Đọc sách đi, nhưng đừng tin quá | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 08, 2021
Truyền Thông

Đọc sách đi, nhưng đừng tin quá

“Việc đọc sách cũng đi kèm một rủi ro, đó là khiến ta quá tin vào sách.”

Đọc sách đi, nhưng đừng tin quá

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Thế giới đa dạng của sách phi hư cấu đã trở thành chỗ dựa về kiến thức, tinh thần và cả triết lý sống cho cộng đồng người đọc sách. Tuy nhiên, nó cũng dễ đi kèm một rủi ro khi ta quá tin vào sách.

Điều đó làm chúng ta mất tỉnh táo, thu nhận cho mình một lập trường vội vàng và có phần phiến diện. Bài viết này đưa ra 4 gợi ý để chúng ta tránh khỏi “quá tin”, từ đó có một trải nghiệm đọc sách tốt hơn.

Hãy chủ động kiểm chứng

Nhiều cuốn sách truyền cảm hứng và thuyết phục người đọc bằng những "câu chuyện có thật" và "bằng chứng khoa học" rất hay và cuốn hút. Nếu người đọc tin ngay vào những điều "khó tin" và "kỳ diệu" mà không cần kiểm chứng, thì đó là một biểu hiện của quá tin.

Để "tin" một cách tỉnh táo, chúng ta có thể nhặt ra một vài chi tiết để kiểm tra. Có thật sự chuyện kỳ diệu ấy đã xảy ra? Bằng chứng khoa học kia có được công bố số liệu cụ thể chưa, thí nghiệm có lặp lại được không? Tư cách nhà khoa học của tác giả có được công nhận?

Trong một cuốn sách bán rất chạy mang tên Chinh Phục Mục Tiêu (Goals!), tác giả Brian Tracy kể về một nghiên cứu rất hay ho: những sinh viên của Đại học Yale từng viết ra cụ thể những mục tiêu của cuộc đời mình đã thành công hơn rất nhiều những người không viết. Vấn đề của nghiên cứu này là nó chưa từng xảy ra.

Ba cuốn sách "Chinh phục mục tiêu", "Bí mật của nước", "Hành trình về phương Đông" mang tới những câu chuyện rất "kỳ diệu" nhưng không xác thực.

Khoa học gia Masaru Emoto đã thực hiện những thí nghiệm kỳ diệu mà ông kể lại trong cuốn sách Bí Mật Của Nước. Tuy nhiên, Emoto từ chối cho giới khoa học kiểm chứng những kết luận của mình. Bản thân tư cách "Nhà Khoa học" của Emoto cũng không được công nhận: ông không hề có bằng cấp liên quan và chưa từng có nghiên cứu nào cụ thể.

Hành Trình Về Phương Đông được biết đến là cuốn sách kể lại những trải nghiệm tâm linh của Spalding, một tác giả có thật người Mỹ và được Nguyên Phong dịch ra tiếng Việt. Thực tế thì Spalding chưa hề viết cuốn sách này, và những câu chuyện trong đó không hề có thật mà hoàn toàn là sáng tác hư cấu (fiction) của Nguyên Phong.

Có thể một cuốn sách vẫn hay, vẫn có giá trị ngay cả khi nó có nhiều điểm "hư cấu" như những ví dụ ở trên. Nhưng mình tin là nắm được phần nào tính xác thực của một cuốn sách giúp chúng ta tiếp cận việc đọc một cách sòng phẳng và hợp lý.

Hãy tìm kiếm phản biện

Nhiều cuốn sách phi hư cấu đến tay chúng ta là những cuốn sách nổi tiếng, với tác giả đã thành danh và tài giỏi. Chừng ấy dễ khiến người đọc quá tin, cho rằng cuốn sách trên tay mình đúng từ đầu đến cuối. Ta coi tất cả những quan điểm trái ngược đều là sai. Người quá tin nói về quan điểm của cuốn sách và đưa nó vào thảo luận như một chân lý, cho dù chủ đề còn có nhiều tranh cãi. 

Để không quá tin, chúng ta có thể chủ động tìm kiếm phản biện. Phản biện có thể tới từ một bài viết, một diễn đàn hay một cuốn sách khác. Nếu cuốn sách bạn đọc đã được xuất bản bằng tiếng Anh, thì rất có thể bạn sẽ tìm được nhiều phản biện chất lượng bằng tiếng Anh trên mạng.

Mình rất thích cuốn sách Sapiens - Lược Sử Loài Người của Yuval Harari và đã học được nhiều điều từ nó. Tuy nhiên, nhiều quan điểm của Harari nhận được nhiều phản bác từ giới học thuật, nhất là các nhà Nhân Chủng Học.

Cuốn sách "Sapiens" của Harari đưa ra những diễn giải thú vị nhưng còn gây tranh cãi trong giới học thuật

Một ví dụ là quan điểm về Cách mạng Nông Nghiệp, coi đây là một sự "lừa đảo", rằng con người cổ đại săn bắt hái lượm mạnh khoẻ và hạnh phúc hơn con người trong xã hội nông nghiệp. Điều này được đánh giá là một cái nhìn đơn giản hoá quá mức và không chính xác về một giai đoạn chuyển biến phức tạp, đa dạng của xã hội loài người.

Riêng với cá nhân mình, Harari có một cái nhìn gai góc và một cách viết rất cuốn hút, nhưng điều đó không làm cho ông ấy hoàn toàn đúng hay những học giả bất đồng với ông ấy hoàn toàn sai. Mỗi cuốn sách là góc nhìn của một tác giả. Với những vấn đề càng phức tạp, như Lịch Sử, thì một góc nhìn khó để có thể "đúng tuyệt đối".

Hãy tiếp tục khiêm tốn và ham học hỏi

Một biểu hiện thường thấy của “quá tin” đó là coi mình trở thành thành chuyên gia chỉ sau một (vài) cuốn sách. Chúng ta cho rằng mình đã biết đủ và không cần phải tìm tòi thêm những nguồn khác, sách khác.

Ngược lại, lập trường quan điểm về một lĩnh vực không thể chỉ là sự dập khuôn từ một tác giả, một cuốn sách mà cần phải được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau kết hợp với trải nghiệm.

Năm 2019, mình có đọc Thiên Nga Đen (The Black Swan) của Nassim Nicholas Taleb. Đây là một cuốn sách rất hay, với những mệnh đề phủ định lại hoàn toàn những nền tảng của Tài Chính Thị Trường.

Khi vừa đọc xong cuốn sách, mình thấy rất thỏa mãn, rất tự hào vì biết được những điều mà "người trong cuộc" của ngành Tài chính có khi còn không biết. Sau đó mình bình tĩnh lại, và thấy rằng nếu mình chỉ dập khuôn suy nghĩ của tác giả thì nghĩa là mình còn chưa có quan điểm riêng, hiểu biết của mình còn rất hạn hẹp và mình cần phải khiêm tốn hơn.

Cuốn sách "Thiên nga đen" phản bác lại rất nhiều quan điểm nền tảng của Tài Chính Thị Trường và nhiều lĩnh vực khác

Trong những lĩnh vực như y tế, sức khỏe thì ngộ nhận này còn đáng lo hơn. Nếu chỉ sau một (vài) cuốn sách về dinh dưỡng hay hệ miễn dịch mà chúng ta tự tin mình biết nhiều hơn các y bác sĩ và các quy chuẩn về Y tế, thì những lầm tưởng như vậy rất nguy hiểm cả cho người đọc và cộng đồng.

Người Việt có một câu thành ngữ rất hay, để chỉ những người mới biết thêm một điều gì mà đã nghĩ là mình biết hết: "Mới nghe tiếng sấm đã tưởng mình thính tai". Mỗi chúng ta thường tìm đến với một cuốn sách với tâm thế cởi mở và khiêm tốn. Tinh thần ấy rất đáng quý, xin đừng đánh mất nó sau khi gấp lại trang sách cuối cùng!

Hãy đọc sách như trò chuyện cùng tác giả

Trước lượng lớn thông tin từ một cuốn sách, người đọc có thể tự đặt mình vào một trạng thái tiếp thu thụ động dẫn đến “quá tin” vào mọi điều viết ra trong cuốn sách. Thay vì rơi vào tâm lý đọc sách thụ động này, hãy tiếp cận cuốn sách như trò chuyện cùng tác giả!

Như trong một cuộc trò chuyện, bạn có thể chủ động quan sát xem người đối diện đang thuyết phục bạn bằng cách nào. Tác giả có dùng nhiều lý lẽ, số liệu hay đánh vào cảm xúc của bạn nhiều hơn? Trong cuốn sách, đâu là những thông tin, kiến thức khách quan đã được công nhận và đâu là diễn giải của riêng tác giả?

Đặt mình vào cuộc trò chuyện cùng tác giả cũng giúp chúng ta thấy rõ hơn mục đích và góc nhìn của họ. Với mỗi cuốn sách, tác giả lại có thể có mục đích và góc nhìn khác nhau.

Ngoài "Súng, vi trùng & thép", hai cuốn sách khác mang tên "Sụp đổ" và "Biến động" của cùng tác giả Jared Diamond phân tích những khía cạnh khác ảnh hưởng đến thành bại của một dân tộc

Một ví dụ là Jared Diamond. Ông viết cuốn sách kinh điển Súng, Vi Trùng & Thép nhấn mạnh vào ảnh hưởng của khí hậu, địa lý và hệ sinh thái lên sự phát triển của các dân tộc. Sau đó Jared Diamond còn viết thêm Sụp Đổ và Biến Động, đề cập đến những khía cạnh khác, chủ quan hơn đóng góp vào thành bại của một dân tộc.

Sách là một nguồn kiến thức và thông tin quý giá, nhưng giống như những nguồn thông tin khác, sách cần được tiếp cận và thu nhận một cách tỉnh táo. Mình hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có đóng góp tích cực cho cộng đồng đọc sách cũng như nhận được nhiều thảo luận từ các bạn.