Beef: “Nồi lẩu” đa cảm xúc đến từ A24
Sau chiến thắng áp đảo tại Oscar năm nay với Everything Everywhere All At Once, hãng phim độc lập A24 trở lại với một TV Series chiếu độc quyền trên Netflix, mang tên Beef (tựa Việt: Bất hòa.)
Gồm 10 tập phim, tác phẩm xoay quanh mối bất hòa "truyền kiếp" khi Danny Cho (Steven Yeun) – chủ một doanh nghiệp xây dựng nhỏ, người Mỹ gốc Hàn, bị khiêu khích khi anh lùi xe và sắp đâm phải Amy Lau (Ali Wong) – một người phụ nữ giàu có với một công ty “ăn nên làm ra.”
Vì tức giận, cả hai đã đuổi theo nhau trên đường, và luôn tìm cách để trả đũa nhau. Mâu thuẫn dần dần leo thang, đi từ những việc nhỏ nhất như tiểu tiện khắp nhà vệ sinh cho đến sơn những câu tục tĩu lên xe hơi… Nhiều tình huống “dở khóc dở cười” đã xảy ra, để rồi từ đó, câu chuyện sâu sắc dần được tái hiện.
Beef không chỉ đơn thuần là một tác phẩm chính kịch – hài, mà nó còn phản ánh những bất an trong tâm lý con người khi sống trong thế giới hỗn độn. Bộ phim cũng là minh chứng cho thấy tài năng và sự đột phá của Lee Sung-jin, nhà sáng tạo của Beef sau Dave (2020) và Undone (2019.)
Motif kinh điển khắc hoạ cách biệt tầng lớp của những người nhập cư
Phát triển với một motif kịch bản đã thành kinh điển, nhà sản xuất Lee Sung Jin để cho hai nhân vật hoàn toàn tương phản dẫn dắt mạch truyện. Nhưng trong thâm sâu, họ cũng trải qua chấn thương tâm lý của riêng mình.
Với Danny Cho, đó là gánh nặng gia đình, khi kỳ vọng của bậc cha mẹ cùng trách nhiệm với người em trai không hề thành công đã chất lên anh. Anh cho rằng mình luôn luôn đoản mệnh, gặp chuyện xui xẻo, dẫn đến từng có ý muốn tự tử không chỉ một lần.
Trong khi Amy những tưởng có một gia đình hoàn hảo, với chồng là một nghệ nhân nổi tiếng, một ngôi nhà đẹp, và cả sự nghiệp đang thăng hoa… thì tình cảm trong cô từ lâu đã nguội lạnh. Cô sống trong cuộc hôn nhân không được hạnh phúc, và gánh theo kỳ vọng của một phụ nữ gốc Á buộc phải thành công.
Thông qua Beef, cả hai cá nhân vốn không hài lòng với cuộc sống này đã được tái hiện. Họ chứa trong mình những “quả bom nổ chậm.” Khi cuộc rượt đuổi trên đường bắt đầu, đó cũng chính là lúc mà nó phát nổ và rồi phá hủy từng phần trong mỗi người.
Cả hai người họ đều nghiện xung đột, đều muốn một thứ gì đó để làm tan đi những sự tầm thường trong cuộc sống này. Đó cũng là khởi đầu cho một loạt những tranh đấu tiếp sau, khi sự giả tạo và mọi sự bội phản dần dần lật mở, để lại những nỗi tổn thương vẫn luôn còn đó.
Con người thường có xu hướng thích sự xung đột vì nó tạo ra adrenalin tràn ngập não bộ do sự kích thích mà nó mang lại. Bởi lẽ khi ta chiến thắng trong cuộc xung đột thì cảm giác về sự tự tin sẽ được dâng cao. Nhưng nó cũng là một "chất gây nghiện," nếu dùng quá liều thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
Ở một khía cạnh khác, Beef cũng vạch trần bộ mặt giả tạo của kẻ giàu xổi và người chuyên quyền, nịnh bợ. Thế giới giàu sang mà tác phẩm này đã tạo ra được có đầy nứt vỡ; nó không hoàn hảo với những sự thật ẩn giấu bên trong. Và chứa trong nó là sự mục ruỗng của tính giả hiệu và những dục vọng có phần tầm thường.
Ngôn ngữ hình ảnh độc đáo tạo nên "nồi lẩu thập cẩm" đa vị
Được sản xuất bởi một studio nổi tiếng với phong cách làm phim thật “không giống ai”, Beef là “nồi lẩu thập cẩm” của nhiều thể loại, từ hài kịch, chính kịch, hành động cho đến phản ánh xã hội và nỗi sợ hiện sinh…
Phản chiếu góc nhìn của hai nhà làm phim Hikaru và Jake Schreier, cả 10 tập phim có nhịp độ tốt, không gây nhàm chán khi kịch bản được chuyển liên tục giữa nhiều cảm giác, từ vui đến buồn, đi từ tâm lý cho đến hành động.
Ở đây ta có thể tìm thấy những phân cảnh phim vô cùng đa dạng, theo kiểu 50 shades of Grey kết hợp cùng với chick-flick, kinh dị và hành động hài. Nhưng càng về sau nó lại mang tính thử nghiệm cũng như siêu thực vốn đã làm nên thương hiệu của hãng phim này.
Dấu ấn riêng là những cuộc trò chuyện táo bạo và đổi chủ thể trong các hội thoại. Nếu trong Everywhere Everything All At Once là những tảng đá cũng có thể bày tỏ cảm xúc, thì với Beef, linh vật của nhân vật là hai chú quạ cũng sẽ có màn đối thoại vô cùng kỳ lạ.
Cùng với đó là màn “hoán đổi thân xác” gây ra bởi ngộ độc nấm, và rồi những cuộc trò chuyện về mặt hiện sinh bắt đầu xuất hiện.
Bộ phim có phần khác lạ nhưng truyền tải thông điệp khá quen thuộc, về ý nghĩa của sự thất bại và các bài học rút ra từ đó. Giữa lằn ranh sống – chết của tập sau cùng, cả hai nhân vật đã hiểu ra điều này. Sự thất bại nếu có cũng là đương nhiên, từ đó mà họ gắn kết với nhau và thấy tâm hồn có sự đồng cảm.
Tập 10, cũng là tập cuối cùng của series chứa nhiều triết lý của toàn mùa phim. Hành trình đi lạc của hai nhân vật phần nào cũng đã gợi nhắc đến bộ phim The Lobster của đạo diễn Hy Lạp Yorgos Lanthimos, cũng do hãng A24 sản xuất. Tất cả đều cùng lạc lõng, và thấy trong nhau một sự tương đồng. Nhưng họ sẽ như thế nào và có cùng nhau đi cho đến cuối thì vẫn là một câu hỏi lớn còn phải chờ tiếp.
Là một bộ phim nói về những người nhập cư gốc Á, Beef tiếp tục là sự lên ngôi của “đế chế mới nổi” trong làng phim ảnh. Với sự góp mặt của hai diễn viên chính, gồm Steven Yeun (trong vai Danny), người từng thành công trong The Walking Dead, Minari, NOPE… và Ali Wong (vai Amy) – một diễn viên hài độc thoại nổi tiếng… cả hai đã mang đến màn tung hứng vô cùng độc đáo.
Ngoài những vai diễn nói trên, sự xuất hiện của nhiều diễn viên gốc Hàn, gốc Nhật và cả gốc Việt… cũng làm tác phẩm trở nên nhất quán và đầy hiện thực trong cộng đồng người gốc Á.
Sau khi câu chuyện về danh tính và tự nhận dạng xảy ra khá nhiều, thì đây là bước tiếng lớn cho cộng đồng nhập cư, giúp cho diễn xuất và sự đóng góp của họ sẽ được ghi nhận một cách chân thật và rõ ràng hơn.
Dẫn dắt bởi sự hận thù dần dần leo thang, Beef đã cho thấy được tính gây nghiện và đầy thú vị mà những xung đột có thể gây ra. Bộ phim không chỉ là một tác phẩm mang tính phổ quát về cơn giận dữ và sự dối trá, mà nó còn nói về sự phân cấp giàu nghèo và các đặc quyền mà giới tinh hoa vốn luôn được hưởng.