Bố, ngồi xuống nói chuyện với con!

Nhân ngày của Cha, tôi quyết định lần đầu ngồi xuống và thật sự trò chuyện với bố mình.
Tài Thy
A Chat with Dad Vietcetera Featured Image

Bố ở Cà Mau. Bên con gái! | Nguồn: Tài Thy, vẽ minh hoạ bởi Trà Nhữ @averagetea_

Bố và tôi có một mối quan hệ cha-con kỳ quặc. Lúc bé, tôi coi trời bằng vung, nhưng coi bố quyền lực hơn cả trời. Trong mắt tôi ông là một người khó tính và dễ sợ. Ngày tôi còn bé, chỉ cần ông giơ tờ báo cuộn tròn là tôi sợ đến tè dầm.

Người ta thường bảo “Con trai giống mẹ, con gái giống cha.” Lúc bé, tôi tự thấy mình giống bố. Bố tôi là một người biết tiết kiệm, sống tận hưởng, và biết làm người khác cười.

Tôi chủ yếu ở với mẹ, nhưng trò chuyện với bố nhiều hơn. Những cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ rơi vào hai định dạng: một là châm biếm theo kiểu ái kỷ và phóng đại, hai là nghiêm túc theo kiểu đại tá nói chuyện với binh nhì. Bố có thể trêu chuyện tôi tự khen mình rán trứng ngon, rồi quay sang hỏi về con điểm kém của tôi ngay sau đó. Đó là siêu năng lực của ông.

Tôi lớn lên và mang cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi của một đứa con trai. Tôi tin bố ảnh hưởng lên tôi rất nhiều. Nhưng khoảng cách thế hệ 40 năm giữa tôi và bố đôi lúc làm tôi thấy mình thiếu tình thương của ông. Trái lại với mẹ, bố chưa một lần nói lời yêu thương con cái.

Khoảng cách này đôi lúc cũng làm tôi ngại trò chuyện với bố khi lớn lên. Sống xa gia đình, những cuộc trò chuyện mỗi lần tôi về gặp bố cũng chỉ dừng lại ở kiểu một. Nhưng tôi biết mình chỉ cần ngồi xuống và hỏi, bố sẽ trả lời.

Nhân ngày của Cha, tôi quyết định lần đầu ngồi xuống và thật sự trò chuyện với bố mình.

Dưới đây là trích đoạn từ gần 3 tiếng trò chuyện giữa bố và tôi. Tôi thực hiện bài viết này với một nỗi sợ rằng nó sẽ mang tính cá nhân. Nhưng bố tôi là một người thông thái, và tôi tin rằng những điều ông chia sẻ dưới đây cũng sẽ là con chữ đáng để bạn dằn túi. Đó cũng là siêu năng lực của ông.

Công thức nuôi con của bố là gì?

Bố có hai chế độ. Đầu tiên là chế độ xin-cho, áp dụng khi con còn bé. Nghĩa là đi đâu làm gì cũng phải xin, cho mới được làm. Đủ 18 tuổi thì chuyển qua chế độ thông báo, không cần xin nữa.

Bố đã từng nói chuyện này với con và chị. Lúc đó, chị con đã hỏi “Vậy khi nào hết chế độ thông báo?” Bố bất ngờ vì mình chưa suy nghĩ về chuyện đó. Nhưng may quá, bố cũng nhanh trí. Bố trả lời “Khi nào các con lấy chồng.”

Vậy cách bố thể hiện tình thương với con cái là gì?

Vào lớp 5, con đã xin bố mẹ được đạp xe đến trường. Lúc đó bố chỉ hỏi con hai câu: “Con đỗ xe ở đâu?” và “Con đi đường nào?” Con trả lời được ngay: “Con gửi đối diện trường." và “Bố đi đường nào thì con đi đường đó.” Lúc đó bố biết mình không cần đắn đo thêm.

Bố luôn tin tưởng các con. Dù đôi lúc không đồng ý, bố vẫn tôn trọng và tin rằng suy nghĩ của các con là đúng. Tất nhiên là ở một mức độ vừa phải và phù hợp với lứa tuổi. 

Ai rồi cũng phải lớn, phải va đập khi đương đầu với chính cuộc đời mình. Ai rồi cũng sẽ vấp ngã, nhưng ai cũng cần điều đó. Phải có vấp ngã thì mới có đứng lên.

Cho đi vốn sống, rồi vứt ra đường. Đó là cách bố thể hiện tình thương.

Bố có nghĩ chỉ những người cha mới có thể làm điều này không?

Người cha sẽ làm tốt hơn người mẹ. Xã hội bây giờ mọi người thường kêu gọi bình đẳng giới. Nhưng bố nghĩ không thể có sự bình đẳng hoàn toàn. Ông trời sinh ra nam-nữ và cho họ những thiên chức riêng. Không tự nhiên mà ta có phái mạnh và phái yếu.

Đúng, phụ nữ không thể chỉ ở nhà may vá nấu ăn. Nhưng một người con sẽ luôn cần sự nhu mì, mềm mại của mẹ. Đúng, đàn ông không thể sinh con. Nhưng một người con sẽ luôn cần tinh thần mạnh mẽ và sự dưỡng dục của cha.

Nhưng vẫn có những gia đình, người mẹ vẫn làm tốt cả hai vai trò. Có những thứ chỉ có người mẹ mới làm được, nhưng không có khả năng nào người cha độc nắm.

Yêu thương thầm lặng như vậy, bố không sợ chúng con không nhận ra à?

Không. Bố tin rằng trước sau gì các con cũng nhận ra tình thương ấy. Chỉ là các con có chấp nhận nó hay không. Phần đó bố không có quyền quyết định.

Bố nghĩ mình có thiên vị giữa con và chị gái không?

Để trả lời câu này thì phải kể chuyện của ông nội.

Ông con thương và dành sự chú ý nhiều nhất cho chú Hoàng — người duy nhất không có gia đình, cũng là người rượu chè, ăn chơi nhất. Ông nói rằng nếu trong nhà có người thất bại, nghĩa là người đó đang gánh nạn cho cả nhà. Mọi điều xui xẻo thay vì đổ lên cả gia đình thì dồn hết vào một người.

“Đứa gặp nhiều biến cố, nó đang chịu tai ương để những đứa còn lại thành công.” Bố bị ảnh hưởng bởi tư tưởng ấy rất nhiều.

Hai chị em con chỉ có sự chênh lệch về giáo dục; bố rút kinh nghiệm rất nhiều từ việc nuôi chị con. Nhưng về tình thương thì không có sự thiên vị, thậm chí còn ngược lại.

Bố nghĩ thế nào về chuyện xăm trổ, hút thuốc, rượu bia? Nếu bây giờ con làm những thứ đó thì sao?

Đó là sở thích của từng người. Nó có thể hại về sức khoẻ, nhưng lợi về tinh thần. Những thứ này không nên tập, bởi chúng sẽ thành thói quen. Nếu đã trở thành thói quen thì phải tập bỏ được nó. Nếu không bỏ được thì đừng lạm dụng.

Bố sẽ không hài lòng nếu con làm những thứ này. Văn hoá Á Đông đã in đậm vào bố rồi. Có thể không cần theo số đông, nhưng đừng phớt lờ dư luận. Văn hoá của chúng ta liệu có chấp nhận một người phụ nữ khói thuốc phì phèo và liên tục nốc rượu không?

Có khoảnh khắc nào khiến bố nhận ra mình đã làm tốt vai trò của một người cha không?

Đó là buổi chiều ngày trước khi con đi du học. Con đã bảo bố không cần đi tiễn, con tự đi được rồi. Người ngoài nhìn vào chắc sẽ thấy lạ trước cuộc chia tay không-hề-mùi-mẫn này. Nhưng bố thấy mừng. Mừng vì lúc đó, bố cảm thấy không cần lo cho con nữa.

Bây giờ, sinh con không khó, nuôi con cũng dễ. Nhưng dạy con thế nào mới khó. Bố chỉ cần các con lớn lên trở thành những người biết trước biết sau, hiền lành và tốt bụng.

Mất hơn 20 năm để bố con mình có cuộc nói chuyện này. Bố cảm thấy thế nào? Những cuộc nói chuyện thế này có ý nghĩa gì?

Bố thấy thoải mái hơn. Trò chuyện trực tiếp sẽ giúp bố con mình hiểu được nhiều thứ, và nhìn nhau bằng những cặp mắt khác đi. Mình cũng sẽ nhận ra nhiều cái của nhau, dù người kia không nói hoặc không nhận ra. Vậy mới sướng.

Những cuộc đối thoại cha-con cần thiết, nhưng quan trọng hay không còn tuỳ vào từng gia cảnh. Chúng đặc biệt cần thiết khi đứa trẻ đang trong tuổi dậy thì. Đó là tầm tuổi huýt gió một cái là bỏ cả nhà đi, bố mẹ kêu mấy cũng không về!

Bố sẽ luôn khuyên con điều gì?

Hãy tự tin. Và đừng lệ thuộc vào ai.

Kết

Người ta thường bảo “Con trai giống mẹ, con gái giống cha.” Giờ đây, tôi chẳng thấy mình giống bố tí nào. Đôi lúc tôi vẫn chi tiêu quá đà. Không ít lần tôi đi chơi về muộn, thậm chí đến rạng sáng. Tôi có xăm trổ, đã từng hút thuốc và đôi lúc vẫn rượu bia.

Tôi không nghĩ mình học được nhiều từ bố. Bố chỉ dạy tôi cách để học tiếp về cuộc đời.

Bố cũng dạy tôi hãy sống độc lập. Nhưng tôi biết mình không làm được. Bởi tôi sẽ luôn phụ thuộc vào niềm tin của ông.

Tên nhân vật đã được thay đổi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục