“Bền vững” và “Đẳng cấp”: Liệu có thể cùng tồn tại?

Ngày càng nhiều chủ khách sạn và nhà đầu tư tìm đến những đơn vị quan tâm đến môi trường như Brokopondo Lakewood.
Agnes Alpuerto
“Bền vững” và “Đẳng cấp”: Liệu có thể cùng tồn tại? | Nguồn: Amanoi

“Bền vững” và “Đẳng cấp”: Liệu có thể cùng tồn tại? | Nguồn: Amanoi

Ngày nay, cụm từ “bền vững” (sustainability) không chỉ còn nằm trên những bảng hiệu tuyên truyền, hay trong những bài nghiên cứu khoa học khô khan ít người biết đến. Ở khắp nơi trên thế giới, hàng loạt bộ luật và quy định nhằm duy trì giá trị bền vững liên tục được thực thi rộng rãi. Song song đó các quốc gia liên tục công bố những chiến lược giảm thiểu lượng khí thải carbon, nhiều doanh nghiệp và tổ chức cũng đã và đang cam kết chung tay bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu chung: phát triển bền vững.

Đây là tín hiệu đáng mừng, song, vẫn còn rất nhiều thay đổi cần phải thực hiện. Khi mọi ngành công nghiệp đang được đánh giá dựa trên tiêu chí tác động đến môi trường, ngành dịch vụ khách hàng (hospitality) vẫn chưa được xem là “xanh” đủ. Đặc thù của ngành này có rất nhiều hoạt động gây ảnh hưởng đến thiên nhiên, từ việc tiêu thụ nhiều năng lượng và nguồn nước, đến các vật dụng thiết yếu. Chính vì thế, các khách sạn và resort cần nỗ lực hơn nữa trước khi thiên nhiên - yếu tố tiên quyết trong ngành du lịch - bị tàn phá đến mức không thể được chữa lành.

Nhờ các hoạt động phong trào kêu gọi bảo vệ môi trường, chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như biến đổi khí hậu, giờ đây mọi người cũng dần có ý thức hơn đến cách thức và địa điểm du lịch. Họ không chỉ quan tâm đến những tiện ích khách sạn hay resort đem lại, mà hơn hết, khách hàng còn xem xét và đánh giá dịch vụ khách sạn du lịch thông qua các tác động đến môi trường tự nhiên và cộng đồng xung quanh khách sạn nơi họ chọn nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, ý thức về phong cách sống lành mạnh hơn, xanh-sạch hơn cũng ngày càng được nâng cao. Khi nhu cầu du lịch được “hồi sinh” sau những tác động của đại dịch COVID-19, ngành du lịch sẽ càng phải có trách nhiệm hơn với tính bền vững và các tác động đến môi trường của mình.

Chậm mà chắc

Phong trào “sống xanh” ở Việt Nam dù khởi động chậm hơn thế giới, nhưng ngành du lịch nhờ đó lại có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, khắc phục những kẽ hở và tìm ra giải pháp tốt hơn, khả thi hơn để có thể áp dụng rộng rãi.

Thời gian gần đây, nhiều khách sạn và resort trên khắp cả nước đã tích cực giảm thiểu và loại bỏ sản phẩm làm từ nhựa. Thay vào đó, các loại bình nước sử dụng nhiều lần, ống hút tre, xà phòng không bao bì,.. đã được đưa vào sử dụng.

Ngoài những sáng kiến đáng ghi nhận mang lại thay đổi tích cực cho ngành du lịch như trên, một số cơ sở lưu trú cao cấp còn cho thấy những nỗ lực rất mạnh mẽ trong công cuộc duy trì giá trị bền vững.

Những đại diện tiêu biểu

Đầu tiên phải kể đến Six Senses Côn Đảo - khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên có mặt tại Côn Đảo. Trước hết, đây là resort có các tiện ích được xây dựng hoàn toàn từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Sở hữu vị trí đắc địa tại phía nam hòn đảo, Six Senses còn là một dấu ấn nghỉ dưỡng sinh thái tuyệt vời. Từ những căn villa xây từ ván gỗ thân thiện môi trường đến nhà hàng bên bờ biển lộng gió trời, tất cả như hoà làm một với thiên nhiên kỳ vĩ xung quanh.

Bền vững, nhưng không kém sang trọng và tiện nghi là đặc trưng của Six Senses. Bất kỳ ai tin chọn khu nghỉ dưỡng cao cấp này đều có thể tự hào là một người góp sức cho công cuộc bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.

Được vinh danh là một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái hàng đầu thế giới bởi National Geographic Traveler Magazine, Six Senses Côn Đảo đã và đang hoạt động rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Phải kể đến những nỗ lực của resort trong công tác bảo tồn loài rùa biển, cung cấp kiến thức cho cộng đồng người dân trên đảo, tự cung tự cấp rau quả, cũng như sử dụng hệ thống làm nóng năng lượng mặt trời (vốn rất dồi dào ở Côn Đảo do điều kiện nắng quanh năm).

Tại khu vực Nam Trung bộ, resort Amanoi, thuộc sở hữu của khách sạn thượng hạng Aman, nổi bật với nét đẹp được tô điểm bởi hệ sinh thái trù phú ngay giữa Vườn quốc gia Núi Chúa và vịnh Vĩnh Hy. Là resort duy nhất được phép hoạt động trong khuôn viên vườn quốc gia, Amanoi tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo tồn thiên nhiên trong thi công và vận hành. Tại đây, du khách được tận hưởng một không gian lộng lẫy giữa tuyệt tác của khung cảnh núi rừng hoang sơ, thoáng đãng, cũng như sự đa dạng sinh học độc đáo của vùng.

Được xây dựng từ những nguyên vật liệu thân thiện với thiên nhiên nhất, tất cả các hạng phòng tại Amanoi từ pavilion, villa đến residence đều thiết kế khéo léo hoà hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên, như thể những công trình này mọc lên từ mặt đất vậy. Bên cạnh các lựa chọn lưu trú và tiện ích cao cấp, những rặng san hô đủ màu sắc và các loài sinh vật biển phong phú là một ưu ái đặc biệt của thiên nhiên chỉ dành riêng cho các vị khách của Amanoi.

Giải pháp xây dựng bền vững

Một trong những bài toán khó khi thi công các công trình khách sạn thân thiện môi trường là tìm được những nhà cung cấp vật tư vừa ưu tiên lợi ích của việc phát triển bền vững, vừa có nhiều lựa chọn với giá cả phù hợp. Gần đây, Brokopondo Lakewood đã trở thành một cái tên nổi bật trong thị trường sàn gỗ có nguồn gốc thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Brokopondo Lakewood thực hiện khai thác nguồn gỗ từ dưới đáy một hồ chứa nước tại Suriname, nơi từng là một khu rừng nhiệt đới trù phú rộng 150.000 hecta trước khi bị nhấn chìm cách đây hơn 6 thập kỷ. Các cây gỗ tuy không còn sức sống nhưng được bảo quản trong điều kiện hoàn hảo, lại còn có sức chống chịu với các loại mối mọt rất tốt. Loại gỗ cứng chất lượng cao này, được biết đến với tên gọi khác là gỗ hồ chứa (reservoir wood), cũng đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm gỗ tinh tế và an toàn với môi trường được nhiều người biết đến tại Lakewood gồm ván sàn ngoài trời, sàn gỗ hồ bơi, nội thất thiết kế riêng, cũng như các vật dụng trang trí tinh xảo như thớt, khay và bình hoa. Với dự án Amanoi, Lakewood đảm nhận vai trò tư vấn thiết kế, sản xuất ván sàn ngoài trời, các villa có bể bơi mới của resort, cũng như không gian bể bơi vô cực bên sườn đồi “trứ danh” của resort, cùng các hạng mục xây dựng bằng gỗ khác.

Brokopondo Lakewood là minh chứng điển hình cho thấy ngay cả ngành khai thác gỗ, vốn được xem là nguyên nhân gây ra nạn phá rừng và xâm hại đời sống hoang dã, vẫn có thể phát triển theo hướng bền vững hơn. Nhờ khai thác nguồn gỗ quý dưới lòng hồ, môi trường tự nhiên hoàn toàn không bị chịu tác động tiêu cực. Nói cách khác, phương pháp lấy-gỗ-dưới-nước đang góp phần xây dựng nên một tương lai bền vững.

Thay đổi để cùng tồn tại

Ngày càng nhiều chủ khách sạn và nhà đầu tư tìm đến những đơn vị quan tâm đến môi trường như Brokopondo Lakewood. Đây chính là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thái độ thờ ơ và đi ngược lại với vấn đề môi trường trước đây của ngành du lịch đang dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Quá trình chuyển mình này sẽ gặp phải nhiều thách thức. Nhưng, trái đất đang nóng lên từng phút, loài người không còn nhiều thời gian và cơ hội. Mọi thay đổi tích cực cần phải được thực hiện nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn.

Bài viết được biên dịch bởi L A M


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục