Bạn là kiểu tính cách nào trong chuyện tiền bạc?

Việc nắm được tính cách của mình trong vấn đề tiền bạc sẽ giúp bạn cải thiện các thói quen và quyết định tài chính của mình.
Hiền Lê
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Khi nói đến sức khỏe tài chính, chúng ta thường để ý tới cách thức hoạt động của tiền và nguồn lực giúp ta ra quyết định sáng suốt. Tuy nhiên có một yếu tố quan trọng mà không ít người bỏ qua, đó là tính cách của họ trong tiền bạc.

“Tính cách” ở đây là cách tiếp cận và phản ứng cảm xúc của một cá nhân với tiền bạc. Chúng được hình thành bởi kinh nghiệm sống của chúng ta, hoặc được truyền lại từ thế hệ trước.

Theo nghiên cứu của chuyên gia tâm lý tài chính Ken Honda, có 7 kiểu tính cách khác nhau trong vấn đề tiền bạc. Việc xác định kiểu tính cách của mình sẽ giúp bạn nhận biết các cạm bẫy có thể ảnh hưởng đến quyết định tài chính. Nó cũng góp phần cải thiện quan hệ của bạn với tiền, từ đó ít mua sắm bốc đồng hơn, đầu tư sáng suốt hơn và lên ngân sách tốt hơn.

1. Người thích giữ tiền (the compulsive saver)

Đặc điểm:

  • Bạn có xu hướng muốn để dành tất cả tiền kiếm được. Với bạn, đây là cách hiệu quả nhất để cảm thấy an toàn trong cuộc sống.
  • Bạn sống rất tiết kiệm, chỉ muốn tiêu vào những khoản tối cần thiết. Nguyên nhân có thể đến từ việc bạn lớn lên trong cảnh nghèo khó.
  • Bạn là “chúa tể” mặc cả, “hung thần” săn deal. Bạn nằm lòng từng địa chỉ mua quần áo, thực phẩm, đặt vé máy bay… với mức giá rẻ nhất.

Cạm bẫy: Vì thuộc phe “giữ tiền”, bạn không dám chi tiêu cho những sở thích hoặc trải nghiệm giúp cuộc đời phong phú hơn. Điều này khiến bạn dễ bị căng thẳng hơn, do nỗi lo mất tiền luôn thường trực và thiếu đi những hoạt động giúp cơ thể sản sinh dopamine.

Giải pháp: Nên cố gắng tìm điểm cân bằng giữa để dành tiền và tận hưởng cuộc sống. Bạn có thể học cách đầu tư để giúp tiền tiết kiệm của bạn đẻ thêm ra tiền, và dành một khoản riêng trong ngân sách hàng tháng cho sở thích hoặc các hoạt động giải trí.

2. Người thích tiêu tiền (the compulsive spender)

Đặc điểm:

  • Bạn thường xuyên chi tiêu mà không lên ngân sách.
  • Bạn tiêu tiền mỗi khi bị stress. Hệ quả là bạn mua những thứ bạn không thực sự cần, để rồi hối hận ngay sau đó.
  • Bạn coi tiêu tiền là cách để thể hiện bản thân. Bạn thường thích mua đồ hiệu, đổi điện thoại mới dù cái cũ vẫn xài tốt, hoặc khao bạn bè không vì lý do gì.

Cạm bẫy: Việc tiêu tiền mang lại cho bạn lượng dopamine rất lớn. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể chi tiêu mất kiểm soát ngay cả khi đang nợ, từ đó tăng nguy cơ phá sản hoặc nợ tín dụng xấu. Bạn cũng khó cưỡng lại các kích thích chi tiêu vào thời điểm mệt mỏi hoặc trong mùa sale.

Giải pháp: Ưu tiên lập ngân sách hàng tháng để giúp bạn kỷ luật hơn với việc chi tiêu của bản thân. Để có cảm giác tiền bạc rõ ràng hơn, bạn nên chi tiêu bằng tiền mặt và hạn chế dùng thẻ tín dụng. Ngoài ra, để tránh mắc phải cạm bẫy tiêu tiền, bạn nên tìm những cách giải tỏa khác khi tâm trạng rơi xuống hố sâu.

3. Người thích kiếm tiền (the compulsive moneymaker)

Đặc điểm:

  • Bạn tin rằng chỉ kiếm nhiều tiền hơn mới cải thiện được chất lượng cuộc sống.
  • Bạn lao đầu vào kiếm tiền bất cứ khi nào có thể, dù điều đó khiến bạn gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
  • Bạn thích được khen ngợi và công nhận về thành tích kiếm tiền của mình.

Cạm bẫy: Việc kiếm tiền “điên cuồng” giúp bạn nhanh chóng đạt tự do tài chính. Tuy nhiên, cái giá bạn phải trả cho việc này là mất đi những khoảng thời gian chất lượng bên người thân, bạn bè hoặc cho chính bản thân bạn. Điều này dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Giải pháp: Cuộc sống không chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc. Việc đầu tư cho đời sống tinh thần, dành thời gian cho bản thân và những người thân yêu đều giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn có thể cân nhắc tham gia làm từ thiện. Cách này vừa giúp bạn chứng minh khả năng tài chính, lại vừa giúp đỡ những người kém may mắn.

4. Người vô tư với tiền (the indifferent-to-money)

Đặc điểm:

  • Bạn hiếm khi nghĩ về tiền và không thực sự quan tâm tới tiền bạc. Vì vậy bạn thường rất ngại lên ngân sách.
  • Bạn thấy tiền bạc không nên tác động tới các quyết định quan trọng trong đời.
  • Bạn đến từ gia đình khá giả, và chưa từng phải lo chuyện cơm áo gạo tiền.

Cạm bẫy: Bạn thường không cần quá nhiều tiền để sống hạnh phúc - đây là suy nghĩ lành mạnh. Nhưng nó có thể phản tác dụng nếu bạn không chịu trách nhiệm quản lý tài chính của mình (chẳng hạn bạn không kiếm tiền mà phụ thuộc vào vợ, chồng hoặc bố mẹ).

Giải pháp: Dù có tài chính dư dả, bạn cũng nên tập thói quen quản lý dòng tiền của mình. Bạn cần nắm được ngân sách mỗi tháng, số tiền đã chi tiêu hoặc số tiền nợ nếu có. Quan trọng nhất, luôn luôn có một khoản phòng thân đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.

5. Người vừa giữ, vừa tiêu (the saver-splurger)

Đặc điểm:

  • Bạn mang những đặc điểm của cả hạng mục 1 và 2.
  • Bạn giữ tiền rất giỏi, nhưng cũng dễ chi tiêu bốc đồng. Đặc biệt sau một thời gian tiết kiệm, bạn dễ tiêu khoản tiền này vào những thứ không thực sự cần thiết.

Cạm bẫy: Bạn dễ thất vọng với bản thân, vì đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm được rất nhiều tiền để rồi tiêu nhanh trong chốc lát. Cảm giác này đặc biệt rõ rệt nếu đó là một pha tiêu tiền “đi vào lòng đất”.

Giải pháp: Nghiên cứu kỹ về sản phẩm định mua sẽ giúp bạn tránh tốn tiền một cách không cần thiết. Hạn chế lên các app mua sắm lúc mệt mỏi, vì đây là thời điểm não bộ “yếu lòng” nhất trước các loại khuyến mãi. Vào thời điểm kích thích chi tiêu xuất hiện nhiều hơn, mẹo vượt qua mùa sale trong 72 giờ sẽ là cẩm nang “cứu cánh” cho bạn.

6. Người thích đánh cược (the gambler)

Đặc điểm:

  • Bạn mang những đặc điểm của cả hạng mục 3 và 4.
  • Bạn kiếm tiền rất giỏi, nhưng cũng rất liều lĩnh trong quyết định tiêu tiền. Chẳng hạn bạn thích đầu tư vào những dự án lớn nhưng rủi ro cao.
  • Bạn là người có máu mạo hiểm, nên đôi khi bạn “đánh cược” tiền chỉ để đỡ chán.

Cạm bẫy: Mạo hiểm thì luôn đi kèm với rủi ro, nên mất tiền với những quyết định liều lĩnh là điều bình thường. Nhưng nguy hiểm sẽ lớn hơn nếu bạn đánh cược quá đà, hoặc lấy tiền từ những khoản “cấm kỵ” như quỹ khẩn cấp hoặc quỹ hưu trí để bù trừ cho số tiền mất đi.

Giải pháp: Trước khi quyết định đầu tư mạo hiểm, bạn nên để dành một khoản tiền tiết kiệm nhất định để đề phòng thua lỗ. Bên cạnh đó, bạn cần phân tích tình huống kỹ càng và tham khảo lời khuyên từ chuyên gia tài chính nếu có thể.

7. Người lo lắng về tiền (the worrier)

Đặc điểm:

  • Bạn lúc nào cũng lo sợ mất tiền, dù bản thân đang có rất nhiều tiền. Nguyên nhân có thể do bạn từng mất một số tiền lớn, hoặc gia đình từng phá sản.
  • Bạn thiếu tự tin về khả năng đạt tự do tài chính.
  • Bạn luôn nghĩ về viễn cảnh xấu nhất sẽ xảy ra nếu bạn hết tiền, và luôn chuẩn bị cho nó.

Cạm bẫy: Việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là điều nên làm. Nhưng vì luôn sợ mất tiền, bạn e ngại các hình thức đầu tư dù ở mức độ rủi ro thấp. Điều này có thể khiến tiền của bạn “chết” mà không đẻ ra thêm lời lãi. Ngoài ra, nỗi sợ mất tiền cũng có thể tác động tiêu cực đến các quyết định tài chính quan trọng của bạn.

Giải pháp: Bạn nên cân nhắc chia sẻ vấn đề với nhà trị liệu tâm lý. Họ sẽ giúp bạn nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ mất tiền, và hướng dẫn các phương pháp giúp bạn vượt qua nó. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính để tìm ra cách đầu tư an toàn và hiệu quả cho bản thân mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục