"Cứ theo đuổi đam mê, tiền sẽ tự chảy về túi" là lời khuyên tồi

Để theo đuổi đam mê, kiên trì là chưa đủ.
Bích Hồ
Nguồn: Larm Rmah/Unsplash

Nguồn: Larm Rmah/Unsplash

Bạn có câu châm ngôn yêu thích nào về việc theo đuổi đam mê không? Chẳng hạn như là:

“Làm việc mình thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào.”

“Đừng theo đuổi tiền bạc, hãy theo đuổi đam mê.”

Mỗi lần lật giở những cuốn sách về tiểu sử danh nhân, y như rằng tôi sẽ bắt gặp đâu đó những câu nói kiểu như thế. Chúng tạo ra cảm giác rằng đam mê sẽ hoá giải nỗi buồn của tôi. Sống cháy với đam mê sẽ ý nghĩa hơn so với cuộc sống đầy tiền bạc.

Hay đỉnh điểm là: “Cứ làm việc mình thích, tiền sẽ chảy về túi.” (Do what you love, the money will follow.) Theo câu nói đó thì chỉ cần theo đuổi đam mê, tôi sẽ có cả tiền bạc, một cách dư dả.

Nhưng thực tế cho thấy phía bên kia mặt tích cực của câu nói là:

Việc theo đuổi đam mê không phải luôn màu hồng và bài viết này nhìn nhận lại những mảng xám đó.

Thù lao công việc không được định giá bằng sự kiên trì

Câu nói "Cứ làm điều bạn thích, tiền sẽ chảy về túi" có cơ sở của nó trên lý thuyết tích luỹ kép, hay hiệu ứng quả cầu tuyết. Rằng bạn cứ kiên trì rồi một ngày nào đó sẽ trở nên xuất sắc trong lĩnh vực của mình và được nhìn nhận công sức. Ví dụ như nhóm nhạc thần tượng BTS, như tác giả sách J.K. Rowling, Stephen King,... Danh sách sẽ còn dài nữa nếu bạn tiếp tục kể.

Nhưng vấn đề là, không phải tất cả các công việc đều được nhìn nhận như nhau. Mức lương mà bạn được trả sẽ không phụ thuộc duy nhất vào công sức bạn bỏ ra hay ý nghĩa xã hội mà việc bạn làm mang lại.

Nói một cách thực dụng, nếu bạn muốn tiền chảy về túi dư dả, thì đam mê bạn chọn theo đuổi phải dẫn bạn đến một công việc tương lai có mức thù lao tốt. Hoặc chính bạn phải khiến sản phẩm hay dịch vụ mình tạo ra có sức hấp dẫn và được định giá cao.

Đọc thêm:

Tại sao "Hết mình theo đuổi đam mê" là một lời khuyên tồi?

The Future of Jobs Report - Báo cáo về tương lai của các công việc, World Economic Forum, 2020

Make a Difference with Your Career - Nghiên cứu về tương lai của các nghề nghiệp từ tổ chức 80,000 Hours

Đam mê không tạo ra tiền, biết cách kinh doanh mới tạo ra tiền

Trong một bài viết đăng trên tờ The Wall Street Journal vào năm 2013, tác giả Scott Adams chia sẻ về một bài học mà anh được dạy khi còn là một nhân viên cho vay thương mại. “Đừng cho ai đó theo đuổi đam mê của họ vay tiền. Hãy cho ai đó muốn bắt đầu kinh doanh. Ý tưởng kinh doanh càng chán càng tốt.”

Tất nhiên đây là lời khuyên xuất phát từ vị trí của một người muốn giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nó phản ánh một khía cạnh của cuộc sống mà những người trẻ ở thời đại chuyên môn hoá lao động thường bỏ qua. Rằng sản phẩm tốt đến đâu, ý tưởng hay đến đâu mà không ai khác ngoài bạn mê mẩn nó thì cũng là đồ cất trong tủ kính ở nhà.

Trong cuộc phỏng vấn với chuyên gia công nghệ Guy Kawasaki trên Apple Podcast, đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak thừa nhận rằng: trong khi Steve Jobs rất quan trọng chuyện tiền bạc, bản thân ông không thực sự quan tâm đến nó. Trong suốt những năm làm việc tại Apple, ông để Jobs tập trung vào kinh doanh, còn mình dành thời gian phát triển phần mềm và phần cứng. Hay nói cách khác Jobs giúp tài năng của Wozniak có thể bán được.

Điều tương tự cũng có thể quan sát rõ trong nền công nghiệp âm nhạc, nơi các hãng đĩa có mối quan hệ, có kênh phân phối rộng rãi là bệ phóng cho các nghệ sĩ theo đuổi đam mê sáng tạo.

Khoảng thời gian làm việc ở bộ phận kinh doanh cho một vài doanh nghiệp trẻ đã giúp tôi thấm thía hơn điều này. Những người đồng nghiệp ở bộ phận kỹ thuật của tôi rất giỏi về chuyên môn, nhưng họ không thể mãi duy trì tình yêu với công việc nếu không bán được sản phẩm mình tạo ra hay dịch vụ mình cung cấp.

Đam mê của chúng ta cũng cần được thúc đẩy bởi thành công, chứ không chỉ thành công được thúc đẩy bởi đam mê. Nhất là khi bạn định nghĩa thành công là tiền bạc hay sự công nhận của người khác.

Thành công từ đam mê cần nhiều may mắn ngẫu nhiên

“Khi thực hiện bằng tất cả trái tim mình, bạn sẽ biết khi nào tìm được [điều mình thực sự đam mê]. Và giống như mọi mối quan hệ trong cuộc sống, nó sẽ ngày càng tốt đẹp hơn theo thời gian. Vậy nên bạn hãy tiếp tục, đừng bao giờ dừng lại... Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.” Đây là điều mà Steve Jobs đã nói trong bài phát biểu nổi tiếng của ông tại trường Đại học Stanford năm 2005. Nhưng cũng chính ông là người nói rằng “cách duy nhất để làm một công việc vĩ đại là yêu những gì bạn làm”.

Những người huyền thoại thường rất biết cách dùng những câu nói sắc bén, truyền cảm hứng cho chúng ta. Nhưng cũng giống như việc “đọc sách đi, nhưng đừng tin quá”, những câu chuyện truyền cảm hứng dù có thật cũng chỉ là nguồn động lực.

Theo Malcolm, tác giả của cuốn sách Những kẻ xuất chúng, những người thành công trông có vẻ tự thân làm lụng mọi điều. Nhưng trên thực tế, họ luôn vẫn là người thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và cơ may phi thường.

Những lợi thế ẩn giấu này có thể đến từ:

  • Thời điểm và nơi chốn họ ra đời
  • Công việc mà cha mẹ họ làm để kiếm sống
  • Truyền thống gia đình, chủng tộc, dân tộc
  • Bối cảnh kinh tế-xã hội trong quá trình họ trưởng thành

Những di sản này cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận thế giới bằng cách thức mà người khác không thể.

Trong trường hợp của Steve Jobs và Bill Gates, cả hai đều sinh ra vào năm 1955 và sinh sống trong môi trường cho phép họ tiếp xúc với điện tử từ rất sớm. Khi họ 20 tuổi thì thị trường máy tính cá nhân cũng bắt đầu phát triển. Cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khả năng, tính cách của bản thân và những yếu tố ngẫu nhiên khác như những người cộng sự họ gặp được, niềm đam mê của họ mới có cơ hội tạo nên kỳ tích.

Tuy nhiên, cả quãng đời dài mấy chục năm của họ (và nhiều danh nhân khác) vẫn thường được gói gọn lại bằng một cuốn sách vài trăm trang, hoặc được chúng ta nhớ đến chỉ qua vài ba câu nói.

Họ theo đuổi đam mê và thành công, nhưng không có nghĩa tất cả chúng ta đều thế. Thành công đến theo cách riêng của mỗi người. Khi bạn thành công (và nổi tiếng) thì công thức của bạn được nhiều người biết đến hơn.

Kết

Không thể phủ nhận được rằng được làm việc đúng với sở thích của mình là một điều tuyệt vời. Nhưng nếu chúng ta còn lấn cấn về chuyện tiền bạc thì cứ đâm đầu theo đuổi đam mê không hẳn là một phương án sáng suốt.

Đam mê để giàu có là một sự kết hợp phức tạp giữa tâm hồn kinh doanh và sáng tạo. Việc nó được kết hợp thế nào để tạo nên thành công luôn là công thức riêng của mỗi người.

Và nếu như bạn đang không muốn theo đuổi đam mê, hay vẫn chưa nhận ra đam mê của mình thì cũng không phải quá bận lòng, vì "đam mê có khi là không đủ!".


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục