Các thể loại nick ảo bạn gặp trong đời

Có nhiều loại 'nick ảo' khác nhau và không phải loại tài khoản nào cũng có người thật đứng sau!
Minh Anh
Nguồn: Ha Tram cho Vietcetera

Nguồn: Ha Tram cho Vietcetera

Vào tháng 3 năm nay, Facebook đã thông báo sẽ xóa 1.3 tỷ tài khoản ảo trong vòng 5 tháng. Theo như thống kê, 5% số lượng tài khoản của Facebook là tài khoản giả. 

Dựa trên “người" đứng sau mỗi tài khoản, ta có thể tạm chia thành 2 nhánh nick ảo chính: tài khoản ‘bots’ (tự vận hành bằng thuật toán) và tài khoản giả (vận hành bởi người).

1. Compromised account - Tài khoản bị ‘hack’

Compromised account là loại tài khoản nửa-thật-nửa-giả. Đây là loại tài khoản có chính chủ sở hữu nhưng lại không được nắm toàn quyền kiểm soát vì đã bị lộ mật khẩu hoặc nhiễm phần mềm độc hại. Nói dễ hiểu hơn là tài khoản bị ‘hack'.

Loại tài khoản này thường dùng để hạ bệ tài khoản chính chủ hay lợi dụng sự tín nhiệm của người khác để đi lừa đảo. Những đối tượng thường bị dính là những người nổi tiếng khi sức ảnh hưởng của họ sẽ góp phần lan truyền những tin sai sự thật. 

Trong một trường hợp khác, các thông tin của những tài khoản này sẽ bị đem rao bán. Đây là những gì đã xảy ra trong đợt rò rỉ thông tin cách đây vài năm của Facebook. Dù vẫn làm chủ tài khoản của mình, nhưng một phần thông tin của họ thì đã bị lấy mất.

2. Clone account - Tài khoản nhân bản

Clone account là tài khoản nhân bản. Mục đích của những tài khoản clone là để ăn cắp danh tính của người khác. Sử dụng hình ảnh, thông tin hay danh tính nói chung của một người để đi lừa những người bạn của họ. 

Cần phải phân biệt tài khoản ‘clone' với tài khoản bị ‘hack' ở chỗ: tài khoản clone do một người hoàn toàn khác lập ra nhưng sử dụng thông tin và hình ảnh của khổ chủ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thuật ngữ “nick clone" lại được sử dụng theo một nghĩa hoàn toàn khác đó là “tài khoản phụ". 

3. Sock puppet -  Tài khoản ‘rối'

Sock puppet là tài khoản được lập để với mục đích lừa dối người khác hoặc thao túng sự chú ý của đám đông. Tiền thân từ sock puppet được lấy cảm hứng từ các con rối được làm bằng tất.

Không chỉ sử dụng một biệt danh giả, các tài khoản này tự tạo cho mình một danh tính giả phù hợp với một cộng đồng mà tài khoản này nhắm tới. Những mục đích mà sock puppet thường nhắm tới là:

  • Để bảo vệ hay ủng hộ một tổ chức cụ thể 
  • Tránh bị nghi ngờ hoặc bị cấm khỏi một nhóm
  • Thao túng ý kiến của đám đông 

Thuật ngữ tương tự với sock puppet chính là catfishing - tài khoản lừa tình.

4. Honey profiles - Tài khoản mật ong

Honey profiles là thuật ngữ chỉ những tài khoản được lập ra với mục đích nghiên cứu và thu thập dữ liệu. Các tài khoản này thường là của các nhà nghiên cứu dùng để tìm ra những bots hay người spam. Với các nhãn hàng thì đây là loại tài khoản dùng để đi thu thập thông tin hay quảng bá sản phẩm.

Thuật ngữ này được lấy cảm hứng từ “honey trap" - cái bẫy mật ong dùng để thu hút ruồi muỗi.

5. Sybil account - Tài khoản Sybil

Sybil account là một loạt các tài khoản giả được lập ra với chung một mục đích tấn công vào một hệ thống. Những cuộc tấn công với quy mô như thế này được gọi là Sybil attack - Tấn công mạo nhận. Mục đích của những cuộc tấn công như thế này nhằm làm suy yếu một hệ thống uy tín, làm đảo ngược các giao dịch (đối với tiền ảo Bitcoin),... 

Thuật ngữ này được lấy từ của cuốn sách cùng tên viết về bệnh nhân mắc chứng đa nhân cách, để chỉ việc một người/một máy tính tạo ra hàng loạt các tài khoản khác nhau 

6. Bots - Tài khoản robot

Nếu các loại tài khoản trên đều có một con người thực thụ đứng sau nó thì tài khoản “bots" hoàn toàn chỉ hoạt động dựa trên thuật toán. Tùy theo mục đích mà các con bots này sẽ được thiết kế để tạo ra content hay có những hoạt động khác nhau.

Đây cũng là một công cụ được ưa thích của các nhà quảng cáo. Những loại bots chính thường hay thấy gồm: Spam bots, social bots, like bots, Influential bots, Bots net,... Như cái tên của mình thì một số con bots chỉ được tạo ra để đi spam comment dạo, hoặc chỉ để like bài tăng tương tác cho một số nhãn hàng.

Dựa trên mục đích có thể chia ra làm 2 nhánh bots chính là: bots tốt và bots xấu. Những con bots tốt sẽ giúp chúng ta quản lý websites, trả lời khách hàng,... Còn bots xấu chính là bots chỉ tập trung vào việc quảng cáo, spam hay thậm chí để hack thông tin. Không phải tự nhiên mà có 37.2% cư dân mạng vào năm 2020 thật ra chính là bots. Ngay cả một số tài khoản nhìn rất thật khi thường xuyên đăng bài, comment dạo thực ra cũng chỉ là một con bots! 


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục