Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và khủng hoảng lương thực có ảnh hưởng đến Việt Nam?

Việt Nam - một trong những vựa lúa gạo lớn nhất thế giới không bị nhiều tác động của lệnh cấm, thế nhưng phần còn lại của thế giới đang chịu nhiều rủi ro.
Thư Vũ
Nguồn: CNN

Nguồn: CNN

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 20/7 vừa qua, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ thông báo dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức.

Ngay sau đó, vào ngày 28/7, bộ Kinh tế UAE cũng thông báo lập tức dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng, áp dụng với tất cả loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Cùng thời điểm, Nga cũng ra thông báo tương tự.

Như vậy chỉ trong một tuần, với lệnh cấm từ ba quốc gia trong đó có Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã khiến giá gạo của thế giới tăng cao, người tiêu dùng đổ xô mua gạo tích trữ. Điều này làm trầm trọng hơn các lo ngại về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đã được dự báo từ năm 2022.

2. Vì sao Nga, UAE, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo?

Lý do đầu tiên đến từ tình hình thời tiết, khí hậu và khủng hoảng năng lượng. Trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường như mưa lũ và hạn hán, El Nino phá huỷ mùa màng, việc các nước cấm xuất khẩu gạo sẽ giúp đảm bảo nguồn cung và “làm dịu đà tăng trưởng giá” ở thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, tình hình chiến sự Nga - Ukraine sau hơn một năm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hay tiến triển khả quan càng làm dấy lên lo ngại thiếu hụt sản lượng, cũng như đẩy giá gạo và nhiều loại ngũ cốc khác tăng vọt.

Với UAE, đất nước này thường xuyên phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước, lạm phát cũng có thể là nguyên nhân đằng sau quyết định này. Chính phủ Nga cũng đưa ra các lý do tương tự, thêm vào đó là yêu cầu hỗ trợ ngành chế biến và chăn nuôi gia súc.

3. Ảnh hưởng của lệnh cấm này lên an ninh lương thực thế giới ra sao?

Có thể với chúng ta, những người Việt Nam sinh sống ở một trong những vựa lúa gạo lớn nhất thế giới không cảm nhận được nhiều tác động của lệnh cấm này. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới đang chịu nhiều rủi ro và thách thức.

Đầu tiên, với các quốc gia Đông Nam Á là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ như Malaysia hay Singapore, nguồn cung khan hiếm khiến giá gạo bị đẩy lên cao nhất trong thập kỷ. Điều này cũng làm tăng chi phí sống và kéo theo các mức lạm phát khác.

Hơn nữa, Ấn Độ hiện cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia với Trung Quốc, Senegal và Bờ Biển Ngà là các khách hàng lớn nhất. Như vậy, bên cạnh Đông Nam Á, thị trường Châu Phi và Châu Á cũng phải đối diện với khủng hoảng.

Ở Mỹ, lượng mua bán gạo đã tăng nhanh khi các cộng đồng châu Á lo lắng, những người mà gạo là lương thực chính, đã đổ xô đến các cửa hàng. Các cửa hàng của các thương hiệu lớn cũng chứng kiến sự tranh giành tương tự.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại Canada. Việc không có đủ dự trữ đáp ứng nhu cầu gia tăng cũng khiến một số cửa hàng phải tăng giá bán gạo.

Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan hiện đang là những nhà sản xuất hàng đầu và nhà cung cấp gạo lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo, Thái Lan và Việt Nam không có đủ hàng tồn kho để bù đắp sự thiếu hụt này.

4. Khủng hoảng lương thực thế giới đang diễn ra thế nào?

Gần 2 tuần qua, cả thế giới chung một mối lo đó là đảm bảo an ninh lương thực, do sự xoay chuyển khó đoán từ xuất khẩu sang tích trữ của một số cường quốc xuất khẩu nông sản.

Trước đây, gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trong tổng số hơn 7 tỷ người trên thế giới. Từ năm ngoái, những biến động nguồn cung lúa mì kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến nhiều người phải chuyển từ lúa mì sang tiêu thụ gạo, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, gạo cũng phải đối mặt với nỗi lo khan hiếm chẳng kém, thậm chí còn hơn cả lúa mì. Nguyên nhân là 90% loại lúa nước này được sản xuất ở châu Á. Vào những năm El Nino như năm nay, lượng mưa thấp hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến việc gieo cấy và sản lượng.

Không chỉ giá gạo, nhiều quốc gia còn chứng kiến giá của các loại nông sản thiết yếu khác tăng cao. Từ cuối năm 2022, giá hành tím và hành tây, thành phần thiết yếu trong hầu như mọi món ăn ở Philippines, đã tăng lên gần 13 USD/kg, mức giá cao nhất trong 14 năm, do lạm phát.

Tháng trước, giá cà chua ở Ấn Độ - nước sản xuất cà chua lớn thứ 2 trên thế giới - tăng hơn 341% so với cùng kỳ năm trước do lũ lụt. Nhiều người dân Ấn Độ thậm chí phải đi sang tận nước láng giềng để tìm mua cà chua giá rẻ hơn.

Trước đó, cuộc khủng hoảng cà chua cũng đã xảy ra ở các nước khác như Anh, Ý, Pháp,.. Hãy thử tưởng tượng những món như English breakfast hay mì Ý mà không có cà chua sẽ thế nào?

Ở bức tranh rộng hơn, không chỉ lúa gạo hay rau củ, giá các loại thực phẩm thiết yếu cơ bản như bánh mì, sữa và phô mai tăng cao cũng gây áp lực nhiều lên các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nghiên cứu chung với Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra, có tới 828 triệu người phải đi ngủ trong tình trạng bụng rỗng mỗi đêm.

5. Vì sao chúng ta không cần quá lo lắng?

Lý do đầu tiên chắc chắn ai cũng biết, Việt Nam là thị trường sản xuất và xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới. Với khả năng sản xuất như hiện nay, nếu không có tác động bất ngờ nào như thiên tai, Việt Nam sẽ luôn đảm bảo được an ninh lương thực.

Chính nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu đa dạng và khả năng tự cung ứng, chúng ta có thể chủ động trước những thay đổi và chính sách của các quốc gia lớn khác.

Bên cạnh đó, gạo còn là một trong những mặt hàng bình ổn giá theo chính sách của chính phủ Việt Nam. Trong 10 năm qua, dù có suy thoái kinh tế, lạm phát hay mất mùa, giá gạo trong thị trường cũng chỉ tăng ở mức vừa phải so với chi tiêu các mặt hàng khác.

Hơn nữa, lượng dự trữ gạo trong nước đang là 3.8 triệu tấn, điều này giúp chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong những xáo trộn này, khi mà ngay cả các nước lớn như Trung Quốc, Singapore hay Mỹ đều gặp vấn đề.

Hiện nay, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp. Không chỉ với gạo, rau củ và trái cây ở Việt Nam cũng rất đa dạng, đạt sản lượng lớn cho tiêu dùng và xuất khẩu, đảm bảo cuộc sống của hơn 100 triệu dân.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục