính đầu tiên, mạng Internet đến chiếc smart phone đầu tiên, robot rồi Metaverse,... AI không còn là công nghệ của tương lai mà đã thực sự có mặt ngay ở đây. Phần lớn những gì đang diễn ra trong thực tế không khác mấy với các tác phẩm khoa học viễn tưởng mà ta vẫn đọc, xem.
Sự thật là các hệ thống AI ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiều chuyên gia AI tin rằng trí tuệ nhân tạo có khả năng ở cấp độ con người sẽ được phát triển trong những thập kỷ tới. Một số người còn tự tin điều này có thể sẽ đến sớm hơn.
Công nghệ mới đã thực sự tác động đến chúng ta. AI đang thay đổi cách ta thấy, điều ta biết, thứ ta làm, dù những công nghệ này có một lịch sử phát triển chưa dài.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ nói đến khía cạnh ý tưởng AI trong những huyền thoại cổ xưa, về nguồn gốc và tưởng tượng. Bên cạnh đó là quá trình huyền thoại hóa AI trong các sản phẩm văn hóa đại chúng ngày nay.
AI trong những huyền thoại cổ xưa
AI không hẳn là sáng chế có từ thế kỷ 20, mà từ trước đó rất lâu, trong các huyền thoại cổ xưa đã có những ý tưởng phác thảo về nó. Các nhà sử học thường truy cứu nguồn gốc của sự tự động hóa từ thời kỳ trung đại, khi thiết bị tự động đầu tiên được sáng chế. Tuy vậy, ý tưởng về artificial (nhân tạo) đã có mặt trong các sử thi và thần thoại của người Hy Lạp từ 2700 năm trước.
Người Hy Lạp cổ đã tạo nên hình ảnh để kết nối các liên tưởng và tưởng tượng về AI, robot. Cả hàng nghìn năm trước khi học máy (learning machine) ra đời, những truyện cổ đã xuất hiện các trí tuệ nhân tạo như: Talos (robot bằng đồng khổng lồ,) Pandora (người phụ nữ nhân tạo,)... Hephaestus - vị thần của kỹ nghệ, con trai của Zeus và Hera trong thần thoại Hy Lạp, cũng là một hình tượng lấp đầy thêm những tưởng tượng về AI thời xa xưa.
Adrienne Mayor, với tư cách là một nhà sử học về khoa học cho rằng: màu sắc chính của trí tuệ nhân tạo, robot và thiết bị tự động hóa đã xuất hiện từ cổ xưa. Trong các tác phẩm văn chương của Hesiod và Homer, những người sống vào khoảng từ 750 - 650 trước Công nguyên, đã tìm thấy “dấu hiệu” của AI.
Bà Adrienne Mayor từng xuất bản cuốn sách Gods and Robots: Myths, Machines, and Ancient Dreams of Technology. Theo bà, Talos là một “robot” khổng lồ bằng đồng và nữ phù thủy Medea đã đánh bại bằng cách tháo chốt ở mắt cá chân, khiến chất lỏng (ichor) chảy ra.
Trong khi đó, câu chuyện ngắn ngủi về nàng Pandora lại được liên tưởng như một trợ lý ảo thời thần thoại. Có khi nào, Pandora là phiên bản sơ khai của những trợ lý ảo như Siri, Alexa ngày nay?
Không chỉ có người Hy Lạp cổ mới hình thành các ý tưởng về trí tuệ nhân tạo. Người Trung Quốc, hay Ai Cập cổ cũng không ngừng “sáng chế” ra AI từ những niềm tin tôn giáo, các tác phẩm văn chương hư cấu.
Trong cuốn Liệt Tử, một tác phẩm Đạo giáo đã đề cập đến việc chế tạo ra một con rối (robot) giống người. Thậm chí con rối này còn có thể nhảy múa, ca hát hay tán tỉnh những phi tần khiến nhà vua phải khiếp sợ.
Những phát minh như xe cút kít tự động bằng gỗ (wheelbarrow) có thể chịu được sức nặng và di chuyển một quãng đường mà không cần đến nhiên liệu hay sức người đã có từ lâu tại Trung Quốc. Những câu chuyện về cỗ máy rót rượu tự động, hay robot giúp việc nhà cũng xuất hiện trong các câu chuyện tại Trung Quốc (660 - 978.)
Văn hóa đại chúng tiếp tục huyền thoại hóa AI
Sự phổ biến của máy tính, mạng Internet, xe tự động lái, Facebook, Midjourney, OpenAI (ChatGPT)... cũng chính là sự lớn mạnh của công nghệ AI. Nhưng khi được hỏi về AI, đa số chúng ta dễ có xu hướng liên tưởng đến các sản phẩm văn hóa đại chúng.
Bạn bắt đầu nghĩ về HAL, SKYNET hay Ultron (trong truyện tranh và phim siêu anh hùng Marvel,) những cỗ máy hủy diệt muốn xóa sổ loài người. Bạn cũng có thể lập tức nhớ ngay đến Wall-E tốt bụng của Pixar, hay R2D2 và C3PO từ Star Wars. Và ngay lúc này, có thể bạn đang hồi tưởng lại trong đầu về tập phim Three Robots từ series Love, Death, Robots của Netflix…
Với nhiều người thuộc thế hệ 8x tại Việt Nam, trước khi được nhìn thấy người máy ASIMO đi lại trên truyền hình (hoặc ngoài đời thực), họ có thể biết đến robot trong Star Wars, hay bộ phim truyền hình Cô gái robot của Australia.
Và những thương hiệu phim nổi tiếng Hollywood như Terminator (Kẻ Hủy Diệt) và đặc biệt là The Matrix (Ma trận) đã trở thành một phần tuổi trẻ của không ít người. Dù uống viên thuốc đỏ hay xanh, chúng ta vẫn đang sống giữa thời đại AI. Truyền thông đại chúng vẫn không ngừng nhào nặn và truyền tải nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau về chủ đề này.
Không thể phủ nhận rằng, các sản phẩm văn hóa đại chúng đã gieo vào đầu chúng ta những ý tưởng khác nhau, tiếp tục quá trình huyền thoại hóa AI.
Dù viễn cảnh tương lai diệt vong, robot xâm chiếm, AI đứng dậy chống lại loài người hẵng còn xa vời, chúng ta cứ ghim vào đầu nhiều ý niệm khác nhau về thế giới tận diệt. Thủ phạm và nỗi khiếp sợ, không ai khác chính là AI.
Nhưng rồi bạn chợt nhớ đến Samantha rất đỗi dịu dàng trong Her - một trợ lý ảo giúp con người vơi bớt cô đơn trong thế giới hiện đại. Hay như trong Ex Machina, chúng ta được “cấy nạp” vào đầu về AVA - một robot không chỉ có trí khôn, mà còn học được cảm xúc con người.
Có thể nói, khắp các “mặt trận” của văn hóa đại chúng, từ truyện tranh đến tiểu thuyết khoa học-viễn tưởng, từ phim ảnh đến âm nhạc đều có bóng dáng của AI. Thậm chí những năm gần đây, những nghệ sĩ ảo được phát triển dựa trên một phần hoặc toàn bộ thuật toán. Các nghệ sĩ-nhân tạo này cũng bắt đầu tiếp thị đến công chúng toàn cầu.
Quá trình huyền thoại hóa AI trong các sản phẩm văn hóa đại chúng không giống như cổ xưa, chỉ mang màu sắc ngợi ca mà gần gũi với con người hơn, nhân bản hơn. Những AI này có tốt, có xấu, có bình thường hoặc vô hại.
Ở mặt khác, những “sáng chế” về AI trong văn hóa đại chúng, một cách nào đó phân biệt giữa con người (tính người) và AI (nhân tạo.) Tuy vậy, hầu hết các mô tả hay huyền thoại hóa AI trong các tác phẩm này cũng chưa thực sự chính xác.
Chúng ta ngày càng gần hơn với trí tuệ nhân tạo trong đời thực. Và không thể phủ nhận rằng, văn hóa đại chúng đã gia tăng sự định hình cũng như ánh nhìn cộng đồng về sự phát triển của công nghệ mới này. Hư cấu về AI cũng là một trong nhiều cách để chúng ta thể hiện mối quan tâm và hy vọng cho công nghệ này.
Gạt bỏ huyền thoại, sống cùng AI giữa đời thực
Nếu gạt đi những huyền thoại cổ xưa và trong văn hóa đại chúng ngày nay, chúng ta đã thực sự sống trong thời đại AI. Từ nhạc chúng ta nghe trên Spotify, tin tức ta thấy trên newsfeed của Facebook, video được gợi ý trên YouTube… đều là AI, được chi phối bằng thuật toán và dữ liệu.
Gần như mọi hoạt động giải trí của chúng ta ngày nay đều được “điều khiển” bởi AI. Từ quyết định đi du lịch ở đâu, đặt phòng ở khách sạn nào, mua sắm và tiêu dùng… đều có ít nhiều sự can thiệp của AI ẩn dưới lớp vỏ digital marketing (tiếp thị trực tuyến.)
Rotbot giúp việc ngày càng xuất hiện trong nhà nhiều hơn, và ta có Siri là trợ lý ảo. Và giờ đây, khi Midjourney khiến cộng đồng thiết kế, họa sĩ “nhăn mặt” hay ChatGPT tạo nên cơn sốt, ta lại càng cảm thấy AI hiện hữu gần hơn nữa.
Thuật ngữ artificial intelligence (Trí tuệ nhân tạo) chính thức ra đời vào năm 1956, tại một hội nghị của trường Dartmouth College, New Hampshire, Mỹ. Từ đó đến nay, AI đã trở thành xu hướng đầu tư và tăng trưởng chóng mặt.
Viễn cảnh về robot và AI diệt vong loài người hẵng còn xa (như đã nói ở trên) nhưng các hệ thống AI đang lớn mạnh và thông minh hơn. AI đã và đang thay đổi mà cách chúng ta nghe - xem - đọc - chơi - làm việc; và ảnh hưởng đến cả vấn đề lao động, việc làm.
Nhưng trên tất cả đó, AI đang khiến chúng ta phải thay đổi và tính toán lại chính cuộc đời mình.