Tỷ phú không thiếu, kỳ lân công nghệ mới chỉ hai?

Cuối năm, một vài lập trình viên tự giác đóng số thuế lên đến chục tỷ đồng. Còn số kỳ lân công nghệ tại Việt Nam chỉ mới tăng lên hai, gồm VNG và VNPAY.
Bích Hồ
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đang diễn ra?

Streamer Độ Mixi cuối cùng cũng được giải cho cái oan “giàu đổ vách, đóng thuế tới 23 tỷ đồng”. Theo thông tin mới đây của cơ quan thuế, người đóng số thuế 23 tỷ đồng là nữ, 28 tuổi, đang sống tại Hà Nội. Chị có thu nhập 330 tỷ đồng, chủ yếu nhờ viết nhiều phần mềm đăng trên các kho ứng dụng App Store và Play Store.

Ngoài để lại những lời khen, cư dân mạng còn bày tỏ niềm ao ước đổi nghề, dấn thân vào con đường “ai là tỷ phú”.

2. Con đường từ lập trình ứng dụng đến tỷ phú?

Học lập trình, lên thiết kế, phát triển phần mềm, bán, cải tiến liên tục - Sương sương đây là các bước tạo ra và kinh doanh một sản phẩm.

Chưa tính vốn đầu tư, người lập trình cần trả một khoản phí hàng năm 25 USD cho Play Store, hoặc 99 USD cho App Store để đưa sản phẩm lên “kệ”. Và thêm 30% phí hoa hồng khi có doanh thu. Nếu không quảng cáo, marketing, ứng dụng phải đảm bảo sở hữu yếu tố “hút khách”, chẳng hạn như hiệu ứng “gây ức chế toàn cầu”.

7 năm trước, Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi Flappy Bird, lọt vào danh sách triệu phú tự thân nhờ Internet của thế giới. Với khoảng 50 triệu lượt tải về trên App Store, Flappy Bird giúp anh kiếm được khoảng 50000 USD (tức khoảng 1 tỷ đồng) trong 1 ngày nhờ doanh thu quảng cáo. Sau 2 tháng nổi tiếng, vì áp lực, anh quyết định gỡ Flappy Bird. Nếu không có lẽ anh sẽ cần nộp nhiều hơn 1.4 tỷ đồng tiền thuế vào cuối năm 2015.

3. Các nền tảng công nghệ kiểm soát thế nào đối với cách kiếm tiền này?

Các ứng dụng sau khi đưa lên “kệ”, phải được tối ưu hoá hiển thị (ASO). Mà ASO lại yêu cầu đầu tư vào các hình thức marketing tốn kém (như Facebook ads, Instagram ads...), để tạo đà đưa ứng dụng lên các vị trí đẹp như Ứng dụng nổi bật, Ứng dụng liên quan.

Năm 2019, tờ Wall Street Journal đăng bài viết cho rằng Apple ưu tiên “gà nhà”. Các ứng dụng của Apple xếp hạng đầu trong hơn 60% tìm kiếm cơ bản trên App Store. Dù có lý lẽ để minh oan cho cáo buộc này, Apple sau đó vẫn mắc trong một vụ kiện độc quyền khác liên quan đến ứng dụng Apple Music và Apple News.

Cùng năm, Google cũng bị EU phạt 5 tỷ USD vì chặn quảng cáo của các ứng dụng đối thủ trên Android.

Tuy nhiên, quyền sinh sát của những gã khổng lồ này không phải chỉ toàn mảng tối. Tháng 11 năm ngoái, Apple ra thông báo giảm phí hoa hồng xuống còn 15%, khuyến khích các nhà phát triển độc lập hoặc công ty nhỏ hợp tác.

4. Các kỹ sư công nghệ tự do còn kiếm tiền bằng cách nào?

Ngoài cạnh tranh trong kinh doanh ứng dụng, gia công phần mềm, các kỹ sư độc lập tại Việt Nam còn nổi tiếng là các “chuyên gia bảo mật”.

Cuối năm 2020, cư dân mạng trầm trồ khi hacker “mũ trắng” toàn thời gian Đậu Huy Ngọc được Google vinh danh vì đóng góp trong việc “vá” lỗ hổng bảo mật của hệ thống. Tuy không chia sẻ về khoản chi trả của Google, anh cho biết mình nhận được từ Facebook 4000 USD (hơn 92 triệu đồng) cho 1 lỗi được công nhận. Cộng thêm vài chục lỗi phát hiện tại Google, Huy Ngọc là tỷ phú không phải điều quá khó hiểu.

5. Thu nhập online, thu thuế thế nào?

Tại cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật quản lý thuế vào tháng 5 năm 2019, đại diện Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận cơ quan đang loay hoay trong việc thu thuế các cá nhân, tổ chức kiếm tiền online.

Truy thu thuế gặp khó khăn vì thông tin các hoạt động kiếm tiền đều do các công ty sở hữu đa quốc gia như Google, Apple nắm giữ. Việc “ăn chia” giữa họ với các nhà phát triển đều được thực hiện qua các ngân hàng quốc tế, không có hóa đơn, chứng từ hay hợp đồng nào để cơ quan chức năng quản lý… Tính tự giác nộp thuế được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, từ ngày 05/12/2020, Tổng Cục Thuế đã yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, giúp tăng cường kiểm soát.

6. Ranh giới giữa freelancer và nhà khởi nghiệp?

Gia công phần mềm sôi nổi, freelancer có nhiều trường hợp thu nhập triệu USD là thế, hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam vẫn còn đầy những khoảng trống cần phát triển.

Nguyên nhân được cho là do người Việt đang hiểu nhầm khái niệm lập nghiệp và khởi nghiệp.

Một cá nhân hay một nhóm freelancer tự chủ công việc, có thể được coi là lập nghiệp. Nhưng họ chưa là người khởi nghiệp, nếu còn thiếu tính đổi mới sáng tạo và chiến lược kinh doanh bài bản. Khởi nghiệp mới là mũi nhọn mà chính phủ các nước đang tăng cường thúc đẩy.

7. Việt Nam ở đâu trong cuộc đua đổi mới sáng tạo?

Theo TechinAsia, nền công nghệ Việt Nam đang vươn lên nhanh chóng, nhưng công cuộc đổi mới sáng tạo, đặc biệt là phát triển trí tuệ nhân tạo, vẫn chỉ mới manh nha.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, chúng ta vẫn được thấy những nỗ lực không ngừng của chính phủ qua quy định mới về sản phẩm trí tuệ, một loạt các hội thảo, sự kiện như Hackathons, TechFest, Expo.

Cũng đã có những doanh nghiệp do người Việt lập ra đi tiên phong trên thế giới.

Anh Hùng Trần, CEO Got It, công ty công nghệ AI đầu tiên phát triển nền tảng kiến thức như một dịch vụ (KaaS), chia sẻ: thế giới công nghệ vốn không có biên giới, các startup công nghệ Việt Nam đừng tự bó hẹp mình vào một thị trường nhỏ. Ngay từ đầu, hãy nghĩ đến việc làm ra sản phẩm phục vụ toàn cầu!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục