Công ty Kiến trúc Việt HTAP và vai trò thực tiễn của thiết kế đẹp

Công ty kiến trúc Việt HTAP được thành lập bởi hai kiến trúc sư Hoành Trần và Archie Pizzini. Gặp nhau từ những ngày còn đang hoàn thành tấm bằng thạc sĩ, đến nay, bộ đôi này đã đứng sau chấp bút thiết kế cho nhiều công trình đương đại nổi tiếng tại Việt Nam.

David Kaye
Công ty Kiến trúc Việt HTAP và vai trò thực tiễn của thiết kế đẹp

Gặp nhau khi cùng theo học cao học ở bang Texas, hai kiến trúc sư Trần HoànhArchie Pizzini sớm kết thân với nhau bởi cùng chung sở thích “nhốt mình” hàng giờ liền trong studio. “Những ngày đó chúng tôi là thành viên cốt cán của hội có nhà cũng như không,” Archie nhớ lại.

Một năm sau, Hoành quyết định chuyển sang Đại học Columbia. Nhưng Archie và những người bạn của cả hai đã thuyết phục anh đến New York sống cùng họ sau khi tốt nghiệp. Suốt 3 tháng đầu, nhằm né tránh ánh mắt dò xét của các quản cư, Archie đã sống chui ở căn phòng trong ký túc xá được đứng tên bởi hai nhà kiến trúc sư lỗi lạc – Miles der Rohe và Frank Lloyd Wright. Năm 1995, Hoành trở lại thành phố Hồ Chí Minh.

Mười năm sau, theo lời mời của Hoành, Archie gia nhập công ty kiến ​​trúc HTA, viết tắt của Hoành Trần Architects. Trước khi được biết đến với cái tên HTAP, đã từng có thời gian bộ đôi gọi công ty kiến trúc của họ là HTA+pizzini.

Hiện nay, văn phòng của Hoành và Archie tọa lạc tại số 42 Lý Tự Trọng, mà theo Hoành cho biết, “lối kiến trúc nơi đây được đặc biệt cảm tác cho một công ty Pháp vào tầm những năm 1940.” Đó cũng là nơi mà những cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi bắt đầu – những mẩu chuyện về hành trình mang kiến thức xây dựng thành những công trình thực tiễn.

Hai anh có thể giới thiệu về nhau cho độc giả được biết không?

Hoành: Đây là Archie Pizzini – một nghệ sĩ kiêm kiến ​​trúc sư đến từ Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Rice, Archie tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Kiến trúc tại Đại học Houston – cũng là nơi mà tôi từng theo học một năm. Chưa hết, Archie đã hoàn thành tấm bằng Tiến sĩ tại Đại học RMIT Melbourne. Bây giờ, ngoài vai trò là một kiến trúc sư, Archie còn là người thích nghiên cứu, giảng dạy, chụp ảnh và viết lách. Một năm sau ngày thành lập HTA, tôi mời Archie gia nhập để cùng thực hiện các dự án kiến ​​trúc tại Việt Nam.

Archie: Thế là tôi nhận lời Hoành chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức. Trở lại với câu hỏi, Hoành sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ, anh là sinh viên ngành kiến ​​trúc tại SCI-Arc (Viện Kiến trúc Nam California), sau đó dành ra một năm ở Houston cùng chúng tôi trước khi tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu tại Đại học Columbia, New York. Gần đây Hoành phụ trách việc thiết kế, giảng dạy, cả nghiên cứu và viết lách nữa.

Phong cách thiết kế đặc trưng của cả hai là gì?

Hoành: Chúng tôi tự gọi mình là những kiến ​​trúc sư với lối thiết kế được truyền tải qua ngôn ngữ đương đại. Ngay cả khi tôn tạo một kiến trúc đậm chất lịch sử, chúng tôi vẫn cố gắng thổi vào đó những làn gió tân thời. Vì vậy mà chúng tôi ít khi hào hứng nếu nhận được những yêu cầu thiết kế theo phong cách cổ điển. Các dự án có hơi hướng vị lai cũng tương tự. “Thực tại” là điều mà chúng tôi quan tâm hơn cả.

Archie: Trước mỗi dự án, chúng tôi luôn bắt đầu từ công đoạn tìm hiểu, quan sát bối cảnh, nhận định phần hạn chế rồi mới bắt tay vào khắc phục và thiết kế. Có như vậy thì mới xác định được đâu là giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng của mình.

Vậy theo hai anh, đâu là điểm tương đồng hoặc tương phản trong phương pháp thiết kế của hai người?

Hoành: Những đội ngũ khác thường có hai hoặc ba cộng sự, và mỗi người đảm đương những trọng trách khác nhau – người lo thiết kế, người quản lý hành chánh, và người còn lại đảm trách mảng truyền thông. Nhưng cả Archie và tôi đều là nhà thiết kế – chỉ khi thiết kế chúng tôi mới phát huy hết năng lực của mình.

Archie: Tuy Hoành và tôi có nhiều điểm tương đồng về tư duy thiết kế thật, nhưng mỗi người cũng sở hữu những nét riêng. Điều này giúp chúng tôi thoát khỏi cái guồng mà nhiều nhà thiết kế thường mắc phải, đó là bất chợt nảy ra một ý tưởng và đeo đuổi nó đến cùng. Mà ý tưởng bất chợt thì thường không mang lại kết quả khả quan. Thế nên, tôi và Hoành thường trao đổi qua lại về một ý tưởng, dù có chệch khỏi định hướng ban đầu thì cũng giúp bồi đắp ý tưởng thêm tròn trịa.

Điều gì làm nên sự khác biệt của HTAP so với các công ty thiết kế kiến ​​trúc và nội thất khác tại Việt Nam?

Hoành: Chúng tôi thật sự không “đo ni đóng giày” theo một quy chuẩn nào cả. Điều này giải thích vì sao thoạt nhìn ít người có thể đoán được dự án nào được thực hiện bởi HTAP. Vốn được đào tạo bài bản lại thích tìm tòi sáng tạo, chúng tôi thường lên ý tưởng dựa vào chính bối cảnh nhằm mang lại giá trị thực tiễn và nét đặc trưng cho từng dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ưa dùng một số chất liệu, màu sắc và kết cấu kiến trúc nhất định nên nhất định sẽ có nét tương đồng phảng phất đâu đó trong các thiết kế.

Đối với chúng tôi, xây dựng ý tưởng là khâu thú vị nhất và cũng là quan trọng nhất trong cả quá trình. Vì vậy, tôi và Archie luôn trực tiếp thực hiện công đoạn này. Một khi phát thảo xong ý tưởng, chúng tôi mới bàn giao cho nhân viên để bắt đầu phát triển thiết kế và bản vẽ kỹ thuật.

Archie: Trong quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ, cả hai chúng tôi đã nghiên cứu về những phong cách kiến trúc đặc trưng của Việt Nam, và những khía cạnh liên quan đến văn hóa, xã hội và lịch sử của đất nước. Nhờ vậy mà sau này chúng tôi mới dễ dàng lồng ghép được những giá trị Việt vào các công trình kiến trúc mà mình thực hiện.

Vậy theo cách anh, công trình kiến trúc nào mang đậm dấu ấn HTAP nhất?

Archie: Tới thời điểm này chúng tôi đã thành công trong việc phản ánh tinh thần thiết kế của mình trong một số công trình kiến trúc tại Việt Nam. Tuy rằng không phải công trình kiến trúc nào nhìn cũng giống nhau. Ví dụ điển hình là Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory với “ngôi làng container” so với Galerie Quỳnh trên đường Đồng Khởi. Mặc dù cả hai đều là không gian triển lãm nhưng mỗi nơi lại mang một phong cách riêng biệt để tương xứng với bối cảnh xung quanh – điều này thể hiện rõ sự linh hoạt trong phong cách thiết kế của HTAP.

Hoành: Cũng như Archie, tôi sẽ chọn Galerie Quỳnh là dự án khiến mình tự hào nhất. Bởi nó là biểu trưng cho sự kết hợp khéo léo giữa quá trình thực thi với ý tưởng – gói trọn khung cảnh Sài Gòn vào tầm mắt người thưởng lãm nghệ thuật. Trên thực tế, những lăng kính xung quanh tòa nhà này chính là những cánh cửa được làm bằng sắt thép vụn.

Quá trình thiết kế văn phòng cho Rice Creative diễn ra như thế nào? Liệu hai anh có cảm thấy áp lực khi làm việc cùng các nhà thiết kế khác không?

Hoành: Ngày Rice Creative mới thành lập, chúng tôi có gởi gắm Joshua và Chi-An thiết kế cho một cuốn sách tổng hợp các công trình mình từng thực hiện. Tuy là không có dịp xuất bản quyển sách đó nhưng đội ngũ Rice Creative vẫn giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc trình bày luận án Tiến sĩ. Cũng nhờ có Rice Creative mà chúng tôi có dịp hợp tác với Marou Chocolate. Lần đó, chúng tôi chịu trách nhiệm thiết kế nội thật cho cửa hàng Maison Marou tại Sài Gòn.

Archie: Rice Creative luôn biết cách khiến người khác ngạc nhiên với thái độ làm việc nghiêm túc và thận trọng của họ. Văn phòng này là một dự án “tốc hành” nhưng phản ánh đúng tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của họ – những người làm thiết kế, nhưng vẫn không quên chừa chỗ để chúng tôi tự do bay bổng trong phạm trù “cái đẹp” của riêng mình.

Hoành: Trái lại, tôi thấy áp lực khi làm việc với những người ngoại đạo hơn là với Rice. Cùng là người làm thiết kế, chúng tôi tìm thấy điểm chung trong ngôn ngữ và tiêu chuẩn thiết kế. Đó hẳn là một lợi thế.

Theo hai anh, thiết kế đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Làm sao để không gian sống khơi gợi được cảm hứng sáng tạo và hiệu quả công việc?

Hoành: Cuộc sống là sự tổng hòa giữa cái đẹp và cái hữu dụng, thiết kế cũng vậy. Thiếu đi một trong hai yếu tố đó, cuộc sống sẽ khá là tẻ nhạt.

Archie: Suy đi nghĩ lại, không gian sống ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành thói quen sinh hoạt của con người. Vì vậy, thiết kế là một công việc không thể xem nhẹ. Thiết kế cái gì cũng vậy, trước hết, phải chịu khó tìm hiểu và quan sát kỹ lưỡng.

Hoành: Mỗi người chịu ảnh hưởng của không gian xung quanh mình theo cách khác nhau. Có người làm việc hiệu quả trong môi trường sạch sẽ, ngăn nắp thì cũng có người thấy bề bộn cũng không vấn đề gì. Cá nhân tôi thì càng tối giản càng tốt, nhất là khi phải tập trung suy nghĩ và sáng tác – tâm tịnh thì cõi tịnh. Nhưng ngược lại, khi phải phát thảo hoặc xây dựng mô hình, khi mọi thứ càng trở nên bề bộn thì có cái gì đó như tôi thôi thúc tôi phải hoàn thành công việc nhanh chóng hơn. Tóm lại là, tôi thích một văn phòng ngăn nắp và một xưởng thiết kế ngổn ngang.

Làm sao để đo được mức độ thành công của một công trình kiến trúc?

Archie: Chúng tôi lấy giá trị thực tiễn làm thước đo cho mức độ thành công của một công trình kiến trúc. Ví dụ như văn phòng của Rice Creative chẳng hạn, chúng tôi muốn quan sát xem liệu không gian mà mình thiết kế có thật sự khiến đội ngũ Rice Creative cảm thấy thoải mái trong quá trình làm việc hay không?

Hoành: Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin phép được trích dẫn câu nói của kiến trúc sư nổi tiếng Buckminster Fuller: “Cái đẹp không phải là tiền đề để giải quyết một vấn đề. Nhưng khi một vấn đề không được giải quyết một cách êm đẹp, thì có lẽ bản thân giải pháp đó cũng là một vấn đề.”

Vietcetera chân thành cảm ơn anh Hoành và Archie đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc hai anh và HTAP luôn thành công với những dự định sắp tới!

Bài viết được dịch bởi Uyen Duong, Cindy Le.

Xem thêm:

[Bài viết] Câu chuyện của Robin & Cako: Việt Nam – Điểm hội tụ của sáng tạo

[Bài viết] Ngẫu hứng SUBOI 2.7


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục