Để không hoang mang trong thế giới nghệ thuật đương đại
Nghệ thuật đương đại (Contemporary Art) không còn là khái niệm mới trong tiến trình lịch sử nghệ thuật của thế giới. Ra đời từ nửa sau thế kỷ 20 và phát triển rực rỡ trong thế kỷ 21, các tác phẩm nghệ thuật đương đại gồm cả hội họa, sắp đặt, điêu khắc, thời trang... không chỉ gây chú ý mà đôi khi còn gây sốc và tai tiếng.
Câu hỏi tại sao và bằng cách nào để biến một thứ bình thường, thậm chí tầm thường như bồn tiểu, hộp đựng phân người, quả chuối dán băng keo... lại trở thành tác phẩm nghệ thuật? Không những thế, chúng còn được ưa chuộng và có giá đắt đỏ. Những ý tưởng quái đản nào đằng sau đã biến những tác phẩm này trở nên vô giá?
Tham khảo ngay 3 cuốn sách sau đây để khỏi hoang mang khi tiến vào địa hạt nghệ thuật đương đại.
50 câu hỏi mỹ học đương đại - Marc Jimenez
Không gì dễ dàng và tiện lợi hơn để “nhập môn" nghệ thuật đương đại bằng cuốn 50 câu hỏi mỹ học đương đại của tác giả Marc Jimenez (Phạm Diệu Hương dịch, Nhã Nam ấn hành.) Cuốn sách trình bày theo dạng từ điển (sách công cụ), thông qua đó đặt ra và trả lời các câu hỏi về những khái niệm liên quan đến nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng.
Trong cuốn sách này, Marc Jimenez trình bày các vấn đề nghệ thuật ra đời vào thế kỷ 20. Những khái niệm cơ bản như nghệ thuật là gì, nghệ thuật đương đại là gì, trường phái nghệ thuật là gì… được trả lời một cách hàm súc nhưng cũng giàu tính gợi mở.
Cuốn sách cũng bàn đến khái niệm “mỹ học" cùng các mối quan hệ đan cài giữa nghệ thuật với triết học và đời sống. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cung cấp những cách tiếp cận mỹ học của những trường phái nghệ thuật ra đời và phát triển từ thế kỷ 20 cho đến nay.
50 câu hỏi mỹ học đương đại không quá khó đọc và khó tiếp nhận. Cuốn sách cũng không trình bày dài dòng hay chú giải phức tạp. Điều này giúp độc giả chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tra cứu mà không phụ thuộc vào cách nhìn của tác giả cũng như người dịch.
Thế mà là nghệ thuật ư - Cynthia Freeland
Trước hết, Thế mà là nghệ thuật ư của Cynthia Freeland (Như Huy dịch, NXB Tri Thức ấn hành) không phải là một cuốn sách dễ đọc. Tuy nhiên, bù lại cho sự khó đó chính là “bể” thông tin đa chiều với kiến thức tổng quan kèm những ví dụ độc nhất vô nhị. Chỉ cần nắm bắt được cái nhịp mà Freeland bày ra, người đọc đã có trong tay chiếc “chìa khóa” để bước vào thế giới nghệ thuật đương đại.
Cynthia Freeland gợi mở một số quy tắc và cách thể hiện của các nghệ sĩ, từ đó đưa ra các “chuẩn mực" của các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Ngoài ra, cách tiếp cận từ các góc độ như chủ nghĩa nữ quyền, hậu thực dân, xã hội học… càng làm sáng tỏ hơn những gì mà các nghệ sĩ theo trường phái này đang theo đuổi và thể nghiệm.
Thế mà là nghệ thuật ư cũng sẽ giúp bạn giải thích được những câu hỏi như vì sao bồn tiểu lại có thể là tác phẩm nghệ thuật? Không chỉ là chiếc bồn tiểu thông thường, nghệ sĩ Duchamp đã tách nó ra khỏi bối cảnh nhà vệ sinh và đặt tên cho tác phẩm của mình là Vòi phun.
Hay một bức tranh vẽ Chúa bằng nước tiểu đẹp đến cỡ nào? Một con cá mập ngâm trong dung dịch formol được định giá bao nhiêu?... Và còn nhiều tác phẩm thú vị hơn với các viện giải hấp dẫn đều có trong cuốn sách này.
Đọc xong Thế mà là nghệ thuật ư, độc giả sẽ cái nhìn rộng mở về lịch sử nghệ thuật đương đại, biết được những cái tên tiêu biểu, và những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong trường phái này.
Nghệ thuật chiêm ngưỡng - Lance Esplund
Đúng như cái tên của cuốn sách Nghệ thuật chiêm ngưỡng (Quách Đình Đạt dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), tác giả Lance Esplund đi vào luận đề chính: Hiểu nghệ thuật hiện đại và đương đại.
Lấy cái "đẹp" để bàn luận về các tác phẩm nghệ thuật, tác giả đưa ra các "rắc rối" trong việc cảm thụ và tiếp nhận của công chúng. Đặc biệt, tác giả còn đi sâu kiến giải những tác phẩm nghệ thuật đương đại, vốn gây sốc và khó hiểu. Một lời giải đáp đầy sâu sắc cho những ai còn nghi ngờ và cho rằng nghệ thuật đương đại nhạt nhẽo và vô nghĩa.
Cuốn sách cũng cho thấy một lịch sử nghệ thuật liền mạch và tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, với những giá trị và mục đích khác nhau. Tác giả còn chỉ ra rằng, không có quá khứ hay tương lai trong nghệ thuật. Nếu một tác phẩm nghệ thuật không thể luôn sống trong hiện tại thì nó không cần phải xem xét chút nào.
Cuối cùng, Lance Esplund khuyến khích công chúng, những người thưởng lãm tin tưởng vào sở thích, bản lĩnh và quan điểm của mình. Nếu bạn đang loay hoay với những câu hỏi đại loại như "Rút cục, cái đẹp nằm ở đâu trong tác phẩm" hay "thế mà là nghệ thuật ư?", cuốn sách này sẽ thực sự hữu ích.